Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sắt thép
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.4. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong nâng cao năng lực của
Trong một thời gian dài xây dựng và phát triển đất nước, nền kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Mặt khác, trước năm 1986, chính sách phát triển kinh tế tập trung kế hoạch hoá bộc lộ nhiều yếu kém cả số lượng lẫn chất lượng. Trong giai đoạn này, DN chủ yếu là các xí nghiệp, cơ sở SXKD thuộc sở hữu Nhà nước, hoạt động theo kế hoạch, dẫn đến không có động lực phát triển. Các DN không đủ điều kiện và năng lực để đảm bảo phát triển ổn định của nền kinh tế.
Năm 2005 Quốc hội đã thông qua Luật DN và Luật Đầu tư mới đã tạo một bước tiến mới nhằm tiến tới xoá bỏ phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, các loại hình DN. Đây được coi là bước quyết định mới về nhận thức phát triển kinh tế tư nhân. Từ quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tư nhân, các Luật, Nghị định, Quyết định… liên quan mật thiết tới DNNVV đã được ban hành, các chính sách cụ thể đối với các lĩnh vực để khuyến khích các DNNVV phát triển cũng đã ra đời.
* Chính sách đất đai:
Để khuyến khích các DNNVV phát triển, pháp luật và chính sách đất đai của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN có thể thuê đất một cách lâu dài và ổn định cũng như sử dụng quyền thuê đất như một thứ quyền tài sản để thế chấp vay vốn. Nội dung cơ bản:
- Đất đai thuộc sở hữu toàn dân: Các DN không có quyền sở hữu đất đai, mà chỉ có quyền thuê đất để sử dụng ổn định lâu dài và mục đích kinh doanh.
- Nhà nước không thừa nhận các yêu cầu đòi lại đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. Quy định này có ý nghĩa hết
sức quan trọng, đảm bảo tính ổn định trong quan hệ sử dụng đất đai, bảo vệ quyền lợi của các DNNVV thuê đất của nhà nước một cách hợp pháp.
- Tăng cường vị trí pháp lý cho các tổ chức thuê đất kinh doanh, tạo rất nhiều thuận lợi cho các DNNVV trong việc sử dụng đất để phát triển SXKD.
- Đơn giản hoá các yêu cầu khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vừa và nhỏ thuê đất của Nhà nước hoặc thuê lại quyền sử dụng đất trong các KCN tập trung.
* Chính sách tín dụng:
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về khuyến khích xuất khẩu, góp phần hỗ trợ về vốn cho những DN SXKD những mặt hàng xuất khẩu, Chính phủ đã cho vay với lãi suất thấp hơn 0,2%/ tháng so với mức lãi suất cho vay xuất khẩu mà ngân hàng thương mại áp dụng. Chính sách này cũng đã tạo điều kiện đầu tư ứng trước cho các DNNVV để đầu tư phát triển sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ vốn đối với các DNNVV như thành lập một số tổ chức như Quỹ hỗ trợ đầu tư quốc gia, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ đầu tư phát triển địa phương, Quỹ cho vay theo các chương trình hỗ trợ phát triển.
Các chính sách tín dụng trên đã có nhiều đổi mới rất cơ bản góp phần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các DNNVV trong hoạt động SXKD, trong việc tiếp cận các nguồn vốn, tạo cho các DN vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả kinh tế của việc sử dụng vốn.
* Chính sách thuế:
Pháp luật và chính sách thuế đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường và tham gia hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế khu vực và thế giới. Chính sách thuế và hệ thống thuế đã được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần cho phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế, và đặc biệt là Luật quản lý thuế (có hiệu lực từ ngày 01.7.2009) cơ bản được hoàn thiện ngày càng phù hợp hơn đối với yêu cầu của một nền kinh tế và cải cách DN theo xu hướng có lợi và bình đẳng cho các loại hình DN, đó là số lượng các thuế suất ngày càng giảm.
Các sắc thuế hiện hành có liên quan đến các DNNVV gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế nhà đất, thuế chuyển dịch quyền sử dụng đất, thuế
tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môn bài, thuế thu thập đối với người có thu nhập cao. Các quy định về thuế suất, quy định miễn, giảm thuế đã có sự điều chỉnh, theo hướng tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đến nay, hầu hết các chính sách thuế đã được xây dựng trên cơ sở không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, bảo đảm bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế. Chính sách ưu đãi thuế được áp dụng chung cho các thành phần kinh tế. Bất kỳ DN nào nếu có đủ điều kiện ưu đãi đều được hưởng các ưu đãi về các khoản thu về đất theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước chẳng hạn, về tiền sử dụng đất, các DN thuế mọi thành phần kinh tế đều được hưởng các ưu đãi về các khoản thu về đất theo quy định của Luật khuyến khích đầu tư trong nước.
* Chính sách đầu tư:
Chính sách đầu tư của nhà nước tác động đến hoạt động kinh tế của DNNVV trên 3 phương diện chủ yếu: đầu tư phát triển kinh doanh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đầu tư hỗ trợ phát triển các DNNVV, hỗ trợ phát triển các ngành nghề ở nông thôn, thông qua sử dụng các công cụ tài chính - tín dụng...
Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Sự hỗ trợ và khuyến khích đầu tư trong nước được đề cập đến nhiều phương diện có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế của các DNNVV như: hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, lập quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ quốc gia với việc hỗ trợ nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp làng nghề đã tác động mạnh đến sự phát triển của các DNNVV:
- Một là, việc nâng cao quy mô hoạt động và địa vị pháp lý của các DNNVV ở dạng hình thức tổ chức DN sẽ tạo điều kiện quản lý Nhà nước tốt hơn, vừa tạo khả năng mở rộng đầu tư, tối ưu hoá sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực.
- Hai là, việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, KCN vừa và nhỏ đã tăng cường sự liên kết kinh tế dưới hình thức đa dạng giữa các DN trong cùng một khu vực địa lý với nhau. Từ đó tạo điều kiện đẩy mạnh chuyên môn hóa và tối ưu hóa SXKD ở qui mô từng làng và từng vùng theo hướng CNH
- HĐH, tăng cường liên kết trong hoạt động tiếp cận thị trường, trong tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận các hỗ trợ của Nhà nước về thông tin thị trường và đào tạo nguồn nhân lực thuận lợi hơn.
- Ba là, xây dựng mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn và điện lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, tăng cường tiêu thụ sản phẩm của các DN.
- Bốn là, tạo môi trường đầu tư cho các DNNVV trên các mặt: Tiếp cận các nguồn lực được thuận lợi hơn; giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn tín dụng; hỗ trợ đầu tư về cho thuê mặt bằng trong các KCN, lập và khuyến khích các quỹ hỗ trợ đầu tư để cho vay trung hạn và dài hạn: mở rộng diện khuyến khích, ưu đãi đầu tư và tăng mức độ khuyến khích ưu đãi cho đầu tư theo chiều rộng và theo chiều sâu để sản xuất.
* Chính sách khoa học công nghệ:
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới chính sách khoa học công nghệ với các nội dung: Xác định phương thức nhập công nghệ hợp lý thông qua đầu tư của nước ngoài, mua bằng phát minh, sáng chế;
khuyến khích đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, các ưu đãi về công nghệ mới, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai; khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đào tạo kỹ năng và xây dựng kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, tạo môi trường thị trường và thông tin khoa học công nghệ thuận lợi cho các DNNVV hoạt động. Nhà nước đã tạo lập môi trường pháp lý tạo điều kiện DN yên tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thành lập và khuyến khích thành lập các tổ chức hỗ trợ công nghệ như: các trung tâm hỗ trợ công nghệ, các trường dạy nghề, góp phần đào tạo tay nghề, nâng cao kiến thức và hiểu biết về công nghệ cho người lao động... Đồng thời, Nhà nước đã và đang triển khai nghiên cứu các chương trình khoa học - công nghệ.
* Chính sách đào tạo nguồn nhân lực:
Chất lượng nguồn nhân lực ở các DNNVV là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh của DN. Trên thực tế, phần nhiều các DN vừa và nhỏ và thợ thủ công còn thiếu kiến thức nghề nghiệp, thiếu tính sáng tạo mẫu mã, thiếu kiến thức về kinh doanh. Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, chính sách lao động đã có bước chuyển cơ bản.
Việc ban hành Luật lao động với những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ
của người lao động cũng như các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động đã tạo động lực to lớn cho người lao động và người sử dụng lao động, giúp nâng cao năng suất lao động, tạo hiệu quả cao và thúc đẩy DN mở rộng SXKD. Pháp luật về giáo dục, đào tạo nghề cũng được chú trọng từ những quy định về hệ thống các trường, nội dung, chương trình…Nhờ đó, nhiều cơ sở đào tạo đã được hình thành và phát triển, số lượng và chất lượng đào tạo được nâng cao, góp phần đảm bảo nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cho các DN (Mẫn Bá Đạt, 2008).