Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Tổng quan về chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt tại huyện Yên Khánh
4.1.1. Tình hình chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn huyện
Trong những năm gần đây, huyện Yên Khánh đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về phát triển công nghiệp - dịch vụ cũng như phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp thì chăn nuôi vẫn là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả. Chăn nuôi được xem là một hướng đi đúng đắn của huyện trong phát triển kinh tế. Mặt khác, là huyện thu hút được khu công nghiệp Khánh Phú, thêm vào đó là hệ thống giao thông thuận lợi cho giao thương. Vì vậy, huyện có thị trường tiêu thụ rộng lớn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nói chung và cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng.
Đối với ngành chăn nuôi lợn thì cung cấp sản phẩm thịt lợn ra thị trường là mục tiêu quan trọng nhất, vậy nên trong tổng số đàn lợn thì lợn thịt chiếm phần lớn với hơn 75% số lượng. Từ 2013 – 2015, đàn lợn của huyện Yên Khánh có sự thay đổi về cả số lượng và sản lượng. Tuy huyện có nhiều điều kiện cho sự phát triển ngành chăn nuôi lợn thịt như kinh nghiệm chăn nuôi, điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông thuận lợi cho giao thương, nên đàn lợn thịt của huyện cũng đã tăng nhưng với số lượng không lớn, chỉ 2,57% (Bảng 4.1). Nguyên nhân chính của vấn đề này có thể kể đến đó là do nhiều hộ nông dân còn tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng thức ăn sẵn có trong gia đình nên tăng trọng chậm, thời gian xuất chuồng kéo dài; chi phí chăn nuôi cao, hiệu quả kinh tế còn thấp; các chương trình nuôi lợn thâm canh được đầu tư bước đầu đạt hiệu quả nhưng khả năng nhân rộng còn chậm. Mặt khác, do xu hướng phát triển theo con đường CNH – HĐH đã làm cho diện tích đất đai nông nghiệp của huyện giảm dần do việc chuyển dần phương thức sử dụng đất từ nông nghiệp sang phục vụ phát triển ngành công nghiệp. Do đó, nhiều hộ chăn nuôi đã không thể mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.
Con giống là một trong những nhân tố quyết định cho việc phát triển nghề chăn nuôi lợn thịt của huyện. Các hộ chăn nuôi lợn thịt ở Yên Khánh chủ yếu lựa chọn 2 giống chính, đó là lợn thịt hướng nạc và lợn lai kinh tế. Thực tế cho thấy,
qua 3 năm từ 2013 đến 2015 thì lợn thịt hướng nạc tăng bình quân là 3,47% còn lợn lai kinh tế giảm đáng kể, bình quân giảm 10,07%. Nguyên nhân chính là lợn thịt hướng nạc với tỷ lệ nạc cao, hay ăn, tăng trọng nhanh nên giá bán cao hơn lợn lai kinh tế. Điều đó cho thấy rằng, trong những năm gần đây, chất lượng đàn lợn tại huyện Yên Khánh đã được nâng cao. Hướng chăn nuôi chủ yếu tập trung phát triển lợn thịt hướng nạc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bảng 4.1. Tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Yên Khánh (Không tính lợn sữa)
Chỉ tiêu ĐVT 2013 2014 2015 Tốc độ phát triển (%) 14/13 15/14 BQ Tổng số lợn Con 70.686 70.340 74.158 99,51 105,43 102,43 - Lợn nái Con 17.005 15.095 17.679 88,76 117,12 101,96 - Lợn thịt Con 53.681 55.245 56.479 103,03 102,23 102,57 + Lợn thịt hướng nạc Con 49.864 51.854 53.392 103,99 102,97 103,47 + Lợn lai kinh tế Con 3.817 3.391 3.087 88,83 91,04 89,93 Sản lượng thịt Tấn 8.115 8.241 8.638 101,55 104,82 103,17 Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Yên Khánh (2016) 4.1.2. Tình hình chế biến và tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn huyện
a. Chế biến
Chế biến của các hộ trên địa bàn huyện Yên Khánh chủ yếu là làm giò, làm ruốc. Các hộ chế biến tập trung chủ yếu ở Thị trấn Yên Ninh.
Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở lớn hay nhà máy chế biến thịt công nghiệp, chỉ có các hộ chế biến theo các phương pháp truyền thống. Qua bảng 4.2 ta thấy rằng chế biến thịt lợn trên địa bàn huyện còn rất thủ công, nhưng rất ít hộ làm thủ công hoàn toàn, hầu hết họ kết hợp với sử dụng các máy móc trong các khâu nặng nhọc, các hộ làm ruốc sử dụng đánh thịt, giã thịt; các hộ làm giò, chả dùng máy xay thịt, ép thịt nên năng suất lao động cao, giảm chi phí nhân công đáng kể. Hàng năm sản lượng thịt lợn chế biến thành giò, chả, ruốc tăng cao vào dịp tết Nguyên đán, những ngày thường sản phẩm được chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân.
Bảng 4.2. Tình hình chế biến thịt lợn trên địa bàn huyện
Chỉ tiêu ĐVT 2013 2014 2015
Tổng số cơ sở chế biến Hộ 4 5 7
Phân theo phương thức sản xuất
- Bán công nghiệp Hộ 2 2 3
- Thủ công Hộ 2 3 4
Phân theo sản phẩm
- Hộ chế biến giò chả Hộ 3 3 5
- Hộ chế biến ruốc thịt Hộ 1 2 2
KL sản phẩm chế biến (giò, ruốc) Tấn/năm 67,20 82,10 103,22 Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Yên Khánh (2016) Hiện nay, nhu cầu về các thực phẩm chế biến sẵn ngày càng cao, yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã phong phú, tiện dụng. Qua bảng 4.2 ta thấy, khối lượng sản phẩm chế biến năm 2015 đã tăng gần gấp đôi so với năm 2013, tuy nhiên khối lượng sản phẩm này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện nay. Các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện vẫn sử dụng công nghệ thủ công, không tem nhãn, không đăng ký kinh doanh, không công bố chất lượng sản phẩm.
b. Tiêu thụ
Bảng 4.3. Khối lượng thịt lợn hơi tiêu thụ năm 2015
ĐVT: Tấn
Chỉ tiêu Khối lượng Tỷ lệ (%)
Sản lượng thịt hơi được tiêu thụ 4.801 100
- Tiêu thụ tại huyện 3.343,42 69,64
- Dùng vào chế biến 103,22 2,15
- Tiêu thụ ngoài huyện 1354,36 28,21
Nguồn: Chi cục Thống kê huyện Yên Khánh (2016) Tác nhân trong khâu tiêu thụ lợn thịt trên địa bàn huyện chủ yếu là các hộ giết mổ nhỏ lẻ và thương lái. Một phần sản phẩm được bán cho cơ sở giết mổ hoặc tiêu thụ tại địa bàn. Bên cạnh các thương lái trong huyện còn có các thương
lái ngoài huyện (thương lái tại thành phố Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định) đến thu mua lợn thịt.
Theo bảng 4.3, có tới 69,64% sản lượng thịt lợn được tiêu thụ trong huyện và 28,21% sản lượng được tiêu thụ tại các huyện lân cận và tỉnh ngoài. Thực tế, thương lái tỉnh ngoài thường phải chịu sự chi phối của thương lái trong huyện, nếu không thì hoạt động thu mua của họ sẽ rất khó khăn. Sản phẩm thịt lợn được tiêu thụ trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn là thịt lợn tươi sống và một số sản phẩm đã qua chế biến như ruốc, giò, chả (chiếm 2,15%). Người dân trên địa bàn huyện vẫn giữ thói quen tiêu dùng sản phẩm thịt lợn theo cách truyền thống như: tiêu thụ thịt lợn tươi, nội tạng và rất ít tiêu thụ sản phẩm thịt đông lạnh, thịt hộp… do thịt tươi sống có thể chế biến được nhiều món, phù hợp với khẩu vị của người dân hơn những sản phẩm thịt đã qua sơ chế khác.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giống lợn, thời gian xuất lợn, khối lượng con lợn xuất chuồng, giá cả thịt lợn trên thị trường trong nước và quốc tế, tình hình dịch bệnh lợn… Thông thường thời điểm xuất chuồng tốt nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, do nhu cầu về thịt trên thị trường lên cao nên giá thịt lợn hơi vì thế cũng tăng hơn bình thường một đến hai giá. Giá thịt lợn còn ảnh hưởng của diễn biến giá cả thịt trên thị trường và thế giới, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu vào WTO như hiện nay thì người chăn nuôi trong nước đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ thịt nhâp khẩu, chỉ cần Nhà nước giảm thuế nhập khẩu thịt lợn thêm vài phần trăm thì ngành chăn nuôi trong nước cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Giá thịt lợn hơi năm 2015 biến động rất lớn, 3 tháng đầu năm giá ở mức 52,3 nghìn đồng/kg, đến sang quý II thì lại giảm xuống còn 44,7 nghìn đồng/kg, đến cuối năm thì giá tăng trở lại và ổn định dần ở mức 54,1 nghìn đồng/kg.