3.1. ĐỊA ĐIỂM NGHIÊN CỨU
Đề tài được nghiên cứu trên địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Nam Trực là huyện có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua tương đối nhanh, việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất diễn ra ngày càng sôi động 3.2. THỜI GIAN NGHIÊN CỨU
Thời gian tiến hành nghiên cứu đề tài từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2017 và số liệu thu thập từ giai đoạn năm 2012-2016.
3.3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
- Do thời gian có hạn và một số quyền của người sử dụng đất ít thực hiện nên đề tài nghiên cứu các quyền của người sử dụng đất trên địa bàn huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định thực hiện tập trung theo một số quyền phổ biến sau: chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế và thế chấp quyền sử dụng đất. Các quyền khác như chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, góp vôn quyền sử dụng đất hầu như chỉ diễn ra giao dịch ngầm giữa các hộ gia đình, cá nhân mà không đăng ký trực tiếp tại các cơ quan có thẩm quyền. Xuất phát từ tình hình thực tế, đề tài tập trung vào đánh giá bốn quyền: Chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp.
3.4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
3.4.1. Đánh giá khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
- Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
3.4.2. Tình hình thực hiện các quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Nam Trực từ năm 2012 đến năm 2016
- Tình hình thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Tình hình thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất.
- Tình hình thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tình hình thực hiện quyền thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất.
3.4.3. Đánh giá việc thực hiện quyền sử dụng đất
- Đánh giá việc thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
- Đánh giá việc thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất.
- Đánh giá việc thực hiện quyền tặng cho quyền sử dụng đất.
- Đánh giá việc thực hiện quyền thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất.
3.4.4. Đề xuất một số giải pháp nhằm năng cao hiệu quả quyền sử dụng đất tại huyện Nam Trực
3.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.5.1. Phương pháp điều tra thu thập tài liệu, số liệu - Điều tra số liệu sơ cấp:
Nguồn số liệu sơ cấp được thu thập bằng phương pháp điều tra trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thừa kế quyền sử dụng đất, tặng cho quyền sử dụng đất và thế chấp quyền sử dụng đất trong giai đoạn 2012- 2016. Sử dụng phiếu điều tra các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất có đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nam Trực. Tổng số phiếu điều tra là 120 phiếu (mỗi quyền điều tra 30 phiếu). Các tiêu chí điều tra bao gồm: thông tin chung về hộ điều tra; thông tin đất đai của hộ điều tra; tình hình thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp của hộ điều tra; đánh giá về thủ tục hành chính khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất ở, thời gian hoàn thành thủ tục; thái độ của cán bộ tiếp nhận,… Tất cả 120 hộ đã từng tham gia việc thực hiện quyền của người sử dụng đất từ năm 2012 đến năm 2016 có đăng kí biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thu thấp số liệu thứ cấp: Thu thập tài liệu liên quan đến đề tài thông qua các phòng, đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện : Phòng Tài nguyên và môi trường, phòng NN&PTNT, chi nhánh văn phòng đăng kí quyền sử dụng đất,…
3.5.2. Phương pháp thống kê, tổng hợp số liệu.
Tổng hợp tình hình chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp bằng giá trị quyền sử dụng đất trên địa bàn nghiên cứu theo số liệu đã đăng ký làm thủ tục tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Nam Trực.
Số liệu được tổng hợp theo từng đối tượng địa bàn là xã, thị trấn; theo từng nội dung quyền sử dụng đất và từng năm để lập thành bảng.
3.5.3. Phương pháp so sánh
Phương pháp này được sử dụng để so sánh các số liệu về việc thực hiện quyền sử dụng đất giữa các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện; giữa các khu vực nghiên cứu và giữa các năm thực hiện đánh giá.
3.5.4. Phương pháp xử lý số liệu
Sử dụng phần mềm máy tính Excel để tổng hợp, phân tích, xử lý số liệu.