Những thành tựu và hạn chế trong công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 76 - 81)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN

2.3. Đánh giá chung về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

2.3.3. Những thành tựu và hạn chế trong công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

2.3.3.1. Những thành tựu đạt được

Trong những năm qua, huyện Thanh Trì đã thực hiện trùng tu nhiều hạng mục di tích cấp quốc gia và cấp thành phố. Để có được thành tựu trên, trước hết phải kể đến sự quan tâm đầu tư kinh phí của thành phố Hà Nội dành cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, cùng với sự chỉ đạo của huyện Thanh Trì, sự đóng góp của các tập thể, cá nhân chung tay góp sức xây dựng, tôn tạo nhiều di tích được xếp hạng đang có nguy cơ bị xuống cấp. Bên cạnh đó, huyện Thanh Trì đã đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép xây dựng, tôn tạo di tích. Giai đoạn 2013 – 2015, huyện Thanh Trì đã tu bổ, tôn tạo được 23 di tích, trong số đó có 13 di tích đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 3 di tích đang lập dự án, 5 di tích đang thi công. Việc lập hồ sơ xin tu bổ tôn tạo di tích đã tuân thủ theo hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thông tin, Ban QLDT - DT Hà Nội. Nhìn chung, những thành tựu trong công tác quản lý di tích của huyện Thanh Trì đạt được trên các phương diện sau:

- Về thực hiện quy trình: Trong giai đoạn 2013 - 2015 công tác tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì đảm bảo tốt, thực hiện đúng quy định trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án.

- Về chất lượng công trình: Công tác nghiệm thu và bàn giao sử dụng di tích được đảm bảo. UBND huyện Thanh Trì đặc biệt quan tâm trong việc tu bổ các di tích đã bị xuống cấp, không để xảy ra trường hợp nào tu bổ trái phép, lấn chiếm hủy hoại di tích, không để xảy ra các trường hợp cháy nổ, mất vệ sinh môi trường tại các di tích.

- Về công tác tuyên truyền: Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về di sản, di tích, các

công trình tôn giáo. Đặc biệt là tuyên truyền về luật Di sản văn hóa, luật xây dựng để mọi người hiểu được những nguyên tắc cơ bản về trùng tu, về thủ tục, quy trình xây dựng cơ bản đề thực hiện.

- Về công tác quản lý di tích: Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn về trùng tu di sản, di tích, các công trình tôn giáo trong việc quản lý, bảo vệ di sản, di tích, hướng dẫn các thủ tục khảo sát, lập kế hoạch, báo cáo đầu tư hoặc dự án, thiết kế, dự toán trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung vốn trùng tu cho các công trình xuống cấp, hướng dẫn huy động các nguồn vốn để trùng tu. Tăng cường việc kiểm tra giám sát thực hiện quản lý di sản, di tích, các công trình tôn giáo và quá trình thực hiện trùng tu. Thực hiện chặt chẽ việc phân cấp quản lý di sản, di tích, các công trình tôn giáo, phân định trách nhiệm rõ ràng đối với cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý, đầu tư trùng tu, trách nhiệm của cơ sở và người chủ trì bảo quản di sản, di tích.

- Về phát triển nguồn nhân lực: Phòng VH&TT huyện Thanh Trì phối hợp với Ban QLDT - DT Hà Nội tổ chức đào tạo bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn, chủ trì tại các di sản, di tích công trình tôn giáo bảo đảm họ phải có bằng cấp, có am hiểu về pháp luật, lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, có ý thức trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức, được nhân dân tín nhiệm, đồng thời phải củng cố và xây dựng đội ngũ tư vấn về chuyên môn nghiệp vụ về di sản văn hóa.Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cán bộ văn hóa cơ sở, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo chính quyền địa phương củng cố Ban QLDT cấp xã, cấp thôn bao gồm những người biết việc có chuyên môn xây dựng, đồng thời tuyển chọn đơn vị thi công có năng lực, có thợ giỏi, tay nghề cao về trùng tu di tích. Củng cố hồ sơ của di sản để làm cơ sở trùng tu bảo đảm gìn giữ được những nét kiến trúc cổ và bản sắc văn hóa dân tộc.

2.3.3.2. Một số hạn chế trong công tác quản lý

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý di tích ở huyện Thanh Trì những năm qua còn bộc lộ một số yếu kém và hạn chế. Đó là nhận thức về xây dựng tôn tạo di tích chưa toàn diện. Một số công trình đã bị phá dỡ đi, lắp ghép lại, hoặc làm mới, có những hạng mục thay cả vật liệu từ gỗ sang gạch, đá, thay cả hoa văn họa tiết cổ có trên hàng nghìn năm tuổi. Nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho trùng tu di tích có hạn, nên một số nơi sử dụng nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng di tích theo lối kiến trúc mới không phù hợp với lối kiến trúc cổ của di tích.

Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật chưa tốt, các cấp các ngành và nhân dân chưa nắm được Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, do vậy có nhiều hiện tượng làm trái quy định, không tuân thủ quy trình, quy phạm trong xây dựng cơ bản về trùng tu, bảo vệ di sản, di tích. Công tác phân cấp quản lý di sản, di tích, các công trình tôn giáo chưa được chỉ đạo chặt chẽ, quản lý chất lượng công trình, quản lý vốn đầu tư để trùng tu, thiếu kiểm tra kiểm soát, một số công trình đã xuống cấp chưa có biện pháp để trùng tu.

Chẳng hạn:Đình Hoa Xá ở thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai được tôn tạo (hậu cung) với tổng số tiền 600 triệu, trong đó 300 triệu là vốn nhà nước, 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, nhưng đến nay các cấu kiện gỗ bị mối mọt, gạch xây xuống cấp, mái dột. Đình Đình Phú Diễn ở thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa được tôn tạo (Đại đình và Hậu cung) với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng, trong đó 1,3 tỷ đồng là vốn nhà nước, 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, nhưng đến nay có nguy cơ toàn bộ hệ thống khung gỗ bị mối mọt, tường nứt, một số vì kèo bị gãy.

Bên cạnh đó, công tác bảo vệ di sản giao cho cơ sở quản lý, người bảo vệ không có chuyên môn nghiệp vụ. Một số nhà sư được phân công chủ

trì do không có trình độ quản lý, bảo vệ nên dễ dẫn đến sai phạm.Vẫn xảy ra trường hợp người chủ trì các công trình di tích còn làm trái quy định, các thủ tục về xây dựng cơ bản, lại không được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên còn vi phạm về nguyên tắc như, xây dựng thiếu quy hoạch, thiết kế, dự toán chưa được thẩm định phê duyệt, cá biệt có công trình chưa được cấp phép đã xây dựng, khi thanh tra kiểm tra một số công trình phải dừng thi công để làm thủ tục. Chẳng hạn chùa Ứng Linh ở xã Đại Áng tôn tạo lại ban Tam Bảo, Đình Yên Ngưu ở thôn Yên Ngưu sửa chữa lại toàn bộ hệ thống khung gỗ của ngôi Đình…nhưng không xin phép các cấp có thẩm quyền, nên bị đình chỉ thi công. Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Thanh Trì, các di tích trên mới được tiếp tục sửa chữa.

Về quản lý vốn đầu tư xây dựng có nơi chưa chặt chẽ, thiếu dân chủ công khai, có nơi nhân dân còn thắc mắc trong nội bộ. Vấn đề xã hội hóa đã góp phần tạo được vốn cho di tích, nhưng mặt trái là làm bất chấp không giữ được kiến trúc cổ và bản sắc văn hóa dân tộc, hoặc phá đi làm lại, hoặc làm theo ý của những người có vốn đóng góp. Chẳng hạn, đền Thọ Am ở xã Liên Ninh được tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa do tập thể, cá nhân hảo tâm của xã đóng góp, tuy nhiên quá trình tu sửa thiếu sự giám sát của Ban QLDT nên một số bộ phân khung gỗ, vì kèo mái, bệ thờ không đúng theo nguyên gốc của di sản. Bên cạnh đó, công tác quản lý kỹ thuật xây dựng chưa được quan tâm, các nhà đầu tư thì muốn lợi nhuận cao, phần nhiều các đơn vị thi công là các công ty xây dựng, đội ngũ thợ xây dựng thiếu kinh nghiệm trong bảo tồn di tích, thi công còn chắp vá chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm. Điều này thể hiện sự yếu kém về công tác quản lý Nhà nước đối với việc trùng tu di tích, yếu cả về tuyên truyền giáo dục pháp luật, quản lý di tích, yếu cả về hướng dẫn thủ tục xây dựng cơ bản, phân cấp bảo quản di tích, thanh tra kiểm tra. Đây cũng là bài học đối với công tác quản lý di sản văn hóa ở huyện Thanh Trì trong giai đoạn hiện nay.

Tiểu kết

Tại chương 2, luận văn giới thiệu khái quát về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ban QLDT - DT Hà Nội, phòng VH&TT huyện Thanh Trì, Ban QLDT xã, Tiểu Ban QLDT thôn. Đồng thời, nêu thực trạng công tác quản lý di tích của huyện Thanh Trì từ năm 2013 đến nay, như: Công tác tham mưu xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của di tích; công tác tham mưu với UBND huyện Thanh Trì ban hành văn bản quản lý di tích; tổ chức hoạt động nghiệp vụ bảo vệ di tích; xây dựng hồ sơ quản lý di tích; huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Ngoài những số liệu nghiên cứu thứ cấp, luận văn đi sâu nghiên cứu đánh giá của người dân trên phương diện: ứng xử của người dân đối với di tích; sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.

Đánh giá của Ban QLDT địa phương về công tác quản lý di tích: công tác thanh tra, kiểm tra vi phạm di tích; ứng dụng khoa học kỹ thuật quản lý di tích; nguồn lực quản lý di tích; sự phối hợp của các cấp chính quyền, ngành văn hóa và người dân quản lý di tích. Kết quả nghiên cứu là cơ sở đánh giá những ưu điểm, hạn chế và đề xuất các nhóm giải pháp quản lý hệ thống di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì trong những năm tới.

Chương 3

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)