Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN THANH TRÌ
3.3. Giải pháp quản lý và khai thác giá trị của di tích
3.3.10. Giải pháp xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa
Xã hội hoá các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Thời phong kiến, nhà nước không bao cấp cho các hoạt động bảo vệ di tích văn hoá, mà chỉ sử dụng quyền quản lý của mình can thiệp vào hoạt động này, mà thông qua ban hành sắc phong cho đối tượng thờ phụng trong di tích. Trước Cách mạng tháng 8/ 1945, hình thức xã hội hoá bảo tồ di tích văn hoá vẫn dựa vào tổ chức tự quản của cộng đồng làng xã với phương thức hoạt động chủ yếu dựa vào sự đóng góp tự nguyện của người dân. Nhờ đó, các di tích tiếp tục được bảo vệ với tư cách là những trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng.
Thời kỳ bao cấp, việc xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di tích được thực hiện ở những mức độ, hình thức khác nhau. Nhiều di tích vẫn được cộng đồng cử người trông nom bảo vệ. Thời kỳ đổi mới, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích diễn ra khắp nơi không chỉ đối với ngành văn hoá mà còn trở thành hiện tượng mang tính xã hội. Cũng chính vì hoạt động xã hội hoá một cách tự phát, cùng với những kinh nghiệm từ thực tiễn đã tạo ra tiền đề quan trọng để thực hiện chủ trương xã hội hoá bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Xã hội hoá các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích là nhằm thu hút đông đảo lực lượng trong xã hội cùng tham gia theo hướng đa dạng hoá chủ thể quản lý theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao kiến thức và nhu cầu
hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Xã hội hoá bảo tồn, phát huy giá trị của di tích không chỉ là vấn đề trước mắt, không phải là biện pháp tình thế để chia sẻ sự đóng góp của nhà nước, mà nó còn là nhiệm vụ lâu dài.
Việc đề cao vai trò tham gia của các cá nhân, tổ chức xã hội không có nghĩa làm giảm vai trò của Nhà nước, mà ngược lại còn nâng cao vai trò của Nhà nước trong việc định hướng, chỉ đạo, tạo dựng hành lang pháp lý cho các hoạt động này. Có thể nói, xã hội hoá hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích đòi hỏi các cấp chính quyền, ngành văn hóa có những quyết sách đúng đắn, đây cũng chính là yêu cầu phát triển nội tại của hoạt động này. Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích chỉ nhận được sự quan tâm của cộng động khi nó đáp ứng được những yêu cầu của xã hội.
Tiểu kết
Tại chương 3, luận văn đã nghiên cứu, phân tích quá trình đô thị hóa ở huyện Thanh Trì đang là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý di tích. Đó là vấn đề tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn phải gìn giữ được giá trị di sản văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di tích có giá trị lịch sử lâu đời. Quá trình đô thị hoá đã tạo ra những rạn nứt trong hệ thống di tích, dẫn đến phá vỡ sự liên kết giữa quần thể kiến trúc và cơ sở hạ tầng quần thể di tích. Công tác quản lý di tích vẫn còn nhiều bất cập, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành chưa đạt hiệu quả. Từ những đánh giá trên, luận văn cũng đã đưa ra một số quan điểm, định hướng như: Tạo lập sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa với việc bảo vệ di tích. Ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng các công trình không phù hợp trong khu vực bảo vệ di tích. Việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị các di tích phải đảm bảo tính trung thực của lịch sử hình thành các di tích, không được làm sai lệch các giá trị và đặc điểm vốn có của di tích, phải giữ gìn nguyên vẹn,
không làm biến đổi những yếu tố cấu thành của di tích, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích. Điều quan trọng trong công tác quản lý di tích là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo.
Trên quan điểm quản lý di sản văn hóa, luận văn để xuất giải pháp cơ chế chính sách dành cho di tích, bao gồm: chính sách công nhận di tích, chính sách tổ chức quản lý di tích, chính sách đãi ngộ đối với những người trực tiếp quản lý di tích, chính sách về đầu tư cho di tích. Đồng thời, đề xuất các giải pháp: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; công tác chỉ đạo điều hành quản lý Nhà nước về di tích; huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích; tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Song song cùng những giải pháp, luận văn đề xuất một số biện pháp quản lý di tích như: kiện toàn bộ máy quản lý di tích; thanh tra và kiểm tra di tích;
phối hợp liên ngành trong lĩnh vực quản lý di tích; phát huy giá trị di tích; xã hội hóa trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích.