Tình hình quản lý đất đai huyện Sóc Sơn giai đoạn 2012 - 2016

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại một số dự án trên địa bàn huyện sóc sơn thành phố hà nội (Trang 49 - 54)

4.2. Tình hình quản lý và sử dụng đất của huyện Sóc Sơn

4.2.1. Tình hình quản lý đất đai huyện Sóc Sơn giai đoạn 2012 - 2016

4.2.1.1. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó

Công tác ban hành các văn bản dưới luật về quản lý và sử dụng đất đai luôn được Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện đặc biệt quan tâm cả khâu xây dựng và triển khai phổ biến đến quần chúng nhân dân huyện Sóc Sơn. Trong giai đoạn 2012 - 2016, huyện Sóc Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, dồn điền đổi thửa.

Hệ thống các văn bản quản lý liên quan đến đất đai của huyện Sóc Sơn được ban hành kịp thời đã tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý về đất đai trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác đôn đốc, tổng hợp sau khi ban hành văn bản còn hạn chế, các văn bản quản lý đất đai mới chỉ tập trung vào điều chỉnh hành vi, nghĩa vụ mà chưa đưa ra được các chế tài xử phạt cụ thể đối với từng đối tượng chịu sự quản lý nếu không thực hiện đúng theo yêu cầu của văn bản ban hành. Nhiều văn bản khi được ban hành còn chậm so với yêu cầu quản lý từ thực tế, điển hình là việc ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, mãi đến ngày 24/06/2013 văn bản này mới được Hội đồng nhân dân huyện Sóc Sơn thông qua, tức là đã qua nửa thời gian thực hiện kế hoạch SDĐ 5 năm kỳ đầu.

4.2.1.2. Xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính

Thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục xác định địa giới hành chính, quản lý mốc địa giới và hồ sơ địa giới hành chính các cấp. Đến nay, số đơn vị

hành chính của huyện chia thành 26 đơn vị bao gồm 25 xã và 01 thị trấn, 199 thôn làng. Trên toàn huyện có 77 đơn vị cơ quan xí nghiệp, trường học, đơn vị vũ trang của trung ương. Ranh giới hành chính giữa thị trấn, các xã và giữa huyện Sóc Sơn với các huyện khác đã ổn định, không xảy ra vụ tranh chấp lớn nào. Bản đồ hành chính của huyện được lập năm 1994 với tỷ lệ 1/18.000.

4.2.1.3. Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất

Huyện Sóc Sơn đã tiến hành đo đạc địa chính chính quy trên địa bàn huyện với tổng diện tích đo đạc được là 30.475,95 ha ở tỷ lệ 1/1000. Việc xây dựng bản đồ hiện trạng SDĐ được thực hiện qua các kỳ kiểm kê đất đai và chỉnh lý xây dựng bản đồ hiện trạng SDĐ từng năm, bản đồ quy hoạch SDĐ. Đến nay, huyện cũng đã có đầy đủ một hệ thống bản đồ gồm bản dồ giải thửa số 1992, bản đồ địa chính thành lập năm 1993, bản đồ hiện trạng SDĐ năm 2005.

4.2.1.4. Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Quy hoạch, kế hoạch SDĐ của chính quyền huyện Sóc Sơn về cơ bản dựa trên quy hoạch chung xây dựng huyện Sóc Sơn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ kỳ đầu (2011-2015) trên địa bàn huyện Sóc Sơn do UBND thành phố Hà Nội ban hành. Hàng năm, công tác lập kế hoạch SDĐ được huyện Sóc Sơn triển khai tới từng xã, thị trấn vào quý IV hàng năm. Dựa trên báo cáo của từng cơ sở, Phòng TN&MT xây dựng kế hoạch SDĐ toàn huyện và báo cáo UBND huyện vào tháng đầu năm sau. Nội dung báo cáo sẽ là cơ sở để UBND huyện ra quyết định giao đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng SDĐ, thực hiện công tác đấu giá. Trong giai đoạn 2012 - 2016 huyện Sóc Sơn đã ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các đơn vị có liên quan và các tổ chức có nhu cầu SDĐ biết để đăng ký kế hoạch SDĐ với UBND huyện theo quy định. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch SDĐ làm cơ sở cho việc triển khai công tác giao đất, thu hồi đất, lập dự án đầu tư trên địa bàn huyện.

4.2.1.5. Quản lý việc giao đất, cho thuê đât, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất Huyện Sóc Sơn đã thực hiện giao đất đảm bảo đúng quy hoạch, đúng đối tượng, vị trí, diện tích, không có trường hợp nào giao đất trái thẩm quyền. Đến cuối năm 2013 toàn bộ các xã đã cơ bản hoàn thành chương trình với 10.126,18 ha đất sản xuất nông nghiệp được tiến hành dồn điền đổi thửa giao cho người dân

đạt 100% kế hoạch đề ra. Toàn bộ 4.436,32 ha đất lâm nghiệp trên địa bàn đã được UBND huyện Sóc Sơn giao cho 2 đối tượng quản lý là UBND các xã 2.247,91 ha và các tổ chức kinh tế 2.188,41 ha. Bên cạnh công tác giao đất, UBND huyện Sóc Sơn thường xuyên kiểm tra, rà soát việc SDĐ của các đơn vị, tổ chức và cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn. Những năm qua, UBND huyện Sóc Sơn thông qua Chi nhánh phát triển quỹ đất Sóc Sơn đã hỗ trợ tích cực Ban chỉ đạo GPMB Thành phố thực hiện công tác thu hồi đất phục vụ các dự án. Ngoài ra, còn chủ động phối hợp với UBND các xã, các Chủ đầu tư để tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình GPMB các dự án.

4.2.1.6. Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất

Quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng trong thời gian vừa qua đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã dẫn đến một bộ phận không nhỏ người dân bị thu hồi đất để phục vụ xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế, phục vụ các mục đích công cộng đã ảnh hưởng đến việc quản lý, SDĐ ở Sóc Sơn. Việc thu hồi đất diễn ra phân tán ở nhiều khu vực tại những thời điểm khác nhau khiến giá đền bù đất luôn phải thay đổi sao cho phù hợp với giá thị trường. Có những thời điểm mức giá đền bù chưa kịp chỉnh sửa đã gây ra tình trạng người dân không cho cơ quan chức năng tiến hành giải phóng mặt bằng, số đơn thư khiếu nại tăng cao.

Đặc biệt trong các vấn đề về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thể hiện rõ nhất qua việc thu hồi đất cho dự án nhà ga T2 Nội Bài và đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài, Quốc lộ 3 mới, cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa thỏa đáng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong quá trình triển khai GPMB, chính quyền huyện Sóc Sơn gặp nhiều vướng mắc, cản trở từ phía người dân.

Chính vì vậy, trong công tác này huyện Sóc Sơn cần phải chú trọng hơn trong việc giải quyết nguyện vọng của các hộ dân trong diện di dời, tái định cư đó là được tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đến địa điểm phù hợp, yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh.

4.2.1.7. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Bộ hồ sơ địa chính đã được hoàn thiện gồm bản đồ địa chính, sổ mục kê, sổ địa chính, sổ theo dõi cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, công tác đăng ký sử dụng đất đai và theo dõi biến động đất đai, cập nhật các số liệu vào sổ sách cũng như chỉnh lý biến động trên bản đồ chưa được kịp thời. Công tác đăng ký đất đai, cấp GCN của huyện Sóc Sơn luôn nhận được sự quan tâm sát sao của UBND thành

phố Hà Nội, Huyện Ủy và sự nỗ lực của các cán bộ, công nhân viên Phòng TNMT và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Sóc Sơn vì vậy công tác cấp GCN đạt tỷ lệ khá tốt. Trong giai đoạn 2012 - 2016, huyện Sóc Sơn đã tiếp nhận 13.981 hồ sơ, UBND huyện đã cấp GCN QSDĐ cho 10.742 GCN.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp GCN tại huyện Sóc Sơn cũng gặp không ít khó khăn như số lượng hồ sơ tồn chưa xét, hồ sơ không đủ điều kiện còn nhiều, hộ gia đình, cá nhân SDĐ không chủ động đăng ký kê khai, công tác tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ ban đầu ở cấp xã còn chưa đầy đủ dẫn đến việc hồ sơ gửi lên huyện bị trả về để bổ sung lại nhiều lần, trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ địa chính cấp xã còn hạn chế về công nghệ thông tin, đồng thời phải kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác dẫn đến việc tổ chức kê khai đăng ký cấp GCN chưa được hiệu quả.

4.2.1.8. Thống kê, kiểm kê đất đai

Công tác thống kê đất đai được thực hiện thường xuyên hàng năm và kiểm kê đất đai được thực hiện định kỳ 5 năm một lần theo quy định của Luật đất đai 2013. Hàng năm UBND huyện Sóc Sơn đã quan tâm, chỉ đạo cán bộ chuyên môn thu thập số liệu, chỉnh lý biến động để lập biểu mẫu báo cáo thống kê hiện trạng SDĐ của huyện, nhằm tạo cơ sở cho các cấp, các ngành có định hướng quy hoạch phát triển KT - XH của địa phương.

4.2.1.9. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai

Huyện Sóc Sơn đang tập trung xây dựng hồ sơ dữ liệu về đất đai, xây dựng, quản lý, cập nhật hồ sơ chính xác để kiểm kê, thống kê được các thông tin đất đai. Thông tin trên thị trường BĐS hiện nay đang lẫn lộn thật, giả, theo đó hệ thống quản lý đất đai của thành phố sẽ phải là kho thông tin chính xác nhất.

4.2.1.10. Quản lý tài chính về đất đai

Chi cục thuế và kho bạc Nhà nước huyện Sóc Sơn là những cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện quản lý tài chính về đất đai. Phòng Tài chính - kế hoạch huyện có nhiệm vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động quản lý tài chính về đất đai, đảm bảo công tác được triển khai hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Công tác quản lý tài chính về đất đai trên địa bàn huyện Sóc Sơn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, những thay đổi liên quan đến đấu giá QSDĐ và cách tính các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai của người dân luôn được UBND huyện cập nhật và áp dụng trong thời gian sớm nhất. Công tác tổ chức thu thuế về đất đai được triển khai tới từng cấp cơ sở, giúp giảm thiểu thời gian đi lại cho người dân.

4.2.1.11. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất

Công tác quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người SDĐ đã được huyện Sóc Sơn quan tâm thực hiện thông qua việc quản lý, giám sát các hoạt động giao đất, cho thuê đất, thu thuế, thu tiền SDĐ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người SDĐ và nguồn thu ngân sách. Huyện Sóc Sơn luôn quan tâm đến việc quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người SDĐ đảm bảo việc SDĐ đúng pháp luật, hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả cao. Các sai phạm được chấn chỉnh kịp thời, không để xảy ra các vi phạm nghiêm trọng.

4.2.1.12. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai

Thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai nhằm phát hiện những sai phạm ở đối tượng được giao đất để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh hậu quả xấu đối với nguồn tài nguyên đất. Đây là công tác được UBND huyện Sóc Sơn coi là nhiệm vụ trọng tâm và phải tiến hành thường xuyên. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT kết hợp với Thanh tra huyện tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Chính quyền huyện Sóc Sơn đã tập trung chỉ đạo kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý đất đai, khai thác đất, khai thác tài nguyên khoáng sản tại một số xã trọng điểm. Huyện ủy Sóc Sơn rất chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quản lý của cán bộ cơ sở. Tuy nhiên, công tác thanh tra về đất đai của huyện vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, có dấu hiệu bao che từ cán bộ thuộc cơ quan quản lý. Sự thiếu quyết liệt từ công tác thanh tra, kiểm tra là điều kiện để những sai phạm về đất đai tồn tại trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng đến tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên đất nói riêng.

4.2.1.13. Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai

Hiện nay huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Đài phát thanh huyện tổ chức biên tập tin bài dành thời lượng hợp lý để tuyên truyền đến tổ chức và nhân dân trong huyện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực đất đai, Nghị quyết của Ban Thường vụ huyện ủy về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, Chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn Thành phố. Phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn về công tác quản lý nhà nước về đất đai,

Luật đất đai 2013 và các Nghị định, Văn bản hướng dẫn thi hành luật đất đai 2013 và các văn bản có liên quan tới toàn thể các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách khối, cán bộ địa chính, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.Tổ chức các hội nghị để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ cơ sở.

4.2.1.14. Giải quyết tranh chấp về đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý và sử dụng đất đai

Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong quan hệ đất đai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ SDĐ góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Huyện Sóc Sơn đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai. Công tác phân loại đơn thư đã được làm tương đối tốt, đảm bảo giải quyết vụ việc đúng quy định của Luật khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai. Chấp hành tốt chế độ thông tin báo cáo, tổng hợp kết quả giải quyết đơn thư, thực hiện phúc đáp trả lời đối với các vụ việc do cơ quan cấp trên, cơ quan báo, đài chuyển tới;

toàn bộ hồ sơ giải quyết đơn thư từ năm 2005 đều được đánh bút lục. Các vụ việc đã được tập trung giải quyết, hạn chế đến mức tối đa khiếu kiện tập thể đông người, tránh phát sinh thành điểm nóng. Dù vậy, sự chỉ đạo, hướng dẫn từ chính quyền cấp huyện xuống chính quyền cấp xã, thị trấn lại bộc lộ nhiều hạn chế.

Một số xã có biểu hiện chần chừ, không chủ động vào việc thực hiện quyết định do UBND huyện ban hành, phải sau nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt chính quyền cấp cơ sở mới tổ chức thực hiện.

4.2.1.15. Quản lý hoạt động dịch vụ về đất đai

Tại huyện Sóc Sơn, Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố Hà nội - chi nhánh huyện Sóc Sơn đã thực hiện cơ chế một cửa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai các thủ tục về nhà đất, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đăng ký, thế chấp, bảo lãnh QSDĐ, tài sản gắn liền với đất.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại một số dự án trên địa bàn huyện sóc sơn thành phố hà nội (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)