2.3.1. Về kết quả nuôi cá trong ao đất và nuôi cá lồng
Tỉnh Bắc Ninh năm 2015 diện tích thủy sản 5.372 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 36.967 tấn, trong đó: Sản lượng nuôi trồng trồng thủy sản đạt 32.789 tấn, sản lượng khai thác đạt 1.480 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định năm 2010 đạt 1.160 tỷ đồng (Chi cục Thủy sản, 2015).
Nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được bắt đầu từ năm 2011, có 2 hộ thuộc xã Trung Kênh huyện Lương Tài nuôi 12 lồng nuôi và phát triển sau năm
2012, khi Chi cục Thủy sản cùng lãnh đạo Sở NN & PTNT và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh đi khảo sát học tập kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông từ tỉnh Hải Dương. Năm 2013 Chi cục Thuỷ sản đề xuất triển khai thực hiện thành công đề tài khoa học “Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm một số loài cá có giá trị kinh tế cao bằng lồng trên sông Đuống” với quy mô 06 lồng từ nguồn Ngân sách sự nghiệp khoa học của tỉnh. Khi đề tài kết thúc, đánh giá thành công và có triển vọng rất lớn phát triển, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Ban hành chính sách hỗ trợ vật tư làm lồng cho các hộ nuôi cá trên sông.
Đến năm 2015 số lượng lồng nuôi đã tăng lên 739 lồng, sản lượng đạt 1.650 tấn (tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2011-2015 về lồng nuôi 127,98%/năm, sản lượng đạt 114%/năm). Các đối tượng nuôi trong lồng trên sông bên cạnh các đối tượng cá nuôi truyền thống đã và đang mang lại hiệu quả như:
cá Điêu hồng, cá Chép Cyprinus carpio, cá Trắm cỏ Ctenopharyngodon idellus… một số loài cá bản địa mới được thuần hoá và cá nhập nội cũng được nuôi lồng có hiệu quả kinh tế như cá Chiên Bagarius rutilus (Ng & Kottelat, 2000), cá Lăng chấm Hemibagrus guttatus, cá Nheo Mỹ Ictalurus punctatus.
Trong số các đối tượng nuôi mới thì hiện nay cá Nheo Mỹ đang được nuôi phổ biến nhất.
Nghề nuôi cá lồng đã góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch sản xuất trong lĩnh vực sản xuất thuỷ sản, mở ra nghề nuôi mới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo nhu cầu thực phẩm của nhân dân; đồng thời làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân đặc biệt là các xã ven sông Đuống, sông Thái Bình.
2.3.2. Thuận lợi- khó khăn 2.3.2.1. Thuận lợi
* Về công tác quy hoạch
Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 167 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất có diện tích từ 10ha trở lên với tổng diện tích 3.288ha tập trung ở các huyện Lương Tài, Gia Bình, Quế Võ. Nuôi cá lồng trên sông có 22 điểm thuộc 15 xã của 6 huyện đang có nghề nuôi cá lồng phát triển.
Trong giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 02 đề án liên quan đến lĩnh vực thuỷ sản được triển khai thực hiện gồm: Đề án nuôi cá thâm canh có năng suất giá trị kinh tế cao giai đoạn 2011-2015; đề án phát triển sản
xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, trong đó đã được duyệt quy hoạch nuôi cá lồng tại 16 xã, thuộc 5 huyện, 380 lồng nuôi.
* Về chính sách
Ngoài chính sách quy định của Trung ương, UBND tỉnh Bắc Ninh luôn có chính sách quan tâm đầu tư hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Đối với các đề án ban hành hành được UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ người sản xuất về chính sách như: cá giống, vật tư, thiết bị nhằm phục vụ cho sản xuất về con giống, KHKT, thuốc, hoá chất…. Cụ thể:
Theo đề án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang được thực hiện UBND tỉnh có chính sách:
- Hỗ trợ lần đầu 15.000.000đồng/ha để mua máy quạt nước, máy bơm, hóa chất, chế phẩm sinh học để xử lý môi trường cho các hộ, các cơ sở nuôi cá thâm canh nằm trong vùng tập trung có quy mô từ 10 ha trở lên, theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt.
- Hỗ trợ 2.000.000đồng/ha/năm trong 2 năm đầu để mua cá giống cho các tổ chức cá nhân tiếp nhận kỹ thuật nuôi cá thâm canh được UBND tỉnh phê duyệt (đối tượng cá giống do Sở NN & PTNT xác định hàng năm).
- Hỗ trợ 15.000.000đồng/lồng kinh phí mua vật tư để lắp đặt lồng nuôi cá trên sông kích thước tối thiểu là 6m x 6m x 3m = 108m3.
Ngoài ra, hỗ trợ 100% kinh phí cho công tác tập huấn; 100% lãi xuất vốn vay ngân hàng, kinh phí chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng...
* Về thời tiết, khí hậu
Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa khá rõ rệt, có mùa đông lạnh, mùa hè nóng nực. Nhiệt độ trung bình năm là 24,00C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 29,40C (tháng 7), nhiệt độ trung bình thấp nhất là 17,40C (tháng 1). Sự chênh lệch nhiệt độ giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 12,00C.
Độ ẩm tương đối trung bình của Bắc Ninh khoảng 81%, độ chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng không lớn, độ ẩm tương đối trung bình thấp nhất từ 72%
đến 75% thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm.
- Lượng mưa:Lượng mưa trung bình hàng năm tại Bắc Ninh khoảng
1.500mm nhưng phân bổ không đều trong năm. Mùa mưa chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80%. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20%.
Khu vực có lượng mưa trung bình lớn nhất thuộc thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du, còn khu vực có lượng mưa trung bình nhỏ nhất thuộc huyện Quế Võ.
- Số giờ nắng- gió: Khoảng 12 năm trở lại đây, tổng số giờ nắng trung bình là 1.417 giờ, trong đó tháng có giờ nắng trung bình lớn nhất là tháng 7 với 168 giờ, tháng có giờ nắng trung bình ít nhất là tháng 1 với 64 giờ. Hàng năm có hai mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, tốc độ gió trung bình tháng 1 khoảng 2,6m/s; gió mùa Đông Nam thịnh hành từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm gây mưa rào, tốc độ trung bình vào tháng 7 khoảng 2,4m/s (Nguồn:http://bacninh.gov.vn).
2.3.2.2. Khó khăn
- Hệ thống cơ sở hạ tầng (hệ thống cấp, thoát nước, giao thông) tại các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung chưa đảm bảo. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện nội dung quy hoạch nuôi cá lồng trên sông chưa có cấo huyện, xã phải xây dựng do vậy các điểm nuôi cá lồng trên sông gặp phải vướng mắc do đang nằm trong vị trí ảnh hướng đến giao thông đường thuỷ, hành lang đê điều hoặc thuộc bến, bãi...
- Việc tổ chức thu gom, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được do vậy vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, sản lượng và giá cả của sản phẩm khi thu hoạch đặc biệt là vào cuối vụ nuôi các sản phẩm thuỷ sản luôn bị các tư thương ép gia, việc tiêu thụ gặp khó khăn.
- Công tác tổ chức sản xuất, liên kết giữa các hộ nuôi cá lồng vẫn manh mún tự phát, chưa hỗ trợ nhau về giống, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Các con giống thuỷ sản chất lượng cao như: cá Điêu hồng, Rô phi đơn tính, cá Nheo mỹ, cá Lăng chấm, cá Chép... hiện nay chưa được sản xuất hoăc sản xuất chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng để cung cấp cho người nuôi cá.
- Việc phát triển lồng nuôi cá quá nhanh, bản thân các hộ chưa trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật nuôi, thấy lãi là làm dẫn đến tiềm ẩn rủi ro thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái.
- Các hoạt động khai thác cát, lưu thông đường thuỷ, việc xả thải nước sinh hoạt, công nghiệp…vẫn diễn ra do có nhiều cấp, ngành cùng quản lý thuộc các lĩnh vực chuyên ngành vì vậy chưa có sự thống nhất chung (một đầu mối quản lý) nhằm tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được các quy định của pháp luật đối với từng lĩnh vực liên quan.