Đánh giá tổ chức quản lý và thể chế chính sách phát triển nghề nuôi cá lồng tại Bắc Ninh

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 54 - 57)

4.4.1. Hiện trạng về tổ chức quản lý

Phát triển nuôi cá lồng tăng nhanh, nhưng công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về điều kiện nuôi trồng thuỷ sản (QCVN 02-22:

2015/BNNPTNT) đối với Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt - Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên địa bàn Bắc Ninh ngoài một số văn bản hướng dẫn quy định nuôi cá lồng trên sông được ngành Nông nghiệp và PTNT đưa ra liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực lên tính hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế. Một số vùng nuôi cá lồng đã được UBND tỉnh phê duyệt (đề án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020) nhưng các cấp huyện, xã chưa xây dựng quy hoạch chi tiết cho nuôi cá lồng, do vậy việc quản lý phát triển lồng nuôi, môi trường, dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại thiếu bền vững.

Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước hiện nay được phân cấp và thực hiện từ cấp tỉnh, huyện đến các xã, thôn. Ở cấp tỉnh có Chi cục Thuỷ sản thuộc Sở NN&PTNT thực hiện quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn về lĩnh vực thuỷ sản, nhưng ở cấp huyện hiện nay tại các phòng Nông nghiệp (phòng Kinh tế) không có cán bộ chuyên môn về thuỷ sản phụ trách mà hoạt động kiêm nghiệm; một số đơn vị như Trung tâm Khuyến nông, trạm khuyến nông huyên…có tham gia nhưng nhiệm vụ chính là tập huấn kỹ thuật. Do vậy, hiệu quả và hiệu lực của tổ chức bộ máy quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

4.4.2. Chính sách phát triển nuôi cá lồng trên sông

Trong khoảng 15 năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã có những quan tâm đặc biệt đến sự phát triển ngành thủy sản, nhất là đối với nuôi trồng thủy sản.

Trong chiến lược phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Để góp phần thúc đẩy phát triển nuôi thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thônn. Theo đó, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuân lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nuớc và nước ngoài, đầu tư vào lĩnh vực thuỷ sản, tạo cơ hội thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng ngày càng phát triển.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, ngoài quy định của Trung ương để hỗ trợ cho sản xuất thuỷ sản, UBND tỉnh đã ban hành quyết định hỗ trợ vật tư làm lồng cho các hộ nuôi cá lồng trên sông với mức hỗ trợ là 15triệu đồng/lồng có kích thước tối thiểu 6x6x3m (108m3). Do vậy, đã góp phần khuyến khích các hộ đầu tư, phát triển cá lồng trên sông.

4.4.3. Đánh giá những tác động của nghề nuôi cá lồng trên sông 4.4.3.1. Tác động tích cực

Sự phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông ở Bắc Ninh đang trở thành nghề sản xuất chính và dần chuyển sang sản xuất hàng hoá; góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, mức sống của cộng đồng dân cư vùng ven sông Đuống, sông Thái Bình. Trên cơ sở đóng góp vào phát triển kinh tế đã góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất thuỷ sản của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho người dân ven các xã nằm ven tuyến sông Đuống, sông Thái Bình.

Việc phát triển nghề nuôi cá lồng tại Bắc Ninh hiện nay đã tạo ra nguồn thực phẩm có chất lượng cao và ổn đinh từ 3.000-4.000 tấn cá thương phẩm/năm.

Đã góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm sức ép khai thác đối với một số đối tượng thuỷ sản trên sông như: cá Ngạnh sông, cá Chày mắt đỏ, cá Chép, cá Vền…

Song song với việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông thì các tiến bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông cũng từng bước được các cấp, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà quản lý và người dân tiếp cận với vốn vay, thị trường, khoa học công nghệ nhằm phục vụ cho nghề nuôi cá lồng.

Ngoài ra, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác trong các lĩnh vực chế biến, sản xuất thức ăn, sản xuất kinh doanh giống thủy sản, thuốc, hoá chất phòng trị bệnh.

4.4.3.2. Tác động tiêu cực

Bên cạnh những kết quả mang lại nêu trên của nghề nuôi cá lồng, thì việc nuôi cá lồng hiện nay cũng còn không ít hạn chế và gây ra một số động tiêu cực đối với môi trường và sự phát triển của các ngành kinh tế khác như:

- Do phát triển quá nhanh, chưa theo quy hoạch, các hộ nuôi cá thực hiện nuôi còn mang tính tự phát và thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật; cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển nghề nuôi cá lồng còn nhiều hạn chế (đường giao thông, đường điện) vì vậy đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ nuôi và gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, quản lý bệnh dịch, hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại vẫn còn thấp và chưa ổn định, thiếu bền vững.

- Tác động làm ô nhiễm môi trường: Hàng ngày các rác thải, chất thải từ sinh hoạt của các hộ dân mặc dù đã được thu gom xử lý nhưng người nuôi sử dụng thức ăn xanh, cá tạp, hoá chất xử lý môi trường, thuốc phòng trị bệnh cho các thả nuôi đã làm cho các chất thải hoà tan và lắng đọng trong nước, lòng sông về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường.

- Tác động đến hoạt động giao thông đường thủy: Neo đậu lồng tại một số điểm làm thu hẹp hành lang an toàn giao thông, ảnh hưởng đến các tuyến giao thông thuỷ do vậy rất dễ gây rủi ro mất an toàn khi nuôi cá lồng trên sông (khu vực sông Cầu, sông Thái Bình).

4.4.4. Đánh giá những mặt thuận lợi và kho khăn đối với việc phát triển nuôi cá lồng tại tỉnh Bắc Ninh

4.4.4.1. Những mặt thuận lợi

Vùng nuôi cá lồng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi nên dễ dàng giao lưu các tỉnh trong nước và quốc tế;

có điều kiện thuận lợi trong việc liên kết trao đổi đổi hàng hóa, tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong khu vực và trên thế giới.

Chất lượng nguồn nhân lực: Bắc Ninh nằm trong tam giác phát triển kinh tế Hà Nội-Hải Phòng - Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh có Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1, trường Cao đẳng thuỷ sản…nên có điều kiện đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu KHKT mới, thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực thuỷ sản có trình độ cao để phục vụ cho sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản.

Trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình, sông Cầu chảy qua với điều kiện thuận lợi về lưu tốc dòng chảy, độ sâu, yếu tố thuỷ lý và thuỷ hoá thuận lợi nên có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi cá lồng (tiềm năng phát triển nuôi cá lồng khoảng 2.000-2.500lồng).

Sự phát triển của khoa học công nghệ và sự thành công trong nghiên cứu sản xuất giống và ương nuôi thương phẩm một số đối tượng cá nuôi ở Việt Nam, trong tỉnh Bắc Ninh trong thời gian qua, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển thuỷ sản sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản trên sông trong thời gian tới.

Có thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi: Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thủy sản trong nước và trên thế giới tiếp tục gia tăng, ngoài sự gia tăng về dân số, nhu cầu thực phẩm thủy sản/đầu người của thế giới cũng ngày càng gia tăng. Bắc Ninh nằm ở vị trí thuận lợi, có đủ điều kiện và thời cơ tiêu thụ các sản

phẩm thủy sản đi tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là có khả năng cung cấp các mặt hàng tươi sống cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Mặt khác với lợi thế có tuyến giao thông thuận lợi để tiêu thụ tại các thị trường tiêu thụ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Như vậy, thị trường trong nước và thế giới còn rộng mở và là điều kiện thuận lợi góp phần phát triển nuôi cá lồng trong thời gian tới.

4.4.4.2. Những khó khăn đối với việc nuôi cá lồng

Thời tiết khí hậu không thuận lợi: hàng năm vào mùa mưa từ tháng 6-10 hằng năm, nước từ thượng nguồn đổ về và chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh, mùa đông kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Những đặc điểm về thời tiết, khí hậu đã gây bất lợi cho việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên sông.

Môi trường nước tại các sông ngày càng có nguy cơ và bị ô nhiễm do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế xã hội mang lại, đặc biệt là nước thải công nghiệp có thể gây ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến quá trình phát triển của nghề nuôi cá lồng.

Dự báo về biến đổi khí hậu sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường như: Nắng nóng, lũ lụt, lũ quét... không theo quy luật nên rất khó dự báo trước những thiệt hại về người, tài sản và nuôi cá lồng trên sông.

Việc phát triển nuôi cá lồng trên sông cần công nghệ cao và vốn đầu tư lớn, trong khi đó điều kiện về cơ sở hạ tầng vùng nuôi còn thiếu thốn, công nghệ sản xuất giống, thức ăn phục vụ cho nuôi lồng còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nuôi cá lồng hiện nay.

Lao động tham gia nuôi cá lồng trên sông có hiểu biết về khoa học kỹ thuật, nhưng lại thiếu kiến thức chuyên sâu về nuôi cá lồng, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và tổ chức sản xuất.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh bắc ninh (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)