Nhóm giải pháp với cơ quan quản lý báo chí và những người làm báo

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện Bưu Chính (PTIT) đề tài Thực trạng Quảng bá du lịch trên chuyên trang Văn hóa Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình (Trang 70 - 75)

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢNG BÁ DU LỊCH TRÊN CHUYÊN TRANG VĂN HÓA ĐÀI PT-TH THÁI BÌNH

3.3. Một số nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch trên Chuyên trang Văn hóa Đài PT-TH Thái Bình

3.3.2. Nhóm giải pháp với cơ quan quản lý báo chí và những người làm báo

Đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, các chương trình, chuyên trang, chuyên mục

Vấn đề đặt ra khi quảng bá du lịch đó là thông tin không đến được với đông đảo công chúng hoặc công chúng không đón nhận những thông tin đó. Lý do cốt lõi của tình trạng này là Chuyên trang Văn hóa chưa cung cấp được cho độc giả những thông tin thực sự cần thiết và đáng để mong đợi. Nâng cao chất lượng thông tin tức là vừa phải nâng cao chất lượng nội dung, vừa đổi mới mạnh mẽ cách tiếp cận và phương thức thể hiện thông tin.

Yếu tố sống còn của bất kỳ cơ quan báo chí nào cũng chính là lượng độc giả. Để không bị tụt hậu đối với sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông mới với công

nghệ hiện đại, yêu cầu đổi mới về nội dung và hình thức trên Chuyên trang vô cùng cấp thiết. Ngoài việc đưa thông tin thụ động, một chiều thì cần phải chủ động xem bạn đọc cần gì, xác định thông tin gì đáp ứng được nhu cầu của công chúng, hình thức thể hiện nào đủ hấp dẫn và giữ chân độc giả, không thể bắt bạn đọc đọc những gì mình có.

Tăng cường những bài viết về du lịch

Hiện tại trang thông tin điện tử Đài PT-TH Thái Bình chưa có chuyên trang, chuyên mục riêng về du lịch. Các bài về du lịch và quảng bá du lịch vẫn đang được xếp trong mục văn hóa. Trong khi đó, du lịch cũng là một mảng đề tài lớn được rất nhiều người quan tâm nên về lâu dài có thể tách riêng ra thành một trang độc lập.

Số lượng bài viết quảng bá du lịch dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng chưa nhiều.

Để xây dựng chuyên mục thường xuyên, ổn định, Đài PT-TH Thái Bình cần có chính sách khuyến khích những bài viết hay, có tính phát hiện, nhất là những tin, bài mang tính phổ biến kiến thức về du lịch, giới thiệu những danh lam thắng cảnh, những truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, quảng bá các sản phẩm du lịch với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động phát triển du lịch.

Nâng cao năng lực, kiến thức du lịch cho phóng viên

Phóng viên phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ cho mình. Đã hoạt động trong ngành báo chí đòi hỏi phải có tư duy năng động, sáng tạo, có sự hiểu biết sâu rộng và vốn sống phong phú. Một phóng viên có thể viết nhiều lĩnh vực với nhiều mảng đề tài chính trị, xã hội khác nhau. Tuy vậy, cái gì cũng có hai mặt, việc đa nhiệm khiến phóng viên không có nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lĩnh vực du lịch.

Việc bồi dưỡng và tăng cường kinh nghiệm du lịch sẽ cải thiện được tình trạng viết chung chung, thiếu tính thuyết phục, chỉ dừng lại ở mức phản ánh sự kiện, gợi mở vấn đề. Các bài viết cần hướng tới sự trải nghiệm thực tiễn sâu sắc, hấp dẫn, lôi cuốn, có tính định hướng cao. Có thể cân nhắc đến việc phát triển đội ngũ cộng tác viên để thêm những tin, bài hay, mới lạ và giảm bớt gánh nặng, áp lực cho phóng viên.

Xây dựng đội ngũ chuyên trách về quảng bá du lịch địa phương

Một cơ quan báo chí như Đài PT-TH Thái Bình muốn mở rộng thêm về vấn đề quảng bá du lịch thì không thể chỉ trông chờ vào những phóng viên có thể viết giỏi hết các lĩnh vực mà phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu. Tăng cường phóng viên về cơ sở để thu thập thông tin, bám sát địa bàn.

Ngoài ra có thể tạo ra cầu nối trực tiếp giữa cơ quan báo chí và doanh nghiệp đang kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch. Xây dựng kế hoạch quảng bá lâu dài, giới thiệu lần lượt các di tích, lễ hội, danh lam thắng cảnh, những nét văn hóa đặc sắc, tạo điều kiện cho du khách trong việc lựa chọn tour, điểm du lịch trong hành trình của mình.

Liên kết và tận dụng lợi thế của mạng xã hội để phổ biến thông tin

Ở Việt Nam, báo cáo Social Media Stats cho biết, vào tháng 5/2019 Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, 13% người dùng Twitter, 12,81% sử dụng YouTube, 10% sử dụng Pinterest, 1,71% dùng Instagram và con số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.

Trong báo cáo của Viện Pew Research có 80% người Việt Nam cho rằng, mạng xã hội là tích cực đối với xã hội, chỉ có 6% cho rằng tiêu cực với xã hội. Điều này nói lên rằng, bất chấp những hệ luỵ xã hội mà chúng ta đang nhìn thấy, phần lớn công chúng vẫn coi mạng xã hội là nền tảng cần thiết.

Nhiều đơn vị báo chí hiện nay xem mạng xã hội như là một công cụ hỗ trợ đắc lực để khai thác nguồn thông tin, truyền tải thông tin đến độc giả. Sự "bắt tay" của báo chí và mạng xã hội góp phần giúp cơ quan báo chí tiếp cận được nhiều nguồn thông tin;

tạo ra cú nhảy vọt, làm thay đổi hoàn toàn cách thức truyền tải thông tin, tương tác với bạn đọc. Việc sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin chính thống từ báo chí cũng có vai trò định hướng thông tin, chống lại các nguồn tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội…

Trong vài năm trở lại đây, hầu hết các cơ quan báo chí, các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp lớn cũng đều có riêng cho mình một fanpage trên Facebook và hoạt động hiệu quả. Ví dụ như các fanpage: VnExpress.net (https://www.facebook.com/congdongvnexpress/), Báo điện tử VTV (https://www.facebook.com/baodientuvtv/), Trung tâm tin tức VTV 24 (https://www.facebook.com/tintucvtv24/), Vietnamnet.vn (https://www.facebook.com/vietnamnet.vn/),.. đều sở hữu hàng triệu lượt thích trang, lượng tương tác trên mỗi bài cũng đạt từ hàng trăm đến hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận, chia sẻ.

Hay ngay như Đài PT-TH Thái Bình chỉ là một đài địa phương nhưng cũng có fanpage Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình (https://www.facebook.com/thaibinhtv/) sở hữu hơn 100.000 người thích trang, gần 200.000 người theo dõi. Bài trên fanpage này đang hoàn toàn là video tin tức, thời sự được trích dẫn lại hoặc phát trực tiếp các sự kiện lớn của tỉnh. Chẳng hạn, chương trình phát trực tiếp kỳ họp thứ 10 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVI có hơn 200 lượt bày tỏ cảm xúc và hơn 20 nghìn lượt xem.

Do vậy, Đài PT-TH Thái Bình hoàn toàn có thể học hỏi mô hình và cách thức đăng tải thông tin của các Fanpage khác. Cụ thể, dẫn link bài trên trang thông tin điện tử lên fanpage kèm mô tả, thường xuyên làm mới nội dung, tạo chủ đề cho công chúng cùng thảo luận. Nhờ vậy, thông tin trên trang thông tin điện tử tổng hợp, bao gồm cả CTVH sẽ được biết đến nhiều hơn. Hơn nữa, nếu biết tận dụng và phát huy thế mạnh của kênh để quảng bá du lịch thì độ phủ cũng được cải thiện đáng kể, nhờ vào sự tương tác, chia sẻ giữa những người dùng với nhau.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và hạ tầng thông tin

Để từng bước nâng cao chất lượng thông tin, quảng bá du lịch địa phương trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình và đáp ứng nhu cầu của công chúng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, Đài PT-TH Thái Bình cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và hạ tầng thông tin theo hướng đồng bộ và hiện đại. Trang bị hệ thống máy tính, máy ảnh, máy quay… để phục vụ việc khai thác có hiệu quả thông tin và truyền tải tốc độ cao trên mạng Internet theo mô hình truyền thông đa phương tiện.

Để có nguồn lực đầu tư nâng cấp, ngoài nhờ vào kinh phí được cấp thì Đài PT- TH Thái Bình cần tăng cường phát triển kinh tế báo chí thông qua kêu gọi tài trợ, quảng cáo với mục đích tăng doanh thu. Đây là điều kiện quan trọng và cần thiết để đội ngũ nhà đài có thể hoạt động hiệu quả hơn trong việc sản xuất và phát triển.

Song song với đó, Đài PT-TH Thái Bình cũng cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật cao, nhằm phát huy hết sức mạnh của chúng khi tác nghiệp,

Tổ chức các cuộc thi, các giải báo chí

Thái Bình vẫn đang duy trì được giải báo chí thường niên nhằm tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc viết về mảnh đất, con người Thái Bình, dành cho toàn thể những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH Thái Bình chưa tổ chức được các giải báo chí về chủ đề du lịch.

Việc tổ chức giải báo chí với chủ đề du lịch sẽ là điều kiện để các nhà quản lý, các cơ quan chủ quản báo chí và các nhà báo có cái nhìn tổng quan hơn về vai trò của các cơ quan ban ngành, của người dân trong việc phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vào khai thác du lịch, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, làm rõ và phát huy vai trò của báo chí trong việc quảng bá du lịch đến với du khách.

Trên đây là một số giải pháp với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng tin bài trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình trong việc quảng bá du lịch địa phương. Hi vọng rằng, các cơ quan quan chức năng và lãnh đạo Đài PT-TH Thái Bình quan tâm đến những giải pháp này trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng xúc tiến quảng bá du lịch.

Tiểu kết chương 3:

Chương 3 của khoá luận đã nêu lên những thành công và hạn chế của thông tin, quảng bá du lịch trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình. Từ đó giúp cơ quan báo chí có những định hướng đúng đắn trong việc tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức quảng bá du lịch địa phương nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Thái Bình giàu tiềm năng và thế mạnh trong phát triển du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Từ thực trạng được phân tích trong chương 2 và cơ sở phân tích những yêu cầu đặt ra, chương 3 đã đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin, quảng bá phát triển du lịch đứng dưới góc độ của CTVH Đài PT-TH Thái Bình và các cơ quan quản lý ngành du lịch theo xu thế hiện đại.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện Bưu Chính (PTIT) đề tài Thực trạng Quảng bá du lịch trên chuyên trang Văn hóa Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)