Những khó khăn, bất cập trong giai đoạn thực thi pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý về thuế thu nhập cá nhân tại việt nam (Trang 56 - 62)

CHƯƠNG II. THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN TẠI VIỆT NAM

2.2. Những khó khăn, bất cập trong giai đoạn thực thi pháp luật thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam

Ngoài những kết quả đạt được trong quá trình thực thi thuế TNCN thì bên cạnh đó còn có không ít những bấp cập, khó khăn, có thể kể đến một số bất cập như sau:

Một là, văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNCN tính đến nay có quá nhiều nghị định, thông tư và các văn bản hướng dẫn trên cơ sở các thông tư, văn bản này sửa đổi, bổ sung thông tư, văn bản kia; đồng thời, quy định nhiều thủ tục thực hiện làm cho cả cán bộ thuế cũng như người nộp thuế gặp khó khăn trong việc

cập nhập, hệ thống chính sách thuế thu nhập cá nhân, dẫn đến chưa đảm bảo tính đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, minh bạch và công khai, như: pháp luật thuế TNCN nước ta quy định 10 loại thu nhập chịu thuế, tuy nhiên mỗi loại thu nhập lại có căn cứ tính thuế, thuế suất khác nhau; có loại thu nhập có hai phương pháp tính thuế (thu nhập hộ gia đình, cá nhân kinh doanh; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán); phức tạp nhất là việc tính thuế đối với tiền lương, tiền công21.

Về nguyên tắc, Luật Thuế TNCN cần quy định rõ mọi vấn đề liên quan đến sắc thuế này, nên tránh tình trạng dùng các văn bản dưới luật để giải thích, bổ khuyết nội dung của luật. Việc lạm dụng quá nhiều các văn bản hướng dẫn làm cho người nộp thuế nhiều khi cũng khó xác định được là trách nhiệm của mình ở mức nào, có được miễn thuế hay giảm thuế không? Đối với cơ quan chi trả thu nhập thì sẽ xuất hiện tình trạng quản lý lỏng lẽo, không thể xác định có tính đúng mức thuế phải trả của NNT không? Thực trạng này đòi hỏi luật sửa đổi, bổ sung phải quán triệt nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi. Tính đến nay, nhà nước ta đã ban hành 4 văn bản luật, văn bản hợp nhất, sửa đổi bổ sung luật Thuế TNCN;

4 nghị định hướng dẫn thi hành luật thuế TNCN, 15 thông tư hướng dẫn thực hiện luật thuế TNCN; và hơn 20 văn bản hướng dẫn liên quan khác.

Hai là, Đối với thu nhập từ đầu tư vốn. So với các nước trong khu vực, mức thuế suất 5% áp dụng ở Việt Nam không cao nhưng cũng chưa thật sự mang tính động viên, khuyến khích đầu tư. Trên thực tế hiện nay có sự không “bình đẳng”

giữa việc đầu tư qua trái phiếu doanh nghiệp và đầu tư qua ngân hàng. Luật thuế TNCN quy định miễn thuế đối với tiền lãi các tổ chức tín dụng, trái phiếu chính phủ, trong khi đó các khoản thu nhập này vẫn có tính chất thường xuyên, tương tự như đầu tư qua trái phiếu doanh nghiệp tuy nhiên, khoản thu nhập này lại chịu thuế TNCN. Bên cạnh đó, trong chính sách thuế TNCN của Việt Nam, thu nhập từ cổ tức của cá nhân nhận được từ việc đầu tư cho doanh nghiệp đang bị đánh thuế trên tổng giá trị cổ tức nhận được mà chưa có cơ chế để xử lý đối với phần thuế thu nhập doanh nghiệp mà các doanh nghiệp đã nộp cho số cổ tức này.

21 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định các khoản phụ cấp, trợ cấp thuộc loại chịu thuế, các khoản tiền được trừ ra khi tính thu nhập chịu thuế rất phức tạp. ví dụ: tiền trợ cấp sinh con, chi phí thai sản, phụ cấp khu vực …được trừ ra khi chịu thuế; tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo lại không được trừ ra khi tính thuế TNCN.

Bảng 2.5 Thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư tại một số nước năm 2016

Quốc gia

Mức thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ cổ

tức

Mức thuế suất áp dụng đối với tiền lãi ngân

hàng

Philippines 10% 5 - 20% tùy theo kỳ hạn

Thái Lan Biểu thuế chung Biểu thuế chung

Indonesia 10% 10%

Trung Quốc 20% 20%

Malaysia Biểu thuế chung Miễn thuế

Singapore Miễn thuế Miễn thuế

Trung Quốc 20% 20%

Việt Nam 5% Miễn thuế

[Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính]

Ba là, Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trong đó, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán cần xem xét lại mức điều tiết. Bởi lẽ tại thời điểm này, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường còn ít, việc đầu tư còn mang tâm lý theo số đông, lợi nhuận thu được chỉ là may, rủi, không thường xuyên. Vì vậy đánh thuế vào thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán có thể coi là rào cản, không thật sự thúc đẩy phát triển thị trường này.

Trong khi đó, thu nhập từ lãi tiền vay ngân hàng mang tính chất thường xuyên, nhưng vẫn thuộc diện thu nhập miễn thuế.

Có sự rắc rối, không thống nhất trong các quy định của pháp luật về thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Luật thuế TNCN quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn nộp thuế theo mức thuế suất 20%, đối với cá nhân cư trú thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn và hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và có kỳ tính thuế theo từng lần chuyển nhượng. Tuy nhiên, luật lại quy định riêng về thu nhập từ việc chuyển nhượng vốn là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo mức thuế suất 0,1%22 và tính thuế theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm. Do luật quy định phương thức tính thuế theo năm phải đăng ký từ đầu năm nên trong trường hợp thị trường sụt giảm, nhà đầu tư chuyển nhượng chứng khoán bị lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế theo thuế suất 0,1%

22 Luật thuế thu nhập cá nhân, khoản 2 Điều 23.

trên giá chuyển nhượng, tạo sự không công bằng cho NNT (Thực tế năm 2009 số lượng chứng khoán chuyển nhượng 17.754.870.578 đơn vị với giá trị 819.660 tỷ đồng; năm 2010 chuyển nhượng 21.616.271.569 đơn vị với giá trị chuyển nhượng 715.416 tỷ đồng. Năm 2011 chuyển nhượng 17.142.035.622 đơn vị với giá trị chuyển nhượng 357.416 tỷ đồng). Ngoài ra, Điều 28 Luật thuế TNCN năm 2007 quy định thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú nộp thuế với thuế suất 0,1% trên số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn. Việc quy định quá nhiều trường hợp cho một loại thu nhập trên tạo sự phức tạp trong công tác kê khai, quyết toán thuế.

Bốn là, thu nhập từ việc chuyển nhượng bất động sản. Đối với quy định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì không phải nộp thuế cũng cần xem xét lại. Vì trên thực tế việc kiểm soát sở hữu nhà ở, đất ở của người bán có phải là duy nhất hay không là rất khó. Hiện nay Việt Nam chưa có hệ thống thông tin đăng ký quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thống nhất trên cả nước nên việc kiểm soát này chủ yếu dựa vào sự tự giác của người dân nên việc thất thu thuế đối với loại thu nhập này là điều không tránh khỏi.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có phương án đánh thuế phù hợp đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và cũng chưa phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản. Điều này dẫn đến tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường bất động sản, gây thất thu cho NSNN. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy một số nước còn áp dụng biểu thuế lũy tiến đối với lợi nhuận thu được từ giao dịch bất động sản phù hợp với tần suất giao dịch, thời gian mua, bán lại bất động sản.

Nếu thời gian này diễn ra càng nhanh thì thuế suất càng cao, diễn ra chậm hơn thì thuế suất thấp hơn. Có thể lấy dẫn chứng tại Singapore, đất mua đi, bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua, bán, sau hai năm thì mức thuế suất là 50%, sau ba năm là 25%. Tại Đài Loan, giao dịch bất động sản thực hiện trong năm đầu sau khi mua áp dụng thuế suất là 15%, thực hiện sau năm đầu và trong năm thứ hai sau khi mua, thuế suất là 10%23. Ngoài ra còn có cả Trung Quốc áp dụng phương thức đánh thuế theo mức lợi từ thu nhập chuyển nhượng bất động sản, do vậy Luật Thuế TNCN cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng quy định đánh thuế lũy tiến đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và phân biệt mức độ điều tiết theo thời gian nắm giữ bất động sản.

Năm là, Đối với thu nhập từ bản quyền. Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật số 04/2007/QH12 thì thu nhập từ bản quyền bao gồm: Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

23 Xem: http://investtaiwan.nat.gov.tw/matter/show_eng.jsp

Như đã đề cập trong nội dung những bất cập, khó khăn thì pháp luật thuế TNCN cần mở rộng hơn quy định về các loại thu nhập chịu thuế và theo đúng tính chất của từng loại thu nhập. Theo đó, thu nhập từ bản quyền luật thuế TNCN hiện hành chỉ quy định bao gồm những trường hợp chuyển nhượng bản quyền thuộc sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang phát sinh trường hợp cá nhân chuyển nhượng tên miền Internet. Về bản chất đây là hoạt động chuyển nhượng bản quyền nhưng đối tượng này lại thuộc diện điều chỉnh của Luật viễn thông nên không thể đưa vào diện thu thuế theo quy định về bản quyền của luật thuế TNCN. Do vậy, luật Thuế TNCN tại Việt Nam cần pháp điển hóa quy định đối với thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng tài nguyên internet phù hợp với bản chất của thu nhập.

Sáu là, thực hiện giảm trừ gia cảnh còn bất cập. Việc kê khai giảm trừ gia cảnh chủ yếu là dựa vào ý thức của đối tượng nộp thuế, việc thực thi kê khai số người phụ thuộc thực sự khó khăn. Ví dụ, cùng một ông bố hay bà mẹ nhưng sẽ được tính trùng nhau thành 2 người phụ thuộc bởi lẽ, nếu họ có 2 người con làm việc ở 2 địa phương khác nhau cùng kê khai người phụ thuộc và chính quyền địa phương sở tại đều sẽ xác nhận. thực tế cho thấy, nhiều địa phương khi nhận được đơn đề nghị xác nhận đối tượng cư trú có trách nhiệm nuôi dưỡng ở địa phương khác (ông, bà, cháu, anh chi em…ở quê). Khi đó họ rất khó để xác định được mối quan hệ thật sự của người phụ thuộc đang sinh sống ở tỉnh khác và người dân trên địa bàn, càng khó biết được có đúng là người dân đang cư trú trên địa bàng có thật sự nuôi dưỡng người phụ thuộc hay không, dẫn tới tình trạng nơi thì chứng nhận quá dễ dàng, nơi thì không giải quyết vì không có căn cứ xác thực gây khó khăn cho NNT.

Bảy là, Thuế suất và cơ cấu biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo tình hình kinh tế thực tế và chính sách thuế tại Việt Nam, mức thuế suất cao nhất 35% hiện nay được cho là cao cùng với khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế còn dày dẫn đến mức điều tiết thuế tăng nhanh ở các bậc thuế sau, tạo gánh nặng về thuế cho người dân. Hơn nữa, những người nộp thuế ở bậc 6, bậc 7 cho rằng chưa khuyến khích được người có trình độ kỹ thuật cao, năng lực điều hành giỏi ra sức lao động, thống kê cho thấy có rất ít người nộp thuế ở bậc thuế cao nhưng khoản đóng góp cho thuế là rất lớn, theo đó: 0,18% số người nộp thuế ở bậc 7 đóng góp số thuế là 17,3%; trong khi 73,32% số người nộp thuế ở bậc 1 nhưng số thuế chỉ chiếm 10,06% tổng số thuế24. Mức thuế suất 35% tuy thấp hơn Trung Quốc, Thái Lan nhưng cao hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực, điển hình như mức thuế suất cao nhất của Singapore là 20%, Malaysia 28%, Indonesia 30% và Philippines 32%. Điều này ảnh hưởng một phần đến khả năng cạnh tranh

24 Ths. Trần Quốc Hoàn (2016), “Bàn về định hướng cải cách mức thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam”, tapchitaichinh.

của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường của khu vực, giảm sức hút đối với nguồn lao động kỹ thuật cao từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, rào cản đối với sự di chuyển của lao động đang từng bước giảm dần.

Bên cạnh đó, bậc thuế TNCN cũng cần phải đơn giản hóa. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nếu qui định quá nhiều bậc thuế sẽ làm phức tạp công tác quản lý và khuyến khích trốn thuế trong khi không có nhiều tác dụng tạo ra công bằng. Luật Thuế TNCN nước ta hiện tại có 7 bậc thuế suất: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Số các bậc thuế được coi là nhiều nếu so với thực tiễn bậc thuế TNCN ở các nước trên thế giới. Đến nay, biểu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của phần lớn các nước thường có ít hơn 6 bậc như: biểu thuế của Nhật Bản có 5 bậc, Australia và Hàn Quốc có 4 bậc, Anh có 3 bậc. Thậm chí, theo xu hướng đơn giản hóa biểu thuế hiện nay, một số quốc gia, nhất là các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu, đã thực hiện cải cách chính sách thuế TNCN theo hướng xóa bỏ biểu thuế lũy tiến, áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế TNCN. Như vây, biểu thuế TNCN của Việt Nam hiện có 7 bậc được xem là khá phức tạp, giãn cách giữa các bậc còn hẹp chưa tạo sự thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế. Việc thực hiện giảm số bậc thuế và tăng khoản cách giữa các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến sẽ góp phần làm đơn giản, tăng cường tính minh bạch trong việc quản lý, thu thuế.

Ngoài ra, hành vi trốn thuế của một số cá nhân có thu nhập cao từ tiền lương, tiền công cũng là một trong những khó khăn, tồn tại của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đơn cử là trường hợp ở TP. Hồ Chí Minh để làm minh chứng cho những bất cập trong thực tiễn thi hành.

Ở TP. Hồ Chí Minh, trường hợp trốn thuế của các ca sĩ nổi tiếng đã báo động kẻ hở trong việc quản lý nguồn thu nhập chịu thuế TNCN. Theo nguồn tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, cơ quan đã mời một số nghệ sỹ lên khai quyết toán thu nhập cá nhân trong giai đoạn từ 2009 - 2014. Kết quả có 7 người bị truy thu thuế với số tiền lên tới 4,4 tỉ đồng. Theo bà Lê Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, thông thường mọi người sẽ đến cơ quan thuế để kê khai quyết toán thuế hàng năm. Tuy nhiên, rất nhiều nghệ sỹ cho rằng họ đã đóng đủ 10% thuế cho các đơn vị tổ chức sự kiện, số tiền này được trừ trực tiếp vào tiền cát - xê nên không cần phải quyết toán thuế nữa. Nhưng trên thực tế thì đây chỉ mới là số tiền tạm thu, bởi thu nhập này chịu mức thuế tính theo biểu thuế lũy tiến từ 5% - 35%. Do vậy, tùy vào mức thu nhập, có người sẽ phải đóng thuế TNCN cao hơn

thuế suất 10% và có người sẽ đóng thấp hơn. Nếu thấp hơn mức 10% sẽ được hoàn lại tiền thuế25.

Trong trường hợp nghệ sỹ ký hợp đồng với công ty hay tự thành lập công ty và công ty đó ký hợp đồng với đơn vị tổ chức biểu diễn thì phần tính là cát - xê sẽ được tính vào doanh thu công ty, khi đó công ty có trách nhiệm phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản thuế khác nếu có đối với phần thu nhập này. Do vậy, tiền mà nghệ sỹ nhận từ công ty mình là tiền lương hoặc tiền công. Tuy nhiên, đây cũng là kẽ hở để cho một số nguời lợi dụng để trốn thuế. Trên thực tế, các giao dịch, hợp đồng biểu diễn đều thông qua công ty là người ký kết. Lúc này, nghệ sỹ không phải nộp khoản thuế thu nhập cá nhân nữa mà chuyển sang công ty nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nếu công ty làm ăn bình thường, khai báo lời lãi nghiêm túc thì các khoản thuế đó sẽ được đóng bình thường. Nếu trường hợp họ khai báo thua lỗ thì đương nhiên không phải nộp các khoản thuế đó.

Lúc này, nghệ sỹ vẫn được hưởng cát - xê mà không tốn một đồng tiền thuế TNCN.

Bảy trường hợp nghệ sỹ bị truy thu 4,4 tỉ đồng tiền thuế đều nằm trong các hành vi trốn thuế nêu trên.

Một phần của tài liệu Những vấn đề pháp lý về thuế thu nhập cá nhân tại việt nam (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)