Chương 4: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN PHÚ LƯƠNG
4.2. Giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn huyện Phú Lương
4.2.3. Giải pháp tăng cường nội dung quản lý thuế
* Về nội dung:
- Thứ nhất, tập trung phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ NNT về các chính sách và thủ tục hành chính thuế, nhất là các qui định mới được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, phát hành, sử dụng hóa đơn...).
- Thứ hai, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về cải cách thủ tục hành chính thuế, mục đích, ý nghĩa, tác động, hiệu quả của việc cải tiến thủ tục, đổi mới phương thức kê khai, nộp thuế đối với cơ quan thuế và NNT. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để NNT biết những lợi ích thiết thực của việc kê khai, nộp thuế điện tử.
- Thứ ba, thường xuyên đưa tin về hoạt động của ngành thuế, phản ánh những hoạt động của ngành thuế hướng tới NNT, đồng hành cùng NNT, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho NNT; đồng thời phản ánh những nỗ lực của ngành thuế trong công tác quản lý thuế, thực hiện tốt nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN;
xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín của ngành Thuế trong cộng đồng xã hội.
- Thứ tư, tuyên truyền, tôn vinh, tuyên dương kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với NSNN; phê phán, lên án mạnh mẽ các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, chây ỳ không nộp thuế.
* Về hình thức: đổi mới, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm thực tế của từng địa phương. Rà soát, xóa bỏ, thay thế các hình thức tuyên truyền lạc hậu, không hiệu quả. Cụ thể:
- Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông hiện đại, có đối tượng tiếp nhận thông tin rộng, tác động tuyên truyền lớn, kinh phí hợp lý, hiệu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền trên phát thanh, truyền hình và các phương tiện điện tử (báo mạng, internet...).
- Thứ hai, đẩy mạnh cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của cơ quan thuế, đăng tải đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách, thủ tục hành chính thuế và các thông tin liên quan khác nhằm phục vụ tốt nhu cầu khai thác, tra cứu thông tin của NNT.
- Thứ ba, thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ thủ tục hành chính về thuế và một số thông tin theo quy định (thông tin về hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán, thông tin về hóa đơn, về doanh nghiệp thuộc diện rủi ro) trên Trang thông tin điện tử và tại trụ sở cơ quan thuế. Ngoài ra, phải thực hiện công khai, niêm yết tại trụ sở cơ quan thuế nơi giải quyết thủ tục của NNT về quy trình thực hiện và các giấy tờ cần thiết để NNT dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt để thực hiện, đồng thời dễ giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức thuế.
- Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với NNT: tọa đàm, đối thoại với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nộp thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho NNT, lắng nghe ý kiến phản ánh, đóng góp của NNT. Nghiên cứu thực hiện tổ chức các “tuần lễ lắng nghe NNT”, “Tuần lễ hỗ trợ NNT”... theo chủ đề, nội dung và quy mô phù hợp với từng địa phương.
- Thứ năm, đưa ra đánh giá và tổ chức có hiệu quả công tác tuyên truyền qua biển hiệu, panô.
4.2.3.2. Giải pháp quản lý khai thuế, nộp thuế và kế toán thuế
- Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của NNT phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời. Trong đó phải chú trọng việc kiểm soát phân loại doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và chuyển bộ phận chức năng để kiểm tra trước khi hoàn thuế, kiểm tra tại trụ sở NNT.
- Đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ kê khai, nâng cấp đảm bảo đường truyền nhận dữ liệu trong cơ quan thuế được ổn định để tạo thuận lợi cho NNT thực hiện kê khai, nộp HSKT qua mạng được nhanh chóng, đạt kết quả cao. Đồng thời, với đặc thù của công tác kê khai thuế qua mạng internet là dữ liệu được cập nhật tự động vào hệ thống các phần mềm quản lý của Ngành thuế. Vì vậy, cán bộ làm công tác kê khai thuế phải thường xuyên duy trì và tăng cường công tác rà soát các Hồ sơ khai thuế của NNT.
Trường hợp phát hiện NNT nộp không đầy đủ các HSKT phải tiến hành đôn đốc kịp thời. Kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp NNT nộp chậm HSKT và cần thực hiện ấn định thuế đối với NNT nộp chậm hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định hoặc NNT không nộp hồ sơ khai thuế, nhằm nâng cao tính tự giác tuân thủ
pháp luật thuế cũng như tạo sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tất cả NNT.
- Đối với cán bộ làm công tác kế toán thu nộp NSNN cần yêu cầu NNT thực hiện điều chỉnh kịp thời mục lục NSNN trong trường hợp NNT nộp tiền thuế sai chương loại khoản mục, để đảm bảo công tác lập sổ theo dõi nợ thuế của NNT được chính xác và ánh đúng số nợ thuế của NNT. Định kỳ, cần đối chiếu số thu nộp với NNT bằng phương pháp gửi thư xác nhận nghĩa vụ thuế qua email. Nếu NNT nào phát hiện có sự sai lệch thì liên hệ đến trực tiếp cơ quan thuế đối chiếu cụ thể.
- Đề xuất sửa đổi, nâng cấp các phần mềm theo dõi quản lý thu nộp thuế cho phù hợp với thực tiễn nhằm quản lý chính xác, kịp thời các số thuế phát sinh, nợ
đọng cũng như số thuế phải nộp sau kỳ quyết toán thuế năm. Đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử tới NNT để tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho NNT có thể nộp thuế vào mọi lúc, mọi nơi góp phần thực hiện cải cách hiện đại hóa ngành thuế.
4.2.3.3. Giải pháp quản lý thu nợ
Hàng tháng, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các biện pháp theo quy định tại Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng như: Thông báo tiền chậm nộp; đưa thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế. Đồng thời, qua các phương tiện thông tin đại chúng, phê bình các đơn vị, doanh nghiệp để nợ đọng thuế.
Tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế. Giao kế hoạch thu nợ tới từng cán bộ, hàng tháng, kiểm tra đối chiếu đánh giá phân loại số nợ thuế. Đẩy mạnh việc rà soát nợ, phân loại nợ và phân tích tuổi nợ, nguyên nhân nợ đọng chi tiết đến từng NNT theo các tiêu chí: nợ do ảnh hưởng của yếu tố khách quan như khủng hoảng kinh tế, nợ do ý thức chấp hành luật của NNT kém, nợ do NNT mất tích, phá sản hay nợ do lỗi chủ quan của cơ quan thuế để có những biện pháp ứng xử phù hợp và kịp thời theo quy định của pháp luật. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 5% so với tổng số thu NSNN trên địa bàn, hạn chế để phát sinh thêm các khoản nợ
mới. Ban hành ngay các thông báo đôn đốc thu nợ khi phát sinh nợ mới. Thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng đến từng cán bộ thuế. Thực hiện đối chiếu, điều chỉnh ngay số nợ sai sót do NNT nộp nhầm mục lục ngân sách hoặc sai mã số thuế để tránh tồn nợ sai, nợ ảo.
Ngoài ra, Đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, cần tham mưu cho Lãnh đạo Chi cục ban hành thông báo yêu cầu NNT ngay từ khi NNT mới ra kinh doanh (chưa phát sinh nợ đọng tiền thuế) phải khai báo đầy đủ các thông tin về tài khoản
Ngân hàng. Và hàng năm, khi NNT mở mới các tài khoản Ngân hàng, phải tiến hành khai bổ xung tới cơ quan thuế. Đồng thời cần tham mưu và báo cáo lãnh đạo cấp trên chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tốt quy chế phối hợp cung cấp thông tin đảm bảo công tác cưỡng chế nợ thuế được diễn ra thuận lợi, hiệu quả và kiến nghị thành lập ban chỉ đạo chống thất thu NSNN.
Phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi nợ khai thác khoáng sản; Kho Bạc huyện thu hồi nợ XDCB. Theo đó, đề nghị các đơn vị nợ thuế phải có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được cấp mới hoặc gia hạn khai thác khoáng sản hay giải ngân tiến độ hoàn thành dự án XDCB.
Thường xuyên tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục duy trì Ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách; đồng thời triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc giúp hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước.
Đưa ra một số giải pháp để thu nợ đọng thuế, chống thất thu như tham mưu với các cơ quan chức năng, các chính quyền địa phương trong việc đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế, sử dụng đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật Thuế, phân loại các khoản nợ để áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Thậm chí có thể dùng biện pháp mạnh đối với các doanh nghiệp, cá nhân cố tình dây dưa trốn thuế, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
4.2.3.4. Giải pháp tăng cường công tác kiểm tra
- Thứ nhất, công tác chỉ đạo điều hành phải thường xuyên, sát sao và gắn với việc giám sát hoạt động kiểm tra.
Việc tuân thủ sự chỉ đạo điều hành và định hướng triển khai công tác kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế theo ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế. Đồng thời, phải có sự linh hoạt trong đề xuất bổ sung nhiệm vụ kiểm tra theo diễn biến rủi ro và khai thác tăng thu thực tế của DN theo từng ngành nghề, lĩnh vực ít bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Thường xuyên báo cáo đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời những vướng mắc về chính sách, chế độ trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Đối với những trường hợp quan trọng liên quan đến số thu lớn, các giao dịch mới phát sinh hoặc phức tạp chưa có quy định cụ thể Cục Thuế đã tổ chức trao đổi lấy ý kiến của các bộ phận chuyên môn trong cơ quan, lãnh đạo cấp trên và các bên liên quan để tìm ra phương án giải quyết phù hợp.
- Thứ hai, coi trọng công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra thuế và triển khai phân tích sâu các dấu hiệu rủi ro tại trụ sở cơ quan thuế.
Đối với công tác xây dựng kế hoạch kiểm tra thuế, được triển khai bằng phương pháp tính điểm rủi ro, gán điểm rủi ro cho 100% các DN hoạt động trên địa bàn huyện. Sau khi sàng lọc rủi ro từ cao xuống thấp, danh sách người nộp thuế phân tích rủi ro được công khai, lấy ý kiến phản hồi từ bộ phận kiểm tra thuế, các bộ phận kê khai kế toán thuế và các bộ phận liên quan người nộp thuế nhằm thu thập thêm thông tin, sàng lọc kỹ đối tượng kiểm tra. Việc xây dựng kế hoạch được kết hợp giữa công nghệ thông tin với kinh nghiệm quản lý của cán bộ và thực hiện tập trung qua nhiều bước giúp hạn chế tối đa việc lựa chọn DN vào kế hoạch kiểm tra.
Sau khi nhận kế hoạch, tiếp tục dựa trên các tiêu chí chủ yếu như doanh thu, số lỗ phát sinh, số tiền hoàn thuế, ngành nghề kinh doanh, số năm chưa được thanh tra, kiểm tra để tiếp tục định hướng trong công tác xây dựng và điều chỉnh kế hoạch.
- Thứ ba, tăng cường, chủ động phối hợp với các cơ quan điều tra.
Xác định đây là việc làm thường xuyên và liên tục nên cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là với công an trong việc xác minh điều tra các DN cố tình không kê khai, điều chỉnh các hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp theo thông báo đối chiếu chéo hóa đơn của cơ quan thuế.
- Thứ tư, tăng cường công tác giám sát hoạt động kiểm tra thuế.
Việc làm này cần được thực hiện từ trước khi ban hành quyết định kiểm tra cho tới khi kết thúc, lưu hồ sơ, nhập báo cáo kết quả thực hiện và đôn đốc thu nộp sau thanh tra, kiểm tra thông qua hệ thống các biểu mẫu được chuẩn hóa.
- Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng giúp cho cán bộ thuế không mất nhiều thời gian kết xuất dữ liệu về hồ sơ kế khai thuế của người nộp thuế mà tập trung vào đánh giá rủi ro. Đồng thời, xây dựng công cụ hỗ trợ cho công tác kiểm tra có hiệu quả như: phân loại nhóm DN có dấu hiệu rủi ro, nhóm DN trọng điểm, nhóm ngành nghề cần đi sâu phân tích. Khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thuế các thông tin liên quan đến các khoản, mục nhiều khả năng xảy ra rủi ro…
- Thứ sáu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra.
Xác định con người là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng của công tác quản lý thuế nói chung và các tác kiểm tra thuế nói riêng, do vậy việc nâng cao kỹ năng kiểm tra thuế, văn hóa công sở và cập nhật các kiến thức, nghiệp vụ, cơ chế chính sách mới cần phải tiến hành thương xuyên thực hiện.