Theo định hướng phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020, xu hướng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cụ thể như sau:
- Về phát triển đô thị: Phát triển hệ thống đô thị Lai Châu tạo ra mối liên kết chặt chẽ nhằm đáp ứng và phục vụ chung cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như vùng trung du và miền núi phía Bắc. Xây dựng thành phố Lai Châu giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh, là đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và đầu mối giao thông quan trọng. Hình thành các thị trấn gắn với các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch nhằm nâng cao không ngừng bộ mặt xã hội và quan trọng là làm đòn bẩy cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.
- Về phát triển các điểm dân cư nông thôn: Kết hợp chặt chẽ quá trình cải tạo, chỉnh trang các điểm dân cư cũ với việc mở rộng các điểm dân cư mới, đảm bảo kế thừa có chọn lọc quá trình lịch sử, bảo vệ gìn giữ truyền thống, bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, các công trình kiến trúc cổ có giá trị và danh lam thắng cảnh. Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư mới theo hướng đô thị hoá, trong đó bố trí hài hoà giữa đất ở với xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, cây xanh, cấp thoát nước, điện, y tế, giáo dục. Hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng giao đất thổ cư phân tán không có quy hoạch.
2.5. MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐIỂM DÂN CƯ Ở VIỆT NAM
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển điểm dân cư ở Việt Nam phát triển hệ thống điểm dân cư đã được chú trọng ngay từ những năm 70, việc quy hoạch đô thị và nông thôn Bộ Xây dựng đã có nhiều đồ án quy hoạch cải tạo phát triển các điểm dân cư trên địa bàn vùng huyện trong xu hướng cải tạo từng bước các điểm dân cư nông thôn, các chòm xóm nhỏ được gộp lại tạo thành các điểm dân cư tương đối lớn, tập trung, thuận tiện cho việc xây dựng các công trình công cộng phúc lợi..
Bên cạnh đó còn có một số dự án về quy hoạch dân cư nông thôn nước ta đó là:
- Quy hoạch huyện Đông Hưng - Thái Bình: Trong phương án quy hoạch này, từ 1.400 điểm dân cư trên toàn huyện được tổ chức lại còn khoảng 100 điểm dân cư, tổ chức thành 7 cụm xã. Ở đó, xây dựng trạm, trại, kho tàng, xây dựng các công trình hạ tầng... kiến trúc không gian ở được xây dựng hợp lý phù hợp tạo điều kiện cho phát triển dân cư trên địa bàn (Viện quy hoạch xây dựng hỗn hợp, 1997).
- Quy hoạch sản xuất và xây dựng huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An (1997):
Theo đồ án này, toàn bộ 360 điểm dân cư sẽ được bố trí gọn lại còn 54 điểm có quy mô từ 1000-5000 người, cứ 2 đến 3 điểm dân cư đủ dân số để xây dựng một trung tâm các công trình văn hoá phục vụ công cộng như: nhà trẻ, trường học, thư viện, nhà văn hoá… nhằm phục vụ tốt nhất cho đời sống nhân dân (Viện quy hoạch thiết kế Nghệ Tĩnh, 1997).
- Năm 2008, có đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Vũ Thị Bình- Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tại huyện Chí Linh - tỉnh Hải Dương. Đề tài đã xây mạng lưới dân cư huyện Chí Linh đồng thời xây dựng 2 mô hình quy hoạch chi tiết trung tâm xã (Vũ Thị Bình, 2008).
Năm 2014, Đỗ Nam Khánh đã thực hiện đề tài đánh giá thực trạng và định hướng phát triển hệ thống điểm dân cư huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang, kết quả phân loại điểm dân cư trên toàn huyện có 10 điểm dân cư đô thị và 276 điểm dân cư nông thôn trong đó có 29 điểm dân cư loại I, 225 điểm dân cư loại II và 22 điểm dân cư loại III (Đỗ Nam Khánh, 2014).
Những nghiên cứu trên đã có ý nghĩa rất lớn trong quy hoạch mạng lưới dân cư của mỗi địa phương. Tuy nhiên tính khả thi của các đồ án này còn chưa cao, quy hoạch vẫn ở tầm khái quát, phần lớn chưa có quy hoạch chi tiết cho từng điểm dân cư. Do vậy các điểm dân cư được bố trí vẫn manh mún, phân tán, chưa hợp lý, chưa đồng bộ, công tác xây dựng kiến trúc cảnh quan điểm dân cư phát triển một cách tự phát có thể theo quy hoạch hoặc không theo quy hoạch gây khó khăn cho việc bố trí các công trình công cộng phục vụ cho các điểm dân cư.