CHƯƠNG I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM
1.4. Kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới về thuế Thu nhập cá nhân
(1) Xác định đơn vị chịu thuế:
Có một số cách khác nhau để ta có thể xác định đơn vị chịu thuế thu nhập trong một hệ thống thuế thu nhập cá nhân. Thứ nhất, mỗi cá nhân có thể được đánh thuế riêng lẻ, bất chấp tình trạng hôn nhân của họ như thế nào. Thứ hai, các cặp vợ chồng có thể được đánh thuế trên cơ sở thu nhập chung. Thứ ba, các cặp vợ chồng có quyền lựa chọn được đánh thuế chung hay là riêng. Sau cùng, các hộ gia đình có thể được đánh thuế trên cơ sở thu nhập chung. Tuy nhiên, đơn vị chịu thuế được xác định chủ yếu trên thế giới là cá nhân và hộ gia đình.
Đơn vị chịu thuế được các nước xác định là cá nhân như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản…
Nếu lựa chọn hộ gia đình là đơn vị tính thuế như Pháp thì: đối tượng cư trú được kê khai nộp thuế theo hộ gia đình gồm NNT và người được nuôi dưỡng. NNT là các cá nhân hay cặp vợ chồng chưa có con, người được nuôi dưỡng là con cái chưa đến tuổi thành niên, hay người tàn tật, người không có khả năng lao động…
Khi tính thuế theo hộ gia đình thì có thể quy đổi từng thành viên thành các mức thuế theo quy định:
Cá nhân độc thân 1 suất;
Cặp vợ chồng chưa có con 2 suất;
Con thứ nhất (chưa thành niên) 0,5 suất;
Con thứ hai (chưa thành niên) 0,5 suất;
Xác định đơn vị chịu thuế là hộ gia đình hợp lý và mang tính công bằng hơn vì nó suy xét đến hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, lại rất phức tạp và gây khó khăn cho công tác quản lý thuế.
(2) Đối tượng nộp thuế
Để xác định đối tượng nộp thuế TNCN, hầu hết các nước áp dụng nguyên tắc cư trú, kết hợp với nguyên tắc đánh thuế theo nguồn phát sinh thu nhập. Một cá nhân được coi là đối tượng cư trú tại một nước phải chịu thuế TNCN đối với toàn bộ thu nhập nhận được, không phân biệt nguồn gốc phát sinh. Cá nhân không cư trú chỉ phải chịu nghĩa vụ thuế TNCN đối với phần thu nhập có nguồn gốc phát sinh tại nước đánh thuế. Đa số các nước quy định, cá nhân cư trú là người sinh sống ở nước sở tại trên 183 ngày trong năm tính thuế hoặc trong 12 tháng liên tục. Nếu không thỏa mãn điều kiện trên thì được coi là đối tượng không cư trú. Có thể thấy quy định này qua một số nước như Malaysia, Singapore; Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Nhật Bản,... đối với các cá nhân không cư trú, nguyên tắc nguồn phát sinh thu nhập được hầu hết các nước áp dụng để đánh thuế đối với các khoản thu nhập phát sinh tại nước đó.
Như ở Nhật Bản và Trung Quốc: Người nộp thuế gồm cả những cá nhân cư trú và không cư trú. Cá nhân cư trú là những người sống, định cư tại Nhật/Trung Quốc liên tục từ một năm trở lên, nộp thuế trên thu nhập toàn cầu. Cá nhân có thời gian cư trú dưới một năm được xác định là không cư trú, chỉ phải nộp thuế đối với thu nhập phát sinh ở nước sở tại.
Ở Mỹ: Người nộp thuế cũng gồm những cá nhân cư trú và không cư trú.
Người nước ngoài được coi là cư trú nếu họ sống thường xuyên hợp pháp tại Mỹ (được cấp thẻ xanh) hoặc nếu họ có mặt ở Mỹ trong thời gian dài đủ để được cấp một thẻ lưu trú.
Philippin: Công dân cư trú phải chịu thuế trên thu nhập toàn cầu (cả thu nhập tại Philippin và thu nhập có nguồn gốc từ nước ngoài). Công dân không cư trú, người nước ngoài cư trú hoặc không cư trú chỉ chịu thuế đối với phần thu nhập phát sinh tại Philippin.
Riêng Hồng Kông quy định mọi cá nhân cư trú hay không cư trú chỉ phả nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập phát sinh tại Hồng Kông. Như vậy, nước này chỉ áp dụng tiêu thức nguồn thu nhập để xác định đối tượng nộp thuế.
(3) Xác định thu nhập chịu thuế:
Một trong các yếu tố quan trọng của căn cứ tính thuế là xác định thu nhập chịu thuế. Có hai cách để xác định thu nhập chịu thuế: một là thu nhập đã nhận (tổng thu nhập) hay thu nhập đã nhận được trừ một số khoản chi phí tạo ra thu nhập (thu nhập ròng). Theo quan điểm đánh thuế trên tổng thu nhập thì thu nhập tính thuế là toàn bộ số tiền mà NNT đã nhận, không phân biệt đã bỏ ra ít hay nhiều chi phí để tạo ra thu nhập tính thuế. Cách tính thuế này tuy đơn giản nhưng không đảm bảo được sự công bằng trong chính sách động viên đối với từng cá nhân, từng gia đình.
Nước ta đã áp dụng phương pháp này trong Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao.
Hầu hết các nước hiện nay như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan,...
đều xác định thu nhập chịu thuế là tổng thu nhập trừ đi tổng các khoản được giảm trừ của đối tượng đó trong kỳ tính thuế (thu nhập ròng), không bao gồm các khoản được miễn thuế. Tổng các khoản được giảm trừ là tổng chi phí hợp lý phát sinh trong kỳ tính thuế và các khoản được phép giảm trừ khác theo quy định như giảm trừ gia cảnh cho đối tượng nộp thuế... Tuy nhiên, mỗi nước xác định thu nhập chịu thuế có những điểm khác nhau như:
Pháp xác định 08 loại thu nhập chịu thuế thu nhập. thu nhập ròng làm căn cứ tính thuế là tổng thu nhập ròng của từng loại thu nhập mà NNT có được trong năm tính thuế. Tổng thu nhập chịu thuế của hộ nộp thuế bằng tổng các khoản thu nhập ròng từ mọi nguồn thu nhập chịu thuế của đối tượng nộp thuế cộng với tổng thu nhập của vợ (hoặc chồng) và của các con nếu xác nhập vào hộ sau khi trừ đi các khoản chịu lỗ của từng loại thu nhập. Ngoài ra, hộ nộp thuế còn được trừ khỏi thu nhập chịu thuế các khoản chi phí như: trợ cấp đời sống bắt buộc đối với vợ hoặc chồng đã ly thân hay ly hôn theo phán quyết của tòa án; chi nuôi dưỡng người gia trên 75 tuổi… và các khoản lỗ chưa trừ hết trong 05 năm kể từ năm tính thuế trở về trước.
Nhật bản xác định thu nhập chịu thuế theo từng nguồn thu nhập. Mỗi loại thu nhập chịu thuế được xác định bằng tổng thu nhập trừ đi các chi phí bỏ ra để tạo ra nguồn thu nhập, các khoản được khấu trừ tùy theo từng loại thu nhập. Các khoản thu nhập chịu thuế TNCN gồm 10 loại: thu nhập từ cổ tức; thu nhập từ tiền lãi cổ phần; thu nhập do buôn bán bất động sản; thu nhập từ các hoạt động kinh doanh;
thu nhập từ các công việc lao động; thu nhập từ các khoản hưu trí; thu nhập từ các khoản vốn; thu nhập từ buôn bán gỗ; các khoản thu nhập bất thường; các loại thu nhập khác.
Luật thuế TNCN tại Thái Lan quy định thu nhập chịu thuế được xác định tương tự như ở pháp, tuy nhiên khác hơn Pháp là Thái Lan có đơn vị tính thuế là cá
nhân, nên thu nhập ròng được tính cho cá nhân chứ không cộng vào hộ gia đinh như ở Pháp.
Nhận thấy, đa số các nước đều xác định thu nhập chịu thuế và phân loại chúng theo nguồn hình thành: Thu nhập từ lao động; thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh; thu nhập từ tài sản như cho thuê, chuyển nhượng tài sản, nhận thừa kế, quà tặng, quà biếu; thu nhập từ đầu tư gián tiếp như tiền lãi, cổ tức, thu nhập được chia từ các hoạt động góp vốn; thu nhập khác.. Riêng Nhật Bản quy định tiền hưu trí cũng chịu thuế TNCN.
(4) Xác định miễn, giảm Thuế TNCN:
Quy định về miễn giảm thuế được thực hiện qua nhiều cách khác nhau của các nước nhằm đạt hiệu quả tối ưu của chính sách thuế TNCN. trong đó, các yếu tố chính trị luôn được các nhà lập pháp và hoạch định chính sách cân nhắc. Có các phương pháp miễn, giảm chủ yếu:
Phương án 1: Trong luật thuế quy định từng trường hợp miễn, giảm bằng mức khoản tiền cố định hoặc khung tỷ lệ phần trăm (%) trên số thuế phải nộp, ví dụ:
NNT gặp rủi ro bất khả kháng do thiên tai, hoàn cảnh đặc biệt,... Ưu điểm là có sự rõ ràng, minh bạch giúp NNT thấy được ngay kết quả cụ thể của chính sách, do đó được nhiều nước áp dụng, nhất là các nước phát triển.
Phương án 2: Quy định miễn giảm dưới hình thức tạm thời chưa thu thuế đối với một số khoản thu nhập, thu hút sự quan tâm của xã hội, ưu điểm là đạt được mục tiêu lâu dài của chính sách mà vẫn có ý nghĩa chính trị - xã hội.
Phương án 3: Dựa trên cơ sở kết hợp ưu điểm của cả 2 phương pháp trên, là vừa quy định miễn giảm cho một số loại thu nhập, vừa cho phép miễn giảm một khoản tiền đối với một số đối tượng có hoàn cảnh nhất định.
(5) Xác định mức giảm trừ gia cảnh
Hầu hết các nước đều có quy định giảm trừ gia cảnh, biểu hiện rõ nét nhất là tính công bằng theo chiều ngang trong vai trò điều tiết thu nhập. Cùng một mức thu nhập như nhau nhưng người có hoàn cảnh khó khăn hơn (ví dụ có nhiều người phải nuôi dưỡng, bị tàn tật...) thì cần được giảm trừ nhiều hơn người có điều kiện thuận lợi. Có thể thực hiện giảm trừ gia cảnh theo 2 cách: giảm trừ cá nhân và giảm trừ tiêu chuẩn.
Giảm trừ cá nhân là NNT kê khai chi phí thực tế phát sinh đối với các khoản được phép giảm trừ kèm theo chứng từ chứng minh. Ưu điểm của hình thức này là công bằng hơn nhưng phức tạp trong công tác quản lý và tốn kém chi phí hành thu, chỉ được áp dụng ở những nước có nền kinh tế phát triển, trình độ dân trí cao và có hệ thống thông tin người nộp thuế. Có nước quy định chế độ miễn trừ cho bản thân NNT và người phụ thuộc như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia,... nhưng có nước lại áp dụng tính thuế từ đồng thu nhập đầu tiên để NNT
thấy rõ trách nhiệm công dân của mình đối với nghĩa vụ thuế như Pháp, Mỹ, Anh...
Nhìn chung, để đơn giản hoá chính sách và giảm nhẹ công tác quản lý, các nước chậm phát triển áp dụng hình thức giảm trừ tiêu chuẩn. Theo đó, mức thu nhập khởi điểm tính thuế là mức thu nhập trung bình xã hội đảm bảo trang trải đủ những chi phí cần thiết về kinh tế và xã hội.
Singapore quy định các khoản giảm trừ rất phức tạp. Quốc gia này có những chính sách về các khoản đóng góp từ thiện rất cụ thể: từ ngày 1/1/2002 tất cả các khoản đóng góp từ thiện do nhà nước chỉ định sẽ được khấu trừ thuế gấp đôi, tức 02 lần khoản đóng góp từ thiện đó. Ngoài ra, chính sách thuế tại Singapore cũng quy định giảm trừ cho NNT các khoản chi phí kiếm sống, khoản giảm trừ này phụ thuộc vào độ tuổi. Bên cạnh đó, đối tượng nộp thuế cũng được khấu trừ những chi phí khác như: chi phí sinh đẻ và nằm viện; chi phí đào tạo như chi phí tham gia các khóa học chuyên nghiệp, mang tính chất học viện hay chứng chỉ chuyên nghiệp hay các chi phí đăng ký tham gia các hội thảo, hội nghị liên qua đến các chuyên đề kinh doanh, việc làm; chi phí tiền thuê người giúp việc.
Theo luật thuế TNCN tại Malaysia quy định giảm trừ gia cảnh chỉ áp dụng đối với NNT là cá nhân cư trú, theo đó mỗi cá nhân được giảm trừ 8000 RM/năm.
Nếu đối tượng nộp thuế là người tàn tật thì được miễn giảm bổ sung 6000 RM/năm.
Bên cạnh đó, nước này cũng quy định giảm trừ cho người phụ thuộc theo các mức sau: chi phí điều trị y tế tối đa là 5.000 RM/năm; miễn giảm cho con cái 1.000 RM/năm cho một người con; trẻ em tàn tật 5.000 RM/năm.
Nhật bản quy định mức giảm trừ NNT đối với cá nhân cư trú có sự phân biệt theo mức thu nhập và loại thu nhập. Các khoản chiết khấu khác như: chi phí y tế;
chi phí tổn thất do thiên tai; các khoản chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ.
Mỹ quy định 5 loại chi tiêu quan trọng được phép khấu trừ: chi y tế; mức chịu lãi thuế chấp; các loại thuế cấp bang và địa phương trừ thuế bán hàng; các khoản đóng góp từ thiện và mất mát đột xuất. Ngoài ra, đối với phần giảm trừ cho người phụ thuộc luật thuế TNCN Mỹ quy định mức giảm trừ tối đa chi phí chăm sóc con cái là 2.400 đôla nếu có 1 con và 4.800 đôla nếu có 2 con trở lên trong các gia đình có cả cha và mẹ đi làm, nếu có thuê người chăm sóc con cái thì phần chi phí này sẽ được trừ đi khi tính thuế8.
(6) Xác định hệ thống thuế
Xây dựng mức thuế suất cố định hay theo biểu thuế luỹ tiến thể hiện chính sách động viên phù hợp với khả năng đóng góp và trình độ quản lý của các nước.
Hầu hết các nước đều chia thành hai loại thuế suất: thuế suất toàn phần và thuế suất luỹ tiến. Thuế suất toàn phần thường áp dụng cho thu nhập từ vốn, chuyển nhượng
8 Huỳnh Văn Diện (2016), Pháp luật thuế thu nhập cá nhân từ thực tiễn cần thơ, Luận án Tiến sĩ luật học viện Khoa học xã hội, Hà Nội
tài sản, thu nhập từ bản quyền... Thuế suất luỹ tiến chủ yếu áp dụng cho thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công. Trên thế giới hiện nay, hệ thống thuế lũy tiến được các nước lựa chọn áp dụng nhiều hơn.
Việc xây dựng biểu thuế và các mức thuế suất cụ thể phải cân đối giữa các mục tiêu. Biểu thuế cần rút gọn các mức thuế suất, giảm bớt mức luỹ tiến thông qua việc mở rộng biên độ chịu thuế giữa các bậc. Việc lựa chọn phương án nhiều bậc thuế suất và giữ khoảng cách hợp lý giữa các bậc thu nhập cho phép thực hiện yêu cầu công bằng nhiều hơn, tuy nhiên xu hướng cải cách Thuế TNCN của các nước trên thế giới hiện nay là xây dựng biểu thuế với ít bậc thuế và khoảng cách giữa các bậc thuế xa sẽ đảm bảo đơn giản cho việc quản lý, mang lại hiệu quả hơn cho công tác quản lý thuế, giảm bớt chi phí hành thu. Ví dụ: chính sách thuế Nhật Bản quy định biểu thuế luỹ tiến áp dụng đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương gồm 4 bậc thuế suất: 10%, 20%, 30% và 37%. Thuế suất áp dụng đối với các khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh của các cơ sở tự kinh doanh gồm các bậc 5%, 10%, và 13%. Ngoài ra, đối với thu nhập từ tiền thù lao tác giả áp dụng thuế suất toàn phần 20% (trừ chi phí 30% thu nhập chịu thuế).
Thậm chí một số quốc gia đã thực hiện cải cách chính sách thuế TNCN của mình theo hướng xoá bỏ biểu thuế luỹ tiến và chuyển sang áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế TNCN với mức khá thấp. Ví dụ, Nga áp dụng một mức thuế suất là 13%, Cộng hòa Séc là 15% và Bun-ga-ri là 10%. Tuy nhiên, mỗi chính sách thuế có ưu điểm và nhược điểm, việc áp dụng một mức thuế suất tuy tạo sự đơn giản trong thực hiện song không đảm bảo công bằng xã hội, thực hiện chức năng điều tiết, phân bố lại thu nhập của thuế TNCN theo đúng bản chất của chính nó.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Pháp luật thuế thu nhập cá nhân có ảnh hưởng rộng lớn đến tầng lớp dân cư, là nguồn thu chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu ngân sách nhà nước. Việc nghiêm cứu những vấn đề lý luận chung về thuế thu nhập cá nhân giúp người đọc dễ hình dung hơn về bản chất của thuế hu nhập cá nhân và qua đó tạo tiền đề nghiêm cứu cho các chương sau của luận văn.
Trong chương 1, luận văn đã hệ thống hóa về thuế hu nhập cá nhân qua các đặc điểm, phân loại và vai trò của chúng; trình bày những cơ sở lý luận chung về quản lý thuế cũng như thuế hu nhập cá nhân tại Việt Nam; phân tích các vấn đề lý luận về cơ sở xây dựng thuế hu nhập cá nhân; so sách thuế hu nhập cá nhân của một số nước để làm rõ hơn những vấn đề cơ bản về pháp luật thuế hu nhập cá nhân.