Phần 4. Kết quả nghiên cứu
4.4. Định hướng và giải pháp tăng cường sử dụng công trình khí sinh học ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Phong
4.4.1. Một số căn cứ để đưa ra định hướng và giải pháp
Căn cứ vào định hướng phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam:
Xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững theo hướng nền nông nghiệp sinh thái, thực hiện đa canh, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghệ chế biến, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và xuất khẩu đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao nhanh đời sống nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Căn cứ vào thực trạng phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện cùng với việc phân tích, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của việc phát triển ngành chăn nuôi của huyện trong thời gian qua để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm nhằm sử dụng và khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của mỗi vùng trong huyện.
Căn cứ vào thực trạng xây dựng và phát triển công trình khí sinh học của huyện và các ngành sản xuất phụ trợ có liên quan.
Căn cứ vào xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp cũng như toàn nền kinh tế để đảm bảo phát triển ngành nông nghiệp, tăng năng suất và sản lượng nhưng vẫn giữ được môi trường trong sạch, đặc biệt là môi trường chăn nuôi, đảm bảo được nguồn tài nguyên cho tương lai thì xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay là phát triển theo hướng cân đối tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Phát triển ngành chăn nuôi là phù hợp với xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp cũng như của toàn nền kinh tế do vậy khi chăn nuôi phát triển mạnh thì nhất thiết vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi phải được quan tâm và nhất thiết phải phát triển công nghệ khí sinh học thì mới đảm bảo được vệ sinh môi trường, đồng thời tiết kiệm được nguồn tài nguyên cho đất nước.
4.4.2. Một số định hướng phát triển công trình khí sinh học Định hướng chung:
Phát huy thế mạnh, sử dụng và khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của huyện để mở rộng và đi đến xã hội hóa mô hình khí sinh học tới từng địa phương và các hộ chăn nuôi trong địa bàn của huyện, đặc biệt chú trọng đến phát triển công trình khí sinh học ở các xã có chăn nuôi tập trung nhiều và các xã có tình trạng và nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tập trung mọi khả năng về nguồn lực sản xuất, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi, đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính cân đối với ngành trồng trọt, hướng tới phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Định hướng cụ thể:
Khai thác triệt để tiềm năng của huyện để mở rộng mô hình khí sinh học trong các hộ chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2020, hầu hết các hộ có mức độ chăn nuôi tập trung sẽ xây dựng công trình khí sinh học.
Phát triển khí sinh học theo hướng thị trường và hướng tới hình thành một ngành hàng khí sinh học trong tương lai với các dịch vụ xây dựng, lắp đặt và bảo dưỡng công trình khí sinh học có chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi.
Phát triển mạnh ngành chăn nuôi thông qua tăng tổng số đàn trâu bò, mở rộng mô hình nuôi bò thịt, phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng quy mô và năng suất đan gia cầm theo hướng an toàn sinh học, đầu tư và khai thác tốt diện tích nước mặt để nuôi trồng thủy sản.
Phát triển ngành trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, tăng năng suất và sản lượng của ngành trồng trọt thông qua thay thế một phần phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ từ phụ phẩm khí sinh học góp phần giảm thiểu sâu bệnh và sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Qua đó sẽ nâng cao giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác bằng các công thức luân canh có hiệu quả.
4.4.3. Một số giải pháp tăng cường sử dụng công trình khí sinh học Giải pháp chung:
Động lực lớn nhất để thúc đẩy hộ chăn nuôi áp dụng công nghệ khí sinh học là vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiếp theo đó là giải quyết vấn đề chất đốt. Công trình khí sinh học thực sự thân thiện với nhà nông, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sử dụng mô hình khí sinh học nào thực sự phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Công trình khí sinh học đem lại lợi ích trực tiếp cho hộ chăn nuôi, đồng thời nó cũng đem lại lợi ích cho cả cộng đồng đó là môi trường trong sạch hơn, đó là sự bảo tồn nguồn tài nguyên. Vì vậy, để sử dụng công trình khí sinh học rộng rãi vào trong hoạt động sản xuất chăn nuôi thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư của toàn thể cộng đồng, có sự chỉ đạo của các tổ chức, cơ quan trong tỉnh và huyện về chương trình khí sinh học. Đồng thời, cũng cần phải tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, dự án quốc tế, sự hỗ trợ từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương cho phát triển và ứng dụng công nghệ khí sinh học.
Giải pháp cụ thể:
Giải pháp về nguồn vốn: Vốn đầu tư ban đầu xây dựng và lắp đặt công trình khí sinh học là lớn so với thu nhập của phần đông hộ chăn nuôi, mặc dù họ chăn nuôi nhiều xong vẫn chưa có đủ kinh phí để xây dựng công trình. Do vậy cần tận dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh từ nay đến năm 2020, đồng thời dành một phần kinh phí để hỗ trợ một phần động viên, khuyến khích hộ chăn nuôi xây dựng công trình KSH hoặc thành lập các quy vay vòng không lấy lãi đối với các hộ chăn nuôi vay vốn để xây dựng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
- Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình KSH nói chung và hệ thống khí KSH chạy máy phát điện nói riêng ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh chủ yếu từ nguồn kinh phí ứng dụng, thử nghiệm từ các chương trình, dự án.
- Kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình KSH từ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; Đầu tư từ các nguồn lực trong nước về xây dựng hệ thống công trình KSH chạy máy phát điện.
- Ban hành các chính sách tín dụng ưu tiên cho các trang trại đầu tư xây dựng hệ thống công trình khí sinh học để chạy máy phát điện.
- Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ trang trại chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống công trình khí sinh học chạy máy phát điện.
Đối với chủ trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi:
- Thường xuyên cập nhật các thông tin, chính sách, văn bản liên quan đến sử dụng năng lượng nói chung và sử dụng khí sinh học nói riêng của Nhà nước và địa phương cho gia đình mình.
- Tham gia các lớp tập huấn, hội thảo ... về ứng dụng công nghệ khí sinh học để chạy máy phát điện.
- Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống khí sinh học để chạy máy phát điện nhằm giảm chi phí năng lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Giải pháp về tuyên truyền: Tuyên truyền, phổ biến mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học đến từng hộ chăn nuôi. Đại đa số các hộ chăn nuôi ở huyện Yên Phong không còn xa lạ gì với công trình khí sinh học tuy nhiên việc đa dạng hóa các thiết bị sử dụng khí sinh học còn chưa được nhiều. Hộ gia đình vẫn chỉ mới dừng ở việc đun nấu, thắp sáng và sưởi ấm cho vật nuôi mà còn chưa khai thác được hết các lợi ích của khí sinh học khác như để chạy máy phát điện, sử dụng nồi cơm khí sinh học, ấp trứng gia cầm, bảo quản nông sản và bình nước nóng. Vẫn còn có hộ gia đình không sử dụng hết khí gas nên thải ra môi trường gây ô nhiễm ngược và xả nước xả chưa qua xử lý ra môi trường cống, rãnh hay ao, hồ công cộng... đây là điều lãng phí lớn và cần phải loại bỏ. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương tại tỉnh, huyện phải có kế hoạch, chương trình bổ biến mô hình sử dụng khí sinh học và ứng dụng phụ phẩm hiệu quả tới từng hộ chăn nuôi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như sách, báo, đài địa phương, các cuộc hội thảo, tham quan và tập huấn... Đối với truyền thông trực tiếp, các tổ chức, cơ quan trong tỉnh, huyện như Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông, Hội Phụ nữ, Đoàn Thành niên... cần có sự phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện thúc đẩy phong trào phát triển khí sinh học thông qua các buổi nói chuyện, tọa đàm trực tiếp với người chăn nuôi hay qua tham quan mô hình ứng dụng công nghệ khí sinh học hiệu quả. Khi đó người chăn nuôi sẽ thấy và nhận thức rõ được các hiệu quả và lợi ích của công nghệ khí sinh học đem lại và họ sẽ tin tưởng làm theo và áp dụng trên chính chuồng nhà mình.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ khí sinh học vào sản xuất bằng các giải pháp tuyên truyền, hội thảo, tập huấn ... cụ thể như:
- Đẩy nhanh, mạnh các công tác tuyên truyền về lợi ích của công trình khí sinh học nói chung và lợi ích sử dụng khí sinh học chạy máy phát điện nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, đài phát thanh và truyền hình ... để người dân nắm bắt và ứng dụng vào thực tế.
- Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về khí sinh học nhằm giới thiệu đến người dân về các ứng dụng của công nghệ khí sinh học như: Dùng làm chất đốt, chạy động cơ đốt trong ...
- Tổ chức tư vấn giới thiệu về công nghệ xây dựng hầm khí sinh học nói chung và công nghệ khí sinh học chạy máy phát điện nói riêng để người dân biết và ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi.
- Vận động các trang trại chăn nuôi bố trí kinh phí xây dựng hệ thống công trình khí chạy máy phát điện.
Giải pháp về kỹ thuật: Phổ biến và chuyển giao kỹ thuật cho hộ chăn nuôi bằng cách đào tạo, tập huấn nhất là các lớp tập huấn đầu bờ, đầu chuồng, tập huấn tại hiện trường về ứng dụng công nghệ khí sinh học trong hoạt động sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tổ chức chuyển giao và nhân rộng các mô hình ứng dụng phụ phẩm khí sinh học vào trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, chú trọng vào các loại cây hoa màu tại địa phương như khoai tây, xu hào, bắp cải... nhằm khai thác tối đa lợi ích từ công trình khí sinh học. Bồi dưỡng tay nghề kỹ thuật cho các đội thợ xây trong địa bàn huyện nhằm tiến tới hình thành các tổ chức dịch vụ, doanh nghiệp xã hội; các tổ chức này cần được hỗ trợ ban đầu khi mới thành lập sau đó phát triển các kỹ năng bán hàng hiệu quả để tìm kiếm thị trường và từng bước phát triển thành các doanh nghiệp khí sinh học trong tương lai. Họ chính là những đội ngũ sẽ hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách thức vận hành, sử dụng và bảo dưỡng hiệu quả công trình khí sinh học.
Trên đây là một số giải pháp chủ yếu để tăng cường ứng dụng công nghệ khí sinh học vào trong hoạt động sản xuất chăn nuôi ở huyện Yên Phong. Các giải pháp này cần được thực hiện đồng bộ vì chúng có mối liên hệ chặt chẽ tương
trợ lẫn nhau. Nếu các giải pháp này được thực hiện thì việc ứng dụng và khai thác triệt để các lợi ích của công nghệ khí sinh học ở huyện Yên Phong nhất định
sẽ thành công và đạt kết quả tốt. .