Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.2. Đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh
4.2.1. Tình hình tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Thuận Thành
4.2.1.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
a. Cấp huyện
- Huyện ủy, HĐND, UBND huyện xác định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn huyện.
- UBND huyện xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Kế hoạch chi tiết giai đoạn 2010 - 2015, ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, đề án đã được phê duyệt.
- Thành lập Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 gồm 30 thành viên do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, các phó ban gồm: Các đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy (mời tham gia Phó Ban chỉ đạo); Thành viên là các đồng chí trưởng các ban, ngành, đoàn thể huyện. Trưởng Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành phụ trách.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi có thay đổi về công tác cán bộ, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện được kiện toàn, bổ sung, thay thế kịp thời.
- Lựa chọn đơn vị điểm, thành lập tổ chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới, tổ giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên.
- Các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện đã soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện theo đúng kế hoạch, đề án, quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Cho ý kiến đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của 02 xã (An Bình, Song Hồ) đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.
- Thành lập đoàn thẩm tra kết quả xây dựng nông thôn mới huyện năm 2015 gồm 13 thành viên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn, các thành viên là Trưởng các ngành của huyện. Đồng chí trưởng đoàn phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực. Đoàn thẩm tra đã tổ chức thẩm tra kết quả xây dựng nông thôn mới của 03 xã (Đại Đồng Thành, Thanh Khương, Trí Quả) đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.
- Định kỳ hàng năm tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới báo cáo Ban thường vụ Huyện uỷ xin ý kiến tiếp tục chỉ đạo thực hiện.
b. Cấp xã
- Thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới của huyện, Đảng uỷ các xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2016 - 2020.
- UBND xã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban phát triển thôn và tổ giúp việc Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã.
Kiện toàn, bổ sung kịp thời khi có sự thay đổi về công tác cán bộ tại cơ sở.
- Phối hợp với phòng, ban chuyên môn của huyện tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn, lập đề án, đồ án quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Thực hiện quy trình các bước xây dựng nông thôn mới theo hướng dẫn, thời gian quy định.
4.2.1.2. Công tác tuyên truyền vận động a. Cấp huyện
- Ban chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới huyện phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thôn về nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; Về công tác lập quy hoạch; Các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện đề án; Kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định; Thành phần gồm có các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện uỷ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, thành viên Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện và các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND các xã.
- Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh hoạt động phong trào, hưởng ứng các cuộc vận động, triển khai xây dựng các mô hình sản xuất ở cơ sở gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”
gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; Thực hiện hiệu quả cuộc vận động ngày vì người nghèo và các cuộc vận động ủng hộ khác của các cấp, các ngành…).
b. Cấp xã
- Đảng ủy, HĐND, UBND xã tổ chức các hội nghị triển khai các chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước về chương trình xây dựng nông thôn mới đến các thôn; Phổ biến rộng rãi trên hệ thống truyền thanh xã, thôn để mọi người dân hiểu rõ và cùng hưởng ứng thực hiện chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
- Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân xã, thôn tích cực tuyên truyền thông qua các cuộc vận động và hoạt động phong trào góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Các xã đã tổ chức đoàn cán bộ gồm các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã, thành viên Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban phát triển thôn, đại diện tổ chức hội các cấp tham quan học tập kinh nghiệm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh bạn.