Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN HỆ THỐNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN THANH TRÌ
1.2. Tổng quan huyện Thanh Trì và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa
1.2.3. Một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của huyện Thành Trì
Đình Vạn Phúc: Đình gồm tam quan, đại đình, phương đình và nhà tả, hữu mạc. Tam quan dài 13m, cao 6m, xây kiểu chồng diêm. Đại đình là toà nhà hình chữ nhật làm theo kiểu đầu hồi bít đốc, bộ khung làm theo kiểu
“thượng rường hạ kẻ” với 4 hàng chân cột, phía trên là bộ mái vảy. Phương đình hình vuông xây chồng diêm 8 mái, các mảng trang trí mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Hậu cung có kết cấu kiến trúc hình chữ “đinh”, hay
0%
1000%
2000%
3000%
4000%
5000%
6000%
Đình Đền Chùa Nhà thờ Miếu
Hệ thống di tích
còn gọi là hình chuôi vồ, làm theo kiểu “thượng rường hạ kẻ” đơn giản. Nhà trong đặt khám thờ và long ngai, bài vị Thành hoàng. Các bức hoành phi, câu đối, cuốn thư, bộ bát bửu, long đình, kiệu gỗ, khám thờ, hương án được chạm trổ tinh vi mang nét nghệ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Chùa Vạn Phúc: Chùa gồm các công trình tiền đường, toà thiêu hương và thượng điện. Tiền đường là một hình chữ nhật dài 15,5m, rộng 5m, bộ vì kèo được làm dưới dạng “thượng rường hạ kẻ” với 4 hàng chân cột, mái lợp ngói ta. Trong tiền đường có 4 bộ tượng, thứ tự từ trái qua phải gồm chính giữa là tượng Hộ Pháp, bên trái là bàn thờ bà Chúa họ Trần, bên phải là tượng và bia hậu của bà Chúa. Toà thiêu hương là một ô vuông xây cao hơn toà tiền đường khoảng 0,20m là nơi thỉnh kinh niệm Phật. Đình Vạn Phúc cùng với chùa đã được công nhận di tích lịch sử - văn hoá năm 1992.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn 1.
Công tác quản lý: Cụm di tích được đầu tư nâng cấp cổng tam quan và các hạng mục di tích. Quy chế bảo vệ di tích được niêm yết với những quy định cụ thể, rõ ràng. Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Còn xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, làm ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp cảnh quan và không gian thiêng của di tích vẫn chưa được giải quyết triệt để, đặc biệt vào những ngày tổ chức lễ hội làng.
1.2.3.2. Cụm di tích đình - chùa Triều Khúc (xã Tân Triều) - Giới thiệu di sản
Đình Triều Khúc: Đình có kiến trúc gồm nghi môn, phương đình, hai dãy nhà dải vũ, đại đình và hậu cung. Nghi môn là một khoảng sân rộng.
Phương đình được làm kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, mái lợp ngói di. Đại đình được kết cấu 6 hàng chân cột, bao gồm 8 cột cái và 16 cột quân theo
kiểu “thượng thu hạ thách”. Hậu cung của đình Triều Khúc gồm 3 gian dọc được làm nối liền với gian giữa đại đình theo kiểu chữ Đinh. Đình vẫn giữ được một hệ thống di vật có giá trị như hệ thống ngai thờ, sập thờ, nhang án, kiệu cùng với 18 bức hoành phi, 5 đôi câu đối.
Đền Triều Khúc: Đền có kiến trúc mái uốn cong hình đầu rồng, nền nhà là sàn gỗ, mặt trước sau để trống. Nhà Tiền tế kiểu đầu hồi bít đốc, tường hồi tay ngai, trang trí nghê và mặt trời, vì kèo được làm kiểu “chồng rường giá chiêng”. Trung đền dạng 2 tầng, 8 mái đầu đao uốn cong thành hình đầu rồng. Hậu cung có long ngai bài vị và hòm sắc của thần. Đền còn lưu giữ 1 cuốn Thần phả ghi sự tích của Bố Cái Đại Vương, 11 sắc phong năm Cảnh Hưng 44 (1783), Khải Định 9 (1924), 18 hoành phi, 32 đôi câu đối, 2 bộ long ngai bài vị, 3 bộ kiệu, 4 bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, 1 sập gỗ thờ, 11 bát hương sứ, 5 bộ tam sự bằng đồng, 2 bộ bát bửu, 3 hương án, mâm bồng, lọ hoa sứ, 1 đôi quán tẩy. Cụm di tích đình - đền Triều Khúc được công nhận di tích lịch sử - văn hoá năm 1993.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Triều Khúc.
Công tác quản lý: Cụm di tích được đầu tư xây dựng, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa. Quy chế bảo vệ di tích được niêm yết cụ thể, rõ ràng.
Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Một số hạng mục công trình phụ trợ trong di tích bị xuống cấp làm ảnh hưởng đến hoạt động tín ngưỡng của di sản. Tình trạng xâm hại hành lang di tích chưa được giải quyết triệt để.
1.2.3.3. Cụm di tích đình - chùa Ba Dân (xã Tứ Hiệp) - Giới thiệu di sản
Đình Ba Dân: Đình có kiến trúc gồm nghi môn, phương đình, trung đình, đại đình và hậu cung. Nghi môn xây cao theo kiểu chồng diêm tám mái.
Phương đình là ngôi nhà vuông, đỡ các mái nhỏ mang nét nghệ thuật của thời Nguyễn. Trung đình là một toà nhà lớn rộng 5 gian, các bộ vì kèo làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng xà nách”. Nhà đại đình gồm 5 gian, mái lợp ngói ta, phía trước mở các cửa bức bàn bằng gỗ. Hậu cung gồm 3 gian, các thức vì có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Bên trong đặt các bộ long ngai bài vị và tượng của các vị thành hoàng làng.
Chùa Ba Dân (Long Quang Tự): Chùa có kiến trúc gồm tam quan, khu chùa chính, sau cùng là nhà thờ Mẫu. Tam quan được xây 2 tầng, 8 mái, 3 cửa vòm. Khu chùa chính có kết cấu kiến trúc hình chữ “đinh” bao gồm tiền đường và thượng điện. Toà tiền đường gồm 5 gian xây theo kiểu “đầu hồi bít đốc tay ngai”. Toà thượng điện gồm 5 gian kiến trúc chuôi vồ, bộ khung làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, xà nách đăng đối. Ở phía sau gồm 3 nếp nhà, vòng quanh sân là nhà khách, nhà Tổ và nhà thờ Mẫu. Đình - chùa Ba Dân được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1994.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Cổ Điển.
Công tác quản lý: Cụm di tích được đầu tư xây dựng, tôn tạo các hạng mục: cổng tam quan, phương đình, trung đình. Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chưa tuân thủ theo Luật di sản, chưa đúng với nguyên gốc của di tích.
1.2.3.4. Cụm di tích đình - chùa Đại Lan (xã Duyên Hà) - Giới thiệu di sản
Chùa Đại Lan: Chùa có quy mô kiến trúc khá lớn 2 ngôi nhà liền tiếp nhau. Nhà tiền tế làm nơi hội họp của dân làng, nhà phía sau làm chùa thờ Phật. Nhà phía sau chùa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, 3 gian tiền đường gắn thông với 2 gian hậu cung. Tại hậu cung có xây các bệ cao đặt pho tượng
Phật Tam Thế, A Di Đà, Ngọc Hoàng, hai bên là Phạm Thiên, Đế Thích, Thích Ca sơ sinh, Kim Đồng và Ngọc Nữ. Phía ngoài Tiền đường có các bệ thờ Đức Ông, Thánh Hiền, Diệm Nhiên và Đại Sĩ. Bên cạnh chùa là nhà thờ Tổ và Mẫu cũng được xây theo hình chữ Đinh, có tiền đường và hậu cung.
Đình Đại Lan: Đình có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 3 gian tiền đình và 2 gian hậu cung. Hai gian bên nền tiền đình được tôn cao 20cm làm chỗ ngồi cho dân làng mỗi khi có hội họp. Trong hậu cung còn có 1 khám lớn, đặt các long ngai và bài vị của 4 vị Thành hoàng làng. Đình còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị, với 11 đạo sắc phong của các triều Lê và Nguyễn.
Một cửa võng, 3 long ngai bài vị, 1 hương án, 2 án văn, 2 cây trúc hoá long nghê, 4 bộ kiệu, bát hương gồm, choé sứ, những hiện vật này đều mang nét nghệ thuật thế kỷ XVIII. Cụm di tích đình – chùa Đại Lan được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1989.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Đại Lan.
Công tác quản lý: Không xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật và đồ thờ tự.
Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bảo vệ di sản văn hóa chưa cao. Một số hạng mục di tích bị xuống cấp do chưa có kinh phí sửa chữa.
1.2.3.5. Cụm di tích đình - chùa Huỳnh Cung (xã Tam Hiệp) - Giới thiệu di sản
Chùa Huỳnh Cung: Chùa được làm kiểu nội công, ngoại quốc, phía trước là Tiền đường, phía sau là Thượng điện, nối liền hai công trình là ống muống. Nhà Tiền đường gồm 5 gian, cửa bức bàn, kiến trúc 4 hàng chân, hàng bên trong đã thay bằng tường gạch. Thượng điện gồm 5 gian, kiến trúc
làm theo lối „vì kèo” bào trơn đóng bén. Tất cả các pho tượng trong chùa đều được sơn son thiếp vàng, mang phong cách tạo tượng của thế kỷ XVIII, XIX.
Đình Huỳnh Cung: Đình thờ Hồng Bác Đại Vương và Uy Mang Đại Vương - con vùa Hùng 17. Trong đình còn phối thờ Chu Văn An là người có công lớn đối với dân làng Huỳnh Cung. Không có tài liệu lưu giữ về niên đại xây dựng, nhưng căn cứ vào các bia dựng vào các năm 1717, 1757 thì đình đã được xây dựng trước đó. Đây là đất qui xà ẩm thuỷ có hồ nước Đầm Mực và có sông Tô Lịch sát cạnh. Cụm di tích được công nhận di tích lịch sử - văn hoá năm 1989.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Huỳnh Cung.
Công tác quản lý: Cụm di tích được bảo quản khá tốt. Chưa xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật và đồ thờ tự của di tích. Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Cổng tam quan đình Huỳnh Cung, hệ thống vì kèo mái chùa Huỳnh Cung được tôn tạo, sửa chữa không đúng với nguyên gốc của di sản, làm mất đi giá trị của di tích.
1.2.3.6. Cụm di tích đình - chùa Lạc Thị (xã Ngọc Hồi) - Giới thiệu di sản
Chùa Lạc Thị: Chùa có kiến trúc gồm cổng tam quan, chùa chính, nhà Tổ và nhà Mẫu. Cổng quan có 2 tầng, 3 lớp mái, đầu đao cong. Chùa chính, kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tiền đường và hậu cung. Nhà Tổ và nhà Mẫu nối liền tường hồi phía trái tiền đường. Hai bên và phía trước tường hồi tiền đường là 2 cột trụ cao, trên đỉnh đắp hình nghê, bờ nóc tiền đường đắp nổi lưỡng long triều nguyệt. Khung chùa chính được trang trí các hình long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, lan chạm khắc tinh vi. Chùa Lạc Thị vẫn bảo tồn được nhiều nét kiến trúc và điêu khắc của các thế kỷ XVII, XVIII, XIX.
Đình Lạc Thị: Đình có kiến trúc gồm cổng tam quan, giếng, tiền đường và hậu cung. Cổng tam quan xây 4 cột trụ với một cổng chính và 2 cổng phụ.
Qua tam quan là một giếng đình, giữa giếng có một hòn đảo nhỏ trên trồng cây cảnh. Đại đình gồm tiền đường nối liền với hậu cung. Trong hậu cung có 2 ngai thờ với bài vị, phía trước ở hai bên ngai thờ đặt tượng 2 ông phỗng quỳ. Giữa tiền đường đặt một hương án chạm trổ tứ linh, cỏ cây, hoa lá... Hai bên hương án đặt một bộ bát bửu, một kiệu bát cống và một số đồ thờ khác.
Quần thể đình - chùa Lạc Thị mang phong cách kiến trúc thời Lê được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1990.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Lạc Thị.
Công tác quản lý: Cổng tam quan và nhà Mẫu được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. Công tác quản lý, phát huy giá trị di tích được thực hiện tốt.
Tồn tại và hạn chế: Một số hạng mục di tích được tôn tạo không đúng với nguyên bản gốc của di tích. Tình trạng lấn chiếm hành lang di tích vẫn còn xảy ra, chưa được giải quyết triệt để.
1.2.3.7. Cụm di tích đình - chùa Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) - Giới thiệu di sản
Chùa Quỳnh Đô: Kiến trúc của di tích gồm tam quan, chùa chính, nhà khách, nhà Tổ, nhà Mẫu, khu nhà bia cùng vườn sân phía sau. Tam quan là chùa chính xây theo kiểu chữ Đinh, tiền đường và hậu cung. Tại tiền đường, ở hai bên còn các tượng Đức Ông, đức Thánh Hiền và 2 tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác đều được tạc lớn. Đa số các tượng khác có phong cách ở thế kỷ XIX. Phía sau chùa chính là nhà thờ Tổ, nhà Mẫu. Ngoài 32 pho tượng tròn, chùa Quỳnh Đô còn lưu giữ được nhiều hiện vật như 2 quả
chuông đồng, 2 hương án, 6 tấm bia đá, 1 cửa võng, 4 bát hương sứ, 1 lư đồng, nhiều cây đèn.
Đình Quỳnh Đô: Đình được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII. Từ ngoài đi sâu vào là cổng tam quan, cửa giữa to cao và 2 cửa tả hữu thấp hẹp hơn. Phía trên cửa đắp nổi 4 chữ Hán “ Quỳnh Đô công đình”. Tiếp đến là sân đình, nhà tiền tế, đại đình và hậu cung. Đình còn lưu giữ được cuốn Thần phả ghi sự tích công trạng của Tô Hiến Thành, 24 sắc phong, 1 tấm bia khắc thời Gia Long (1819), 9 bức hoành phi, 7 đôi câu đối chữ Hán, 1 bộ kiệu gỗ, 1 bức cuốn thư, 2 bức y môn, 2 cửa võng, 1 bộ long ngai và bài vị. Cụm di tích được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa năm 1989.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Quỳnh Đô.
Công tác quản lý: Cụm di tích được đầu tư xây dựng một số hạng mục sau: điện thờ tại chùa chính được tôn tạo lại, gian hậu cung và một số bệ thời của đền được tu sửa, nâng cấp. Hồ sơ di tích được bảo quản tốt.
Tồn tại và hạn chế: Công tác tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị di tích chưa cao. Còn xảy ra tình trạng vi phạm, lấn chiếm hành lang di tích.
1.2.3.8. Cụm di tích đình - chùa Thọ Am (xã Liên Ninh) - Giới thiệu di sản
Đình Thọ Am: Đình có quy mô kiến trúc gồm đại đình và hậu cung.
Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.
Hậu cung nối với gian giữa đại đình, gồm 5 gian, xây tường bao kín tạo thành chữ “đinh”. Nhà rộng, có 4 bộ vì kèo được làm theo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”. Đình còn lưu giữ được 4 bia đá thời Nguyễn thế kỷ XIX, 2 bức hoành phi, 2 đôi câu đối, 1 hương án gỗ chạm thủng hoa văn rồng, hổ phù,
mây, lá đề, hoa chanh thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII, XVIII), 1 bộ bát bửu chạm khắc đề tài long - ly - quy - phượng, 1 bộ đòn kiệu chạm rồng và 1 bộ đòn kiệu lớn. Ngoài ra đình còn lưu giữ 1 chuông đồng có niên đại vào thế kỷ XIX, 1 bát hương gốm thế kỷ XVIII, 1 lư hương đồng niên hiệu Tuyên Đức đời Minh Tuyên Tông (thế kỷ XV) cùng 1 cuốn Thần phả và 31 đạo sắc phong cho các thần trải dài từ thời Lê, Tây Sơn và thời Nguyễn…
Đền Thọ Am: Đền có kiến trúc hình chữ “đinh” và khu tả mạc. Nhà tiền tế gồm 3 gian, được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, 4 bộ vì có kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”, mái phân “thượng tứ hạ ngũ”. Hậu cung 2 gian xây dọc gắn với gian giữa tiền đường, kết cấu đơn giản. Trong nhà xây bệ gạch cao để đặt đồ thờ và tượng Thánh Mẫu. Đền còn lưu giữ được một bộ di vật rất có giá trị như: 1 bức hoành phi, 1 cuốn thư chạm rồng chầu, 1 pho tượng tròn, 2 khám thờ, 1 lọ sứ men trắng hoa lam, đỉnh đồng, chuông đồng đều có niên đại vào thế kỷ XIX, 1 bia hậu thời Bảo Đại và 3 đạo sắc phong thần thời Nguyễn. Cụm di tích đình - đền Thọ Am được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật năm 1992.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Quỳnh Đô.
Công tác quản lý: Đền được tu sửa lại phần mái của gian đại đình, lát gạch đỏ gian hậu cung và nhà thời Mẫu.
Tồn tại và hạn chế: Hoạt động tâm linh như trình đồng, hầu đồng được tổ chức thường xuyên đã làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh di sản. Mặc dù người dân có làm đơn khuyến nghị đến chính quyền địa phương nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
1.2.3.9. Cụm di tích đình – chùa Yên Mỹ (xã Yên Mỹ) - Giới thiệu di sản
Đình Yên Mỹ: Đình có kiến trúc gồm nhà tiền tế, đại đình, hậu cung. Cổng đình xây kiểu tứ trụ, dọc 2 bên là 2 dãy nhà tả hữu mạc rồi đến đại đình và Hậu cung. Đại đình là nếp nhà ngang kiểu bít đốc, khung gỗ chồng rường giá chiêng, đầu dư gian giữa chạm đầu rồng ngậm ngọc.
Hậu cung có niên hiệu Minh Mệnh 17 (1837), gian giữa và hai bên đều có cửa võng sơn son thiếp vàng, đây là nơi là đặt bài vị của Cao Sơn đại vương. Ngoài ra, đình còn giữ được quả chuông đồng đúc vào niên hiệu Cảnh Hưng 20 (1794) và 1 quả đúc năm Bảo Đại 14 (1939), 35 pho được tạc tạo chính ở thế kỷ XIV và 2 khánh đồng cùng nhiều bia đá ghi công đức người giữ hậu.
Chùa Yên Mỹ: Chùa có kiến trúc gồm chùa chính, nhà Mẫu, nhà tổ và nhà khách. Chùa chính gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện tạo kiểu kiến trúc chữ Đinh. Thượng điện có 5 lớp tượng: Tam thế ở trên cùng, A Di Đà, Quan Thế Âm và Đại Thế Chí là lớp thứ 2, dưới có Thích ca Bồ Tát, Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, lớp thứ 5 là tượng Di Lặc. Ngoài ra còn có tượng Cửu Long, tượng Đức ông, Thánh tăng ở tiền đường và một số tượng hậu. Nhà Mẫu thờ Tam toà Thánh Mẫu, ngoài ra còn thờ hòn đá thiêng mà dân vẫn gọi là “Thạch quan Bồ Tát”. Cụm di tích đình - chùa Yên Mỹ được công nhận di tích lịch sử - văn hoá năm 1996.
- Thực trạng di sản
Cấp quản lý: Tiểu ban quản lý di tích thôn Yên Mỹ.
Công tác quản lý: Chùa Yên Mỹ nhận được sự quan tâm của tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm đóng góp kinh phí tu bổ chùa chính và nhà thờ Mẫu.
Không để xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật, đồ thờ tự trong di tích.