CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM
2.3. Định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt nam
2.3.2. Định hướng hoàn thiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam
Theo chiến lược tài chính đến năm 202026 và Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 202027 đã đề ra một số định hướng quan trọng cho việc cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung và thuế TNCN nói riêng. Trong đó, đối với thuế TNCN, các định hướng cải cách được xác định là: “Thực hiện mở rộng cơ sở thuế và xác định rõ thu nhập chịu thuế; sửa đổi, bổ sung phương pháp tính thuế đối với từng khoản thu nhập theo hướng đơn giản, phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và tạo thuận lợi cho công tác thu thuế; điều chỉnh số lượng thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế và đối tượng nộp thuế; điều chỉnh mức thuế suất hợp lý nhằm động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp”.
Việc điều chỉnh chính sách thuế TNCN trong thời gian tới của Việt Nam đồng thời phải hướng đến yêu cầu tiếp tục đưa chính sách thuế TNCN ngày càng tiệm cận với xu hướng và thông lệ trên thế giới vừa đảm bảo hỗ trợ có hiệu quả tăng thu NSNN đáp ứng mục tiêu đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết gần đây của Đảng và Quốc hội “động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP bình quân đạt từ 20 - 21%, tăng tỷ trọng thu nội địa và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ và hiện đại.”28
Kinh nghiệm cải cách thuế trên thế giới cũng như thực tế thực hiện tại Việt Nam cho thấy, cải cách thuế TNCN luôn là vấn đề phức tạp vì nó tác động đến mọi đối tượng dân cư, tạo ra rất nhiều làn sóng dư luận và các ý kiến trái chiều. Theo đó, sự đồng thuận của người dân có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho sự thành công của quá trình cải cách chính sách thuế TNCN. Cải cách chính sách thuế TNCN thời gian tới cũng cần kiên định bám sát với các nguyên tắc cải cách thuế TNCN đã được thừa nhận chung, cũng như xu hướng trên thế giới gần đây, tuyên truyền cho người dân và xã hội hiểu rõ những tác động cũng như mục tiêu của từng biện pháp cải cách đề ra. Một số định hướng cụ thể như sau:
(1) Định hướng cải cách biểu thuế lũy tiến
Thực hiện đơn giản hóa, giảm số bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến để tạo sự thuận lợi cho cả NNT và cơ quan quản lý thuế. Những năm gần đây, nhiều nước đã thực hiện đơn giản hóa biểu thuế, loại bỏ mức thuế suất luỹ tiến cao nhất và mức thuế suất thấp nhất trong biểu thuế lũy tiến nhằm nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, thu hút được lao động có kỹ thuật cao từ bên ngoài.
Bên cạnh đó, các nước cũng đang có xu hướng chung là tăng ngưỡng thu nhập tính thuế. Ở Anh đã tăng ngưỡng thu nhập tính thuế TNCN chịu mức thuế suất
26 Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
27 Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
28 Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
40% đã tăng từ 32.000 Bảng lên 33.500 Bảng có hiệu lực ngày 6 tháng 4 năm 2017, cũng trong năm nàyMỹ đã tăng ngưỡng thu nhập tính thuế TNCN ở tất cả các bậc thuế suất. Tại Thái Lan, luật thuế TNCN cũng được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2017, theo đó nâng ngưỡng thu nhập chịu mức thuế cao nhất (35%) từ trên 4.000.000 THB lên trên 5.000.000 THB29.
Để đảm bảo tính đơn giản, giảm mức điều tiết thuế ở các bậc mà không gây ảnh hưởng lớn về chính sách; bên cạnh đó lại tăng tính cạnh tranh, thu hút được chuyên gia, lao động có trình độ cao vào Việt Nam làm việc; đồng thời vẫn giữ được mối tương quan thuế TNDN theo từng bước của lộ trình cải cách thuế, Chính phủ nên đơn giản hóa biểu thuế luỹ tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công ở những mức độ nhất định. Giảm bớt số bậc trong biểu thuế lũy tiến là một bước đi cần thiết và hợp lý theo xu hướng cải cách thuế TNCN trên thế giới hiện nay.
(2) Tiếp tục mở rộng cơ sở tính thuế
Quy định về đối trượng chịu thuế của thuế TNCN chỉ dự liệu trước các khoản thu nhập có thể phát sinh và các loại thu nhập hiện có tại thời điểm ban hành luật, tuy nhiên chưa bao quát hết được các nguồn thu nhập. So với tốc độ phát triễn của xã hội thì luật thuế TNCN năm 2007 sửa đổi năm 2012 đang dần trở nên lạc hậu và bỏ sót một số thu nhập mới phát sinh hoặc sự thay đổi tính chất của thu nhập như: thu nhập từ trúng số Vietlott, thu nhập từ các tài nguyên trên internet, thu nhập từ ủy quyền bán bất động sản…cần có sự pháp điển hóa các loại thu này vào diện thu nhập chịu thuế TNCN, riêng đối với thu nhập từ trúng số, khoản tiền trúng đã được thay đổi khá cao so với trước đây dẫn đến mức thuế suất áp dụng chưa phù hợp.
Việc đánh thuế TNCN có thể tác động đến sự lựa chọn hình thức kinh doanh, đầu tư của người lao động cũng như chi phí lao động trên thị trường. Một chính sách thuế TNCN tốt là Nhà nước vừa có thể động viên đầy đủ nguồn thu cho ngân sách, song ít làm “méo mó” bản chất của thuế TNCN, ảnh hưởng đến quá trình phân bổ và sử dụng nguồn lực trong xã hội. Việc mở rộng cơ sở tính thuế sẽ góp phần hoàn thiện hơn pháp luật thuế TNCN và giúp trở thành một trong những sắc thuế chính của hệ thống thuế. Đây là yêu cầu rất quan trọng góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại nguồn thu NSNN ở Việt Nam trong thời gian tới khi mà nhà nước đang có chính sách giảm thu đối với các loại thuế khác. Hay nói cách khác, tiếp tục mở rộng cơ sở tính thuế TNCN thông qua mở rộng thu nhập chịu thuế, thu hẹp diện thu nhập được miễn thuế để bảo đảm tính công bằng xã hội đồng thời động viên kịp thời nguồn thu cho NSNN, gia tăng về mức sống của người dân trong xã hội.
29 Viện nghiên cứu lập pháp – Cổng thông tin điện tử (2012), Luật thuế thu nhập cá nhân: những bất cập và hướng hoàn thiện.
(3) Điều chỉnh mức thuế suất và phương thức thu đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng, đầu tư vốn.
Nhằm tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước trước sức ép cạnh tranh về vốn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, xu hướng chung của các nước là áp dụng mức thuế suất thấp đối với thu nhập từ đầu tư vốn, nhất là trong giai đoạn các nước đang thực hiện các hiệp định về tự do lưu thông lao động trình độ cao, liên tục cắt giảm thuế suất của nước mình để thu hút vốn, công nghệ và lao động từ bên ngoài. Theo đó, nên xem xét hạ thấp mức thuế suất áp dụng đối với loại hình thu nhập này. Ngoài ra, thuế TNCN quy định mức thuế suất 2% trên giá trị chuyển nhượng, không phân biệt hành vi đầu cơ hay hành vi khác và cũng chưa phân biệt theo thời gian nắm giữ bất động sản. Kinh nghiệm từ một số nước trên thế giới, đã áp dụng chính sách thuế đối với lợi nhuận thu được từ các giao dịch bất động sản tùy theo tần suất của giao dịch và thời gian nắm giữ bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và hình thành “bong bóng” bất động sản. Trong thời gian tới, Việt Nam cũng nên nghiên cứu đánh thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ, theo đó thời gian mua đi bán lại càng ngắn thì thuế suất áp dụng càng cao cùng với các sắc thuế có liên quan khác góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.
(4) Về mức giảm trừ gia cảnh.
Việc xem xét, cân nhắc mức giảm trừ gia cảnh thường dựa vào các chỉ số như GDP, CPI, tình hình kinh tế xã hội, các chính sách của nhà nước…Hầu như không có quốc gia nào quy định mức giảm trừ gia cảnh dựa theo một chỉ tiêu, chỉ số cố định mà thường căn cứ vào nhiều yếu tố như yêu cầu động viên NSNN; chế độ an sinh xã hội; khả năng, thu nhập và mức sống dân cư để xác định mức giảm trừ hợp lý hoặc đánh thuế từ đồng thu nhập đầu tiên. Tuy nhiên các chỉ tiêu này thường biến động, có xu hướng tăng lên theo khoản thời gian xác định. Do vậy, khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh bằng một trị số xác định thì các nước chỉ áp dụng mức giảm trừ gia cảnh đó ổn định trong một thời gian và sẽ xem xét sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh khi sửa đổi Luật thuế TNCN, trường hợp này có cả Việt Nam. Luật thuế TNCN 2007 tại Việt Nam quy đinh mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân là 4,5 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng, sau 3 năm thực hiện mức giảm trừ gia cảnh lại được thay đổi là giảm trừ cho cá nhân NNT 9 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Vòng luẩn quẩn khiến chúng ta thường xuyên phải sửa luật đó là quy định các căn cứ, định mức chịu thuế quá cứng, không thể điều chỉnh tự động theo nền kinh tế và đời sống xã hội. Mặc dù thật sự có nhiều nước quy định như vậy, nhưng chúng ta lại không xét đến hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Đối với Việt Nam, cần xem xét theo hướng không nên quy định một mức giảm trừ gia cảnh cụ thể mà nên tính thuế theo một tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương tối thiểu của công chức. Đây chính là một trong những căn cứ quan
trọng để tạo ra sức sống lâu bền cho Luật TNCN và đảm bảo được bản chất của giảm trừ gia cảnh (mức khởi điểm đánh thuế) là nhà nước không đánh thuế vào phần thu nhập tối thiểu trung bình xã hội để tái tạo sức lao động, bao gồm cho cả NNT và người được nuôi dưỡng. Theo đó, khi chính sách tiền lương thay đổi thì mức giảm trừ cũng mặc nhiên thay đổi, không cần phải sửa đổi các luật liên quan.
Ngoài ra, một vấn đề khác cũng cần được xem xét là việc tính mức khởi điểm chịu thuế TNCN phải bám theo đặc thù đời sống xã hội ở từng vùng miền, như là giữa thành thị và vùng nông thôn, nhất là các đô thị lớn có mức chi phí sinh hoạt cao như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh… phải đảm bảo mặt bằng chung tương đối phù hợp, không thể cào bằng như hiện nay. Bởi ai cũng biết rõ, chẳng hạn cùng mức thu nhập 5 triệu đồng, sẽ rất khó khăn nếu sống ở các đô thị lớn, trong khi đó sẽ dễ dàng hơn nếu sống ở các vùng nông thôn.