Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm của địa phương trong nước
Với tiềm năng là huyện miền núi, có diện tích đất nông lâm nghiệp tương đối lớn, trong đó đất lâm nghiệp chiếm khoảng 52% diên tích đất tự nhiên; hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, hệ thống đường giao thông được bố trí tương đối hợp lý tạo điều kiện tốt cho huyện nhà có thể mở rộng giao lưu kinh tế hàng hóa với bên ngoài; hệ thống thủy lợi bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Về điều kiện tự nhiên, sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi tạo điều kiện cho Yên Thế có thể phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, toàn diện. Trình độ canh tác của người dân ngày một nâng lên; các tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương. Phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy, UBND huyện đã xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện cần tập trung vào 8 loại cây, con theo Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh (vải; lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao; rau chế biến, rau an toàn; lạc; cây lâm nghiệp; con lợn; con gà; thủy sản).
Ngoài ra, căn cứ lợi thế so sánh tại địa phương huyện còn xác định thêm 2 loại cây (chè, thuốc lá) và 1 con (trâu bò) vào Chương trình nâng cao chất lượng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2011-2015 của huyện.
Để thực hiện Chương trình, đến nay UBND huyện đã ban hành 5 đề án và 1 kế hoạch, gồm: Đề án phát triển vùng sản xuất chè nguyên liệu: Hỗ trợ trồng mới 400 ha, cải tạo 150 ha chè. Hỗ trợ hơn 10 triệu đồng/ha để trồng và chăm sóc đối với diện tích chè trồng mới, đồng thời nếu vay vốn ngân hàng sẽ được bù lãi suất năm đầu; hỗ trợ 5 triệu đồng/ha để cải tạo nương chè già cỗi. Đề án phát triển vùng sản xuất thuốc lá nguyên liệu: Hỗ trợ 50.000 đồng/sào để mua phân bón chuyên dụng cho cây thuốc lá. Đề án phát triển lạc giống: Xây dựng 8 mô hình (8 ha) tại các xã vùng quy hoạch (mỗi xã 1 ha/1 mô hình). Đề án hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các hộ chăn nuôi gia súc quy mô lớn: Hỗ trợ bù phần chênh
lệch lãi suất so với mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tính theo từng thời điểm. Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGap: Hỗ trợ cho 3 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 3 cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm tập trung, hỗ trợ 100 hộ có đủ điều kiện thực hiện chăn nuôi gà theo hướng VietGap.
Đối với cây lúa: Tổng diện tích lúa năm 2011 đạt 6.593 ha, năng suất bình quân đạt 52,96 tạ/ha; trong đó diện tích lúa lai đạt 1.062,51 ha. Năm 2012 diện tích lúa gieo cấy 6.500 ha, năng suất bình quân đạt 52,76 tạ/ha; trong đó diện tích lúa lai đạt 1.637,57 ha. Diện tích hàng hóa, lúa chất lượng năm 2012 là 855 ha, đạt 100% kế hoạch của huyện năm 2012, tăng 0,47% so với năm 2011, đạt 142,5% kế hoạch của Chương trình đến năm 2015.
Đối với cây chè: Trong 2 năm qua toàn huyện đã trồng mới được 53,9 ha, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2012 lên 422,4 ha, đạt 52,8% mục tiêu đến năm 2015. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã trong vùng quy hoạch phối hợp với Công ty TNHH Hiệp Thành tổ chức thực hiện dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh và cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Thế-Bắc Giang. Tăng cường tập huấn kỹ thuật thâm canh, cải tạo, trồng mới sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap và đi vào thâm canh giống chè hiện có đồng thời thay thế giống chè cũ bằng giống mới cho năng suất, chất lượng cao.
Đối với cây thuốc lá: Bằng các cơ chế hỗ trợ (50.000 đồng/sào theo đề án của huyện; hỗ trợ vốn từ phát triển sản xuất của các xã điểm Chương trình MTQG nông thôn mới; hỗ trợ giống, bán phân bón trả chậm của Công ty CP Ngân Sơn) đã đưa diện tích gieo trồng thuốc lá trong 2 năm trên địa bàn huyện là 145,8 ha, trong đó năm 2011 trồng được 79 ha đạt 79% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 21,9 tạ/ha; năm 2012 là 66,8 ha, đạt 37,1% kế hoạch, năng suất đạt 21,8 tạ/ha
Đối với rau chế biến, rau an toàn: Diện tích năm 2011 là 322,5 ha, năm 2012 là 428,6 ha, đạt 535,7% kế hoạch của Chương trình đến năm 2015; trong đó diện tích rau chế biến 28,6 ha, diện tích rau an toàn 400 ha.
Đối với cây lạc: Trong 2 năm 2011-2012, diện tích lạc toàn huyện là 2.481 ha. Trong đó, năm 2011 gieo trồng được 1.223 ha đạt 71,94% so với mục tiêu
Chương trình đề ra, năng suất bình quân đạt 22,4 ha; năm 2012 trồng được 1.258 ha, đạt 104,83% kế hoạch.
Đối với cây lâm nghiệp: Đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng rừng kinh tế bằng các giống bạch đàn và keo lai mô, hom có chất lượng cao, đồng thời kết hợp với việc thâm canh rừng. Trong 2 năm 2011-2012, huyện đã trồng được 2.188,2 ha rừng.
Với đàn gà: Tổng đàn gà của huyện năm 2011 là 4.643.000 con, năm 2012 là 4.300.000 con. Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo hướng VietGap, giai đoạn 2012-2015: Hỗ trợ cho 3 cơ sở sản xuất giống gia cầm tập trung, lựa chọn hỗ trợ 100 hộ có đủ điều kiện thực hiện chăn nuôi gà theo hướng VietGap (Hà An, 2013).
2.2.2.2. Huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Văn Chấn là huyện có khá nhiều điều kiện tương đồng đối với huyện Tân Uyên của tỉnh Lai Châu, với việc xác định rõ định hướng cũng như giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất theo hướng hàng hoá, cụ thể:
Phát triển sản xuất lúa hàng hóa tại các xã vùng cánh đồng Mường Lò.
Tập trung ở xã Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương, Sơn A, Hạnh Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ; vùng cao và thượng huyện quy hoạch và phát triển vùng chè; lúa chất lượng cao, đặc sản tại cánh đồng Tú Lệ; các xã vùng ngoài quy hoạch sản xuất chè, phát triển cây ăn quả có múi như cam quýt; trồng và chế biến gỗ rừng trồng.
Quy hoạch vùng sản xuất đã tạo cơ sở thuận lợi để tập trung các nguồn lực đầu tư về khoa học kỹ thuật, vốn, gắn sản xuất với chế biến, thuận lợi trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ quy hoạch phát triển vùng kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sự đầu tư khá toàn diện, Văn Chấn đã chuyển dịch thành công cơ cấu giống cây trồng, tạo vùng sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân; sản lượng lương thực năm 2009 đã đạt 62.660 tấn, tăng thêm trên 7.400 tấn so với năm 2007. Vùng sản xuất chè được đầu tư cải tạo, thay thế giống
mới, thâm canh tăng năng suất. Tổng diện tích chè đạt trên 4.450 ha, sản lượng chè búp tươi năm 2009 đạt 45.000 tấn, chiếm 1/2 sản lượng chè búp tươi của tỉnh. Nếu như trước đây, vùng cây ăn quả phát triển còn tự phát, thiếu quy hoạch thì trong những năm gần đây đã có sự quan tâm định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển khá toàn diện.
Từ kết quả đạt được, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện 5 năm tới là tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, xác định rõ ba vùng sản xuất chính. Các xã vùng ngoài, ưu tiên hỗ trợ trồng cải tạo và thay thế diện tích chè kém hiệu quả, xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP;
triển khai Đề án quy hoạch, phát triển vùng cam, quýt bằng đưa các giống cam, quýt chín muộn vào trồng, xây dựng các cơ sở nhân giống cây ăn quả.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện những năm qua đã bám sát quy hoạch, thể hiện rõ quy hoạch, tạo ra khối lượng nông sản tương đối lớn, vùng sản xuất có giá trị kinh tế cao...
Để nâng cao giá trị sản phẩm, Văn Chấn tập trung nghiên cứu, thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả tươi, chủ yếu là cam quýt. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm “Cam Văn Chấn”. Vùng cánh đồng Mường Lò, trọng tâm là phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao diện tích 900 ha. Định hướng của huyện là tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến lúa gạo chất lượng cao gắn với quảng bá sản phẩm “Gạo Mường Lò”; phát triển nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vùng cao và thượng huyện, tập trung thực hiện Dự án phát triển vùng lúa đặc sản 100 ha tại cánh đồng xã Tú Lệ; Dự án phát triển vùng chè Shan tuyết xã Suối Giàng gắn với bảo vệ, quảng bá thương hiệu “Chè Suối Giàng”. Huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến chè, chế biến lúa gạo đặc sản, nhằm giải quyết ổn định đầu ra nông sản cho nhân dân, tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh thu hút đầu tư và tiếp tục đầu tư toàn diện vào 3 vùng nguyên liệu, gắn công nghiệp chế biến với sản xuất, huyện Văn Chấn tập trung phát triển mạnh các thành phần kinh tế, củng cố và nâng cao chất lượng của các tổ hợp tác
và hợp tác xã tại các vùng nguyên liệu; quan tâm phát triển kinh tế tư nhân; phát triển các mối liên kết chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp, tổ chức khoa học, dịch vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (Hoàng Quốc Cường, 2009).
2.2.2.3. Huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, nằm trên trục quốc lộ 6; có tổng diện tích tự nhiên là 85.937 ha, trong đó: diện tích đất lâm nghiệp là 43.945 ha, diện tích cây ăn quả là 2.657 ha; diện tích cây lương thực trên đất dốc 17.934 ha; dân số có 75.668 người, gồm 5 dân tộc: Thái, Kinh, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú và một số ít đồng bào dân tộc khác cùng sinh sống.
Huyện có 14 xã và 1 thị trấn với 184 bản, 6 tiểu khu, có 4 xã vùng cao biên giới.
Trung tâm huyện cách thành phố Sơn La 62 km theo hướng Đông Nam, cách Hà Nội 240 km theo hướng Tây Bắc.
Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm có giá trị kinh tế, năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tập trung đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác; đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn về cây trồng, vật nuôi giống mới có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với đẩy mạnh áp dụng các tiến bộkhoa học - kỹ thuật mới vào quá trình sản xuất. Các mô hình thực hiện đạt mục tiêu đề ra và được nhân dân ứng dụng, mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả.
Về phát triển cây ăn quả, huyện Yên Châu có trên 24 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, do địa hình chia cắt nên chủ yếu là đất dốc và đã bị bạc mầu.
Với phương châm trước hết là cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả sang vườn cây ăn quả có thu nhập cao, đồng thời nhân rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế của huyện như: Xoài, chuối, nhãn, mận. Huyện đã tổ chức cho cán bộ, nhân dân đi thăm quan học hỏi những mô hình ở các địa phương khác để vận dụng tại địa phương mình. Từ mô hình nhãn ghép với quy mô 2 ha bằng nguồn vốn của Trung tâm khuyến nông tỉnh và ngân sách của huyện cấp năm 2011, một số hộ tại xã Tú Nang đã mạnh dạn đốn tỉa và ghép giống nhãn chín muộn giống gốc từ Hưng Yên; mô hình ghép xoài Đài Loan. Sau một năm cho sản phẩm, với năng
suất cao, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, giá bán cao.
Về lĩnh vực trồng trọt có nhiều khởi sắc: Mô hình thâm canh ngô lai được triển khai diện rộng, huyện đã phối hợp với Công ty ngô giống xây dựng các mô hình trình diễn ngô lai giống mới tại 14 xã. Đến nay, các mô hình được bà con đưa vào sản xuất đại trà, 100% sử dụng giống mới; các hộ nông dân áp dụng biện pháp thâm canh, đầu tư phân bón, đưa năng suất ngô từ 35 tạ/ha lên 55 tạ/ha, có hộ đạt 10 tạ/ha. Mô hình thâm canh lúa nước, mô hình trình diễn các giống lúa:
Hoa khôi 4 được thâm canh theo phương pháp SRI kết hợp với nuôi cá, PAC 807- Giống lúa nếp ĐT52, TBR225,… Các hộ gia đình đã đưa giống mới vào sản xuất, chủ động giống để gieo cấy. Mô hình trồng tỏi trên ruộng 1 vụ, 2 vụ được thử nghiệm đầu tiên với 1 ha tại Chiềng Đông. Qua thực tiễn cho thấy, mô hình rất phù hợp với điều kiện đầu tư, trình độ sản xuất của bà con nông dân, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của nông dân. Mô hình được mở rộng ở nhiều xã với diện tích hơn 100 ha, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Về mô hình khuyến công, khuyến lâm: Yên Châu đã xây dựng được các mô hình: Máy sấy nông sản, tưới ẩm tiết kiệm nước cho chè, máy làm đất đa năng, máy nâng xếp mía, trồng thâm canh cây gỗ lớn (giổi xanh),... Các mô hình khuyến công, khuyến lâm đã đáp ứng được các thông số kỹ thuật và phát huy tác dụng, được các hộ nông dân học tập và nhân rộng. Ngoài ra, huyện còn tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật đến tận người dân, nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp dưới nhiều hình thức xây dựng các mô hình trình diễn, các mô hình sản xuất tiên tiến để qua đó hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Phối hợp với các chương trình, các dự án triển khai đúng mục tiêu, có hiệu quả,... tăng cường kỹ năng tiếp cận thị trường cho nông dân. Bên cạnh đó, công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, công tác thâm canh, tăng vụ và đưa cơ giới hóa vào quá trình sản xuất được đẩy mạnh thực hiện.
Những kết quả trên đã góp phần nâng cao tổng sản lượng lương thực trên địa bàn huyện. Năm 2014, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt 87.270 tấn, tăng 34.360 tấn so với năm 2010, góp phần đưa giá trị của sản xuất nông nghiệp tăng dần qua các năm (năm 2014 đạt 9082 tỷ đồng, chiếm 38,4% cơ cấu kinh tế của huyện, tăng 48,1% so với năm 2010). Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo
theo chuẩn 2011-2015 qua các năm (giảm từ 42,6% năm 2010 xuống còn 28,34%
năm 2014).
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân, trong nhiệm kỳ XX (2015-2020), Đảng bộ huyện Yên Châu đã xác định nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn là: Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, chuyển từ hộ sản xuất cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp qua hợp tác xã, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Trồng rừng kinh tế, rừng sản xuất theo kế hoạch. Phát triển rừng sinh thái gắn với phát triển du lịch, tập trung theo hướng liền vùng, liền khoảnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng, công nghiệp sơ chế. Phát triển các mô hình rau sạch, an toàn, các sản phẩm hàng hóa có lợi thế ở địa phương. Tiếp tục triển khai các đề án xây dựng nông thôn mới, huy động các nguồn lực trong nhân dân, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.
(Lường Trung Hiếu, 2015).