Đánh giá của chính quyền địa phương về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 70 - 76)

Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN

2.3. Đánh giá chung về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

2.3.2. Đánh giá của chính quyền địa phương về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

2.3.2.1. Quản lý, khai thác giá trị di tích

* Tu bổ, tôn tạo di tích

Ông Lê Xuân Hậu, Thủ từ đình Đông Phù, Phan Tiến Đức – Chủ tịch Hội người cao tuổi ở xã Đông Mỹ đánh giá cao về công tác quản lý di tích.

Ông cho rằng : “Huyện Thanh Trì nói chung, xã Đông Mỹ nói riêng đã tích cực tuyên truyền bảo vệ, phát huy giá trị di tích. tuy nhiên do nguồn kinh phí có hạn nên một số di tích đang trong tình trạng xuống cấp chưa có phương án đầu tư sửa chữa”. Theo khảo sát người dân, có 35% ý kiến của người dân lại cho rằng hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền địa phương, nhiều di tích đang trong tình trạng bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí đầu tư. Có 15%

ý kiến cho biết vẫn để xảy ra tình trạng sai phạm trong hoạt động tôn tạo di tích, 23% ý kiến cho biết hoạt động tu bổ tôn tạo đã làm ảnh hưởng đến cảnh quan và kiến trúc di tích.

* Thanh tra, kiểm tra vi phạm di tích

Huyện Thanh Trì có số lượng di tích tương đối phong phú và đang dạng, nhiều di tích có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời, cùng với lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo của các triều đại Lý, Trần, Lê. Mặc dù có số lượng di tích được xếp hạng tương đối lớn, nhưng đến nay huyện Thanh Trì chưa xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại liên quan đến di tích. Theo phỏng vấn những người quản lý di tích: Thích Đàm Thanh - sư trụ trì chùa Thượng, Nguyễn Văn Sở - thủ từ đình Ngoại ở xã Thanh Liệt; Nguyễn Minh Huấn - thủ từ chùa Ứng Linh, Nguyễn Danh Ngần - thủ từ đình Đại Áng ở xã Đại Áng…cho biết công tác thanh tra, kiểm tra di tích đã được Đoàn công tác liên ngành của huyện Thanh Trì thực hiện theo định kỳ 3 tháng/lần. Nhờ đó, huyện Thanh Trì chưa để xảy ra tình trạng liên quan đến vi phạm di tích.

Ngoài công tác tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động quản lý di tích theo Luật di sản văn hóa, phòng VH&TT đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra di tích, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm liên quan đến công trình xây dựng di tích.

Bên cạnh đó, phòng VH&TT xử lý dứt điểm một số vụ việc lấn chiếm di tích làm nhà ở xã Đại Áng và Đông Mỹ.

* Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Huyện Thanh Trì luôn quan tâm chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân đối với Luật di sản văn hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 95% ý kiến cho biết công tác tuyên truyền Luật Di sản văn hóa đã được chính quyền thực hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông đại chúng. Nội dung này cũng được đề cập trong cuộc họp của Tiểu Ban QLDT thôn. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng tới đông đảo quần chúng nhân dân trong xã hội. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên những năm qua, các xã Tam Hiệp, Đại Áng, Thanh Liệt, Đông Mỹ không để xảy ra tình trạng vi phạm và lấn chiếm hành lang di tích.

* Ứng dụng khoa học kỹ thuật quản lý di tích

Vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý di sản văn hóa đã được được triển khai thực hiện tại một số di tích nổi tiếng trên địa bàn cả nước. Vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đem lại những thành tựu nhất định trong lĩnh vực quản lý, khai thác giá trị di sản văn hóa. Nhờ đó tình trạng xuống cấp di tích, vi phạm hành lang di tích đã được kịp thời xử lý hiệu quả.

Nhận thức được tầm quan trọng trên, Ban QLDT các xã Tam Hiệp, Đại Áng, Thanh Liệt, Đông Mỹ đã xây dựng đề án ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý các di tích cấp quốc gia trên địa bàn quản lý: Lắp đặt camera quản lý di tích, kết nối thông tin nội bộ với Ban QLDT, hệ thống hóa đồ thờ tự tại di tích.

Đặc biệt, phòng VH&TT đã phối hợp với các Ban QLDT cấp xã mời một số nhà khoa học là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng học, di tích học, lịch sử học để tư vấn phương pháp bảo tồn các hạng mục di tích có nguy cơ bị xuống cấp. Đây là việc làm cần thiết nhằm bảo tồn nguyên gốc kiến trúc nghệ thuật của di tích không bị biến dạng trong quá trình tôn tạo, sửa chữa.

2.3.2.2. Nguồn lực quản lý di tích lịch sử - văn hóa

* Ngân sách dành cho di tích

Theo ông Nguyễn Duy Tấn, Trưởng phòng VH&TT huyện Thanh Trì, nguồn ngân sách của Nhà nước dành cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích hàng năm còn khiêm tốn, chỉ đáp ứng được 30%. Tuy nhiên, huyện Thanh Trì có số lượng di tích xếp hạng cấp quốc gia tương đối lớn, do đó nguồn kinh phí được phân bổ như hiện nay chưa đủ đáp ứng cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích đang có nguy cơ bị xuống cấp. Để bảo tồn những di tích đang có nguy cơ bị xuống cấp, các cấp chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội, chủ yếu là những tập thể, cá nhân, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện đóng góp kinh phí.

Thông thường, nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm từ 70 - 80%, còn lại kinh phí Nhà nước hỗ trợ từ 20 - 30%. Có thể nói, nguồn vốn xã hội hóa có những đóng góp quan trọng để bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở huyện Thanh Trì.

* Nguồn nhân lực quản lý di tích cấp huyện

Phòng VH&TT huyện Thanh Trì có tổng số 6 cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực: quản lý di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, truyền thông, quảng cáo, phát thanh truyên truyền. Theo kết quả nghiên cứu, có 100% ý kiến cho rằng, huyện Thanh Trì cần xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực: hỗ trợ đội ngũ cán bộ văn hóa được học nâng cao, chuyển đổi ngành học theo vị trí việc làm, khuyến khích nâng cao lên trình độ Thạc sỹ quản lý văn hóa. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp văn hóa của huyện trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng đề án thành lập Ban QLDT cấp huyện để công tác quản lý thống di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì được thuận lợi và hiệu quả.

* Nguồn nhân lực quản lý di tích cấp xã

Theo quy định của thành phố Hà Nội, căn cứ theo số lượng di tích, loại hình di tích, thành phần di tích mà chính quyền địa phương có thể thành lập Ban QLDT xã, hoặc Tiểu Ban QLDT thôn. Về bộ máy tổ chức nhân sự, các thành viên trong Ban QLDT phần lớn đảm công việc kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm/khoa. Hoạt động của Ban QLDT xã chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tích UBND xã, Tiểu Ban QLDT thôn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban QLDT xã. Do cơ cấu tổ chức theo nhiệm kỳ nên nhân sự của Ban QLDT xã, Tiểu BQLD thôn thường xuyên bị thay đổi. Với đặc điểm như vậy, nguồn nhân lực trên cần được thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý di tích mới đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

2.3.2.3. Phối hợp giữa các ban ngành quản lý di tích lịch sử - văn hóa

* Ban quản lý di tích - danh thắng Hà Nội

Ban QLDT - DT Hà Nội đã tích cực phối hợp với huyện Thanh Trì trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, như: mời các chuyên gia tư vấn về lĩnh vực bảo tồn, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố. Tham mưu, tư vấn cho ngành văn hóa huyện Thanh Trì xây dựng hồ sơ di tích, hoàn thiện hồ sơ những di tích chưa đủ điều kiện xếp hạng. Đồng thời, chỉ đạo và phối hợp với phòng VH&TT kiểm kê, phân loại di tích để có phương án lập hồ sơ công nhận di tích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị của di tích và lễ hội truyền thống. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý di sản văn hóa.

* Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Trì

Công tác chỉ đạo quản lý di tích và lễ hội trong những năm qua đã gặt hái được những thành tựu nhất định, tuy nhiên có 95% ý kiến cho biết vẫn xảy ra tình trạng vi phạm hành lang di tích để buôn bán, đặc biệt vào các

ngày lễ tết, lễ hội. Do đó, phòng VH&TT đã phối hợp với chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến di tích. Tham mưu cho UBND huyện Thanh Trì lập hồ sơ một số di tích xếp hạng cấp thành phố đề nghị với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội nâng cấp xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Đối với những di tích nhưng chưa được xếp hạng, phòng VH&TT huyện Thanh Trì phối hợp với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hồ sơ để trình Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội xem xét xếp hạng.

Phối hợp với Ban QLDT cấp xã tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của di tích, cũng như trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của di tích.

* Phối hợp quản lý, khai thác giá trị di tích

Theo kết quả nghiên cứu, có 95% ý kiến đánh giá tích cực các hoạt động phối hợp quản lý và khai thác giá trị của di tích. Hàng năm, phòng VH&TT xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với Ban QLDT xã tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở và những người trực tiếp quản lý di tích.

Đồng thời, triển khai các hoạt động thu hút đầu tư xây dựng, tôn tạo những di tích được nhà nước xếp hạng đang có nguy cơ bị xuống cấp. Việc làm trên đã huy động được sự đóng góp của tập thể, cá nhân trong xã hội. Đối với những di tích chưa được xếp hạng, Ban QLDT xã có hình thức kiểm tra, giám sát, tuyên truyền những tập thể, cá nhân quản lý di tích tuân thủ Luật di sản văn hóa trong các hoạt động xây dựng, tu bổ di tích. Bên cạnh những thuận lợi trên, có 37% ý kiến cho rằng vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo trong lĩnh vực quản lý di tích. Phần lớn những di tích do cộng đồng, hoặc tư nhân quản lý đã tự ý xây dựng, tu bổ theo hướng thương mại hóa, làm sai lệch và biến dạng di tích.

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 70 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)