2.2 Tình hình nghiên cứu trong nước và nước ngoài
2.2.1 Tình hình nghiên cứu trong nước
Xuất phát từ yêu cầu tiêu dùng và để từng bước xây dựng đàn bò thịt ở Việt Nam, từ những năm 1960, Nhà nước đã có chương trình cải tiến để nâng cao năng suất của đàn bò địa phương bằng cách cho lai với các giống bò Zebu như bò Red Sindhi. Thực tế bò Red Sindhi đã được nhập và nước ta từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước và đã tạp giao với bò địa phương tạo ra bò lai Sind có khả năng cho thịt tốt hơn bò địa phương rất nhiều. Vào những năm 70 ngoài các giống bò thịt nhiệt đới như bò Red Sindhi, Sahiwal và Brahman và một số bò ôn đới Limousin, Hereford, Simmental, Santa Gertrudis,... cũng là được nhập nội để tăng cường việc lai tạo và cải tiến đàn bò địa phương trên phạm vi và quy mô lớn hơn. Các loại bò lai hướng thịt có tốc độ tăng trọng và khối lượng trưởng thành khá cao (45 - 47%). Nhiều chương trình giống đã và đang được triển khai, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò thịt Việt Nam.
Chương trình cải tạo đàn bò địa phương thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc phối giống trực tiếp với giống bò đực giống Zebu tạo bò lai có tỷ lệ máu ngoại trên 50%. Lai tạo, phát triển giống bò thịt chất lượng cao có tỷ lệ từ 75%
máu ngoại trở lên bằng sử dụng tinh của các giống bò thịt cao sản phối với bò cái nền lai Zebu. Chọn lọc và nhân thuần các giống bò Zebu và các giống bò thịt cao sản nhập nội phù hợp với điều kiện sinh sản từng vùng. Hơn nữa cho sức sản xuất thịt cao, sức kháng bệnh tốt, đặc biệt là đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Ngoài yếu tố giống thì tuổi và thời gian nuôi dưỡng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tăng trọng của bò. Nguyễn Văn Thưởng (1995) nghiêu cứu ảnh hưởng của độ tuổi nuôi dưỡng trên con lai F1 giữa đực các giống Brown Swiss, Charolais, Canta gertrudis với cái lai Sind; bò được nuôi ở hai giai đoạn 15 - 18 và 24 - 27 tháng tuổi, thời gian nuôi 2 tháng cho mỗi giai đoạn; kết quả bò giai đoạn 15 - 18 tháng tuổi đạt tăng khối lượng (477 - 544 g/ngày) thấp hơn 24 - 27 tháng tuổi (444 - 622 g/ngày).
Phương thức cho ăn và nguồn thức ăn tinh khác nhau cũng ảnh hưởng đến tăng khối lượng của bò nuôi dưỡng. Vũ Chí Cương và cs. (1999) khi nuôi dưỡng bò lai Sind 18 tháng tuổi cho thấy bò được cho ăn khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh có hàm lượng rỉ mật cao (>45% chất khô khẩu phần) cho tăng khối lượng cao hơn bò ăn khẩu phần gồm thức ăn tinh hỗn hợp, cỏ tươi và rơm khô nhưng cho ăn riêng rẽ.
Nghiên cứu của Nguyễn Tuấn Hùng và Đặng Vũ Bình (2003) cho biết bò lai Sind 18 tháng tuổi được vỗ béo bằng khẩu phần có bổ sung thức ăn tinh ở mức 1,8 kg/con/ngày cho tăng khối lượng (784,2 g/ngày) cao hơn đáng kể so với nhóm chỉ được bổ sung 0,9 kg/ngày (561,3 g/ngày) mặc dù khẩu phần của nhóm sau có hàm lượng Protein cao hơn do được ăn tự do bẹ ngô ủ urê 4%.
Đinh Văn Cải (2006) tiến hành nghiên cứu trên bò đực thuần giống Brahman trắng 18 tháng tuổi và khối lượng trung bình 259 kg, thời gian nuôi vỗ béo là 6 tháng cho thấy tăng khối lượng bình quân trong suốt giai đoạn vỗ béo đạt cao (955 g/ngày). Tuy nhiên tăng khối lượng ở 2 tháng đầu rất cao (>1500 g/ngày), trong khi ở 3 tháng cuối bò tăng khối lượng giảm hẳn (giảm từ 823 g/ngày vào tháng vỗ béo thứ 4 xuống 600 g/ngày vào tháng thứ 6). Tác giả kết luận thời gian vỗ béo chỉ kéo dài 3 tháng là phù hợp. Đinh Văn Cải và cs. (2006) nghiên cứu vỗ béo 3 nhóm bò lai F1 (Brahman x lai Sind); F1 (Charolais x lai Sind) ở độ tuổi 16 - 17 tháng tuổi cho thấy tăng khối lượng bình quân của lai Sind (833 g/ngày) thấp hơn F1 Brahman (1104 g/ngày) và F1 Charolais (1148 g/ngày), tỷ lệ thịt xẻ của F1 Charolais (53,93%) cao hơn F1 Brahman (49,06%) và lai Sind (47,92%), tỷ lệ thịt tinh của F1 Charolais (43,61%) cao nhất, sau đó là của F1 Brahman (39,95%) và thấp nhất của lai Sind (38,35%).
Vũ Chí Cương và cs. (2007) tiến hành lai tạo giữa bò chuyên dụng thịt với bò lai Sind, con lai F1 Brahman và F1 Charolais đạt tăng khối lượng tương ứng 346 - 405 g/con/ngày, nuôi vỗ béo lúc 18 tháng tuổi cho tăng khối lượng 732 - 845 g/con/ngày.
Nguyễn Quốc Đạt và cs. (2008) tiến hành nuôi dưỡng bằng khẩu phần thí nghiệm trong thời gian 84 ngày đối với bò thuần Droughtmaster 22 tháng tuổi cho tăng trọng 1,552 kg/con/ngày, bò Brahman thuần 19 tháng tuổi (1,183 kg/con/ngày) và bò lai Sind 21 tháng tuổi (0,952 kg/con/ngày). Tiêu tốn 6,29 - 8,73 kg chất khô/kg tăng trọng.
Đinh Văn Tuyền và cs. (2008) nghiên cứu khả năng tăng khối lượng và cho thịt khi nuôi vỗ béo bò thuần Brahman và bò lai Sind cho thấy bò thuần Brahman 18 tháng tuổi cho tăng khối lượng (1,42 kg/con/ngày) cao hơn đáng kể so với bò lai Sind có tuổi tương đương (0,97 kg/con/ngày); tỷ lệ thịt xẻ và thịt tinh của bò Brahman vỗ béo tương ứng là 53,33% và 42,85% cũng cao hơn đáng kể so với các tỷ lệ này của bò Lai Sind (49,06 và 40,43%).
Phạm Thế Huệ và cs. (2009) vỗ béo bò 21 tháng tuổi trong thời gian 90 ngày đối với 3 nhóm là F1 (Brahman x lai Sind); F1 (Charolais x lai Sind) và Lai Sind cho thấy bò F1 Charolais đạt tăng khối lượng cao nhất (917,78 g/ngày) đến F1 Brahman (971,10 g/ngày) và thấp nhất là lai Sind (657,78 g/ngày). Hệ số chuyển hóa thức ăn ở nhóm bò F1 Charolais là 7,33; bò Brahman là 8,04 và lai Sind là 9,48. Tỷ lệ thịt xẻ và tỷ lệ thịt tinh tương ứng là bò F1 Charolais đạt 55,20 và 44,05%; bò F1 Brahman là 52,52 và 43,46% và lai Sind là 48,93 và 42,34%.
Phạm Văn Quyến (2010) nghiên cứu hiệu quả vỗ béo bò đực Droughtmaster thuần và bò đực F1 (Droughtmaster x lai Sind) cho kết quả tăng trọng lượng bình quân của bò lai Sind là 833,3 g/con/ngày, của bò Droughtmaster là 1037 g/con/ngày, bò F1 (Droughtmaster x lai Sind) là 911,1 g/con/ngày và của bò F1 (Brahman x lai Sind) là 1,103 g/con/ngày và của nhóm bò (Charolais x lai Sind) là 114,8 g/con/ngày. Chi phí thức ăn vỗ béo tại thời điểm thí nghiệm ở nhóm bò F1 (Charolais x lai Sind) là 11,387 đ/kg, bò F1 (Brahman x lai Sind) là 11,900 đ/kg, bò Droughtmaster là 12,598 đ/kg, của bò Lai Sind là 14,249 đ/kg và nhóm bò F1 (Droughtmaster x lai Sind) là 14,620 đ/kg. Tỷ lệ thịt xẻ của bò Charolais đạt 53,13%, của bò Droughtmaster là 53,06%, F1 (Dro x LS) là 50,76%, F1 (Brahman x lai Sind) là 49,06% và của bò lai Sind là 46,78%. Tỷ lệ thịt tinh của F1 (Charolais x lai Sind) là 42,96%, của bò Droughtmaster là 42,71%, của bò F1(Droughtmaster x lai Sind) là 40,96%, F1 (Brahman x lai Sind) là 39,95%, và của bò lai Sind là 37,44%.
Văn Tiến Dũng và cs. (2010) so sánh khả năng tăng trọng và cho thịt khi vỗ bộo giữa bũ lai Sind và bũ lai ẵ Red Agus nuụi tại Đăk lăk khối tăng trọng của bũ lai Sind và bũ lai ẵ Red Agus sau 3 thỏng vỗ bộo tương ứng lần lượt là 59,6 kg và 87,6 kg.
Đỗ Thị Thanh Vân (2014) nghiên cứu vỗ béo bò lai F1 (Droughtmaster x lai Zebu) cũng cho biết vỗ béo bò ở 18 - 19 tháng tuổi trong 3 tháng cho tăng khối lượng là 1,01 - 1,26 kg/con/ngày, tiêu tốn thức ăn là 8,11 - 9,53 kg chất khô/kg tăng khối lượng.
Đoàn Đức Vũ (2015) nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi bê đực hướng sữa lấy thịt cho biết tuổi đưa vào vỗ béo là từ 16 - 18 tháng và thời gian vỗ béo trong 3 tháng cho tăng khối lượng bình quân là 464,7 g/con/ngày.