CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢNG BÁ DU LỊCH TRÊN CHUYÊN TRANG VĂN HÓA ĐÀI PT-TH THÁI BÌNH
2.4. Đo lường hiệu quả tin bài quảng bá du lịch địa phương trên Chuyên trang Văn hóa Đài PT-TH Thái Bình
2.4.3. Kết quả khảo sát bảng hỏi
2.4.3.a, Đối tượng và phạm vi khảo sát:
Những người cần đọc và tìm kiếm thông tin về du lịch tỉnh Thái Bình chắc chắn không thể chỉ bó hẹp trong phạm vi nội tỉnh, mà cần phải mở rộng ra công chúng trong nước và tiến đến việc quảng bá cho du khách nước ngoài. Thậm chí, những người ngoài tỉnh mới càng là những người cần thông tin về du lịch tỉnh khác.
Với thời gian và nguồn lực có hạn, khoá luận chỉ có thể tập trung khảo sát nhóm đối tượng là người Thái Bình và người tỉnh khác nhưng đang sống tại Hà Nội. Đây cùng là hai nhóm công chúng có tiềm năng du lịch Thái Bình cao. Một là người trong tỉnh ủng hộ du lịch địa phương, hai là Thái Bình không cách Hà Nội quá xa nên sẽ là một điểm đến lý tưởng để tham quan du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.
Cụ thể, phát ra 150 phiếu khảo sát dưới dạng khảo sát online, thu thập câu trả lời qua Google Biểu mẫu (thông tin chi tiết trong phụ lục). Kết quả, thu về 110 câu trả lời, chiếm tỉ lệ 73,33% trên tổng số phiếu được phát ra. Trong đó có 60 nữ (chiếm 54,5%), 48 nam (chiếm 43,6%) và 2 người không muốn nêu cụ thể (chiếm 1,8%)
Biểu đồ 2.5. Tỉ lệ giới tính của công chúng tham gia khảo sát
Công chúng tham gia khảo sát trong độ tuổi 18-23 (thuộc độ tuổi đang theo học các trường đại học) chiếm phần lớn, tới 82 người (74,55%), người từ 23 tuổi trở lên (thuộc độ tuổi đã đi làm) có 28 người (25,45%).
Biểu đồ 2.6. Độ tuổi của công chúng tham gia khảo sát
Trong 110 người khảo sát có 109 người trả lời câu hỏi về quê quán: 38 người quê quán Thái Bình (34,86%), còn lại là người đến từ khắp mọi miền đất nước nhưng đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội (71 người, 65,14%).
Với độ tuổi như vậy thì có đến 78 người được khảo sát vẫn đang là sinh viên (70,91%), còn lại là các nghề nghiệp như nhân viên văn phòng, giảng viên, Marketer, Designer, kế toán, kĩ sư xây dựng, chuyên viên, công nhân,... Tương ứng với đó là thu nhập của nhóm công chúng phân bổ theo mức: dưới 1 triệu (32,1%), từ 1-4 triệu (41,5%), 7-10 triệu (13,2%) và trên 10 triệu (13,2%). Cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa những người đã đi làm và những người vẫn đang theo học đại học.
Biểu đồ 2.7. Thống kê thu nhập của công chúng tham gia khảo sát
Từ những đặc điểm về nhân khẩu học trên, có thể đưa ra một số nhận xét về nhóm công chúng được khảo sát như sau:
Đây là nhóm công chúng phần lớn là những người trẻ, năng động, học vấn cao, đã có hoặc tương lai gần sẽ có nghề nghiệp với mức thu nhập ổn định. Những đặc điểm này cũng sẽ dẫn đến thói quen du lịch và tiếp cận thông tin quảng bá du lịch khác nhau.
2.4.3.b, Thói quen du lịch của đối tượng được khảo sát
Qua khảo sát, trong 110 người có tới 105 người có thói quen đi du lịch ít nhất 1 lần/ 1 năm. Chiếm tỉ lệ lớn nhất vẫn là từ 1-2 lần (1 lần chiếm 45,7%, 2 lần chiếm 33,3%) còn lại là đi du lịch với tần suất trên 3 lần/ 1 năm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp bởi độ tuổi, nghề nghiệp và mức thu nhập (như đã khảo sát trong phần a. Đối tượng và phạm vi khảo sát)
Biểu đồ 2.8. Thống kê tần suất du lịch trong một năm của công chúng tham gia khảo sát
Khi được hỏi về hình thức du lịch ưa thích, chỉ có 3 người lựa chọn không thích đi du lịch, còn lại có 49 lượt bình chọn cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, 24 lượt bình chọn cho du lịch văn hóa tâm linh, 70 lượt bình chọn cho du lich kết hợp vui chơi giải trí, và 40 lượt bình chọn cho du lịch cộng đồng khám phá địa phương. Ở câu hỏi này,
mỗi người đều có thể thấy cả 4 hình thức du lịch đều được quan tâm nhưng du lịch kết hợp vui chơi giải trí được ưa chuộng hơn cả.
Biểu đồ 2.9. Thống kê hình thức du lịch ưa thích
Để tìm hiểu về các điểm du lịch ở Thái Bình được công chúng biết đến, trong khảo sát đã liệt kê ra 10 địa điểm nổi tiếng nhất, thuộc cả 4 nhóm: di tích lịch sử, làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh, văn hóa phi vật thể. Bao gồm:
- Khu du lịch sinh thái Cồn Vành - Khu du lịch sinh thái Cồn Đen - Đền Trần Thái Bình
- Chùa Keo - Đền Tiên La - Đền Đồng Bằng
- Làng vườn Bách Thuận
- Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - Làng nghề dệt khăn dệt vải Phương La - Làng dệt chiếu Hới
Trong đó, năm điểm du lịch được biết đến nhiều nhất là: Khu du lịch sinh thái Cồn Vành (59 người), Khu du lịch sinh thái Cồn Đen (52 người), Đền Trần Thái Bình (47 người), Chùa Keo (64 người) và Đền Đồng Bằng (29 người). Điều đó cho thấy, ngoài chùa Keo là biểu tượng của Thái Bình thì công chúng cũng đã có sự quan tâm tới các danh lam thắng cảnh dạng du lịch nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cũng có 16 người trên 110 người không biết tới điểm du lịch nào (chiếm 14,55%).
Tỉ lệ người đã đi và chưa đi du lịch Thái Bình cũng xấp xỉ bằng nhau. Cụ thể, có 56 người đã đi (chiếm 50,9%) và 54 người chưa đi (chiếm 49,1%). Với những người đã đi, khoá luận tiếp tục khảo sát về mức độ hài lòng với các điểm du lịch. Kết quả thu được như sau:
Biểu đồ 2.10. Đánh giá mức độ hài lòng đối với các địa điểm du lịch ở Thái Bình Từ biểu đồ này dễ nhận thấy công chúng đánh giá mức độ hài lòng chủ yếu ở mức khá, tức là đã đáp ứng được nhu cầu du lịch, mang lại sự hài lòng nhưng chưa tạo ra được sự đột phá.
Riêng với những người chưa từng đi du lịch Thái Bình, có tới 64,8% có ý định đi du lịch Thái Bình trong tương lai, còn lại 29,6% chưa nghĩ đến và 5,6% không có ý định này.
2.4.3.c, Khảo sát về mức độ tiếp nhận thông tin du lịch
Khi được hỏi về việc tiếp cận thông tin du lịch trên các phương tiện truyền thông, có đến 89 ý kiến chọn mạng xã hội, 72 ý kiến chọn trên Internet, 31 ý kiến chọn báo điện tử, 28 ý kiến chọn Đài PT-TH và chuyên trang tin tức của Đài PT-TH và 8 ý kiến chọn báo in. Ngoài ra, còn một số ý kiến khác như qua bạn bè, người thân hoặc bản thân là người Thái Bình.
Bản thân mỗi người trong một ngày cũng phải tiếp nhận rất nhiều thông tin, do vậy có một thực tế là lượng thông tin quảng bá du lịch chỉ chiếm một tỉ lệ không lớn.
Trong số những người được khảo sát, có tới 82 người tiếp nhận ở mức độ thỉnh thoảng (75,2%).
Biểu đồ 2.11. Mức độ tiếp nhận các tin bài về du lịch
Theo họ, thời gian phù hợp nhất để tiếp nhận thông tin về du lịch là sau giờ làm việc, ngày cuối tuần, đầu giờ buổi sáng hoặc lúc rảnh rỗi. Chỉ có rất ít người lựa chọn đọc tin tức trong lúc làm việc. Mục đích đọc các tin bài này là để tìm kiếm thông tin về du lịch, giải trí và nâng cao nhận thức, hiểu biết.
Tuy nhiên, về mức độ quan trọng của quảng bá du lịch địa phương trên chuyên trang tin tức của Đài PT-TH tỉnh thì có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Có 22,9% cho là rất quan trọng, 37,6% cho là quan trọng và 38,5% đánh giá là không quan trọng bởi còn nhiều kênh thông tin khác.
2.4.3.d, Đánh giá tin bài du lịch trên Chuyên trang Văn hóa Đài PT-TH Thái Bình Bởi đối tượng khảo sát bao gồm cả người trong tỉnh, người ngoài tỉnh và bản chất CTVH cũng chỉ là một chuyên mục trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài PT- TH tỉnh nên lượng người biết đến chuyên trang khá ít. Cụ thể, chỉ có 25,5% người được khảo sát đã từng đọc bài trên chuyên trang và 74,5% chưa từng đọc.
Với 25,5% người đã từng đọc này sẽ tiếp tục khảo sát để lấy ý kiến về chất lượng tin bài dựa theo các tiêu chí: tính chính xác của thông tin; tính phong phú và đa dạng của thông tin; tính phát hiện mới mẻ của thông tin; tính rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu; tính thúc đẩy hành động (mong muốn tham quan du lịch); tiêu đề hấp dẫn, súc tích; độ dài bài viết vừa phải; hình ảnh bắt mắt, rõ nét và cuối cùng là đánh giá tổng thể. Kết quả thu được như sau (dựa trên thang điểm 1-5)
Bảng 2.3. Đánh giá chất lượng tin bài quảng bá du lịch trên CTVH qua các tiêu chí Tiêu chí đánh giá
Thang điểm
1 2 3 4 5
Tính chính xác của thông tin
3,57% 0 21,43% 50,00% 25,00%
Tính phong phú và đa dạng của thông tin
3,57% 7,14% 28,57% 50,00% 10,71%
Tính phát hiện mới mẻ của thông tin
3,57% 10,71% 28,57% 50,00% 7,14%
Tính rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu
3,57% 3,57% 10,71% 57,14% 17,86%
Tính thúc đẩy hành động (mong muốn tham quan du lịch)
3,57% 7,14% 35,71% 42,86% 7,14%
Tiêu đề hấp dẫn, súc tích
7,14% 0 35,71% 42,86% 10,71%
Tiêu chí đánh giá
Thang điểm
1 2 3 4 5
Độ dài bài viết vừa phải
3,57% 7,14% 14,29% 53,57% 14,29%
3,57% 3,57% 3,57% 28,57% 46,43% 14,29%
Đánh giá tổng thể 3,57% 0 25,00% 60,71% 7,14%
Đánh giá chung cho thấy thông tin đăng tải mới chỉ phản ánh được những điều vốn có, chất lượng ở mức ổn nhưng chưa gây được ấn tượng với người đọc để từ đó thông tin dẫn dắt người đọc đến bước tìm hiểu, thôi thúc khám phá điều mới lạ.
Điều đáng nói là trong số những người chưa từng đọc bài trên CTVH Đài PT- TH Thái Bình, có đến 80,5% không biết đến chuyên trang này, 17,1% không có thói quen đọc thông tin trên các báo điện tử, trang thông tin,... và 13,4% không có thời gian. Thiết nghĩ với vai trò là một kênh thông tin chính thống, cơ quan ngôn luận của tỉnh, Đài PT-TH Thái Bình cần có những thay đổi và cải tiến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tiểu kết chương 2:
Như vậy, ở chương 2, khoá luận đã khái quát điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch tỉnh Thái Bình. Từ đó cho thấy Thái Bình là một địa phương có nhiều tiềm năng du lịch và đã bước đầu được khai thác một cách quy hoạch, bài bản. Tiếp đó là giới thiệu về Đài PT-TH Thái Bình và CTVH Đài PT-TH Thái Bình, đánh giá chi tiết vai trò của CTVH trong việc quảng bá du lịch tỉnh.
Để đánh giá một cách khách quan và bài bản chất lượng tin bài quảng bá du lịch trên chuyên trang, khoá luận đã đưa ra một bộ gồm sáu tiêu chí từ nội dung tới hình thức. Sau đó mới tiến hành đo lường hiệu quả dựa vào kết quả thống kê trên CTVH trong thời gian 6 tháng.
Bên cạnh đó, khoá luận cũng lấy ý kiến công chúng trong tỉnh và người ngoại tỉnh để khảo sát về thói quen du lịch, thói quen tiếp nhận thông tin quảng bá về du lịch và đánh giá chất lượng tin bài theo thang điểm từ 1 đến 5.
Qua đó, nhận thấy thực trạng đó là thông tin quảng bá du lịch trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình mới đáp ứng được những chức năng cơ bản, chưa tiếp cận sâu tới độc giả, hình thức cũng chưa có sự đột phá hay tận dụng được hết thế mạnh của đa phương tiện. Điều này lý giải tại sao trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài PT-TH Thái Bình vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác thông tin, quảng bá du lịch địa phương - một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành công nghiệp không khói mà tỉnh Thái Bình đang quan tâm.