CHƯƠNG 1:CƠ SỞ LÝ LUẬN QUẢN LÝ ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG
1.2. ĐÀO TẠO VÀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG
1.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở trường Cao đẳng
1.2.3.1. Nhóm các yếu tố bên ngoài
Các yếu tố về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Cơ chế chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của giáo dục và về quy mô, cơ cấu, chất lượng. Sự tác động này thể hiện ở các khía cạnh sau:
Cơ chế chính sách phù hợp sẽ khuyến khích sự chủ động sáng tạo trong công việc tạo môi trường cạnh tranh trong đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong việc nâng cao chất lượng. Ngược lại, có thể làm kìm hãm sự phát triển sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Cơ chế chính sách có thể khuyến khích nhưng cũng có thể kìm hãm việc huy động các nguồn lực, để cải tiến nâng cao chất lượng cũng như việc mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo.
Các chính sách về đầu tư tài chính đối với các cơ sở đào tạo, hệ thống đánh giá, kiểm định, các chuẩn mực đánh giá chất lượng đào tạo, quy định quản lý chất lượng đào tạo và cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc kiểm định chất lượng đào tạo hệ cao đẳng.
Các chính sách về lao động, việc làm và tiền lương của lao động qua đào tạo, chính sách đối với GV và SV hệ cao đẳng.
Các quy định trách nhiệm và mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động, quan hệ giữa nhà trường với các cơ sở sản xuất.
Tóm lại, cơ chế chính sách của Nhà nước tác động đến tất cả các khâu từ đầu vào, đầu ra đến quá trình đào tạo. Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ quản lý, giảng viên và cả SV trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo. Chẳng hạn, sau khi thông tư 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 quy định về đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học được ban hành, việc đào tạo và tuyển sinh không những hệ liên thông mà ngay cả với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong đó có trường Cao đẳng kinh tế công nghiệp Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn.
Các yêu tố về môi trường
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho giáo dục Việt Nam tiếp cận nhanh trình độ tiên tiến, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, cơ hội này cũng đặt ra không ít những thách thức cho giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Hội nhập quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ độ cao mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Vấn đề này đặt ra cho người lao động trách nhiệm phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng không chỉ thị trường trong nước, khu vực mà trên toàn thế giới.
Xã hội phát triển, ý thức của người dân nâng lên, việc đầu tư cho học tập ngày càng được chú trọng. Từ đó, cơ hội đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng lên, đây là
cơ hội cho các trường có thêm điều kiện cải tạo hoàn thiện cơ sở vật chất để cải thiện chất lượng đào tạo.
Đòi hỏi của thị trường lao động khiến nhu cầu học tập cũng tạo động lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho các cơ sở đào tạo. Môi trường sống xung quanh khu vực trường đào tạo cũng ảnh hưởng không nhỏ tới SV: quán game internet, quán café, nhà nghỉ, trình độ dân trí khu dân cư xung quanh khu vực đào tạo, hệ thống giao thông, đường xá,…Những yếu tố xã hội có tính chất khách quan này tác động trực tiếp đến việc học của SV, nếu nhà trường không quan tâm ngăn chặn và có các biện pháp quản lý tốt sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng đào tạo.
Môi trường học tập, sinh hoạt trong nhà trường: phòng ở ký túc xá với các dịch vụ đi kèm như điện, nước, điện thoại, internet.... Đó là những dịch vụ góp phần ổn định điều kiện sống và học tập của SV. Trật tự trị an trong nhà trường nói chung và trong khu ký túc xá nói riêng cũng là một trong những yêu cầu quan trọng để rèn luyện tính kỷ cương, tạo môi trường học tập, sinh hoạt nề nếp, lành mạnh cho SV…
nhờ đó, SV yên tâm học tập và rèn luyện giúp nâng cao chất lượng đào tạo.
Mối quan hệ giữa người với người trong môi trường sinh hoạt và học tập của SV như: giao tiếp giữa SV với nhau, giao tiếp giữa SV với thầy, cô giáo, với cán bộ quản lý phục vụ,… cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Những mối quan hệ đó có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tình cảm và tâm lý của SV, nhất là SV nội trú.
1.2.3.2. Nhóm các yếu tố bên trong
Đây là nhóm các yếu tố bên trong các cơ sở đào tạo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Các yếu tố này do hệ thống quản lý chất lượng của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp quyết định. Bao gồm các nhóm yếu tố sau:
Nhóm các yếu tố về điều kiện đảm bảo
Trong môi trường đào tạo, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo hệ Cao đẳng bao gồm.
- Đội ngũ GV và quản lý.
- Đầu vào học sinh, SV tham gia học các chương trình đào tạo Cao đẳng chính quy.
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Nguồn tài chính.
- Gắn đào tạo với sử dụng và khuyến khích học sinh theo học giáo dục.
- Các nhân tố trên được gắn kết bởi nhân tố quản lý.
Đây là nhóm yếu tố có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo nói chung và đào tạo nghề nói riêng.
Nhóm các yếu tố về quá trình đào tạo
- Nội dung chương trình đào tạo có phù hợp với mục tiêu đào tạo đã được thiết kế cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, yều cầu của người học?
- Phương pháp đào tạo có được đổi mới, có phát huy được tính tích cực, chủ động của người học, có phát huy được cao nhất khả năng học tập của từng học sinh hay không?
- Hình thức tổ chức đào tạo có linh hoạt, thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người học hay không? Có đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học hay không?
- Môi trường văn hóa trong nhà trường trung tâm có tốt không? Người học có dễ dàng có được các thông tin về kết quả học tập, lịch học, kế hoạch học và các hoạt động của nhà trường không?
Tất cả các yếu tố được đề cập ở trên (mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp, phương tiện, môi trường học tập….) luôn là các yếu tố có tác động nhất định đến chất lượng đào tạo với mức ảnh hưởng lớn nhỏ khác nhau.
Trong đó, có thể nói, chương trình đào tạo là yếu tố có tác động mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo.
Chương trình đào tạo là một văn bản quy định mục đích và các mục tiêu cụ thể đặt ra đối với một ngành đào tạo, các khối kiến thức và các học phần, tổng thời lượng cùng thời lượng dành cho mỗi học phần mà nhà trường tổ chức giảng dạy để trang bị các kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết cho SV theo học một ngành nào đó.
Cấu trúc của chương trình đào tạo thường gồm bốn yếu tố cơ bản:
- Mục tiêu đào tạo.
- Nội dung đào tạo gồm hai khối kiến thức: kiến thức giáo dục (GD) đại cương và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp.
- Phương pháp hay quy trình đào tạo.
- Cách đánh giá kết quả đào tạo.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải vừa là chuẩn mực để thực hiện công tác đào tạo, vừa là chuẩn mực để đánh giá chất lượng đào tạo.
Với ý nghĩa này, chương trình đào tạo phải được thiết kế sao cho đảm bảo tính khóa học, thực tiễn, vừa sức, tính hệ thống, quy định rõ chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra,...
vừa đủ cả điều kiện chung (chương trình khung theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt), vừa phải phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động cũng như nền kinh tế xã hội và nâng cao vị thế của trường.