CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CỦA CÁN BỘ CÔNG CHỨC TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ CHÍ LINH
2.1. Tổng quan về Thị xã Chí Linh và Ủy ban nhân dân thị xã Chí Linh
2.1.1. Khái quát về thị xã Chí Linh
2.1.1.1. Vị trí địa lý
Thị xã Chí Linh có diện tích tự nhiên là 28.202 km2, nằm phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hải Dương 40 km, là đô thị lớn thứ 02 của tỉnh Hải Dương.
Địa hình, khí hậu, đất đai: Chí Linh nằm trong vùng địa hình bán sơn địa, địa hình phức tạp được chia làm ba vùng chính có cả núi cao, đồi thấp và đồng bằng. Khí hậu thị xã Chí Linh mang những đặc điểm chung của khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, có sự giao thoa với khí hậu vùng đồi, núi. Đất đai của Chí Linh được hình thành từ 2 nhóm chính, nhóm đất đồi núi được hình thành tại chỗ, phát triển trên các đá sa thạch; nhóm đất hình thành do phù sa sông Kinh Thầy và Thái Bình bồi tụ. Với đặc điểm thời tiết và khí hậu, đất đai của thị xã như vậy thuận lợi cho phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.
Tài nguyên nước: Nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của Thị xã Chí Linh chủ yếu được cung cấp từ nguồn nước mặt và nước ngầm. Chí Linh là một trong những số ít địa phương có nguồn nước mặt khá phong phú, là nơi hợp lưu của 6 con sông, còn gọi là “Lục Đầu Giang” của các con sông: sông Cầu, sông Đuống, sông Thương, sông Lục Nam, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Nguồn nước mặt của hệ thống sông thuộc khu vực Chí Linh và vùng phụ cận đều đảm bảo tiêu chuẩn cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống sông, suối, hồ phục vụ tưới, tiêu nước của Chí Linh khá phong phú, chịu ảnh hưởng thủy văn của hệ thống sông Thái Bình tại Phả Lại. Nguồn nước ngầm trên địa bàn thị xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân.
Nhìn chung, nguồn nước mặt và nước ngầm của khu vực Chí Linh chưa bị ô nhiễm. Nguồn nước tại các thủy vực đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nước
trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tài nguyên rừng: Diện tích đất rừng trên địa bàn Thị xã Chí Linh có gần 10.000 ha (tính đến năm 2015), bao gồm rừng sản xuất, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ với nhiều loại gỗ quý, có nhiều loại động, thực vật đặc trưng, với thảm thực vật phong phú, có thể cung cấp nguồn dược liệu cho phát triển y học dược liệu.
Tài nguyên khoáng sản: Tuy không nhiều về chủng loại, nhưng có một số loại có trữ lượng lớn và giá kinh tế như: Đất cao lanh có trữ lượng khoảng 40 vạn tấn; Sét chịu lửa khoảng 8 triệu tấn; Thủy Ngân có trữ lượng khai thác khoảng 2,8 triệu m3; Trữ lượng than lớn nằm trong dải than Đông Triều - Phả Lại với tổng trữ lượng toàn dải là 785,42 triệu tấn. Các loại khoáng sản này, được tổ chức khai thác hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp trên địa bàn Chí Linh.
2.1.1.2. Điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội
Về kinh tế: Chí Linh nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Chí Linh là điểm kết nối trên chuỗi đô thị hành lang kinh tế công nghiệp Bắc Ninh - Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê - Uông Bí - Hạ Long; có ví trí thuận lợi về giao thông đường bộ tuyến QL18, QL37 và đường vành đai 5 của vùng Thủ đô Hà Nội; có tuyến đường sắt Kép - Hạ Long và tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang triển khai xây dựng; có hệ thống vận tải thủy chạy trên các sông Thái Bình, sông Thương, sông Đông Mai, sông Kinh Môn thông thương với Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, nhờ đó có điều kiện giao lưu phát triển kinh tế với nhiều vùng miền khác nhau. Chí Linh là vùng cung cấp lương thực thực phẩm, chuyên canh cây ăn quả phục vụ nội tỉnh và ngoại tỉnh; vùng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ lớn nhất của tỉnh. Có chức năng là đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy. Kinh tế Chí Linh phát triển mạnh đặc biệt là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng đô thị hóa trước năm 2005. Kinh tế Chí Linh đã và đang từng bước xây dựng, điều chỉnh phát triển các ngành phù hợp với quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa của đất nước, giữ vai trò là đô thị động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa tỉnh Hải Dương.
Về văn hóa - xã hội: Thị xã Chí Linh có 20 đơn vị hành chính, “tổng dân số toàn thị xã 175.000 người, số người trong độ tuổi lao động toàn thị xã là 141.348 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khu vực nội thị là 61.133 người.
Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị là 76,2%. Trên địa bàn thị xã hiện có 07 đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, 15 dân tộc cùng sinh sống tạo nên sự đa dạng trong các hoạt động văn hóa - xã hội của thị xã Chí Linh.
Thị xã Chí Linh tập trung nhiều di tích lịch sử với 303 di tích, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Côn Sơn, Kiếp Bạc, 9 di tích cấp quốc gia và nhiều di tích cấp tỉnh... Ngoài ra còn có “Chí Linh bát cổ” là 8 di tích điển hình của Chí Linh, đồng thời cũng là 8 di tích quan trọng của tỉnh Hải Dương, gắn liền với nhiều nhân vật và sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, Chí Linh gắn với tên tuổi nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng cả nước như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang, Anh hùng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Vạn thế sư biểu Chu Văn An; Bà chúa Sao Sa - nữ tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam Nguyễn Thị Duệ...Bên cạnh đó thị xã Chí Linh còn có “Lục Đầu Giang” lừng danh với trận Vạn Kiếp oanh liệt đánh thắng quân Nguyên Mông, di tích quan trọng nhất là đền Kiếp Bạc, là nơi thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự, tư tưởng, chính trị lỗi lạc và là công thần của nhà Trần. Ngoài ra, các di tích danh thắng và cảnh trí thiên nhiên như núi Nam Tào, Bắc Đẩu, sông Lục Đầu Giang,... đã tạo thành cụm du lịch lớn của tỉnh và bước đầu đã hình thành tuyến du lịch trọng điểm phía Bắc kết nối Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh (Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử,...), hàng năm thu hút du lịch đến tham quan lễ hội các di tích trên địa bàn thị xã. Với hành lang kinh tế dọc quốc lộ 18, Chí Linh là vùng cung cấp dịch vụ thương mại mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản; trung tâm dịch vụ dừng nghỉ ăn uống trên tuyến du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc - Yên Tử - Bãi Cháy - Vịnh Hạ Long - Móng Cái. Là đô thị động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và hỗ trợ dịch vụ phát triển nông - công nghiệp cho các vùng phụ cận thuộc tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Chí Linh là trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp vùng.
Chí Linh còn là đô thị dịch vụ du lịch lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia trong chuỗi du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử - Bãi Cháy Hạ Long và nằm trên tuyến hành lang vành đai kinh tế quốc tế. Là nơi lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc gắn với các danh nhân, anh hùng dân tộc và lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước qua các thời kỳ; nơi lưu giữ giá trị đa dạng sinh học của vùng rừng núi nguyên sinh thuộc vòng cung Đông Triều. Trung tâm dịch vụ du lịch tâm linh - sinh thái cấp Quốc gia và quốc tế gắn với các địa danh di tích danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh còn là đô thị dịch vụ du lịch lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia trong chuỗi du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc, khu sinh thái Bến Tắm, Yên Tử - Bãi Cháy Hạ Long và nằm trên tuyến hành lang thuộc chương trình hợp tác quốc tế hai hành lang một vành đai kinh tế. Theo Quyết định số 490/QĐ - TTg ngày 05 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Chí Linh được
“Lựa chọn đầu tư xây dựng trung tâm du lịch cấp độ Quốc gia và Quốc tế là vùng du lịch văn hóa, lễ hội kết hợp thắng cảnh”.
2.1.1.3. Lịch sử hình thành đô thị Chí Linh
Địa danh Chí Linh được xuất hiện từ lâu, trong chiều dài lịch sử, vùng đất Chí Linh gắn liền với các tên tuổi nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.
Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chọn xã An Lạc thị xã Chí Linh là cơ Ủy ban nhân dân thị xã Chí Linh chỉ huy chống quân Tống xâm lược. Trải qua các thời kỳ được nhiều triều đại chọn là nơi xây dựng cung thành, tỉnh lỵ, như thành Phao Sơn (Phả Lại), thời Minh thuộc phủ Lạng Giang, sau thuộc phủ Tân An; đời nhà Mạc, thành Vạn (Tân Dân). Chí Linh còn có tên gọi là Bằng Châu, sau đó đổi tên là Phượng Hoàng và sau này là Chí Linh.
Tháng 6 năm 1886, thực dân Pháp thành lập Nha Chí Linh thuộc phủ Nam Sách; năm 1947, Chí Linh được sát nhập về liên tỉnh Quảng Hồng, có thêm 4 xã:
Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội và Hoàng Hoa Thám; năm 1948, Chí Linh thuộc tỉnh Quảng Yên; năm 1955, Chí Linh trở thành một trong các huyện của tỉnh Hải Dương;
tháng 01/1957, Hội đồng Chính phủ Quyết định tách ba xã Cẩm Lý, Vũ Xá, Đan Hội chuyển về huyện Lục Nam (Bắc Giang); năm 1968, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên
hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng; ngày 27/3/1978, thị trấn Sao Đỏ được thành lập và trở thành huyện lỵ của Chí Linh.
Năm 1981, Hội đồng Chính Phủ Quyết định về mở rộng thị trấn Phả Lại và điều chỉnh địa giới các xã Cổ Thành, Nhân Huệ, Chí Linh có 20 đơn vị hành chính, gồm 17 xã và 3 thị trấn (Sao Đỏ, Phả Lại, Nông Trường). Chí Linh là huyện miền núi (năm 1993) của tỉnh Hải Hưng.
Năm 1997, tỉnh Hải Hưng được chia tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Năm 2002, Chính phủ có Nghị quyết đổi tên thị trấn Nông Trường thành thị trấn Bến Tắm.
Ngày 12 tháng 2 năm 2010, Chính phủ đã ký Nghị quyết số 09/NĐ-CP Về việc thành lập thị xã Chí Linh thành lập phường thuộc thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương. Thị xã Chí Linh có 20 đơn vị hành chính, gồm: 8 phường nội thị và 12 xã.
Ngày 25/6/2015 thị xã Chí Linh đã được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Hải Dương theo Quyết định số 747/QĐ-BXD ngày 25/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Đến nay thị xã Chí Linh đã được khẳng định là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Hải Dương, trung tâm kinh tế động lực phát triển của vùng phía Bắc tỉnh, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Phát triển đô thị Chí Linh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của Tỉnh, vùng và cả nước giai đoạn 2005 - 2015 đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, Chính quyền cán bộ và Nhân dân Chí Linh.