Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý về thuế thu nhập cá nhân tại việt nam (Trang 68 - 73)

CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM

2.3. Định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt nam

2.3.3. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

(1) Về quy phạm pháp luật

Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 được sửa đổi bổ sung năm 2012 và đã ban hành rất nhiều thông tư, nghị định bổ sung, sửa đổi luật. Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều thu nhập chịu thuế được sửa đổi cả về thuế suất và phương thức thu như thu nhập từ hoạt động kinh doanh, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; bổ sung một số điều đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, từ đầu tư vốn cho thấy hiện tại luật thuế TNCN 2007 đã thể hiện sự chậm nhịp so với tốc độ phát triễn kinh tế - xã hội đất nước. Trên cơ sở những bất cập về văn bản quy phạm pháp luật mà khóa luận đã nêu, người viết kiến nghị nước ta nên ban hành luật thuế thu nhập cá nhân mới, triễn khai các nội dung, điều khoản đã được bổ sung, sửa đổi của pháp luật thuế TNCN hiện hành.

Việc ban hành luật thuế thu nhập cá nhân mới trong thời điểm này là hết sức cần thiết và hợp lý trong khi các luật khác cũng đã được ban hành mới như bộ luật dân sự 2015, luật doanh nghiệp 2014, luật đầu tư 2014…Điều này sẽ tạo nên sự thống nhất trong các quy định của luật thuế TNCN, không phải từ một điều luật phải xem thêm nghị này, thông tư khác gây khó khăn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế, trong khi đó đã có một số loại thu nhập nằm ngoài dự liệu của luật cũng nên được điều chỉnh lại và bổ sung thêm nhằm mở rộng cơ sở tính thuế, tiệm cận hơn so với xu hướng của thể giới và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thu nhập.

(2) Thu nhập từ đầu tư vốn

Luật thuế Thu nhập cá nhân quy định thu nhập từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn kinh doanh khác thuộc diện chịu thuế, được hướng dẫn cụ

thể trong nghị định 12/2015/NĐ-CP tại khoản 4 Điều 2 trừ thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân và của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ. Quy định này đã dẫn đến tình trạng thuế TNCN đánh trùng với thuế thu nhập doanh nghiệp và làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn đầu tư của NNT: việc lựa chọn hình thức góp vốn cổ phần hay cho vay?

Có nên chia lợi tức cổ phần hay không chia để bổ sung các quỹ mở rộng kinh doanh? Đối với bất cập trên, có thể giải quyết theo các hình thức:

- Nếu đánh thuế ở cấp độ công ty thì cổ tức, lợi nhuận được chia của cá nhân không phải kê khai nộp thuế Thu nhập cá nhân;

- đánh thuế ở cấp độ cổ đông thì phần thu nhập chia cho cổ đông không bị đánh thuế ở cấp độ công ty;

- Đánh thuế ở cả 2 cấp độ nhưng cho phép cổ đông được khấu trừ thuế đã nộp ở công ty.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam thì chỉ nên áp dụng hình thức đánh thuế ở cấp độ công ty, nghĩa là không đưa thu nhập từ lợi tức cổ phần vào diện chịu thuế TNCN để đảm bảo công bằng, vừa dễ quản lý vừa khuyến khích người dân đầu tư, tránh việc đánh thuế 2 lần vào cùng một đối tượng chịu thuế, phù hợp với thông lệ thới giới và các cam kết về thuế trong khu vực.

(3) Đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn

Trên thực tế, đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát giá chuyển nhượng và chi phí liên quan. Đại đa số các trường hợp đều khai chênh lệch bằng 0 dẫn đến thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán. Biện pháp đề nghị là sửa đổi mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân (cả cư trú và không cư trú) ở mức 1% trên giá chuyển nhượng. Đồng thời, bỏ quy định kỳ tính thuế theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán tại Điều 7 Luật thuế TNCN năm 2007 để phù hợp với quy định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng, không quyết toán lại theo năm theo quy định tại khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Việc sửa đổi này nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện dễ dàng quản lý thu nhập chịu thuế hơn và tạo sự công bằng hơn đối với NNT là cá nhân cư trú và không cư trú.

(4) Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản

Từ những bất cập đã nêu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, việc pháp luật Việt Nam chưa quy định mức thuế suất phù hợp cho hoạt động này, người viết đề xuất phương án giải quyết như sau. Từ kinh nghiệm quy định mức thuế suất theo tần suất giao dịch và theo lợi nhuận của các nước như Trung Quốc,

Singapore, tuy nhiên việc xác định giá mua và giá bán là rất khó khăn đặc biệt là trong trường hợp khoản thời gian giữa việc mua bán diễn ra lâu dài. Do vậy, nhằm phù hợp với quy định luật thuế TNCN tại Việt Nam quy định thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng nên áp dụng thuế suất tăng lên khi thời gian giao dịch càng ngắn, cụ thể như sau:

Thời gian nắm giữ bất động sản Phần trăm thuế suất áp dụng

Trong 1 năm 150% thuế suất

Từ 1 đến 5 năm 100% thuế suất

Sau 5 năm 50% thuế suất

(5) Thu nhập từ bản quyền

Từ thực trạng quy định của pháp luật và trong quá trình thực tiễn áp dụng phương thức thu và thuế suất đối với thu nhập từ việc chuyển nhượng tên miền internet, hiện tại đang áp dụng thuế suất đối vợi hoạt động kinh doanh của cá nhân, không phù hợp với tính chất của thu nhập. Do vậy, nên quy định thêm nội dung của thu nhập từ bản quyền bao gồm đối tượng thuộc sự điều chỉnh của luật viễn thông hoặc quy định thêm một tiểu mục là các khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng, chuyển giao bản quyền theo quy định của pháp luật. Do nguyên tắc xây dựng luật là dự liệu các khoản thu nhập mới phát sinh nên áp dụng kiến nghị thứ hai, nhằm tránh khỏi việc thường xuyên sửa đổi luật. Việc thay đổi phương thức thu đối với thu nhập này đảm bảo tính công bằng hơn và phù hợp với tính chất của thu nhập là chuyển nhượng bản quyền chứ không phải là hoạt động kinh doanh thông thường của cá nhân, nâng cao hiệu quả của luật thuế TNCN.

(6) Về thực hiện giảm trừ gia cảnh

Tiếp tục duy trì mức giảm trừ gia cảnh: Trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành 9 triệu đồng/tháng cũng tương đối cao so với với mức sống dân cư chung, cả khi tính đến yếu tố lạm phát trong năm. Ngoài việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Việt Nam cũng nên xem xét lại quy định: “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo” để tránh ảnh hưởng tới thu NSNN trong bối cảnh một số nguồn thu khác đang giảm dần như:

thuế nhập khẩu, thu từ giao quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, đối với công tác quản lý đối tượng nộp thuế cần có phương án giải quyết tình trạng khai man, khai không đúng sự thật về giảm trừ người phụ thuộc, phương án đề xuất như sau: Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công đạt ngưỡng thu nhập chịu thuế, phải lập 02 bản tờ khai đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc và nộp cho cơ quan chi trả thu nhập. trong đó, 01 bản cơ quan chi trả thu nhập giữ để làm cơ sở tạm khấu trừ thu nhập hàng tháng; 01 bản cơ quan chi trả thu nhập chuyển giao cho cơ quan thuế để rà soát, đối chiếu. Hàng tháng, cơ quan chi trả căn cư vào thu nhập và bản đăng ký người phụ thuộc mà NNT đã đăng ký để giảm trừ cho NNT và tính số thuế phải nộp để khấu trừ trong trường hồ sơ đã được cơ quan thuế đối chiếu, chứng minh. Nếu hồ sơ không đúng, không đủ hoặc không phù hợp thì cơ quan thuế thông báo cho cơ quan chi trả thu nhập để điều chỉnh thu nhập tính thuế, khấu trừ cho NNT.

Phương pháp này nhầm tránh các trường hợp khai trùng, khai gian, khai không đúng về người phụ thuộc. Bên cạnh đó, hồ sơ kê khai về người phụ thuộc gửi đến cơ quan thuế sẽ được lưu trữ vào hệ thống cơ sở dữ liệu, trên cơ sở đó hệ thống công nghệ thông tin tại cơ quan thuế sẽ xác nhận mã nhận diện NNT, nhầm hoàn thiện hơn về hồ sơ điện tử của quốc gia.

Không chỉ thống nhất thông tin, cơ sở dữ liệu theo hàng dọc mà cơ quan thuế cần có sự hợp nhất thông tin, phối hợp chéo với các cơ quan quản lý dân cư khác như quản lý hộ tịch.

(7) Về thuế suất thuế TNCN

Tình hình và đặc điểm nền kinh tế Việt Nam cũng như thực tiễn thi hành luật thuế TNCN cho thấy, việc quy định mức thuế suất 35% là quá cao và không tương tác với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25%. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn hình thức, loại hình doanh nghiệp để kinh doanh và gây tác động tiêu cực đến nhu cầu lao động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Tâm lý người dân sẽ hoang mang khi thấy rằng, thuế suất đánh vào thu nhập tính thuế là rất cao, trong khi đó các khoản thuế này nhiều khi cũng không rõ có được chi một cách hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước hay không. Hơn nữa, những quyền mà người nộp thuế được hưởng nhiều khi còn mơ hồ và gián tiếp, có khi chỉ là khẩu hiệu (nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân), “có tiếng mà không có miếng”.

Hơn nữa, với 7 bậc thuế là quá dày đặc so với xu hướng cải cách chính sách thuế trên thới giới hiện nay.

Do vậy, người viết đề xuất nên điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần thành 5 bậc với mức thuế suất lũy tiến từng phần là 3%, 10%, 17%, 25% và 30%. Thứ nhất, là giãn rộng khoảng cách giữa các bậc thấp, tăng thu đối với người thu nhập cao, nguyên nhân là giãn cách giữa ở các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải

quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều. Thứ hai, là điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế suất thành số chẵn để dễ nhớ, thay đổi thành 5 bậc tính thuế và hạ thấp mức thuế suất để tạo động lực cho người dân tự động nộp thuế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài, đảm bảo phát triển và hội nhập kinh tế.

Biểu thuế sửa đổi cụ thể như sau:

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/tháng

(triệu đồng) Thuế suất (%)

1 Đến 10 3

2 Trên 10 đến 30 10

3 Trên 30 đến 50 17

4 Trên 50 đến 80 25

5 Trên 80 30

TIỂU KẾT CHƯƠNG 2

Trong chương 2, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam chủ yếu về chính sách thuế thu nhập cá nhân như: đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, khung thuế, giảm trừ gia cảnh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã phân tích những khó khăn, bất cập về thực trạng quy định pháp luật thuế thu nhập cá nhân từ đó bộc lộ một số hạn chế trong quá trình thực thi thuế thu nhập cá nhân.

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích về quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, chỉ ra những khó khăn, bất cập tác giả đã mạnh dạn đề xuất một số giải pháp, định hướng hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam với hy vọng có thể góp phần thiết thực vào quá trình cải cách chính sách thuế trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý về thuế thu nhập cá nhân tại việt nam (Trang 68 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)