Vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thanh Trì

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 81 - 84)

Chương 3: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA Ở HUYỆN THANH TRÌ

3.1. Vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thanh Trì

3.1.1. Sự tác động của quá trình đô thị hóa đối với công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa

Huyện Thanh Trì là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. Đô thị hóa không chỉ làm gia tăng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng mà còn làm biến đổi về nhận thức, lối sống của người dân đối với những giá trị văn hóa truyền thống. Với tổng số 153 di tích, trong đó có 64 di tích xếp hạng quốc gia, 18 di tích xếp hạng thành phố, huyện Thanh Trì đang phải đối mặt với vấn đề bảo tồn, phát triển. Đó là yêu cầu tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng phải gìn giữ được những giá trị di tích văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với những di tích có giá trị lịch sử hàng trăm năm đang có nguy cơ bị xuống cấp do tác động của quá trình đô thị hóa.

Quá trình đô thị hóa ở huyện Thanh Trì cũng đã tác động tới không gian văn hóa làng xã, đặc biệt những ngôi đình, đền, chùa vốn được coi là thiết chế văn hóa tâm linh của người dân cũng đang chịu sự ảnh hưởng năng nề bởi tình trạng lấn chiếm hành lang di tích, lấn chiếm di tích làm nhà ở, hoặc kinh doanh buôn bán trái phép. Bên cạnh đó, lối sống đô thị đã len lỏi vào từng gia đình, làm thay đổi nhận thức và thị hiếu của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ không biết quý trọng những giá trị di tích văn hóa truyền thống dân tộc. Điều đáng báo động là hoạt động bảo tồn di tích văn hóa được coi là việc làm của chính quyền địa phương và ngành văn hóa, chưa thu hút được giới trẻ và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Quá trình đô thị hoá đã tạo ra những rạn nứt trong hệ

thống di tích, dẫn đến phá vỡ sự liên kết giữa quần thể kiến trúc và cơ sở hạ tầng quần thể di tích. Công tác quản lý di tích vẫn còn nhiều bất cập, cơ chế phối hợp giữa các ban ngành chưa đạt hiệu quả:

- Cách tiếp cận những giá trị của di tích còn phiến diện và chưa hoàn chỉnh. Trên phương diện lý luận và thực tiễn, vấn đề bảo tồn giá trị di tích văn hóa phi vật thể gắn với di tích chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng, do đó việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích chưa phát huy được hiệu quả.

- Mô hình tổ chức quản lý di tích chưa hợp lý. Huyện Thanh Trì chưa có Ban QLDT cấp huyện, các hoạt động quản lý ngành dọc từ Ban QLDT - DT Hà Nội chỉ thông qua phòng VH&TT huyện và được triển khai trực tiếp xuống Ban QLDT xã, gây nên tình trạng chồng chéo trong lĩnh vực quản lý và ỷ lại lẫn nhau trong hoạt động bảo vệ di tích.

- Quá trình độ thị hóa làm tăng nhanh mật độ dân cư đã tác động tiêu cực đến hệ thống di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì. Một số di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và khoa học vẫn chưa được lập hồ sơ xếp hạng. Việc quy định khu vực bảo vệ di tích để xây dựng hồ sơ cũng chưa tính hết những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa. Những vi phạm như lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép tại khu vực di tích vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn di tích. Sự phối hợp giữa các cấp các ngành chức năng thiếu đồng bộ.

- Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo tồn và phát huy di tích còn chồng chéo, trùng lặp, thiếu sự phân công, phối hợp giữa các ban ngành nên hiệu quả quản lý nhà nước còn thấp, nhiều thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn trong việc thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Hoạt động tôn tạo di tích chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không giữ được nguyên gốc, thậm chí làm biến dạng di tích chưa được ngăn chặn một

cách thuyết phục. Một số di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì đang đứng trước nguy cơ biến dạng do cách thức tôn tạo không đảm bảo yêu cầu khoa học và kỹ thuật phục chế. Công tác xếp hạng di tích còn chậm do vướng mắc nhiều thủ tục. Còn nhiều cổ vật, hiện vật được nhân dân lưu giữ, chưa được tổ chức điều tra, thống kê. Nhìn chung, việc phân cấp quản lý nhà nước về di tích chưa tạo ra sự chủ động cho chính quyền địa phương và Ban QLDT cấp xã.

3.1.2. Định hướng quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thanh Trì những năm tới

Từ thực tiễn phát triển đô thị hóa ở huyện Thanh Trì những năm gần đây, phòng VH&TT cần tăng cường vai trò tham mưu, đề xuất với UBND huyện Thanh Trì xây dựng quy hoạch bảo tồn hệ thống di tích trên địa bàn mình quản lý và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Do đó, công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Thanh Trì những năm tới cần được triển khai theo những nguyên tắc như sau:

- Tạo lập hệ thống tổ chức quản lý di tích văn hóa từ huyện xuống cơ sở đủ mạnh để biến những chủ trương, chính sách của Nhà nước thực sự đi vào đời sống. Tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân cho việc bảo vệ di tích văn hóa.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin vào việc bảo vệ di tích văn hóa, thực hiện tốt việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích văn hóa trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng các hạng mục di tích.

- Cần tuân thủ những quy định về việc xây dựng dự án. Khi tiến hành các quy hoạch bảo tồn, phục hồi, trùng tu, tôn tạo các di tích phải có thẩm định, phản biện nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện xây dựng, tu sửa, tôn tạo như một số nơi đã và đang thực hiện.

- Hoạt động xây dựng, tu bổ tôn tạo di tích cần phải được phổ biến rộng rãi cho người dân địa phương biết, rồi sau đó tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến của người dân để xây dựng phương án bảo tồn có hiệu quả. Trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cần xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nội dung của công tác bảo tồn di tích và xác định rõ nguồn ngân sách, hoặc khả năng tạo nguồn ngân sách cho việc đó. Đây là giải pháp khắc phục tình trạng kiêm nhiệm của cán bộ văn hóa cơ sở, vừa từng bước xã hội hóa các hoạt động quản lý, đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong hoạt động bảo tồn di tích.

- Đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên thuộc hệ thống chính trị cơ sở được coi như là một trong những yếu tố giúp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về di tích văn hóa.

Một phần của tài liệu Luan van quản lý di tích lịch sử văn hóa ở huyện thanh trì, thành phố hà nội (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)