Hàng thừa kế thứ 2

Một phần của tài liệu PHáp luật diện hàng thừa kế áp dụng thực tiễn (Trang 45 - 50)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ

1.4 Hàng thừa kế theo pháp luật

1.4.2 Hàng thừa kế thứ 2

Hàng thừa kế thứ hai được xác định căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015 bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Như vậy, những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai dựa trên mối quan hệ huyết thống.

Ông nội, bà nội là người sinh ra cha của cháu. Ông ngoại, bà ngoại là người sinh ra mẹ của cháu. Ông bà nội ngoại là những người thân thích thuộc bề trên của người để lại di sản, có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Do đó, nếu ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại còn sống vào thời điểm người cháu chết sẽ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ hai của người cháu đó. Ngược lại, trong trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại chết thì cháu ruột là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thứ hai. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nét đẹp đặc thù trong văn hóa Việt Nam:

"kính trên, nhường dưới, ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền".

Hàng thừa kế thứ hai còn bao gồm anh, chị, em ruột của người chết. Quan hệ thừa kế này được hình thành theo một căn cứ duy nhất là quan hệ huyết thống, bao gồm những người có quan hệ huyết thống trực hệ cùng một đời. Từ Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 đến BLDS 2015, đều quy định như nhau về anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết thuộc hàng thừa kế thứ hai theo pháp luật, được hưởng di sản của người chết khi

không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất.

Nếu anh hoặc chị hoặc cả anh chị chết thì em ruột sẽ là người thuộc hàng thừa kế thứ hai đối với di sản của anh, chị đã chết và ngược lại. Như đã chỉ ra ở trên, con nuôi không đương nhiên trở thành anh, chị, em của con đẻ của người nuôi nên giữa con nuôi và con đẻ không phải là người thừa kế theo pháp luật của nhau.

Những người thừa kế ở hàng thứ hai cũng là hàng ưu tiên hưởng di sản thừa kế so với người thuộc hàng thừa kế thứ ba. Tuy nhiên, những người này được ưu tiên hưởng di sản trong trường hợp ở hàng thứ nhất không có ai hưởng di sản theo luật định hoặc có những người thừa kế từ chối hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, hoặc trường hợp không được hưởng thừa kế thì những người thuộc hàng thừa kế thứ hai mới được hưởng di sản. Sở dĩ như vậy vì ông, bà, anh chị em, cháu không thể là người thừa kế ưu tiên hoặc cùng hàng so với con, cha, mẹ, vợ, chồng của người chết vì mức độ gần gũi, thân thuộc không thể bằng những người này nếu xét trên phương diện hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.

Những người thừa kế thuộc hàng thứ hai được hưởng di sản như nhau theo pháp luật.

Quy định này có sự dung hòa khá cao giữa quan niệm kinh tế và quan niệm đạo đức về cơ sở của quyền thừa kế. Di sản của người chết để lại cho người thân thuộc trực hệ thuộc bề trên, một phần để lại cho người thuộc bề dưới và cùng bậc với mình. Nếu chỉ để lại cho người cao tuổi hơn thì người này sẽ sống được bao lâu để duy trì khối tài sản. Vì vậy, luật quy định để lại di sản cho lớp người trẻ hơn nhằm phát huy giá trị kinh tế của di sản trên thực tế.

Như vậy, giữa những người thừa kế ở hàng thứ hai là những người có mối quan hệ thân thuộc đối với người chết, trong đó có những người thuộc bề trên, có những người cùng bậc, có những người là bề dưới của người để lại di sản. Việc quy định ông, bà, anh, chị, em ruột, cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại thuộc hàng thừa kế thứ hai của người để lại di sản sự phù hợp với nguyên tắc của pháp luật thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống nuôi dưỡng, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ đối với nhau cả khi còn sống cũng như khi họ chết đi

1.4.3 Hàng thừa kế thứ 3

Hàng thừa kế thứ ba được quy định để dự liệu trường hợp cả hai hàng trên không còn người thừa kế. Quy định như vậy nhằm đảm bảo sự nối tiếp về quyền sở hữu tài sản trong dòng họ, đảm bảo quyền lợi của những người thân thích, gần gũi với người để lại di sản. Những

người thừa kế ở hàng thứ ba được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015, bao gồm "cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;

cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại". Có thể nhận thấy, những người ở hàng thừa kế thứ ba gồm nhiều thế hệ và nhiều bậc trên - dưới khác nhau theo quan hệ huyết thống. Cụ nội là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của cha đẻ. Cụ ngoại là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của mẹ đẻ. Khi người để lại di sản (chắt) chết thì cụ là người thuộc hàng thừa kế thứ ba của chắt và ngược lại.

So sánh với quy định tương ứng trong BLDS năm 1995, cũng giống như trường hợp giữa ông bà và cháu, BLDS năm 1995 không xếp chắt là hàng thừa kế thứ ba của cụ nội, cụ ngoại. Đến BLDS năm 2005 và BLDS 2015 đã có sự bổ sung, khắc phục những hạn chế của những qui định trước đó, ghi nhận chắt thuộc hàng thừa kế thứ ba của cụ nội, cụ ngoại.

Bác ruột là anh ruột hoặc chị ruột của cha đẻ hoặc mẹ đẻ của người chết để lại di sản.

Chú ruột là em trai ruột của cha đẻ của người chết để lại di sản. Cậu ruột là em trai ruột của mẹ đẻ của người chết để lại di sản. Cô ruột là em gái ruột của cha đẻ của người chết để lại di sản. Dì ruột là em gái ruột của mẹ đẻ của người chết để lại di sản.

Như chúng ta đã biết, trong thực tiễn cuộc sống, cách xưng hô trong gia đình người Việt Nam rất phong phú và tinh tế, có tôn ti trật tự, thể hiện nét đặc trưng của mỗi vùng miền. Bậc bề trên của cha mẹ nói chung gọi là là ông bà tổ tiên. Nếu như ở miền Bắc gọi là "cụ" thì ở miền Trung lại có cách xưng hô là "ông bà cố". Trong mối quan hệ cha mẹ con cái, anh chị em:

cả ba miền Bắc Trung, Nam đều gọi là "cha, ba", ở miền Bắc còn gọi là "bố", miền Nam còn gọi là "tía", ở miền Trung một vài nơi còn gọi cha bằng chú; cả ba miền đều gọi là "mẹ", ở miền Bắc thời xưa thường xưng hô là "u, bu", ở miền Nam gọi là "má", miền Trung là "mạ".

Trong mối quan hệ anh chị em của cha mẹ: anh ruột của cha gọi là bác, em trai ruột của cha gọi là chú, chị ruột của cha gọi là "bác" ở miền Bắc và "cô, o" ở miền Trung, Nam; em gái ruột của cha gọi là "cô" ở miền Bắc và xưng là "o" ở miền Trung; anh trai ruột của mẹ, ở miền Bắc gọi là "bác" còn ở miền Trung, Nam lại gọi là "cậu"; chị gái ruột của mẹ, người miền Bắc gọi là "bác" trong khi người miền Trung, Nam gọi là "dì"; em gái ruột của mẹ đều được gọi là "dì" ở cả ba miền. Mặc dù cách xưng hô ở các vùng miền có sự khác nhau nhưng đều chỉ chung một chủ thể và do đó phải tuân thủ theo quy định chung của pháp luật.

Quan hệ thừa kế giữa những người này và người để lại di sản hình thành trên cơ sở mối

quan hệ huyết thống bàng hệ giữa hai đời liền kề nhau. Như vậy, khi chia thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế trong cùng một hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau và theo thứ tự ưu tiên tuyệt đối giữa các hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế xét theo trình tự hàng thừa kế và thứ tự ưu tiên, rất hiếm trường hợp những người ở hàng thứ ba được hưởng thừa kế và việc lập hồ sơ đối với hàng thừa kế thứ ba gặp nhiều khó khăn so với việc lập hồ sơ đối với hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai. Lý do là bởi hàng thừa kế thứ ba được cơ cấu gồm nhiều thế hệ và nhiều bậc trên dưới khác nhau, cả bên nội và bên ngoại của người để lại di sản. Do đó, để xác minh liệt kê, tập hợp được đầy đủ những người thuộc hàng thừa kế thứ ba không phải là đơn giản và rất dễ xảy ra tình trạng bỏ sót.

Hàng thừa kế thứ ba được quy định để đảm bảo sự nối tiếp về quyền sở hữu tài sản trong dòng họ, đảm bảo quyền lợi của một số người thân gần gũi của người chết có di sản để lại. Nhưng không phải tất cả các văn bản pháp luật về thừa kế ở Việt Nam từ trước đến nay đều quy định về hàng thừa kế này. Tùy từng giai đoạn phát triển của đất nước mà có sự thừa nhận khác nhau về hàng thừa kế này.

Việc quy định mở rộng hàng thừa kế đã đảm bảo quyền lợi cho những người có quan hệ họ hàng với người có di sản để lại khi chết và phù hợp với ý chí của người để lại di sản, là hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của các thành viên trong gia đình, củng cố, phát huy tình đoàn kết yêu thương, gắn bó giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình và trong họ hàng.

Với việc ra đời kế thừa ý chí của các văn bản pháp luật trước đó, BLDS 2015 đã hoàn thiện được hàng thừa kế 1 cách hoàn chỉnh và phù hợp nhất. Phát huy truyền thống gia đình, uống nước nhớ nguồn, lá rụng về cội của dân tộc Việt Nam ta.

Kết luận chương 1

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử khác nhau, thừa kế (bao gồm hai hình thức thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật) luôn được coi là một chế định quan trọng trong pháp luật dân sự Việt Nam. Thừa kế theo pháp luật là sự dịch chuyển di sản của người đã chết cho người còn sống theo điều kiện, trình tự hàng thừa kế. Nội dung chính để xác định những người thừa kế theo pháp luật chính là việc xác định diện và hàng thừa kế. Theo đó, pháp luật hiện hành quy định diện thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ nuôi dưỡng giữa người thừa kế với người để lại di sản. Điểm đặc biệt và tiến bộ là không có sự phân biệt giữa con trai, con gái, con trong giá thú hay con ngoài giá thú, tất cả đều được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp.

Trên cơ sở diện thừa kế, pháp luật còn quy định cụ thể về hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên dựa trên tính chất gần gũi với người để lại di sản. Những qui định này không những bảo vệ được quyền thừa kế của công dân mà còn thể hiện chủ trương đường lối phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội.

CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ DIỆN VÀ HÀNG THỪA KẾ

Một phần của tài liệu PHáp luật diện hàng thừa kế áp dụng thực tiễn (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)