Tài nguyên và sản phẩm du lịch của tỉnh

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện Bưu Chính (PTIT) đề tài Thực trạng Quảng bá du lịch trên chuyên trang Văn hóa Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình (Trang 34 - 42)

CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢNG BÁ DU LỊCH TRÊN CHUYÊN TRANG VĂN HÓA ĐÀI PT-TH THÁI BÌNH

2.2. Khái quát điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch tỉnh Thái Bình

2.2.2. Tài nguyên và sản phẩm du lịch của tỉnh

Thái Bình là một tỉnh đồng bằng giáp biển, có địa hình bằng phẳng, sông ngòi ao hồ nhiều, đường bờ biển khá dài; khí hậu mát mẻ, giao thông thuận tiện, có nhiều làng

nghề với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống có giá trị; nhiều di tích lịch sử văn hóa với các lễ hội, trò chơi, điệu múa dân gian đặc sắc, hấp dẫn. Với những điều kiện thuận lợi về địa lý, dân cư và đặc thù của vùng đất lấn biển vừa cổ xưa vừa mới mẻ, Thái Bình được xem là một trong những nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch.

Di tích lịch sử văn hóa

Ở Thái Bình có hàng ngàn di tích lịch sử in dấu những thời kỳ hào hùng của dân tộc, đó là sự kết tinh của sức lao động, tâm hồn và trí tuệ của bao thế hệ kế tiếp nhau trên vùng đất này. Qua số liệu thống kê toàn tỉnh, Thái Bình hiện có 2.176 di tích văn hóa, bao gồm: Đình 601, chùa 738, miếu 538, văn chỉ 22, lăng mộ 26, từ đường nhà thờ họ (xây dựng trước 1945) 173, nhà lưu niệm 7, phủ điện, quán 59, địa điểm lịch sử 12.

Các di sản văn hóa trên, bao gồm các loại hình di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ,... Được phân bố tại các địa phương như sau: Thành phố Thái Bình 47, huyện Hưng Hà 551, Quỳnh Phụ 349, Thái Thụy 260, Kiến Xương 265, Tiền Hải 171, Vũ Thư 303, Đông Hưng 230.

Di tích lịch sử văn hóa của Thái Bình tuy nhiều, nhưng giá trị du lịch chưa thực sự cao. Đa số phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, ít được khách du lịch từ các tỉnh, thành phố, quốc gia khác biết đến. Tuy nhiên, trong số đó vẫn nổi lên một số di tích tiêu biểu, là địa điểm có sức hút du lịch rất lớn, mỗi năm đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch:

- Chùa Keo (Thần Quang Tự):

Chùa Keo tọa lạc ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, Việt Nam, được xây dựng từ năm 1061 dưới thời Lý Thánh Tông ở hương Giao Thuỷ ven sông Hồng. Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang tự. Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.

Chùa được xây dựng trên một diện tích rộng khoảng 28 mẫu Bắc Bộ (100.800m2), là một trong 10 kiến trúc cổ và là một trong ba ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam. Diện tích khu chùa hiện nay còn khoảng 38.000m2 (dài 300m, rộng 125m), quan nhiều lần trùng tu, hiện vẫn còn bia đá rất lớn được khắc năm Chính Hòa thứ 10 (1689) và hiện có 17 tòa, 128 gian. Một điều khá độc đáo, chùa có gác chuông 3 tầng cao 12 mét, được kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ lim. Trong di tích chùa Keo có hàng nghìn mảng chạm khắc rất độc đáo là có giá trị nghệ thuật cao.

Chùa Keo gồm 02 cụm kiến trúc: chùa là nơi thờ Phật và Đền thánh là nơi thờ đức Dương Không Lộ - vị quốc sư triều Lý đã có công dựng chùa. Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

- Đền thờ các vị vua triều Trần:

Đền Trần Thái Bình là một quần thể di tích gồm các đền thờ, lăng mộ thờ các vị vua quan nhà Trần. Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Hệ thống các di tích lịch sử ở đây gồm Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đều đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.

Đền Trần Thái Bình mang nhiều đặc điểm độc nhất vô nhị trong các di tích về thời đại nhà Trần trong cả nước.Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh…

kế thừa và phát huy kiến trúc đình làng.

Riêng tòa hậu cung Đền Trần có kết cấu chữ đinh, gồm hai tòa tám gian, trên diện tích 359 m2, tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.

- Đền Tiên La:

Đền Tiên La tọa lạc tại thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền thờ Bát Nạn Tướng Quân (Tướng quân phá nạn cho dân - có nơi gọi là Bát Nàn hay Bát Não) Vũ Thị Thục sinh năm 17, mất năm 43, một nữ danh tướng trong khởi nghĩa Hai Bà Trưng có công đánh Tô Định, được phong: “Đông Nhung Đại Tướng Quân” có từ gần hai ngàn năm nay.

Toàn bộ ngôi đền làm theo cấu trúc “Tiền nhất – Hậu đinh” đúng cấu trúc, theo đúng dáng vóc kiểu cổ từ cột, kèo đến đao mái uốn cong và mang dáng hình con rồng bay lên hoặc Lưỡng Long Chầu Nguyệt, có ba tòa điện chính là: Đại Bái (Tiền tế), Trung tế và Hậu điện hay còn gọi là Hậu Cung. Qua cổng (Tam quan ngoại), vào sân đền là Tam quan nội và hai bên có Lầu Cô, Lầu Cậu. Đền Tiên La được công nhận di tích quốc gia từ năm 1986.

- Đền Đồng Xâm:

Đền Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền này có thể xem như một tập đại thành của nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.

Đền Đồng Xâm là cả một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn trong đó thờ Triệu Vũ Đế, đền thờ Trình thị Hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế) và đền thờ Nguyễn Kim Lâu (vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền) cùng hệ thống đền chùa nằm kề sông Vông.

Trung tâm của cụm di tích của đền Đồng Xâm là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với gần 10.000 m2 xây dựng với nhiều công trình kiến trúc hùng vĩ và tuyệt đẹp như Vọng Lâu, Thuỷ toạ, Hoành mã, Sân tế, toà tiền tế, phương đình, toà điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ sư nghề chạm bạc… Năm 1990, đền được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

- Đền Đồng Bằng:

Đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) là một ngôi đền có quy mô kiến trúc lớn nhất Thái Bình, được xây dựng trên diện tích 6.000m2 với 13 tòa, 66 gian, có hàng trăm mảng chạm khắc nghệ thuật. Các bức cuốn thư, đại tự, cửa võng được chạm khắc rất sinh động và được sơn son, thếp vàng.

Đền Đồng Bằng là một quần thể di tích mang trong mình một truyền thuyết về nơi khai sinh và hóa thánh của 8 (Bát vị) thánh có công chống giặc cứu nước. Ban đầu, đền là nơi thờ đức vua cha Bát Hải Động Đình người có công lớn trong việc bình thục giữ nước và chiêu dân lập ấp xây dựng giang sơn xã tắc từ buổi sơ khai. Từ cuối thế kỷ 13 còn là nơi tưởng nhớ hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cùng các danh tướng hoàng thân quốc thích nhà Trần. Đền Đồng Bằng được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1986.

Danh lam thắng cảnh

Tỉnh Thái Bình không có các danh lam thắng cảnh hùng vĩ như Vịnh Hạ Long, Tràng An hay Phong Nha Kẻ Bàng mà gây ấn tượng mạnh với khách du lịch bởi những địa điểm có phần đậm chất thiên nhiên, hoang sơ như làng vườn, bãi biển và các công trình văn hóa tôn giáo.

Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã có sự quy hoạch, mở rộng để khai thác tốt tiềm năng du lịch biển. Tỉnh có ba bãi biển lớn: Đồng Châu, Cồn Đen và Cồn Vành. Riêng biển Đồng Châu được biết đến với các bãi nuôi ngao và nuôi trồng nhiều loại thủy hải sản khác. Còn biển Cồn Đen và Cồn Vành là hai khu du lịch sinh thái được du khách thập phương tìm đến thư giãn và nghỉ mát.

- Khu du lịch sinh thái Cồn Đen:

Bãi biển Cồn Đen nằm ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình mới được biết đến cách đây không lâu. Nếu xưa kia bãi biển này chỉ là một cồn cát chưa được nhiều người biết thì nay nó đã trở thành một khu du lịch sinh thái đa dạng.

Được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004, đến nay khung cảnh tự nhiên trên cồn vẫn giữ được nét hoang sơ, được nhiều người đánh giá là cồn biển đẹp nhất miền Bắc với vùng cảnh quan trải dài bao gồm các bãi cát mịn và khu vực nuôi ngao.

Hiện khu du lịch sinh thái Cồn Đen có hệ thống nhà hàng ăn uống với mô hình nhà sàn mang kiến trúc dân tộc vùng cao diện tích khoảng vài nghìn m2 phục vụ ăn uống cho du khách cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tổng kết…

Du khách đến với Cồn Đen thường không thể bỏ qua cây cầu được mệnh danh là cầu tre dài nhất miền Bắc, bắc qua rừng ngập mặn; hệ thống bể bơi nước mặn, công viên…

- Khu du lịch sinh thái Cồn Vành:

Cồn Vành cách đất liền 7km thuộc xã Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình là một bãi sa bồi rộng lớn, bằng phẳng, nằm sóng sánh với biển Đông, có rừng ngập mặn bao phủ,

nơi cư trú của nhiều loài chim muông, hải sản, có triền cát mịn trải dài… Cồn Vành mang trong mình tiềm năng lớn và đa dạng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, được ví như

“hòn ngọc xanh” trên vịnh Bắc Bộ nhưng lại đang ngủ quên, cần sớm được đánh thức.

Cồn Vành thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, UNESCO đã công nhận 1994 và là điểm đến duy nhất ở Việt Nam giữ được hệ sinh thái cũng như bãi biển nguyên sơ.

Hiện nay, Cồn Vành vẫn đang trong giai đoạn khai thác và phát triển; là địa điểm lý tưởng cho du khách đi tắm biển, tổ chức các cuộc dã ngoại và nghỉ dưỡng bằng tàu thuyền với các trò vui chơi, giải trí trên biển như câu cá, lướt ván, bóng chuyền bãi biển...

Ngoài các khu du lịch sinh thái biển, tỉnh Thái Bình còn có Cánh đồng hoa cải Hồng Lý, Làng vườn Bách Thuận thuộc hình thức du lịch trải nghiệm và là nơi chụp ảnh đẹp có tiếng, thu hút chủ yếu là các bạn trẻ và những người yêu cây, yêu hoa. Công viên nước Thái Bình tuy mới hoạt động vài năm gần đây nhưng cũng đã giải quyết được nhu cầu vui chơi, thư giãn cho đa dạng đối tượng công chúng.

Làng nghề truyền thống

Tỉnh Thái Bình có tới 245 làng nghề, phân bố rộng rãi ở 8 huyện, thành phố. Làng nghề truyền thống của tỉnh nhiều về số lượng, phong phú về loại hình, phân thành 6 nhóm chính sau: nhóm trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa; nhóm nghề trồng chế biến cói đay gai: dệt chiếu, đan cói, đan võng lưới; nhóm nghề mây tre đan; nhóm nghề rèn, đúc, chạm kim loại; nhóm nghề xây dựng và sản xuất đồ gỗ, gốm sứ dân dụng; nhóm nghề chế biến lương thực thực phẩm.

Đến nay, nhiều nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển mạnh như: nghề dệt khăn, dệt vải ở Thái Phương, dệt đũi ở Nam Cao, chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân; chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan ở Thượng Hiền, đúc đồng ở Đông Kinh, bánh cáy làng Nguyễn huyện Đông Hưng; một số nghề mới du nhập đang có chiều hướng phát triển tốt như: nghề đan đệm ghế cói ở Đông Hưng, Tiền Hải, làm song nứa ghép sơn mài ở Thành phố, Kiến Xương…

Trong số này, nổi lên một số làng nghề có giá trị du lịch cao bao gồm: Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, Làng chiếu Hới và Làng dệt lụa Phương La.

- Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nằm ở hữu ngạn dòng sông Đồng Giang, làng Thượng Gia, tổng Đồng Xâm nay là xã Hồng Thái – Kiến Xương – Thái Bình. Ngoài nghề chính là nghề nông làng còn có nghề chạm bạc nổi tiếng từ lâu đời.

Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ được những sản phẩm thể hiện được tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như bộ lưu đỉnh bằng bạc, tranh xuân, hạ, thu, đông, tranh tứ bình… xưa nay khách khách chơi hàng thủ công mỹ nghệ đều đánh giá thợ Đồng Xâm khéo tay. Hàng bạc Đồng Xâm dáng thanh thoát, chạm trổ

tinh xảo, đường vẽ, nét vuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ như hạt kê, có độ chênh bong cao, đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng khó tính nhất.

Điều đặc biệt hơn nữa là cả nước chỉ có 20 nghệ nhân ưu tú cấp nhà nước thì riêng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có 2 nghệ nhân. Năm 2007 Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng làng nghề Đồng Xâm danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam.

- Làng chiếu Hới

Làng nghề dệt chiếu Hới nay là làng Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, nổi tiếng với loại chiếu Hới se, mềm, dễ giặt, mau khô, thoát nước nhanh. Chiếu có nhiều loại: chiếu cài hoa, chiếu đậu, chiếu trơn, chiếu cạp điều, chiếu đót, chiếu sợi xe... với nhiều kích cỡ khác nhau.

Cứ đến ngày hội đền Quan Trạng, một cuộc thi có ý nghĩa lại được tổ chức để chọn lựa, khuyến khích trai tài gái sắc làm nên những lá chiếu vừa bền vừa đẹp. Trải qua nhiều thế kỷ, nghề dệt chiếu vẫn gắn bó với cuộc sống nơi đây. Đến với làng Hải Triều, du khách vừa được chiêm ngưỡng một kiến trúc văn hóa thời Nguyễn, vừa được tìm hiểu về nghề dệt chiếu có từ lâu đời.

- Làng dệt lụa Phương La

Làng Phương La, xã Thái Phương huyện Hưng Hà còn được biết với cái tên làng Mẹo, có từ thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi ông tổ nghề Trần Hồng Nghị. Một lần sang phương Bắc, ông đã tìm hiểu, nắm được bí quyết dệt lụa của người Trung Hoa đem truyền cho dân làng. Từ đó lụa làng Mẹo nhanh chóng có mặt ở khắp nơi, được coi là nơi cung cấp hàng dệt lụa nổi tiếng cho các vương triều phong kiến từ nhà Trần tới nhà Lê Trung Hưng.

Khách du lịch đến thăm làng thường tìm hiểu về kỹ thuật dệt lụa qua năm khâu cơ bản: quay tơ, làm hồ, đánh suốt, mắc chỉ và dệt. Dệt là khâu cuối cùng và quan trọng nhất đòi hỏi người dệt phải kết hợp các thao tác một cách nhịp nhàng, khéo léo: chân đạp go, tay lao thoi và mắt theo dõi sự chuyển bận của các ống tơ.

Do vậy, sản phẩm dệt làng Mẹo luôn được khách hàng ưa chuộng bởi đó là thứ hàng đẹp, bền, mịn màng và phong phú về kiểu loại.

Di sản văn hóa phi vật thể

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống văn hóa. Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh khá phong phú, mang đậm sắc thái riêng, có giá trị văn hóa, lịch sử, được lưu truyền qua nhiều đời.

Gắn với di tích là các lễ hội. Trên địa bàn tỉnh có hơn 490 lễ hội, đa dạng về loại hình, tập trung tái hiện cuộc sống nông nghiệp, tôn vinh các anh hùng dân tộc, người có công với quê hương, đất nước đồng thời phản ánh tín ngưỡng, phong tục tập quán địa phương và thi tài, giải trí, các lễ hội đã thu hút đông đảo du khách.

Điển hình nhất là 8 lễ hội: đền Trần, đền Tiên La (Hưng Hà), đền Đồng Bằng, đền A Sào, Lộng Khê (Quỳnh Phụ), chùa Keo (Vũ Thư), Quang Lang (Thái Thụy), làng

Giắng (Đông Hưng) và 2 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là ca trù và múa rối nước xã Nguyên Xá, xã Đông Các (Đông Hưng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

- Lễ hội đền Trần Thái Bình

Được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức (Hưng Hà), lễ hội đền Trần Thái Bình nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Đây là một trong những lễ hội lớn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Nét đặc sắc trong lễ hội ngoài các hoạt động: dâng hương tại mộ các vua Trần, lễ tế mở cửa đền, lễ rước thủy và bộ, lễ bái yết còn có những chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, các trò chơi dân gian độc đáo như: thi cỗ cá, thi gói bánh chưng, thi thả diều, thi pháo đất, thi vật cầu, thi kéo co. Các trò chơi đã đem đến không khí tưng bừng cho lễ hội, là dịp giao lưu, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân trong huyện. Hàng năm, lễ hội đền Trần Thái Bình thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới tham quan, dâng hương bái lễ.

- Lễ hội chùa Keo

Nhắc đến lễ hội Thái Bình không thể bỏ qua lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất (Vũ Thư). Nếu như chùa Keo được đánh giá là một kiến trúc chùa cổ độc đáo bậc nhất trong hệ thống chùa chiền Việt Nam thì lễ hội chùa Keo cũng có nhiều nét đặc sắc có một không hai trong hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp cả nước. Lễ hội chùa Keo được tổ chức hai lần trong năm là hội xuân và hội thu, trong đó hội thu được tổ chức từ ngày 13 - 15/9 âm lịch là hội chính nhằm tưởng nhớ đức Thiền sư Không Lộ, người có công dựng chùa. Trong lễ hội chùa Keo có nhiều nghi lễ độc đáo và các trò chơi dân gian đặc sắc không đâu có như nghi lễ rước kiệu đức Thánh với sự tham gia của hàng nghìn người, đoàn rước kéo dài hàng trăm mét. Nghi thức này tái hiện lại hành trình Thiền sư Không Lộ lên kinh đô chữa bệnh cho vua và các sự lệ diễn tả cuộc đời của ngài. Trong phần hội còn có các trò chơi dân gian đặc sắc, phản ánh lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ như: thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi têm trầu… Những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đã hòa quyện vào các nghi thức tôn giáo tạo nên một lễ hội độc đáo, ấn tượng, vừa tái hiện cuộc sống nông nghiệp vừa thi tài, giải trí, vừa mang tính chất của một lễ hội lịch sử.

- Lễ hội đền Đồng Bằng

Mang nét đặc trưng của lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng, lễ hội đền Đồng Bằng diễn ra từ ngày 20 - 26/8 âm lịch tại xã An Lễ (Quỳnh Phụ). Bên cạnh lễ rước từ các đền Mẫu Sinh, Quan Đệ Nhất, Quan Đệ Nhị, Quan Đệ Tam, Quan Điều Thất, Quan Đệ Bát về đền Đức Vua; lễ dâng hương, rước bài vị, khai chiêng, trống mở hội nhằm tưởng nhớ đến công lao của đức Vua Cha Bát Hải Động Đình và đức Thánh Trần và các trò chơi dân gian như: bơi trải, kéo co, chọi gà, cờ tướng... Trong các trò chơi, thi bơi trải là phần thi độc đáo, thu hút đông đảo người xem. Thi bơi trải đã được tổ chức trong nhiều năm

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp ngành Truyền thông Đa phương tiện Bưu Chính (PTIT) đề tài Thực trạng Quảng bá du lịch trên chuyên trang Văn hóa Đài Phát thanh Truyền hình Thái Bình (Trang 34 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)