1.2.2. Về nội dung nghĩa
2.1.3.2. Cơ chế tạo nghĩa của TN có thành tố chỉ tên gọi con vật là tính ngữ
Cấu tạo của TN có thành tố chỉ tên gọi con vật trong nhóm tính ngữ đơn giản gồm 2 dạng sau : (as) + Adj + as + Noun
(as) + Adj + as + Noun phrase
và phần nghĩa của thành ngữ là nghĩa trực tiếp. Nhưng trực tiếp ở đây không có nghĩa là mất đi tính ví von, hình tượng. Ngoài yếu tố tính từ trung tâm dùng để so sánh, yếu tố được so sánh thường chính là từ chỉ tên gọi của loài vật hoặc một ngữ có chứa thành tố chỉ loài vật. Lúc đó sức nặng ngữ nghĩa thành ngữ trong hoạt động dồn lên hình ảnh của loài vật được làm vật so sánh. Qua khảo sát, chúng tôi thấy tính từ được người Anh sử dụng nhiều nhất để so sánh là tính từ chỉ tính cách (tức là chủ yếu để nói về con người) nhưng đối tượng được đem ra so sánh lại là loài vật. Có nghĩa là sự quan sát của người Anh không chỉ dừng lại ở hình thức bề ngoài của các loài vật vốn đã rất đa dạng về hình thức, kích cỡ, sắc màu, chủng loại: “as black as a crow, as big as an elephant (a whale), những đặc trưng sinh học của loài vật như “slow as a tortoise, spineless as a jellyfish, stink as a pole cat” mà tất cả những gì liên quan tới hoạt động của con vật “as fast as deer, as clumsy as a bear”.
Khi chúng tôi chú ý tới các TN so sánh mà có tính từ chỉ tính cách thì mới phát hiện ra rất nhiều điều thú vị liên quan đến tư duy của người Anh và những nét biểu trưng của con vật mà người Anh lựa chọn không phải lúc nào cũng trùng khớp với cách biểu trưng của các dân tộc khác. Về phần thống kê cụ thể những nét biểu trưng của từng loại động vật hay nhóm động vật chúng tôi sẽ làm rõ trong chương III. Tuy nhiên chúng tôi xin lấy một vài ví dụ để
thấy rõ sự khác biệt giữa các dân tộc về cách nhìn nhận cùng một sự việc, hiện tượng (So sánh giữa tiếng Việt và Anh)
Con bò trong mắt người Anh cũng hiền lành, nặng nề, đôi khi ngốc nghếch, vụng về do đó họ so sánh: “as silly/ foolish as a calf” (ngớ ngẩn, ngốc nghếch như con bê con), “as awkward as a cow on ice” (vụng về như bò trên băng). Chắc chắn trong tiếng Việt không thể có sự so sánh này vì ở Việt nam làm gì có băng tuyết. Hay “as strong as an ox” (mạnh như con bò mộng), tiếng Việt lại hay nói: “khỏe như vâm (voi)” hay “khoẻ như trâu đầm”. Bên cạnh đó, người Anh còn nói “as stolid as a cow” (tỉnh queo như con bò) hay “as useful as a cow” (hữu ích như con bò). Nhìn chung hình ảnh con bò trong tâm lý của người Anh cũng gần giống như người Việt, nhưng ta cảm thấy đối với họ các con vật đều thật gần gũi và có những đặc điểm đáng yêu (chỉ dùng các tính từ “silly, foolish, awkward” mà không dùng “stupid” với nghĩa mạnh hơn). Người Việt ngoài những cảm nhận về con bò tương đối giống người Anh, cho nó là một con vật có ích, thì dường như lại hay tìm ra những nét hết sức lạ: “Béo như bò mộng”, “Dốt như bò”,
“Ngu như bò” lại có: “Kêu như bò rống”, “Ngáy như bò rống” hay “Nhai như bò nhai trấu”. Điều này càng khẳng định cách nhìn nhận thế giới của mỗi dân tộc là khác nhau.
Một con vật nữa mà trong thành ngữ so sánh cả tiếng Anh và tiếng Việt đều nhắc tới nhiều là con chó. Con chó đối với người Anh trước hết là con vật phổ biến nuôi trong nhà làm cảnh, là con vật được cưng chiều. Thứ hai chó được nuôi để đi săn thú. Một điểm đáng chú ý là con chó đối với người Anh gồm cả những con chó sói (thú hoang) được thuần hoá dùng
trong việc săn bắn và điều này liên quan đến một thú vui của người Anh là đi săn bắn. Do đó trong thành ngữ tiếng Anh hình ảnh con chó xuất hiện với những đặc điểm đa dạng đó, ngoài các câu như “as friendly as a puppy”
(thân thiện như chú chó nhỏ), “as devoted as a faithful dog” (tận tuỵ như một chú chó trung thành), “as faithful as a dog” (trung thành như chú chó) còn thấy “ as greedy as a dog” (tham ăn như chó), “as fleet as a grey- hound” (nhanh như chó săn) hay “as sick as a dog” (nôn mửa như con chó) là một so sánh mà người Việt không dùng. ở Anh có một giống chó đầu to, cổ ngắn và mập khoẻ, can đảm được gọi là “bull- dog”. Đây cũng thể hiện một sự khác nhau về địa lý, lãnh thổ. Giống chó này ở Việt Nam không có.
Con chó ấy được người Anh so sánh như sau: “as tenacious as a bull-dog”,
“hold tight like a bull-dog” (ngậm chặt như con chó ngoạm). Trở lại với các thành ngữ so sánh tiếng Việt có hình ảnh con chó ta thấy: trước hết phải hiểu
“chó” đối với người Việt là một con vật để trông nhà, giữ nhà ở các làng quê nông thôn. Người Việt hiện nay quen gọi là “chó ta” để phân biệt với những giống chó được nhập từ nước ngoài vào chủ yếu để làm cảnh ở các gia đình thành phố. Hình ảnh con chó quanh quẩn trước sân nhà của các làng quê đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt (chứ không phải là những con chó cảnh ở thành phố). Có nắm vững được những điều này thì mới có thể lý giải tại sao trong các thành ngữ tiếng Việt có rất nhiều hình ảnh con chó, và chỉ trong các thành ngữ so sánh đã thấy rất nhiều: “Cắm cẳn như chó cắn ma”,
“Chạy như chó phải pháo”, “Lang lảng như chó cái trốn con”, “Lang lảng như chó phải dùi đục”, “Làu bàu như chó hóc xương”, “ Lầm bầm như chó ăn vụng bột”, “Lơ láo như chó thấy thóc”, “Lui lủi/tiu nghỉu như
chó cụp đuôi”, “Lưng dài như chó liếm cối”, “Ngồi xó ró như chó tiền rưỡi”, “Ngu như chó”, “nhục như chó”. Các thành ngữ so sánh trên đều để chỉ các chú chó giữ nhà ở mỗi gia đình nông dân làng quê Việt Nam. Mà làng quê Việt nam thì nào “thóc, cối, bột” hay các vật quen thuộc với người Việt “dùi đục, pháo” và có ở làng quê mới hiểu thế nào là “chó cắn ma”. Một nhận xét có thể rút ra nữa là cách nhìn, quan sát của người Anh chỉ ở vẻ bề ngoài, những thuộc tính chung nhất và thông qua đó có thể để nói tới tính cách của con người còn người Việt chú ý vào những hoạt động rất cụ thể của con vật để ví von, so sánh với những thái độ của con người nên khi sử dụng rất thâm thuý.
Cũng chính do cách nhìn con chó của người Việt Nam không mấy nâng niu, chiều chuộng như người Anh nên mới có thành ngữ “Ngu như chó”, “Dại như cày” trong khi người Anh lại ca ngợi tính trung thành, tận tuỵ và thân thiện của những chú chó.
Con mèo thì sao? Đối với người Anh, mèo là một con vật được nuôi trong nhà, được cưng chiều. Trong tiếng Anh từ “cat” còn để chỉ các động vật hoang dã có họ với những con thú lớn nhưng thuộc giống mèo như sư tử, hổ, báo gọi là “cat family”. Người Anh thấy con mèo là một con vật yếu đuối
“as weak as a cat” (yếu đuối như mèo), tinh nghịch “as playful as a cat”.
Đây là một con vật mà người Anh từ góc quan sát của mình phát hiện ra nhiều đặc tính nhất. Đó là những đặc tính ghen tị: “as jealous as a cat”;
vụng trộm: “as steathy as a cat”; nghi ngờ: “as suspicious as a cat”; tinh quái: “as mischievous as a kitten”; lanh lợi “as agile as a cat” hay “as calm as a cat” (tĩnh như mèo). Những đặc tính này chắc chắn người Anh nhận ra
rõ nét nhất còn người Việt thì so sánh “làm như mèo mửa”: chỉ cách làm loam nhoam, không chu đáo ví như sự tớp túa, bẩn thỉu của những thứ mèo mửa ra, “ăn như mèo”: ăn ít như mèo, “lèo nhèo như mèo vật đống rơm”.
Đúng là qua cứ liệu ngôn ngữ, thế giới như mở rộng ra trước mắt ta, ở cùng một con vật nhưng dân tộc này nhìn thấy một vẻ, dân tộc khác lại thấy đặc tính khác.
Trong số những thành ngữ tiếng Anh mà chúng tôi khảo sát, ngoài những con vật trên là hai dân tộc đều có và nhiều thành ngữ so sánh có liên quan thì còn thấy hình ảnh con cừu được người Anh so sánh rất nhiều. Bởi cừu vốn là con vật quá quen thuộc với người Anh như chúng tôi đã nói ở trên. Các thành ngữ như “as docile as a lamb” (dễ bảo như cừu non), “as innocent as a lamb” (trong trắng như cừu non), “as meek as a lamb” (hiền lành như cừu non), “as quiet as a lamb” (thanh thản như cừu non), “as silly as a sheep” (ngốc như cừu), “as tame as a sheep” (dễ bảo như cừu),
“as frisky as a lamb” (tung tăng như cừu non), “as fat as a sheep’s tail”
(Mập như đuôi cừu). Chúng ta không thể nhận ra từng đấy những đặc tính của con cừu vì ở Việt Nam đâu có cừu.
Một số loài động vật hoang dã rất đặc trưng cho các khu rừng thưa ôn đới trên núi. Đó là cáo, một động vật hoang dã dòng họ chó, lông màu đỏ, mặt nhọn, đuôi xù. Săn cáo là một môn thể thao riêng biệt của người Anh và con cáo nổi tiếng về sự lanh lợi và tinh khôn. Do đó bắt gặp các thành ngữ:
“as cautious as a fox” (cẩn trọng như con cáo), “as crafty as a fox” (xảo trá như con cáo), “as cunning as a fox” (xảo quyệt như cáo), “as sly as a fox”
(ranh mãnh như cáo), “as selfish as a fox” (ích kỷ như cáo), “as wily as a
fox” (xảo trá như cáo). Chó sói cũng có mặt trong các thành ngữ so sánh tiếng Anh và các đặc tính “as fierce as wolf/famished wolf” (dữ dằn như chó sói/ chó sói đói mồi), “as hungry as a wolf” (đói như chó sói), “as warlike as a wolf” (hiếu chiến như chó sói).
Ngoài ra, còn có một số tính ngữ trong tiếng Anh được hiểu là TN nhưng có cấu trúc khác.
Loại A: chicken-hearted : nhút nhát dog tired : quá mệt
Loại B: cold enough to freeze the balls off a brass monkey: rất lạnh knee-high to a grasshopper : bé tí xíu
Nhận xét:
Loại A: Nghĩa của TN dựa vào nghĩa của thành tố chỉ loài vật, có biểu trưng hoá.
Loại B: sự xuất hiện của thành tố chỉ loài vật có ý nghĩa bổ trợ cho tính từ làm trung tâm. Đôi khi bản thân tên gọi loài vật cũng mất đi nghĩa đích thực của nó. Để hiểu TN người ta phải dựa trên nghĩa chung, khái quát của cả cụm từ.
2.1.4. Ngữ giới từ: