Đánh giá hiệu quả môi trường

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của dự án hỗ trợ xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện quế võ, tỉnh bắc ninh, giai đoạn 2013 2016 (Trang 84 - 87)

PHẦN 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

4.4. Đánh giá hiệu quả (về kinh tế, xã hội và môi trường) của dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi giai đoạn 2013- 2016 trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh

4.4.2. Đánh giá hiệu quả môi trường

Kết quả khảo sát ở 4 xã nghiên cứu cho thấy, ruồi nhặng đã giảm đáng kể, không có chỗ để phát triển, trong môi trường bể phân huỷ, do những điều kiện không thuận lợi nên các vi trùng gây bệnh và trứng giun sán bị tiêu diệt gần như hoàn toàn sau quá trình phân hủy dài ngày. Đối với những người dân trong huyện, từ ngày ứng dụng hầm biogas xử lý chất thải thì ô nhiễm môi trường giảm hẳn, sức khoẻ người dân được nâng cao. Từ khi xây hầm biogas đã xử lý cơ bản hết chất thải chăn nuôi gia súc ở hộ gia đình, nước thải sau xử lý không còn mùi hôi như trước, không khí trong nhà thoáng hơn và sức khoẻ của người dân tốt hơn, đồng thời cũng giảm được dịch bệnh chăn nuôi do vệ sinh chuồng trại tốt hơn.

Nhờ có xây dựng hầm biogas mà giảm được một lượng khá lớn lượng phân thải ra cống rãnh, giảm ô nhiễm môi trường công cộng. Với mỗi hầm biogas 12m3 mỗi ngày xử lý cho 75 – 100kg phân, thì với 1.238 hầm đã hỗ trợ xây dựng ở huyện mỗi ngày sẽ xử lý cho 92,82 tấn – 123,8 tấn phân gia súc (tương đương 33,88 nghìn – 45 nghìn tấn mỗi năm). Phân gia súc được xử lý qua hầm biogas bón ra đồng ruộng là nguồn phân sạch, không gây mùi hôi, thối, giảm sâu bệnh, cải tạo đất, bảo vệ nguồn nước.

Trước khi có hầm biogas, các hộ có thói quen là ủ phân trước khi bón cho cây trồng, một số hộ bón trực tiếp, một số hộ thải trực tiếp ra cống rãnh hoặc mương thoát nước. Cách giải quyết chất thải vật nuôi như trên đã tác động xấu đến môi trường sống, gây ra mùi hôi thối quanh khu vực sống và ảnh hưởng đến những hộ dân bên cạnh.

Theo kết quả điều tra cho thấy 100% các hộ đánh giá tốt về giảm ô nhiễm môi trường không khí khi sử dụng hầm biogas. Về mùi gas trong nhà và trong bếp, có 91% số hộ đánh giá là không có mùi, 8% số hộ đánh giá còn có ít mùi gas và 1% đánh giá trong bếp có nhiều mùi gas.

Về đánh giá khả năng xử lý chất thải của hầm biogas, có 96% số hộ đánh giá hầm biogas xử lý tốt, nước thải sau biogas không còn mùi hôi thối, 4% số hộ đánh giá hiệu quả xử lý trung bình do nước thải sau bể biogas còn nhiều mùi.

Đây là các hộ chăn nuôi nhiều, toàn bộ phân thải ra đều cho hết xuống hầm biogas, do lượng phân thải lớn, thời gian lưu không đảm bảo do đó một phần phân tươi vẫn bị đẩy ra ngoài làm bốc mùi hôi thối.

+ Giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ rừng:

Giảm phát thải khí nhà kính:

Mô hình hầm biogas giảm phát thải khí nhà kính ở hai khía cạnh: Quản lý chất thải và thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ KSH là giải pháp hữu ích nhằm giảm khí thải mê tan và sản xuất năng lượng sạch từ hoạt động chăn nuôi.

Thông thường nếu không hầm biogas, các hộ gia đình chăn nuôi thu gom phân chuồng để sử dụng làm phân bón và một số hộ khác thì xả xuống hệ thống mương rãnh. Theo Báo kinh tế nông thôn (2010), một tấn phân chuồng tươi với cách quản lý và sử dụng theo cách truyền thống như hiện nay sẽ phát thải vào không khí khoảng 0,24 tấn CO2 quy đổi. Với khoảng 39 nghìn tấn phân gia súc (mà 1.238 hầm biogas đã xử lý) nếu không được xử lý thì sẽ phát thải vào không khí 9.360 tấn CO2 mỗi năm.

Chất thải trong điều kiện tự nhiên sẽ bị phân giải do các vi sinh vật. Một phần chất này sẽ phân hủy kỵ khí và sinh ra khí mê tan phát tán vào khí quyển, Khí mê tan là loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn hơn khí cacbonic. Mêtan là một khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh, trung bình cứ 100 năm mỗi kg mêtan làm ấm Trái Đất gấp 23 lần 1 kg CO2. Nếu các chất thải hữu cơ này phân giải kỵ khí trong các hầm biogas thì sẽ thu hồi lại được làm nhiên liệu. Khi đốt cháy, mê tan sẽ chuyển hóa thành khí cacbonic: 1 tấn mê tan cháy tạo ra 2,75 tấn khí cacbonic.

Như vậy, ảnh hưởng về hiệu ứng nhà kính sẽ giảm đi 23/2,75 = 8,36 lần.

Về thay thế nhiên liệu hóa thạch: Khi xây dựng hầm biogas, người dân có KSH để sử dụng, do đó sẽ thay thế việc dùng các nhiên liệu hóa thạch (than đá, xăng dầu, khí hóa lỏng) hoặc chạy máy phát điện bằng KSH thay thế sử dụng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch do đó sẽ giảm phát thải khí nhà kính. Cũng chính vì lợi ích này mà một số nước công nghiệp đã tài trợ cho các dự án KSH ở các nước đang phát triển để thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính mà họ đã cam kết khi ký nghị định thư Kyoto.

Bảo vệ rừng:

Nếu không có công hầm biogas, hộ gia đình sẽ tiếp tục sử dụng chất đốt truyền thống như nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu hỏa) hoặc sinh khối (củi, rơm rạ…) để đun nấu. Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng (năm 2008), nhiên liệu làm chất đốt thường được sử dụng là nhiều nhất là sinh khối tiếp theo là than, có 67% hộ gia đình tại nông thôn phụ thuộc vào nguồn sinh khối. Tuy nhiên, các hộ có khả năng xây dựng hầm biogas thường là hộ khá giả do đó cơ cấu tiêu thụ nhiên liệu của họ sẽ khác và nghiêng về sử dụng nhiên liệu cao cấp hơn như than,

LPG và điện. Hiện nay ở các hộ gia đình, dù họ có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn nhưng vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn sinh khối, một số phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch. Tuy vậy, sinh khối là nhiên liệu chính dùng làm chất đốt ở vùng nông thôn hiện nay ngay cả đối với các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Như vậy sau khi có hầm biogas sẽ giúp các hộ giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu để đun nấu.

Với bếp KSH hiệu suất đạt 50-60%. Về nhiệt lượng hữu ích 1 m3 KSH (60% mê tan) tương đương với 0,96 lít dầu, 4,7kWh điện, 4,07kg củi, 6,10kg rơm rạ, 1,4 kg than, có thể sử dụng để chạy động cơ 2KVA trong 2 giờ, sử dụng cho bóng đèn thắp sáng trong 6 giờ, chạy tủ lạnh 1m3 trong 1 giờ hoặc sử dụng nấu ăn cho gia đình 5 người trong 1 ngày. Như vậy, trong tương lai công nghệ biogas sẽ là nguồn cung cấp năng lượng chính nhằm giải quyết chất đốt sinh hoạt cho vùng nông thôn, thay thế các loai nhiên liệu khác như củi, trấu, than,...ngoài ra còn có thể sử dụng khí sinh học cho các mục đích khác như: phát điện, lò sấy, đèn thắp sáng, hệ thống nước nóng, các tủ lạnh chạy bằng gas,…

+ Bảo vệ tài nguyên đất

Phân từ phụ phẩm KSH có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ phì, hạn chế hiện tượng bị thoái hóa, xói mòn, tăng hoạt động của hệ sinh vật đất, thúc đẩy quá trình phân giải chất hữu cơ, cải thiện cấu trúc và tính chất hóa lý của đất.

Trong bã thải hầm biogas có rất nhiều chất dinh dưỡng dễ hấp thu tốt cho cây trồng. Theo Giáo trình Quản lý chất thải chăn nuôi, bã thải có hàm lượng dinh dưỡng như sau:

Hàm lượng đạm: Đối với bã thải lỏng, 1m3 có khoảng 0,06 – 0,15kg N, trong đó có 0,061 – 0,93kg NH+4 chiếm 76,5-91,3% lượng đạm tổng số, tương đương với 0,35-2,3kg ure. So với phân chuồng bã thải có hàm lượng tương đương. Đối với bã thải đặc, trong 100 kg có 0,01 – 1,3kg N xấp xỉ 0,02 – 2,8kg đạm ure; có 0,6 – 1,3kg P2O5 tương đương với 3 – 6 kg suppe lân; có 0,02-3,1kg K2O tương đương với 0,04-6,2kg clorua kali. Hàm lượng đạm dễ tiêu trong bã thải đặc chiếm khoảng 60% N tổng số. Đạm là nguyên tố dễ thay đổi nhất trong quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ, nên quá trình lên men khác nhau sản phẩm phân hủy của đạm cũng khác nhau.

Hàm lượng lân: Trong bã thải hàm lượng lân ít.

Như vậy khi sử dụng bã thải hầm biogas đã góp phần cải tạo đất, bảo vệ tài nguyên đất, giảm sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của dự án hỗ trợ xây hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện quế võ, tỉnh bắc ninh, giai đoạn 2013 2016 (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)