Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.3. Một số giải pháp quản lý các dự án xây dựng đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở huyện Yên Khánh
4.3.4. Hoàn thiện công tác giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư và chống thất thoát vốn NN trong đầu tư xây dựng cơ bản
4.3.4.1. Hoàn thiện công tác giải ngân thanh toán, quyết toán vốn đầu tư Trên cơ sở nguồn vốn được giao hàng năm, tập trung thanh toán nợ các công trình đã quyết toán. Đối với công trình chuyển tiếp, ưu tiên bố trí vốn để thanh toán nợ khối lượng đã hoàn thành, số vốn còn lại lập kế hoạch thi công để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các nguồn vốn được giao kế hoạch theo giai đoạn, ưu tiên xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, đồng thời lập kế hoạch thi công chi tiết tương ứng số vốn còn lại đảm bảo không gây nợ đọng để dự án nhanh chóng phát huy hiệu quả đầu tư.
Công tác quyết toán vốn đầu tư cần chủ động bám sát cơ quan thẩm định quyết toán và đôn đốc nhà thầu hoàn thiện hồ sơ trình quyết toán. Tập trung đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo thời gian theo quy định. Những trường hợp chậm nộp hồ sơ quyết toán các công trình cần thực hiện nghiêm khắc các nội dung như: Không xem xét giao dự án đầu tư mới cho nhà thầu có công trình, hạng mục công trình chậm nộp báo cáo quyết toán; không bố trí vốn còn thiếu cho các dự án chậm nộp quyết toán từ 12 tháng trở lên.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân vốn đầu tư không riêng huyện Yên Khánh mà phạm vi trên toàn tỉnh đều chậm; không chỉ vốn ngân sách tập trung mà cả nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn nước ngoài. Mặc dù trong các năm gần đây đã tập trung tháo gỡ song kết quả vẫn chưa như mong muốn. Để từng bước khắc phục căn bệnh kinh niên này, cần thực hiện một số giải pháp:
- Cơ quan cấp phát, cho vay phải đảm bảo đúng tiến độ thời gian, thực hiện nghiêm túc, công khai quy trình cấp phát thanh toán; trường hợp trong quá trình thanh toán vốn có những sai sót thì tách phần đó riêng, cho thanh toán ngay phần đủ điều kiện. Khắc phục nghịch lý vốn Nhà nước còn tồn đọng trong khi đó nhà thầu cần vốn lại bị ách tắc chậm chễ.
- Trường hợp chủ đầu tư không làm hoặc chần chừ làm quá chậm thủ tục nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu khi nhà thầu đủ điều kiện thì phải quy trách nhiệm vật chất cho chủ đầu tư.
- Quyết toán dự án hoàn thành là khâu cuối cùng rất quan trọng của quá trình đầu tư vốn, nó quyết định giá trị của công trình đối với người sử dụng. Do đặc điểm của hoạt động đầu tư phát triển là thời gian dài nhiều yếu tố liên quan đến giá thành sản phẩm lại biến động, việc quản lý, theo dõi phức tạp, nhất là trong điều kiện chúng ta xác định kinh tế quốc doanh là chủ đạo, các sản phẩm đầu tư xây dựng thuộc sở hữu Nhà nước là chính … nên việc xác định đúng giá trị đích thực của sản phẩm đầu tư xây dựng trong cơ chế quản lý hiện hành là việc rất khó khăn.
Vì vậy tình trạng chủ đầu tư và nhà thầu đề nghị quyết toán cao hơn giá trị đích thực, công trình xây dựng hoàn thành chưa được quyết toán, quyết toán chậm đang là phổ biến, nhất là các dự án thuộc cấp xã quản lý. Cần khắc phục tình trạng công trình đưa vào sử dụng là xong công việc, các cấp chính quyền cần chỉ đạo các ngành, các đơn vị trực thuộc rà soát, thống kê nắm chính xác số lượng dự án đầu tư hoàn thành bằng vốn Nhà nước đến nay chưa được duyệt quyết toán theo quy định, để có giải pháp xử lý. Đối với dự án mới hoàn thành cần hướng dẫn chủ đầu tư và nhà thầu lập báo cáo quyết toán theo chế độ trong thời gian quy định. Cơ quan tài chính, cán bộ trực tiếp được giao nhiệm vụ thẩm tra quyết toán phải có năng lực, trình độ chuyên môn về quản lý đầu tư xây dựng để phát hiện ra những sai xót có thể do khách quan hay chủ quan của chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị tư vấn tham gia thực hiện dự án.
4.3.4.2. Chống thất thoát vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng
Lãng phí, thất thoát, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nói riêng là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Đó là vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều cấp nhiều ngành. Đòi hỏi phải được nghiên cứu kỹ lưỡng khách quan, thận trọng để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Thực tế cho thấy thất thoát vốn đầu tư của Nhà nước thường do hai nguyên nhân sau:
Về nguyên nhân trực tiếp: Thất thoát do chủ đầu tư và nhà thầu cố tình vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và xây dựn như thi công ăn bớt khối lượng so với thiết kế được duyệt, trong thanh toán khai tăng chi phí và giá cả... tuy nhiên trên tổng thể thì thất thoát từ nguyên nhân trực tiếp không phải là chủ yếu.
Vì các đối tượng sợ bị xử lý pháp luật khi sự cố xảy ra. Về nguyên nhân dán tiếp:
Do sơ hở bởi chính sách chế độ quản lý đầu tư và xây dựng, định mức xây dựng chưa chặt chẽ: làm cho vốn thất thoát không được xác định rõ đối tượng và mức độ vi phạm nên thất thoát do nguyên nhân này là chủ yếu.
Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng cần coi trọng những biện pháp phòng ngừa, cần khẩn trương bổ sung hoàn chỉnh về cơ chế, chính sách quản lý đầu tư và xây dựng cho chặt chẽ gắn trách nhiệm cá nhân từng khâu công việc hạn chế sơ hở, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát:
Đây là một việc lớn, phức tạp, bao gồm nhiều công việc nhiều nội dung song trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau
- Xem xét quyết định đầu tư
Phải bảo đảm quyết định đúng, kịp thời, hiệu quả. Đây là khâu quan trọng có ý nghĩa tiên quyết. Nếu việc quyết định đầu tư sai lầm sẽ dẫn tới lãng phí rất lớn. Vì sản phẩm xây dựng cơ bản không dễ dàng chuyển mục đích sử dụng.
Việc quyết định các thủ tục xây dựng cơ bản như phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán chi tiết, cấp có thẩm quyền cần tổ chức thẩm định nghiêm túc chặt chẽ. Trên cơ sở thiết kế đầu tư đảm bảo hệ số an toàn, công năng sử dụng của công trình, biện pháp thi công hợp lý, phẩm chất vật liệu phù hợp, định mức, đơn giá áp đúng, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh bổ sung, một biện pháp tích cực ngăn chặn sơ hở tiêu cực thất thoát.
Thực tế cho thấy chỉ riêng việc quyết định biện pháp thi công không phù
hợp đã gây thất thoát rất lớn. Đặc biệt là lĩnh vực cầu đường, nhiều khi chi phí cho việc áp dụng biện pháp thi công chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá trị sản phẩm xây dựng. Nhiều khi chênh lệch trong việc áp dụng giữa các biện pháp thi công thu công và cơ giới rất cao. Đây là 1 trong những sơ hở mà nhà thầu có thể móc ngoặc với tổ chức tư vấn.
- Quyền hạn trách nhiệm chủ đầu tư được quan tâm
Theo Quy định của điều lệ chủ đầu tư là người trực tiếp quản lý sử dụng vốn đầu tư, quản lý sử dụng tài sản sau đầu tư nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm từ khâu lập dự án đến quá trình khai thác sử dụng để tăng cường quyền hạn và trách nhiệm chủ đầu tư, ngăn ngừa thất thoát lãng phí cần chấn chỉnh khâu này theo hướng sau:
Xác định rõ trách nhiệm cá nhân của chủ đầu tư đối với hoạt động đầu tư.
Quản lý chặt chẽ chủ đầu tư trong việc thành lập BQLDA, trong việc lựa chọn nhà thầu, trong đấu thầu và chỉ định thầu, phân chia gói thầu, việc thay đổi thiết kế và phát sinh sau đấu thầu, phương thức thanh toán và thời gian thanh toán, việc quản lý giá cả và thời gian xây dựng. Đây là khâu quan trọng để hạn chế thất thoát, tham nhũng.
- UBND huyện sẽ tiến hành thành lập Ban quản lý dự án chung các dự án có quy mô lớn hoặc các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực quản lý.
- Áp dụng hình thức đấu thầu, khoán gọn
Như phần đánh giá và giải pháp về công tác đấu thầu đã trình bày để công tác đấu thầu được áp dụng rộng rãi trước hết cần chấn chỉnh và hoàn thiện cơ chế kế hoạch theo hướng đã nêu ở phần trên. Đồng thời cải tiến thủ tục sao cho gọn nhẹ, đơn giản, dễ làm phù hợp với trình độ tổ chức thực hiện của chủ đầu tư và các nhà thầu. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm quyền hạn cụ thể về kinh tế và pháp luật với chủ đầu tư. Phải thực hiện đúng trình tự quy định, làm tốt công tác chuẩn bị đấu thầu hết sức chú ý hồ sơ mời thầu; Xác định đúng “giá xét thầu” để làm cơ sở cho việc đánh giá, xét chọn.
Mặt khác, nên làm thử và mở rộng hình thức khoán gọn. Trường hợp cần thiết phải áp dụng hình thức giao thầu cần hoàn thành đầy đủ thiết kế kỹ thuật, dự toán trước khi cấp có thẩm quyền quyết định.
- Quản lý chất lượng công trình xây dựng
Tăng cường công tác quản lý chất lượng theo đúng Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về Quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Các cư quan quản lý đầu tư và xây dựng, các chủ đầu tư, các nhà thầu phải chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi thường xuyên chất lượng của sản phẩm từ tư vấn đến thi công xây lắp và cung cấp thiết bị. Công trình có chất lượng kém, trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư.
BQL dự án huyện tăng cường công tác thanh tra chất lượng các công trình xây dựng do huyện quản lý. Phát hiện, báo cáo những sai phạm về chất lượng, để xử lý kịp thời.
Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các cấp, các ngành tăng cường công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng quy định của Nghị định số 84/2015/NĐ- CP ngày 30/09/2015 của Chính phủ; tổ chức đánh giá những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc khi thực hiện các quyết định về phân cấp đầu tư trên địa bàn huyện để có những điều chỉnh cho phù hợp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các chương trình, nghị quyết của HĐND huyện theo các nguồn vốn phân cấp về cấp huyện. Đặc biệt thời gian tới cần chú trọng tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát cộng đồng trong hoạt động quản lý đầu tư XDCB trên địa bàn:
Đối với các dự án đầu tư trong quá trình thực hiện giám sát đầu tư, ở dự án đầu tư nào phát hiện thấy những yếu tố thay đổi so với dự án ban đầu hoặc những vấn đề mới phát sinh, phải báo cáo kịp thời và nhất thiết đánh giá lại tính khả thi và hiệu quả của dự án trước khi quyết định điều chỉnh hoặc tiếp tục thực hiện.
Những dự án không báo cáo giám sát đầu tư không bố trí kế hoạch đầu tư và không được điều chỉnh dự án, đề nghị Kho bạc Nhà nước không cấp vốn thanh toán.
Tăng cường công tác giám sát cộng đồng: Tất cả các dự án, chương trình đầu tư (trừ công trình bí mật quốc gia) đều phải được thực hiện giám sát cộng đồng trong toàn bộ quá trình đầu tư. Các phương án quy hoạch đã được phê duyệt, các chương trình dự án phải được công bố công khai nội dung cơ bản trên các phương tiện thông tin đại chúng thích hợp (như: niêm yết, Pa - nô, phát thanh, truyền hình...) để dân biết dân bàn, dân giám sát.