CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ PHÁP LUẬT TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT
1.1.2. Các dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật
Các dạng tật bao gồm: Khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Mỗi loại khuyết tật này có những đặc điểm nhất định về tâm, sinh lý. Qua đó tác động đến các nhu cầu và sự hòa nhập của người khuyết tật.
– Khuyết tật vận động: Là những người có cơ quan vận động bị tổn thương, biểu hiện dễ nhận thấy là có khó khăn trong ngồi, nằm, di chuyển, cầm, nắm… Người khuyết tật vận động gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt cá
nhân, vui chơi, học tập và lao động, do đó, cần được sự hỗ trợ về phương tiện đi lại (xe lăn, gậy chống…) và đặc biệt là không gian cần thiết, thuận tiện, phù hợp để di chuyển khi làm việc, đảm bảo các nhu cầu cuộc sống bình thường của con người và tham gia các hoạt động xã hội.
– Khuyết tật nghe, nói (khuyết tật ngôn ngữ): Là người có khó khăn đáng kể về nói và/hoặc về đọc viết làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao tiếp và học tập, từ đó làm hạn chế sự làm việc, học tập, hòa nhập cộng đồng của họ.
– Khuyết tật nhìn (khuyết tật thị giác, khiếm thị): Là những người có tật về mắt như: Hỏng mắt, không đủ sức nhận biết thế giới hữu hình bằng mắt hoặc nhìn thấy không rõ ràng. Tổ chức y tế thế giới (1992) còn đưa ra các khái niệm để phân biệt mức độ khuyết tật nhìn khác nhau: Khiếm thị, nhìn kém, mù (hoàn toàn).
– Khuyết tật trí tuệ: Xét về mức độ, đây là nhóm khuyết tật thường chịu nhiều sự thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống. Khuyết tật về trí tuệ được xác định khi: (i) Chức năng trí tuệ dưới mức trung bình (chỉ số thông minh đạt gần 70 hoặc thấp hơn 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân; (ii) Bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất là hai trong số những hành vi thích ứng sau: Giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, kỹ năng xã hội/cá nhân, sử dụng các tiện ích trong cộng đồng, tự định hướng, kỹ năng học đường, làm việc, giải trí, sức khỏe và an toàn; (iii) Tật xuất hiện trước 18 tuổi.
Người khuyết tật về trí tuệ có nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của họ và người thân cả về trí tuệ (phần lớn chỉ dùng ở mức độ tư duy trực quan cụ thể, mức độ, nhịp độ tư duy của các thành phần không giống nhau); về trí nhớ (gặp khó khăn về trí nhớ cả ngắn hạn và dài hạn, khó khăn trong việc nhớ những gì mang tính trìu tượng hay có quan hệ logic, dễ quên những gì gần gũi với cuộc sống và không gắn với nhu cầu bản thân); về chú ý (phần đông người khuyết tật có khó khăn khi phải tập trung và duy trì sự
chú ý vào một công việc nào đó, đặc biệt là chú ý đến lời nói. Do duy trì chú ý kém nên việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin của người khuyết tật thường gặp khó khăn); về kỹ năng giao tiếp xã hội (đa phần người khuyết tật trí tuệ yếu kém về các kỹ năng xã hội, rất ít thậm chí không có nhu cầu giao tiếp); cuối cùng là về hành vi (người khuyết tật trí tuệ thường có những hành vi làm cho họ khó hòa nhập: hành vi tự lạm dụng, quá hiếu động, quá ù lì…).
Trên đây là những nhóm người khuyết tật chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng số người khuyết tật. Xét ở góc độ đặc điểm về tâm, sinh lý cho thấy tính đa dạng của khuyết tật và rõ ràng việc đảm bảo các quyền của họ dưới phương diện pháp lý cũng cần tính đến yếu tố đặc thù của các dạng khuyết tật khác nhau.Ngoài các nhóm trên còn có những nhóm người khuyết tật như: người bị rối loạn hành vi cảm xúc, người mắc hội chứng tự kỉ, người bị rối loạn ngôn ngữ, người đa tật…
b) Mức độ khuyết tật
Luật khuyết tật năm 2010 quy định ba mức độ khuyết tật là khuyết tật đặc biệt nặng, khuyết tật nặng và khuyết tật nhẹ với các định nghĩa cụ thể:
- Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
- Người khuyết tật nhẹlà người khuyết tật không thuộc 02 trường hợp trên.
Việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện theo Luật người khuyết tật 2010, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật và Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật
cấp xã thực hiện. Trong một số trường hợp thì việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng giám định Y khoa thực hiện.
Căn cứ vào kết quả xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, ghi rõ dạng tật và mức độ khuyết tật của họ.