CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BÁO ĐIỆN TỪ VÀ TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
1.3. Khái niệm quảng bá du lịch
Khái niệm “quảng bá” được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực và trên các phương tiện truyền thông. Người ta thường sử dụng “quảng bá” trong các trường hợp quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh, quảng bá du lịch, quảng bá sản phẩm…
“Quảng bá” là một từ ghép Hán Việt, được ghép bởi hai từ “quảng” và “bá”. Theo Từ điển Hán Việt, “quảng” nghĩa là rộng lớn và “bá” nghĩa là lan rộng. Ghép hai từ này
lại, ta có thể hiểu “quảng bá” là lan truyền rộng rãi một thông tin, một vấn đề, một sự việc ra khắp tất cả mọi nơi cho ai ai cũng đều biết.
Theo Từ điển Tiếng Việt, “Quảng bá là phổ biến rộng rãi bằng các phương tiện thông tin” [54, tr.802].
Quảng bá còn được hiểu là cách thức của một doanh nghiệp, một địa phương, một vùng, miền hay ngành kinh tế, một quốc gia nhằm tạo ra và duy trì một hình ảnh sản phẩm trước công chúng, có lợi cho việc kinh doanh trên thị trường. Mục đích cuối cùng là thu hút sự chú ý và từ đó tạo ra nhu cầu tiêu dùng.
Nói tóm lại, quảng bá được hiểu là hoạt động truyền bá rộng rãi về một đối tượng nào đó, một tổ chức, một đất nước hoặc vùng lãnh thổ tới một đối tượng nào đó nhằm đạt được mục đích, mục tiêu cụ thể nào đó mà chủ thể truyền bá mong muốn.
1.3.2. Du lịch
Trong lịch sử nhân loại, du lịch đã được ghi nhận như một sở thích, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người. Ngày nay, du lịch đã trở thành một hiện tượng kinh tế xã hội phổ biến không chỉ ở các nước kinh tế phát triển mà còn ở cả các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, có rất nhiều khái niệm về du lịch được đưa ra, phản ánh các góc nhìn khác nhau tùy thuộc vào cách nhìn nhận và giai đoạn phát triển. Bản thân từ “du lịch”
là một từ ghép Hán Việt, trong đó “du” có nghĩa là chơi, “lịch” có nghĩa là từng trải.
Dịch ra có nghĩa là “đi qua nhiều nơi, đi chơi qua nhiều nơi.” Từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Văn Đạm, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 1999) định nghĩa “du lịch” là danh từ chỉ sự đi lại, thăm viếng các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau trong và ngoài nước; hoặc là tính từ nói về các dịch vụ đáp ứng các yêu cầu trên (ví dụ như công ty du lịch, ô tô du lịch)
Trong ngôn ngữ nhiều nước, bắt nguồn từ Hy Lạp và sau đó được Latinh hóa, du lịch được dịch từ tourisme (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh)... Tổ chức du lịch thế giới đưa ra khái niệm du lịch là một tập hợp các hoạt động và dịch vụ đa dạng liên quan đến việc di chuyển tạm thời của con người ra khỏi nơi ở thường xuyên của họ nhằm mục đích tiêu khiển, nghỉ ngơi, văn hóa, dưỡng sức…
Một số khái niệm của các học giả, chuyên gia về du lịch trên thế giới và tại Việt Nam thường được đề cập đến bao gồm:
“Du lịch là nghệ thuật đi chơi của các cá nhân” (Ausher). Khái niệm này đề cập đến mục đích chính của du lịch là “đi chơi”
“Du lịch là sự mở rộng không gian văn hóa của con người” (Nguyễn Khắc Viện).
Khái niệm đã làm rõ ý nghĩa tích cực của du lịch chính là việc tăng cường sự hiểu biết cho con người, đón nhận giá trị vật chất và tinh thần đặc sắc, độc đáo, khác lạ với quê hương mình.
Còn tại điều 3, chương 1, Luật Du lịch Việt Nam 2017 đưa ra khái niệm: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.”
Cũng theo điều 3, chương 1, Luật du lịch Việt Nam 2017, các khái niệm liên quan đến hoạt động du lịch cũng được hiểu như sau:
Khách du lịch: là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến.
Hoạt động du lịch: là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch.
Tài nguyên du lịch: là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
Sản phẩm du lịch: là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Khu du lịch: là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.
Điểm du lịch: là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch.
Chương trình du lịch: là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành: là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch.
Hướng dẫn du lịch: là hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch sử dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch.
Hướng dẫn viên du lịch: là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch.
Cơ sở lưu trú du lịch: là nơi cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
Xúc tiến du lịch: là hoạt động nghiên cứu thị trường, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch bền vững: là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.
Du lịch cộng đồng: là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.
Du lịch sinh thái: là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
Du lịch văn hóa: là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.
Môi trường du lịch: là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội nơi diễn ra các hoạt động du lịch.
1.3.3. Quảng bá du lịch
Xét theo góc độ một ngành kinh tế, du lịch là ngành kinh doanh tổng hợp mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước. Bên cạnh đó, du lịch còn được coi là một hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn. Bản thân cơ cấu kinh tế của hầu hết các nước cũng đang dần đẩy mạnh chuyển dịch từ tỉ trọng công nghiệp sang nhóm ngành dịch vụ và du lịch là ngành được đầu tư mạnh mẽ. Do vậy, việc quảng bá du lịch là hoạt động vô cùng quan trọng và cần thiết.
Quảng bá du lịch là một trong các nội dung xúc tiến xu lịch, với mục đích nhằm giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình lao động sáng tạo của con người, bản sắc văn hóa dân tộc nhằm tăng cường thu hút khách du lịch.
Ngoài ra, quảng bá du lịch cũng góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, vùng, địa phương, doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường du lịch, xây dựng, quảng bá sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.
Từ hai mục đích trên, tóm lại quảng bá du lịch là hoạt động cung cấp, truyền đạt thông tin tới khách du lịch, giúp họ biết đến các điểm du lịch, sản phẩm dịch vụ du lịch và lên kế hoạch tham gia các chương trình du lịch, trong hành trình tìm hiểu khám phá những điểm khác lạ.
Tiểu kết chương 1:
Trong chương 1, khoá luận đã làm rõ một số khái niệm liên quan đến báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp. Đồng thời làm rõ các đặc trưng, hạn chế của báo điện tử và mô hình các tờ báo điện tử thuộc đài phát thanh, đài truyền hình. Khoá luận cũng đề cập những vấn đề liên quan đến thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và phân biệt chúng với báo điện tử.
Chương 1 cũng đã làm rõ khái niệm về du lịch, quảng bá và quảng bá du lịch.
Qua đó có cái nhìn tổng quát về các loại hình du lịch và tác dụng của việc quảng bá du lịch.
Những kết quả đạt được trong chương 1 là cơ sở lý luận và thực tiễn để khảo sát chương 2 của khoá luận này.