4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành sắt thép trên địa bàn thị xã Từ Sơn
4.2.6. Chính sách và cơ chế quản lý
Mặc dù trong thời gian qua, các DN hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng tính không ổn định của cơ chế, chính sách, các quy định thường thay đổi và không được báo trước đã tạo tâm lý thiếu yên tâm đầu tư trong các DNNVV, từ đó làm giảm tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh cũng như tính cạnh tranh các DNNVV. Một số khó khăn về cơ chế chính sách như sau:
- Luật DN yêu cầu chủ DN phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Điều này đã gây khó khăn với DN kinh doanh nhiều ngành nghề thì chủ DN không thể đáp ứng được.
- Chính sách đầu tư còn bất cập, trở ngại, các dự án đầu tư bị can thiệp quá sâu vào quy trình quản trị DN, hạn chế quyền tự chủ của DN. Các văn bản hướng dẫn có tính ràng buộc hơn với nhà đầu tư, vẫn duy trì cơ chế tiền kiểm, nguyên nhân làm gia tăng chi phí cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý trong lĩnh vực này.
- Luật Đất đai 2003 và các Nghị định hướng dẫn còn nhiều tồn tại. Giấy CNQSD đất vẫn cho phép người chủ sử dụng đất được chậm thi hành nghĩa vụ thuế với nhà nước nhưng khi công chứng các giấy tờ này để thế chấp vay ngân hàng thì các phòng công chứng yêu cầu phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
- DN có nhu cầu vay vốn ngân hàng và muốn sử dụng tài sản bảo đảm là những căn hộ trong Dự án xây dựng chung cư hoặc các DN đã trúng thầu quyền sử dụng đất khi tham gia đấu thầu đồng thời muốn sử dụng chính mảnh đất đó làm tài sản đảm bảo để vay vốn. Tuy nhiên, ngân hàng gây khó khăn trong việc ký hợp đồng thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các trường hợp này do chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất.
Do công tác quy hoạch sử dụng đất thay đổi liên tục, sự bảo hộ của pháp luật còn chưa đầy đủ, rõ ràng nên nhiều DNNVV thuê lại của tư nhân hoặc các hình thức không hợp pháp khác. Mặt khác, nhiều thông tin không rõ ràng, không đầy đủ về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thị xã Từ Sơn gây khó khăn cho nhiều DN trong việc tìm kiếm mặt bằng sản xuất, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh và đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường đất đai thiếu và chưa minh bạch... Việc đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất còn nhiều hạn chế và không công bằng cũng là nguyên
nhân khiến DN muốn có đất để mở rộng SXKD phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng.
- Các DNNVV ít được tiếp cận đến nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nhằm tăng vốn hoạt động và đổi mới công nghệ. Các DN phần lớn chưa đủ sức lập phương án SXKD một cách khoa học, không có chiến lược kinh doanh phù hợp để thuyết phục các ngân hàng cho vay. Nhiều DN có nhu cầu vay vốn để phát triển SXKD nhưng phần lớn không đủ tài sản thế chấp có thể vay được số tiền đáp ứng theo phương án SXKD. Hơn nữa, các ngân hàng thường đánh giá tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị thực, mặt khác họ chỉ cho vay 60 - 70% giá trị tài sản đảm bảo. Sổ đỏ thuê đất 20, 50 năm không được ngân hàng cho là tài sản đảm bảo. Thủ tục vay vốn còn phiền hà, mất nhiều thời gian, chi phí vay vốn cao, lãi suất cao đã cản trở các DNNVV vay vốn. Do vậy mà các DNNVV bỏ lỡ cơ hội để mở rộng sản xuất.
- Các DNNVV còn nhiều vướng mắc trong việc tiếp cận với các ưu đãi về tính thuế và nộp thuế. Hệ thống thuế còn chắp vá, chưa đồng bộ và phức tạp.
Nhiều chính sách về thuế còn nhiều vướng mắc, khuôn khổ pháp lý và chính sách chưa được thực sự đến với DN.
Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Từ Sơn lần thứ XVII đã nêu phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2016 - 2021 với mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển CN, TTCN vừa và nhỏ, tích cực phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Thực hiện tiết kiệm, tăng nhanh tích luỹ vốn nhằm đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng KT - XH. Chú ý khai thác và phát triển các tiềm năng thương mại - du lịch và dịch vụ. Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong thị xã. Đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước”. Cụ thể:
- Đẩy nhanh tiến trình CNH - HĐH, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiếp tục khuyến khích phát triển TTCN. Chuyển dần nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá. Mở rộng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.
- Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH ở trình độ cao trong giai đoạn tiếp theo.
- Chăm lo nguồn lực con người, nâng cao đời sống nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Duy trì phát triển dân số, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển KT - XH.
- Nâng cao tiềm lực quốc phòng, đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Từ khi tái lập huyện, thị xã Từ Sơn đã tập trung nguồn lực, quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề, đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn và thế mạnh của thị xã. Chỉ trong vài năm đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH của tỉnh. Với sự phát triển nhanh, mạnh ngành CN - TTCN của Từ Sơn góp phần thay đổi diện mạo công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh và đưa Từ Sơn trở thành thị xã trọng điểm của tỉnh.
Công tác quản lý về môi trường bước đầu được chú trọng, việc tuyên truyền, kiểm tra thực hiện luật bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề thường xuyên hơn, các dự án bảo vệ môi trường được xây dựng và đã đi vào hoạt động: như dự án nhà máy xử lý nước thải tại Châu Khê, nhà máy xử lý rác thải tại Hương Mạc, hệ thống thoát nước trung tâm thị xã; Đề án bảo vệ môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp. Công tác vệ sinh môi trường đô thị được quan tâm. Từ những đường lối chính sách đó, UBND thị xã đã ban hành một số quyết định khuyến khích phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNVV nói chung, DNNVV ngành sắt thép nói riêng, cụ thể như sau:
a. Nhóm các chính sách khuyến khích đầu tư cho các DN Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho DNNVV:
- Ưu đãi về giá thuê đất với mức thấp nhất theo khung giá đất qui định, tiền thuê đất được miễn 10 năm đầu và giảm 50% cho những năm hoạt động còn lại của dự án, được miễn tiền thuê đất trong 8 năm đầu, giảm 40% cho những năm tiếp theo. Các DN có vốn đầu tư trong nước trên địa bàn thị xã tuỳ theo quy mô ngành nghề, số lượng lao động, trình độ khoa học công nghệ, địa điểm đầu tư được xem xét hỗ trợ từ 10% đến 30% giá trị đền bù thiệt hại về đất từ ngân sách thị xã. Các DN này nếu đầu tư vào các KCN được hỗ trợ vốn bằng 30%, đầu tư vào các địa bàn khác được hỗ trợ vốn bằng 20% số thuế giá trị gia tăng thực nộp ngân sách tỉnh trong 2 năm đầu, kể từ khi bắt đầu SXKD.
Các DN có nhu cầu đào tạo nghề cho lao động địa phương được ngân sách thị xã hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nghề trong nước cho người lao động địa phương được tuyển dụng, mức tối đa không quá 1 triệu đồng cho 1 lao động.
UBND thị xã tạo điều kiện cho các DN vay vốn từ các nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các ngân hàng thương mại trên cơ sở cấp bù lãi suất sau đầu tư, thẩm định hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án.
Các DN có nhu cầu tiếp cận, tìm kiếm, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài nước, được tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu thương mại, tham quan nước ngoài, tham dự các cuộc hội thảo quốc tế để giúp các DN nắm bắt thông tin, xúc tiến thương mại và đầu tư.
Thành lập Quỹ khuyến công:
- Các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mới, đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp được Quỹ khuyến công hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, gồm:
- Hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cho các dự án mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
- Hỗ trợ lãi suất tiền vay thu mua nguyên liệu của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong thị xã sử dụng nguyên liệu là nông sản, thực phẩm tại địa phương.
- Hỗ trợ một phần chi phí cho các cơ sở sản xuất công nghiệp đa sản phẩm đi dự hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế.
- Hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp thu hút thêm từ 100 lao động làm việc dài hạn trở lên so với năm liền kề.
- Hỗ trợ cho các chương trình dự án của các cơ sở sản xuất công nghiệp có tác động mạnh đến sản xuất toàn vùng.
- Thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công trong việc thu hút các dự án đầu tư phát triển có trình độ cao, nộp ngân sách nhiều.
- Cho vay không lấy lãi có hoàn trả cho các dự án đầu tư cần được khuyến khích của các cơ sở sản xuất công nghiệp khi Quỹ nhàn rỗi.
Thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu:
Quỹ hỗ trợ xuất khẩu hỗ trợ về lãi suất vay vốn ngân hàng thời gian tối đa không quá 6 tháng cho các cơ sở kinh doanh có hợp đồng mua hàng nông sản, thực phẩm của nông dân trong thị xã để xuất khẩu. Hỗ trợ một phần tài chính cho các cơ sở kinh doanh xuất khẩu hàng hoá theo chủ trương của thị xã do các cơ sở trong thị xã sản xuất ra mà bị lỗ vốn. Hỗ trợ vốn cho các cơ sở kinh doanh xuất khẩu có các dự án đầu tư chiều sâu, đầu tư mở rộng để sản xuất nâng cao chất
lượng hàng xuất khẩu của thị xã. Hỗ trợ và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới lần đầu tiên hàng xuất khẩu của thị xã có mặt ở thị trường đó. Hỗ trợ một phần chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. Thưởng cho các mặt hàng xuất khẩu của thị xã đạt chất lượng cao được tặng huy chương triển lãm hội trợ trong nước và quốc tế.
b. Nhóm các chính sách về đất đai
Về khung giá các loại đất: UBND thị xã Từ Sơn đã có nhiều quyết định về quy định khung giá mức bồi thường các loại đất trên địa bàn thị xã, trong đó mức giá quy định vừa đảm bảo phù hợp đặc điểm từng vùng, đồng thời đền bù đất thoả đáng cho người bị thu hồi đất nhưng cũng đảm bảo sức hút cho các nhà đầu tư.
Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý đất đai trên địa bàn đảm bảo hiệu quả minh bạch, UBND thị xã đã có những Chỉ thị, Quyết định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính.
Công tác quy hoạch: Ngay sau khi tái lập huyện, thị xã Từ Sơn đã có chủ trương quy hoạch các khu/cụm công nghiệp. Đến nay, trên địa bàn có 10 cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề, trong đó: 9 cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động và 1 cụm công nghiệp làng nghề đang tiến hành quy chủ và giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích 288,2ha. Trong tổng số 603 DN đã đăng ký thuê mặt bằng có 489 DN đã đầu tư xây dựng đi vào hoạt động SXKD, 114 DN chưa đầu tư xây dựng.
Đối với việc phát triển các KCN, cụm công nghiệp thị xã Từ Sơn đã có quy hoạch chi tiết và đang hoạt động, đã cung cấp một phần mặt bằng SXKD cho các DN. Các đơn vị SXKD dịch vụ trong các KCN nhỏ và vừa, cụm công nghiệp làng nghề có các quyền: Được thuê đất, được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, tổ chức SXKD, dịch vụ, xuất nhập khẩu trực tiếp, được hưởng các chế độ ưu đãi khuyến khích đầu tư của Nhà nước và của thị xã.
c. Nhóm các chính sách hỗ trợ tín dụng cho các DN vừa và nhỏ
Hệ thống ngân hàng mở rộng và phát triển, trên địa bàn hiện có 10 ngân hàng thương mại và 01 ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên hiện các ngân hàng này mới chỉ cung cấp tín dụng được cho 40% số DNNVV trên địa bàn, nếu theo nhu cầu vay vốn mới cung cấp được từ 50 - 60% nhu cầu vay vốn.
Vì vậy, để giúp các DNNVV có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, UBND thị xã đã có Quyết định về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV thị xã Từ Sơn. Đây là một tổ chức tài chính thực hiện chính sách giúp phát triển DNNVV thông qua việc bảo lãnh cho các DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng khi không đủ tài sản đảm bảo.
Quỹ hoạt động không với mục tiêu lợi nhuận, đảm bảo hoàn vốn và bù đắp chi phí, DN muốn được bảo lãnh phải theo các quy định và phải có tài sản thế chấp trị giá 30% số tiền vay. Quỹ sẽ bảo lãnh 80% phần chênh lệch giữa số tiền DN vay và tài sản thế chấp. Đối tượng được bảo lãnh: Các DNNVV, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các hộ gia đình cá thể theo quy định tại Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03.02.2000 về đăng ký kinh doanh, các chủ trang trại, các hộ nông dân thực hiện dự án trồng cây công nghiệp, chăn nuôi.
d. Nhóm các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
UBND thị xã khuyến khích các thôn, xã xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng trường học, trụ sở xã, nhà sinh hoạt thôn, chợ nông thôn để tăng cường cơ sở hạ tầng nông thôn, từ đó góp phần phát triển các DNNVV, nhất là các DN trong các làng nghề.
Hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn: Các tuyến đường trung tâm được nâng cấp như: tỉnh lộ 295B, đường 295 đi cầu Nét, nút giao giữa tỉnh lộ 277 đi quốc lộ 1A, đường Đền Đô - Đền Đầm, đường Cầu Tháp - Châu Khê… được đầu tư xây dựng từ ngân sách cấp thị xã
e. Nhóm các chính sách trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV
Để giúp các DNNVV nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, UBND thị xã đã thành lập Trung tâm dạy nghề góp phần đảm bảo nhu cầu về lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cho DN, đồng thời phối kết hợp các phòng, ban, trung tâm nhằm trợ giúp các DNNVV như: phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Lao động – Thương binh và xã hội, Trung tâm phát triển quỹ đất, phòng Tài nguyên – Môi trường, Ban quản lý các dự án xây dựng, Ban quản lý các KCN, phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị. Từ đó đã hỗ trợ cho các DNNVV về các ưu đãi đầu tư, về tư vấn đầu tư, các thông tin thị trường, về khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, nguồn vốn và các điều kiện khác để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Các chính sách của thị xã Từ Sơn đã tạo điều kiện cho các DNNVV được hỗ trợ và hưởng các ưu đãi để góp phần phát triển SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh.