Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm y tế từ thực tiễn bệnh viện đa khoa tỉnh bắc giang (Trang 32 - 35)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BẮC GIANG

2.1. Thực trạng quy định pháp luật về bảo hiểm y tế ở Việt Nam hiện nay

2.1.1. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng được quy định trong Luật BHYT. Điều 12 Luật BHYT quy định đối tượng tham gia BHYT có 5 nhóm.

Đến nay, đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, có 06 nhóm đối tượng gồm:

Thứ nhất, nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.

Nhóm đối tượng này bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn đủ 03 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

Quy định về nhóm đối tượng này là sự kế thừa của quy định tại các Điều lệ BHYT trước đây. Ngay từ Điều lệ BHYT đầu tiên được ban hành kèm theo Nghị định 299/NĐBT ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quy định cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là đối tượng tham gia bắt buộc; từ Điều lệ BHYT được ban hành theo Nghị định 58/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Cho đến nay, đây vẫn là nhóm đối tượng chiếm số đông trong xã hội và khá ổn định về thu nhập, là nhóm đối tượng tham gia BHYT chủ yếu và có tính truyền thống của BHYT.

Thứ hai, nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.

Nhóm đối tượng này gồm: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành; Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội

hằng tháng; Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhóm đối tượng này gồm những người đang hưởng chế độ từ bảo hiểm xã hội, do đó tỷ lệ tham gia BHYT thường là cao nhất và số lượng tham gia rất ổn định. Do đó đây cũng là một nhóm đối tượng được coi là có tính "truyền thống" của BHYT.

Thứ ba, nhóm do ngân sách nhà nước đóng BHYT.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, nhóm này có 17 đối tượng bao gồm: 1) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 2) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 3) Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; 4) Cựu chiến binh;

5) Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc; 6) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm; 7) Trẻ em dưới 6 tuổi; 8) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; 9) Người thuộc hộ gia đình nghèo;

người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác; 10) Người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc họ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ; 11) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; 12) Thân nhân của người có công với cách mạng; 13) Thân nhân của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ, sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an; 14) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng; 15) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam;

16) Người phục vụ người có công với cách mạng sống ở gia đình; 17) Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đây là nhóm đối tượng được Nhà nước chi đóng BHXH. Nhìn vào nhóm đối tượng này, có thể thấy nỗ lực, cố gắng của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiến tới

bảo hiểm y tế toàn dân rất cao. Quy định này thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, đảm bảo công bằng về quyền được chăm sóc y tế, công bằng trong thực hiện chính sách ưu đãi xã hội.

Thứ tư, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Nhóm đối tượng này gồm có: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp,lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.

Khi Luật BHYT năm 2008 ra đời, nhóm đối tượng này từ đối tượng tham gia BHYT tự nguyện đã họ trở thành đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của nhóm đối tượng này nhìn chung còn nhiều khó khăn, học sinh sinh viên chủ yếu là những người chưa có thu nhập, các chi phí sinh hoạt, học tập vẫn phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, để khuyến khích họ tham gia BHYT nên pháp luật quy định nhóm đối tượng này được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần phí tham gia BHYT là từ 30% đến 100% mức đóng BHYT. Việc hỗ trợ đóng BHYT của Nhà nước với đối tượng này là cần thiết, nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.

Thứ năm, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Tham gia BHYT theo hộ gia đình là việc toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu (không bao gồm người đã khai báo tạm vắng) hoặc sổ tạm trú cùng tham gia BHYT, trừ những thành viên gia đình đã thuộc đối tượng đã tham gia BHYT thuộc nhóm do người lao động, chủ sử dụng lao động đóng, nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng các nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng BHYT [13]. Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thêm hai đối tượng thuộc nhóm này, đó là: 1) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; 2) Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (một số đối tượng).

Tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu tiên được quy định tại Luật sửa đổi bổ sung Luật BHYT năm 2014, đến nay được phát triển thêm hai đối tượng, được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân của Đảng và Nhà nước ta. Nếu người dân không thuộc đối tượng tham gia BHYT có sự hỗ trợ trực tiếp một phần hoặc toàn bộ phí tham gia BHYT từ người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội, bằng cách tự đóng góp phí BHYT, BHYT theo hộ gia đình được ví như tấm lưới đỡ sau cùng cho những người chưa thuộc bất kỳ nhóm đối tượng tham gia BHYT nào kể trên.

Thứ 6, nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Nhóm này gồm có: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công

an nhân dân; Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu theo quy định của pháp luật.

Đây là nhóm đối tượng mới được bổ sung theo quy định tại Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ. Quy định này nhằm bảo đảm công bằng trong thực hiện chế độ chính sách ưu đãi xã hội, không bỏ sót đối tượng tham gia BHYT, góp phần tăng nhanh tỷ lệ bao phủ BHYT.

Với 06 nhóm đối tượng tham gia BHYT như trên, pháp luật Việt Nam hiện hành đã bao quát cơ bản dân cư tham gia BHYT, tạo ra một lưới đỡ an toàn trong chăm sóc y tế tối thiểu. Nhờ những thay đổi trong quy định về đối tượng tham gia BHYT và sự tích cực trong triển khai thực hiện, số lượng người tham gia BHYT ở nước ta trong những năm qua liên tục tăng. Theo báo cáo của Chính phủ [54], năm 2019, cả nước đã có khoảng 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8%

dân số, vượt gần 10% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 68/2013/QH13 và vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QÐ-TTg ngày 28/6/2016 là 1,7%. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như sự quan tâm của người dân đối với chính sách BHYT. Cả nước hiện vẫn còn 10,2% dân số, tương đương khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT thuộc nhóm tham gia theo hộ gia đình, làm nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong doanh nghiệp tư nhân và sinh viên [55]. Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT đã được đẩy mạnh; hình thức và nội dung truyền thông cũng được đổi mới nhằm tiếp cận gần hơn tới người dân. Nhận thức của phần lớn người dân về chính sách BHYT đã được nâng lên; nhưng nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm y tế từ thực tiễn bệnh viện đa khoa tỉnh bắc giang (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)