CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢNG BÁ DU LỊCH TRÊN CHUYÊN TRANG VĂN HÓA ĐÀI PT-TH THÁI BÌNH
2.4. Đo lường hiệu quả tin bài quảng bá du lịch địa phương trên Chuyên trang Văn hóa Đài PT-TH Thái Bình
2.4.2. Đo lường kết quả qua bộ tiêu chí đánh giá
2.4.1.a, Nội dung quảng bá du lịch địa phương
Thực hiện quảng bá du lịch địa phương trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình bao gồm các nội dung như: Thông tin về chủ trương, chính sách về phát triển du lịch; Quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch Thái Bình; Quảng bá về hoạt động kinh doanh du lịch.
Qua khảo sát từ tháng 10/2019 đến tháng 03/2020 trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình, kết quả thu được như sau:
Trong tổng số 123 bài thông tin quảng bá du lịch có 42 bài về du lịch trong nước và nước ngoài (không bao gồm Thái Bình). Du lịch địa phương Thái Bình có 81 bài, chiếm 65,85% số tin bài du lịch và chiếm 32,79% trên tổng số tin bài của CTVH. Đây là một tỉ lệ khá lớn, thể hiện thông tin quảng bá du lịch là vấn đề được tỉnh Thái Bình và cơ quan báo chí thuộc tỉnh Thái Bình chú trọng và cập nhật thường xuyên.
Trong số 81 bài này, các nội dung thông tin, quảng bá du lịch địa phương trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình phân bổ như sau:
Bảng 2.1. Số liệu thống kê nội dung trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình
Nội dung Số lượng (bài) Tỉ lệ %
Quảng bá hình ảnh sản phẩm du lịch 40 49,38%
Chủ trương, chính sách phát triển du lịch 31 38,27%
Quảng bá hoạt động, dịch vụ du lịch 10 12,25%
Tổng 81 100%
● Quảng bá hình ảnh sản phẩm du lịch
Bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh về phát triển du lịch địa phương, Đài PT-TH Thái Bình nói chung và CTVH nói riêng đã không ngừng giới thiệu, quảng bá về đề tài này, góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh cho du lịch địa phương tỉnh Thái Bình.
Có thể nói đây là mảng đề tài thu hút được nhiều phóng viên tham gia viết bài, chiếm tỉ lệ lớn nhất trong các tin bài quảng bá du lịch, Nội dung của những bài này tập trung quảng bá các địa danh, địa điểm, cách danh lam thắng cảnh của tỉnh một cách thường xuyên và liên tục. Thông qua đó, bức tranh về du lịch Thái Bình hiện lên khá rõ nét và ấn tượng đối với công chúng ở tất cả các phương diện: du lịch văn hóa; du lịch trải nghiệm; nghỉ dưỡng giải trí,...
Một số dẫn chứng về các bài báo điển hình:
- Bài “Độc đáo kiến trúc chùa Keo Thái Bình” đăng ngày 10/02/2020 của tác giả Ninh Thanh là một trong những bài tiêu biểu nhất, đại diện cho chủ đề quảng bá hình ảnh sản phẩm du lịch trên CTVH Đài PT-TH Thái Bình. Đây là một tác phẩm báo chí được đầu tư sâu về mặt nội dung, thể hiện được các điểm đặc sắc của kiến trúc chùa Keo: “Chùa Keo Thái Bình là một ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao thế kỷ XVII. Hiện nay Chùa Keo Thái Bình còn lại 17 công trình với 128 gian. Các công trình chính của chùa được sắp xếp theo một đường trục vô hình gọi là đường thần đạo.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Lan – Nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình: nếu tính tam quan ngoại là điểm đầu và gác chuông là điểm cuối, thì hai điểm này nằm trên một đường thẳng. Đây cũng là trung điểm tạo nên sự đối xứng trong kiến trúc của chùa.”
“Nhìn tổng thể, Chùa Keo Thái Bình được thiết kế theo kiểu “nội công ngoại quốc” và “tiền Phật hậu Thánh”. Nhưng điểm độc đáo của Chùa Keo Thái Bình là các tòa nhà được thiết kế theo mô hình hai chữ công lồng trong chữ Quốc mà ít chùa có được. Nguyên tắc kiến trúc này tạo cho Chùa Keo Thái Bình sự đăng đối, trang nghiêm và bề thế nhưng không khô cứng.”
Bài viết dẫn dắt người đọc tham quan hết ngôi chùa từ khuôn viên, cảnh sắc bên ngoài đến lối kiến trúc và chạm trổ bên trong, hay phần mái chùa được sử dụng cách điệu làm biểu tượng của Đài PT-TH Thái Bình suốt một thời gian dài. Để làm rõ hơn về mặt thông tin và tăng tính xác thực của bài viết, tác giả cũng tiến hành phỏng vấn các nhà nghiên cứu lịch sử, người đại diện ban quản lý di tích, khách du lịch. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phần phỏng vấn này chỉ được đưa lên mục phóng sự của Kênh TBTV mà không được dẫn lại vào bài.
- Bài “An Nạp vang tiếng hát chèo” đăng ngày 24/02/2020 của tác giả Thúy Quỳnh thì lại khai thác khía cạnh về di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Thái Bình. Thái Bình là cái nôi của nghệ thuật hát chèo, tìm hiểu về mảnh đất này hay tham gia các lễ hội truyền thống mà không biết đến làn điệu chèo thì quả là một thiếu sót rất lớn. Bởi vậy, có thể nói, hát chèo là một trong những điểm nhấn không nhỏ đối với ngành du lịch của tỉnh và tạo ra nét đặc sắc bên cạnh các điệu hát, sinh hoạt dân gian khác như: múa giáo cờ giáo quạt, hát văn, múa rối nước, làm pháo đất,...
“Không giống như chèo ở những địa phương khác, chèo Thái Bình có chất riêng đó là sự mộc mạc, giản dị, chân chất song không kém phần duyên dáng, biểu cảm trong cách hát lối diễn, giữ nguyên được nhiều yếu tố của chèo cổ. Chính vì chất riêng này mà chèo Thái Bình nổi danh trong làng chèo cả nước, được nhiều người thích chèo, yêu văn hóa truyền thống say mê.”
Tùy từng huyện, xã mà cách lưu giữ, phát triển và quảng bá nghệ thuật chèo có sự khác nhau. “Mặc dù công nghệ phát triển, thị trường âm nhạc sôi động nhưng ở An Nạp, bên cạnh người già thì nhiều bạn trẻ vẫn mê hát chèo, biết những làn điệu của những tích chèo truyền thống, những âm điệu, lời ca,…” Làn điệu chèo còn được đưa vào chương trình sinh hoạt trong giờ học, để các thế hệ con em Thái Bình dù làm gì, ở đâu thì vẫn luôn mang trong mình ý thức về về việc nuôi dưỡng, gìn giữ nghệ thuật chèo truyền thống, để di sản đặc sắc, quý báu đó mãi là mạch nguồn văn hóa của quê hương.
- Bài “Giao lưu thơ ca tình yêu và biển” đăng ngày 31/01/2020 của tác giả Lan Anh lại truyền tải một sự độc đáo mới lạ trong du lịch biển. Khu du lịch sinh thái Cồn Đen từ trước đến nay nổi tiếng với rừng phi lao, cầu tre dân dã, bãi biển trải rộng, khu nghỉ dưỡng tiện nghi và những món đặc sản biển hấp dẫn, có phần thích hợp với giới trẻ
nhiều hơn. Tuy nhiên, hoạt động “tổ chức buổi giao lưu thơ ca tình yêu và biển với chủ đề hướng về biên cương Tổ Quốc” ngay tại khu du lịch sinh thái đã thu hút cả đối tượng công chúng trong độ tuổi trung niên. Họ có thể là những người lính, cán bộ về hưu, hoặc là bất kỳ ai có niềm đam mê với thơ và nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo.
“Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, buổi giao lưu Xuân Canh Tý năm 2020 đã thật sự để lại nhiều cảm xúc trong lòng các tác giả và người nghe. Dịp giao lưu này không chỉ giúp cho người yêu thơ được thưởng thức những bài thơ hay, được có những phút giây thư giãn ý nghĩa; mà còn là dịp để các tác giả, người yêu thơ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, truyền cho nhau những bài thơ hay; đồng thời khuyến khích phong trào sưu tầm, sáng tác, đọc thơ, yêu thơ trong các tầng lớp nhân dân. Giao lưu thơ ca tình yêu và biển còn làm cầu nối để thế hệ trẻ hiểu, cảm nhận nhiều hơn về tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.”
Đây cũng là một cách để quảng bá cho việc phát triển du lịch biển, tạo điều kiện tiếp cận và phục vụ đa dạng đối tượng công chúng hơn. Phương pháp này cũng là một cách duy trì, tạo ra lượng khách ổn định, khắc phục vấn đề lượng khách du lịch sụt giảm trong thời gian mùa đông.
● Chủ trương, chính sách phát triển du lịch
Thái Bình là một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch nhưng chưa thực sự khai thác hết những tiềm năng này để biến thành lợi thế. Do vậy, trong những năm gần đây, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Thái Bình luôn quan tâm và tạo điều kiện để ngành dịch vụ du lịch phát triển.
Việc cập nhật những thông tin này vừa là một hình thức thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cơ quan quản lý cấp tỉnh, vừa thể hiện sự khuyến khích đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển du lịch một cách bền vững, có định hướng, lộ trình cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, đây cũng là một yếu tố giúp tạo thiện cảm đối với khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, giúp nhân dân thuộc sinh sống và làm kinh tế, dịch vụ tại các khu du lịch có ý thức bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa; bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc phòng và quốc gia.
Một số dẫn chứng về các bài báo điển hình:
- Trong bài “Giám sát thực hiện Nghị quyết số 33 tại huyện Đông Hưng” đăng ngày 31/10/2019 của tác giả Phạm Ngọc, bài báo đã cho thấy quyết tâm giữ gìn và phát triển các yếu tố văn hóa trong xã hội hiện đại “Thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, huyện Đông Hưng tập trung chỉ đạo các địa phương quán triệt và tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Gắn xây dựng văn hóa với phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, Đông Hưng chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương như: múa rối nước, xã Nguyên Xá, xã Đông Các, Chiếu chèo Làng Khuốc xã Phong Châu, múa giáo
cờ, giáo quạt xã Đông Tân,…”
Bởi bên cạnh các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, thì bản sắc văn hóa là điểm mạnh và nét riêng biệt của tỉnh Thái Bình, vừa có ý nghĩa lưu giữ giá trị truyền thống, vừa có ý nghĩa phát triển du lịch. Trong khi đó, sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa lại phần nào làm mất đi những giá trị này, nhiều làn điệu dân gian, làng nghề truyền thống dần bị mai một. Bởi vậy, đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa là yếu tố rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng tốt văn hóa sẽ góp phần xây dựng và phát triển con người - đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.
- Bài viết “Lấy ý kiến người dân về phương án kiến trúc Bảo tàng tỉnh Thái Bình”
đăng tải ngày 19/11/2019 của tác giả Hồng Thắm thì thuộc dạng tin bài thông tin rộng rãi và công khai với người dân về công tác thiết kế kiến trúc Bảo tàng tỉnh. Đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên mọi quy trình xây dựng đều được đưa tin chi tiết tới công chúng. “Ban quản lý dự án triển khai và phát động cuộc thi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương từ ngày 28/9. Đến ngày 15/10, Hội đồng thi tuyển đã nhận được bản thiết kế của 16 đơn vị tư vấn thiết kế trong nước. Sau một thời gian nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, 4 phương án thiết kế được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh là những phương án đạt số phiếu cao nhất trong số 16 phương án thiết kế.
Mục đích của việc trưng bày là trưng cầu ý kiến của người dân, những người làm kiến trúc để hoàn thiện các phương án cho công trình này. Hết thời gian trưng bày, hội đồng sẽ tiếp thu ý kiến, tổng hợp, và tiếp tục hoàn thiện, chọn ra phương án tốt nhất, đồng thời yêu cầu đơn vị tham gia phải hoàn thiện phương án thiết kế thi công để trình UBND tỉnh.”
Hơn nữa, hoạt động này cũng nằm trong việc chuẩn bị cho chuỗi sự kiện Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, dự kiến thu hút khách tham quan không chỉ riêng Bảo tàng Thái Bình mà còn nhiều địa điểm khác trong địa bàn tỉnh, các chương trình văn hóa, nghệ thuật và củng cố, làm mới hình ảnh quê hương Thái Bình.
- Thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng kịp thời ra các chỉ đạo riêng cho ngành du lịch để đảm bảo sự an toàn của người dân và khách tham quan trong từng giai đoạn. Có thể để đến các bài viết: “Bắt buộc sử dụng khẩu trang khi tham gia lễ hội” đăng tải ngày 03/02/2020 của tác giả Thế Công, “Người dân hạn chế đi lễ chùa giữa dịch Covid-19” đăng tải ngày 15/02/2020 của tác giả Ngọc Anh, “Hưng Hà tạm dừng đón khách du lịch tại các di tích” đăng tải ngày 21/03/2020 của tác giả Hồng Hạnh và “Tăng cường phòng chống Covid-19 trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng” đăng tải ngày 31/03/2020 của tác giả Hà My.
Những bài viết này thông tin kịp thời, xoáy sâu vào chủ đề nóng nên nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Qua đó, cũng thể hiện nhân dân Thái Bình đoàn kết, đồng lòng cùng cả nước chống dịch, ngành du lịch tỉnh quyết tâm thực hiện nghiêm túc
tất cả các chỉ đạo của Đảng, nhà nước để nước ta nhanh chóng chiến thắng đại dịch.
● Quảng bá hoạt động, dịch vụ du lịch
Khác với phần Quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, những tin bài được xếp vào phần Quảng bá hoạt động, dịch vụ du lịch tập trung giới thiệu các kế hoạch hoạt động du lịch sắp diễn ra, dịch vụ du lịch ấn tượng cũng như đánh giá mức độ thành công của chúng. Số lượng bài này không nhiều, ít hơn hẳn hai loại còn lại nhưng lại là một phần không thể thiếu trong quảng bá du lịch tỉnh. Bởi vì, ngoài việc được tiếp cận và giới hiệu các hình ảnh, địa điểm, di sản thì công chúng rất cần có một thông tin cụ thể, đóng vai trò thông báo, cập nhật theo thời gian diễn ra sự kiện.
Một số dẫn chứng về các bài báo điển hình:
- Bài “Nông trại trải nghiệm – điểm đến lý tưởng” đăng ngày 13/11/2019 của tác giả Hồng Hạnh là một tác phẩm điển hình trong việc quảng bá hoạt động và dịch vụ du lịch. Thực tế thì Thái Bình có nhiều di tích lịch sử được rất nhiều người biết, nhưng không phải ai cũng biết ở địa phương còn có hình thức du lịch trải nghiệm.
“Không khói bụi, không ồn ào, được hòa mình vào thiên nhiên và trải nghiệm các công việc nhà nông là những lý do khiến du lịch nông trại trải nghiệm ngày càng trở thành xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Nắm bắt được nhu cầu đó, ở Thái Bình đang dần hình thành các mô hình kết hợp các yếu tố nông nghiệp và du lịch, trong đó phải kể đến nông traị trải nghiệm EPC farm ở xã song Lãng huyện Vũ Thư.”
Bất cứ khi nào khách du lịch đến nông trại cũng đều được trải nghiệm các dịch vụ du lịch đậm chất thiên nhiên, dân dã. Các hoạt động đa dạng, phải kể đến việc thưởng thức các loại hoa, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, chơi trò chơi dân gian,... Đối với người lớn, hình thức du lịch này giúp họ được thư giãn, sau những giờ làm việc vất vả, căng thẳng nơi thành thị sôi động. Còn đối với các em nhỏ, du lịch nông trại là cách tuyệt vời để mang đến cho các em bài học trực quan sinh động và hiệu quả về cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân.
- Bài “Nhiều điểm vui chơi giải trí thu hút người dân dịp Tết” đăng ngày 27/01/2020 của tác giả Hà My phản ánh ượng khách đến tham gia hoạt động giải trí tại các khu vui chơi trên địa bàn Thành phố Thái Bình. Dịp Tết Nguyên đán là thời gian được nghỉ dài, vì vậy mà nhiều gia đình nghĩ tới việc đi du xuân hoặc tham gia các du lịch giải trí.
Các cụm công trình vui chơi giải trí ở các huyện thuộc tỉnh Thái Bình chưa phát triển, nên người dân trong tỉnh chủ yếu tập trung ở thành phố Thái Bình để trải nghiệm các dịch vụ tiện nghi, hiện đại. Tuy chưa có quy mô hoành tráng như thành phố lớn, nhưng cũng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.
“Rạp chiếu phim là một trong những điểm đến được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn. Lượng khách đến rạp trong những ngày này tăng cao hơn tới 70 – 80% so với ngày thường.