Mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm y tế từ thực tiễn bệnh viện đa khoa tỉnh bắc giang (Trang 35 - 38)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HIỂM Y TẾ VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH BẮC GIANG

2.1. Thực trạng quy định pháp luật về bảo hiểm y tế ở Việt Nam hiện nay

2.1.2. Mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm y tế

Tùy thuộc vào mỗi nhóm đối tượng tham gia BHYT mà mức đóng và phương thức đóng BHYT có quy định khác nhau. Luật BHYT quy định trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự các đối tượng luật định, các nhóm lần lượt là:

Nhóm do NLĐ và NSDLĐ đóng BHYT; nhóm được NSNN đóng phí BHYT, nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình. Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng và phương thức đóng BHYT của các đối tượng như sau:

Nhóm do NLĐ và NSDLĐ đóng

Mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 và nguời lao động đồng 1/3. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế; Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.

Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT. Riêng đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, doanh nghiệp không trả lương theo tháng khi định kỳ 3 tháng, 6 tháng người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT.

Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.

Mức đóng BHYT cho đối tượng này bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp, mức lương cơ sở tùy trường hợp. Mức đóng bằng 4,5 tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động; bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao trước khi nghỉ thai sản; bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp; bằng 4,5% mức lương cơ sở đối với các đối tượng khác. Số tiền phí tham gia BHYT của nhóm đối tượng này do tổ chức BHXH đóng vào quỹ BHYT định kỳ hàng tháng.

Nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng

Mức đóng với nhóm đối tượng này được tính bằng 4,5% mức tiền lương tháng hoặc tiền lương cơ sở.

Tiền đóng BHYT cho các đối tượng nêu trên được NSNN chuyển vào quỹ BHYT theo quý. Riêng đối với người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách Việt Nam thì hàng quý , cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp học bổng đóng BHYT vào quỹ BHYT.

Nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT.

Với người tham gia BHYT theo nhóm được NSNN hỗ trợ đóng phí BHYT, mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở và được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần. Đối

với những trường hợp này có trường hợp nhà nước hỗ trợ toàn bộ, có trường hợp nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại người tham gia BHYT đóng. Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức hỗ trợ của NSNN như sau:

- Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP;

- Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều mà không thuộc trường hợp hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập và người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT.

- Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là: Học sinh, sinh viên; Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hàng quý, NSNN chuyển tiền hỗ trợ đóng BHYT vào quỹ BHYT. Có thể thấy mức hỗ trợ của nhà nước với đối tượng này là rất lớn, thể hiện quyết tâm cao trong việc mở rộng độ bao phủ của BHYT. Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, học sinh, sinh viên hoặc cha, mẹ, người giám hộ của học sinh, sinh viên có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng theo quy định; Định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng, người đại diện của hộ gia đình Người thuộc hộ gia đình (làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình) trực tiếp nộp tiền đóng bảo hiểm y tế phần thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, Nhà nước quy định việc đóng phí BHYT theo hướng rất có lợi cho nhóm hộ gia đình. Hiện nay mức đống BHYT tối đa cho thành viên hộ gia đình, lũy thoái lần lượt theo thứ tự người cùng hộ tham gia BHYT, tới mức thấp nhất chỉ bằng 40% của 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng băng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định mức giảm trừ chỉ loại trừ đối với hộ gia đình được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Quy định về mức đóng BHYT cho thành viên hộ gia đình như hiện nay có nhiều ưu đãi, so sánh

với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, quy định mức phí BHYT như vậy rất có lợi cho nhóm hộ gia đình, gia đình càng có nhiều người tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chi mức phí BHYT càng thấp. Hộ gia đình đóng BHYT theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động đóng.

Mức đóng với nhóm do người sử dụng lao động đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Hằng tháng người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng này, cùng với việc đóng bảo hiểm y tế cho người lao động theo quy định.

Mức đóng BHYT hiện nay của các đối tượng tham gia BHYT là 4,5% trong khi mức trần đóng cho phép là 6%, mặt khác quyền lợi được hưởng tùy theo tình trạng bệnh tật nên có nhiều bệnh nhân nặng đã đượcquỹ BHYT chi trả hàng tỷ đồng mỗi năm. Đồng thời, chi phí KCB hàng năm ngày càng tăng; từ năm 2016 đến nay Nhà nước đã có 04 lần điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, quy định tại các văn bản: Thông tư liên tịch số số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư số 15/2018//TT-BYT ngày 30 tháng 5 năm 2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp; Thông tư 39/2018/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; Thông tư số 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp.

Ở lần điều chỉnh giá gần nhất, theo quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT thì mức giá khám bệnh, ngày giường được điều chỉnh tăng bình quân 4,4%, giá các dịch vụ kỹ thuật y tế tăng 1,1%. Trong khi đó, tỷ lệ đóng BHYT không tăng nên quỹ BHYT hàng năm chỉ tăng thấp khi mức lương cơ sở của nhà nước có điều chỉnh. Từ đó có thể thấy, chi phí y tế tăng nhanh, quỹ BHYT tăng không tương ứng với chi trả dẫn đến tình trạng bội chi quỹ BHYT ngày càng tăng. Do đó, cần điều chỉnh tăng mức đóng BHYT để có đủ nguồn kinh phí chi trả.

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm y tế từ thực tiễn bệnh viện đa khoa tỉnh bắc giang (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)