Thực tiễn chuỗi cung ứng nông sản và chuỗi cung ứng lợn thịt tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi giá trị cung ứng lợn thịt trên địa bàn huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 37 - 40)

Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn về chuỗi cung ứng lợn thịt trên thế giới và Việt Nam

2.2.2. Thực tiễn chuỗi cung ứng nông sản và chuỗi cung ứng lợn thịt tại Việt Nam

2.2.2.1. Thực tiễn chuỗi cung ứng nông sản tại Việt Nam

Tại Việt Nam từ năm 2008 đến nay, với việc ban hành chính thức hệ thống tiêu chuẩn VietGAP, chương trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn này đã phát triển mạnh trong cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, số liệu tổng hợp từ các địa phương báo cáo về cho thấy đến đầu tháng 5/2016 cả nước có 35 tỉnh, thành đã có mô hình chuỗi với tổng số 280 chuỗi. Sản phẩm chính là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. Hiện nay, đã có 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận (có nhu cầu và tự nguyện). Ngoài ra, một số địa phương khác có các mô hình VietGAP…Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán có cao hơn so với sản phẩm khác (La Hoàn, 2014). Mặc dù vậy vẫn còn rất nhiều tồn tại trong chuỗi cung ứng nông sản hiện nay.

Việt Nam là nước nông nghiệp, có hàng nghìn năm phát triển nông nghiệp đã tạo ra nhiều “lối mòn” trong tư duy sản xuất – cung ứng – tiêu thụ sản phẩm.

Đối với đầu vào, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân sẽ nhập nguyên liệu là thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp… ở những đại lý nhỏ lẻ, có thể là đại lý cấp 3, cấp 4. Như vậy, giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với nguyên liệu đầu vào được lấy từ nguồn. Điều này làm cho giá nông sản bị đội lên khá cao. Còn đầu ra, đường

đi của nông sản từ người sản xuất tới người tiêu dùng phải qua rất nhiều thương lái, mỗi lần qua thương lái thì giá thành lại đội thêm một phần. Từ đây, giá nông sản thành phẩm đến tay người tiêu dùng rất cao.

Một số chuỗi liên kết chưa chặt chẽ, chưa ổn định, mất liên lạc trong chuỗi.

Khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đủ không đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ là một khó khăn cho việc gắn kết giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh (Lê Anh, 2016).

Trong vòng 4-5 năm trở lại đây, do không đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại thị trường nội địa, thiếu chú trọng phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản, nhiều loại sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có chất lượng cao khó tiêu thụ ngay tại sân nhà. Và hệ quả là cả người nông dân sản xuất cũng như người tiêu dùng đều phải chịu thiệt thòi (La Hoàn, 2014).

Thêm một thực tế nữa là, trong suốt 5 năm qua, chúng ta vẫn chưa ban hành được nhãn chung cho các loại nông sản đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vì thế sản phẩm đã đạt VietGAP gần như bị đánh đồng về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm nông sản không được sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch (La Hoàn, 2014). Khi không có nhãn chung cho các sản phẩm VietGAP, GlobalGAP thì giá trị thương hiệu nông sản không được tính vào giá bán sản phẩm. Vì vậy, các sản phẩm nông sản đặc sản của các địa phương như vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Thanh Hà, bánh tráng Phú Hòa Đông… dễ dàng bị các loại sản phẩm cùng loại khác “đội lốt” và “ăn cắp” thương hiệu. Điều này khiến cho uy tín của thương hiệu nông sản bị ảnh hưởng xấu. Người tiêu dùng mất tiền oan vì mua phải đồ rởm, trong khi những nhà vườn sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng gần như bất lực trong việc đưa sản phẩm thật của mình vào thị trường, gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Điều đáng nói là, việc này chỉ xảy ra ở thị trường nội địa. Chính sự nhập nhèm về thương hiệu này đã tạo nên một hệ lụy nguy hiểm khác là nông sản Việt bị thế chỗ bởi nông sản ngoại. Các loại trái cây và nông sản của Thái Lan, Mỹ chiếm lĩnh một thị phần quan trọng tại các chợ và siêu thị. Giá bán các loại nông sản này cao hơn nhiều lần so với các sản phẩm cùng loại trong nước. Điều này tạo tiền đề cho việc “hô biến” nhiều loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ thành sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ và Thái Lan... (La Hoàn, 2014).

2.2.2.2. Thực tiễn chuỗi cung ứng lợn thịt tại Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, cả nước có hơn 10.000 trang trại chăn nuôi chuyên nghiệp, chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đây đều là những nơi đông dân cư, nhu cầu tiêu thụ cao và quãng đường vận chuyển ngắn, phù hợp với thói quen tiêu thụ thịt nóng, tươi, không bảo quản lạnh của đại bộ phận người tiêu dùng (Nguyễn Hà Trinh, 2016).

Tuy nhiên, thực tế chuỗi cung ứng lợn thịt vẫn đang còn nhiều bất cập:

Một là, chuỗi cung ứng lợn thịt còn nhỏ lẻ, manh mún và thiếu tính liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi với nhau, nguyên nhân do chính quy mô chăn nuôi của các nông hộ, gia trại, trang trại. Theo báo cáo tổng điều tra nông lâm thủy sản của Tổng cục Thống kê năm 2011, trong số 4.131,6 ngàn hộ nuôi lợn thì số hộ nuôi quy mô nhỏ (<10 lợn/hộ) chiếm tới 86,4% tổng số hộ, nhưng chỉ sản xuất 34,2% tổng sản lượng thịt lợn. Chăn nuôi nhỏ lẻ nên các hộ, gia trại, trang trại nhỏ không được đầu tư chuồng trại hợp vệ sinh dẫn đến khó phòng tránh dịch bệnh như lở mồm long móng năm, heo tai xanh... gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi (Tổng cục Thống kê năm, 2011).

Hai là, ngày càng nhiều lò mổ chui không đạt chuẩn vệ sinh mọc lên ngay trong khu dân cư, điều đáng nói là các lò mổ này lại hoạt động rất sôi nổi và các thương lái thường hay đưa lợn về đây giết mổ do tính tiện lợi và chi phí rẻ của nó, khiến cho việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt lợn ngày một khó khăn, hơn nữa còn làm cho các lò mổ tập trung được đầu tư đạt chuẩn vệ sinh không thể hoạt động hoặc hoạt động dưới mức công suất. Điều này gây ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng lợn thịt (Nguyễn Hà Trinh, 2016).

Ba là, người chăn nuôi – một tác nhân chính chính chuỗi cung ứng lợn thịt đang phải chịu những chi phí đầu vào rất cao do nước ta chưa tự chủ được con giống và nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, giá con giống và thức ăn chiếm hơn 80% chi phí nuôi lợn. Lợn giống phần lớn nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan. Do việc nuôi giống trong nước chưa phát triển (20 nước số lượng lợn nhiều nhất thế giới, Việt Nam đứng cuối về năng suất sinh sản) nên nhập khẩu lợn giống tăng mạnh: 9 tháng đầu năm 2014 hơn 1.700 con trị giá hơn 1,6 triệu USD, tăng 86,5% cùng kỳ 2013. Thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước phần lớn

phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài nên phụ thuộc nhiều giá nguyên liệu, tuy nhiên giá bán đến tay nông hộ không đi cùng chiều với giá nguyên liệu nhập từ nước ngoài (Khánh Phương, 2016). Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 12/2015 đạt 337 triệu USD, tăng 44,21% so với tháng trước đó và tăng 23,39% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung, năm 2015 Việt Nam đã chi gần 3,4 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước (Tổng cục Hải quan, 2016).

Bốn là, tình trạng sử dụng chất kháng sinh, chất cấm, chất tạo nạc, tạo màu... trong chăn nuôi đang diễn ra ngày càng phức tạp gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, khiến cho người tiêu dùng hoang mang.

Trong chuỗi cung ứng lợn thịt mà nguồn cung manh mún và nhỏ lẻ, một mắt xích nổi bật là Công ty chăn nuôi lớn và nhà đầu tư với vai trò nâng quy mô cho đầu ra của các sản phẩm thịt. Khối này gồm nhiều công ty chăn nuôi và kinh doanh sản phẩm chăn nuôi như C.P, Masan, Vissan. Hàng loạt mô hình chuỗi thực phẩm sạch khép kín được hình thành như "Từ trang trại đến bàn ăn" hay công thức "3F" Farm- Factory- Food (Trang trại - Nhà máy - Thực phẩm) được hình thành (Nguyễn Hà Trinh, 2016), điều này làm cho chuỗi cung ứng lợn thịt có tính liên kết chặt chẽ hơn. Các công ty này sẽ liên kết với các hộ dân chăn nuôi gia công bằng việc cung cấp con giống, thức ăn, cán bộ kỹ thuật, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm, hoặc thu mua của các trang trại nuôi heo VietGap được chứng nhận, kiểm tra, kiểm soát bởi các đơn vị chức năng. Sau đó chế biến và cung ứng ra thị trường qua các hệ thống siêu thị hoặc chợ truyền thống.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chuỗi giá trị cung ứng lợn thịt trên địa bàn huyện yên khánh, tỉnh ninh bình (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)