Phần 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Nghiên cứu các đặc điểm về hình thái của các dòng chè đột biến chọn lọc
4.1.3. Nghiên cứu đặc điểm, kích thước búp của các dòng chè đột biến chọn lọc
Búp chè là đối tượng chính của sản xuất chè. Đặc biệt búp chè non là bộ phận chủ yếu chứa các chất hòa tan có lợi cho chất lượng chè. Vì vậy, đặc điểm và kích thước búp chè có liên quan chặt chẽ đến năng suất và chất lượng của cây chè. Các giống có khối lượng búp to, số lượng búp nhiều sẽ cho năng suất cao. Khối lượng búp thay đổi nhiều do điều kiện ngoại cảnh. Cùng là một giống nhưng khi được chăm sóc tốt đủ phân, đủ nước, điều kiện ngoại cảnh thuận lợi, búp sẽ to hơn nhiều so với điều kiện hạn thiếu nước, thiếu phân bón, nắng nóng...Song các thay đổi do điều kiện ngoại cảnh cũng có giới hạn nhất định.
Khối lượng búp còn phụ thuộc vào giống, vào thứ chè.
Kết quả nghiên cứu đặc điểm hình thái, kích thước búp của các dòng, giống chè nghiên cứu được trình bày ở bảng 4.4, 4.5.
Bảng 4.4. Đặc điểm kích thước búp của các dòng chè nghiên cứu Tên
dòng
Búp tôm + 3 lá Búp tôm + 2 lá
Dài búp (cm)
ĐK gốc búp (cm)
P búp (g)
Dài búp (cm)
ĐK gốc búp (cm)
P búp (g) ĐB K1 6,93bc 0,20c 0,79bcd 4,35c 0,18c 0,49bc ĐB K2 6,70c 0,21c 0,75d 4,30c 0,19bc 0,48c ĐB K5 7,39bc 0,22b 0,88b 4,81b 0,20b 0,59ab ĐB K6 8,29b 0,22b 0,86bc 4,90b 0,20b 0,53bc
ĐB K11 6,80c 0,20c 0,76cd 4,30c 0,18c 0,48c
ĐB K12 7,26bc 0,20c 0,78bcd 4,60c 0,19bc 0,49bc
ĐB K23 6,24c 0,21c 0,75d 4,21c 0,18c 0,48c
ĐB K25 9,84a 0,25a 1,19a 5,91a 0,23a 0,65a
KT (đ/c) 6,71c 0,20c 0,86bc 4,50c 0,18c 0,48c
CV% 7,10 5,00 5,60 5,20 5,10 7,10
LSD0,05 1,39 0,018 0,10 0,42 0,017 0,10
Kết quả ở bảng 4.4 cho thấy: Các chỉ tiêu về kích thước búp (chiều dài búp, đường kính gốc búp và khối lượng búp tôm 3 lá và tôm 2 lá) của các dòng, giống chè nghiên cứu khác nhau là khác nhau. Trong cùng điều kiện sinh trưởng thì khối lượng búp chè là chỉ tiêu phụ thuộc vào giống. Chiều dài búp và đường kính gốc búp có tương quan chặt với khối lượng búp.
Các dòng chè nghiên cứu có chiều dài búp tôm 3 lá dao động từ 6,24 – 9,84 cm. Trong đó dòng ĐB K25 có chiều dài búp lớn nhất, tiếp đến là dòng ĐB K6 đạt 8,29 cm. Các dòng còn lại có chiều dài búp chênh lệch nhau không nhiều (từ 6,71 – 7,39 cm), dòng ĐB K23 có chiều dài búp thấp nhất đạt 6,24cm và là dòng duy nhất thấp hơn đối chứng Kim Tuyên (6,71cm). Tính trạng chiều dài búp biểu hiện sức sinh trưởng của giống, chiều dài búp lớn thể hiện giống có sức sinh trưởng khoẻ. Mặt khác tính trạng chiều dài búp có ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình sản phẩm chè. Giống có chiều dài búp lớn khi chế biến sẽ bị lộ cuộng làm cho mặt hàng xấu, không phù hợp với chế biến các mặt hàng đặc sản.
Đường kính gốc của búp chè tôm 3 lá của dòng ĐB K25 đạt lớn nhất 0,25 cm, tiếp đến là dòng ĐB K5 và ĐB K6 cùng có đường kính búp là 0,22cm. Các dòng chè ĐB K1, ĐB K11, ĐB K12 và giống đối chứng Kim Tuyên có đường kính gốc búp thấp nhất cùng đạt 0,20cm.
Chỉ tiêu khối lượng búp tôm 3 lá của các dòng chè nghiên cứu cho thấy:
Tương ứng về sự lớn nhất về chiều dài búp và đường kính gốc búp, dòng ĐB K25 là dòng cho khối lượng búp tôm 3 lá lớn nhất đạt 1,19 g/búp, tiếp đến là
dòng ĐB K5 đạt 0,88g/búp. Dòng chè ĐB K6 có khối lượng búp tương đương với giống đối chứng Kim Tuyên đạt 0,86g/búp, các dòng chè còn lại có khối lượng búp thấp hơn đối chứng và chênh lệch nhau không nhiều.
Đo đếm các chỉ tiêu trên búp chè 1 tôm 2 lá cho thấy: Về kích thước búp tôm 2 lá: Các dòng chè nghiên cứu có chiều dài búp tôm 2 lá chia làm 3 mức:
dòng ĐB K25 có chiều dài búp lớn nhất (5,91cm); tiếp đó là các dòng ĐB K5 và ĐB K6 có chiều dài búp thuộc loại trung bình (4,81 và 4,90cm); các dòng chè còn lại có chiều dài búp thuộc loại nhỏ (dài từ 4,30-4,60cm). Đường kính gốc búp của các dòng dao động từ 0,18 – 0,23cm, trong đó, dòng chè ĐB K25 có đường kính gốc búp lớn nhất đạt 0,23cm, tiếp đến là hai dòng chè ĐB K5 và ĐB K6 có đường kính 0,20cm; các dòng chè còn lại có đương kính gốc búp tương đương nhau 0,18-0,19cm. Các kết luận có độ tin cậy ở mức 95%.
Khối lượng búp tôm 2 lá của dòng ĐB K25 đạt lớn nhất (0,65 g/búp); tiếp theo là dòng ĐB K5 và ĐB K5 (đạt 0,59 và 0,53g/búp); các dòng chè còn lại có khối lượng búp tương đương nhau và tương đương đối chứng Kim Tuyên (0,48- 0,49g/búp). Như vậy các dòng chè nghiên cứu đều có khối lượng búp cao hơn hoặc tương đương đối chứng Kim Tuyên.
Bảng 4.5. Đặc điểm hình thái búp của các dòng chè nghiên cứu
Tên dòng Màu sắc búp Mật độ
lông tuyết
Độ dài lông tuyết
ĐB K1 Xanh vàng Nhiều TB
ĐB K2 Xanh nhạt TB Dài
ĐB K5 Xanh TB Dài
ĐB K6 Xanh vàng TB Ngắn
ĐB K11 Xanh vàng Nhiều TB
ĐB K12 Xanh, non phớt tím Nhiều Dài
ĐB K23 Xanh vàng, phớt tím TB Ngắn
ĐB K25 Xanh đậm, phớt tím TB Ngắn
KT (đ/c) Xanh, non phớt tím Nhiều TB
Kết quả đánh giá đặc điểm kích thước búp của các dòng, giống chè nghiên cứu cho thấy: Các dòng chè ĐB K25, ĐB K5 và ĐB K6 có kích thước búp lớn, búp to, phản ánh sức sinh trưởng khỏe, có khả năng cho năng suất cao, tuy nhiên có thể bất lợi cho ngoại hình sản phẩm chế biến thô, lộ cẫng. Các dòng chè còn lại có chiều dài búp ngắn, khối lượng búp thuộc loại trung bình, có thể chế biến những sản phẩm chè cao cấp có ngoại hình đẹp.
Búp chè là đối tượng chính của sản xuất chè, quyết định năng suất, chất lượng của cây chè. Từ các đặc điểm hình thái búp có thể phần nào cho biết về chất lượng của giống. Màu sắc búp chè cũng phản ánh nội chất có trong búp.
Thông thường các giống chè có búp màu xanh vàng hoặc hơi phớt tím là giống có chất lượng chế biến chè xanh tốt. Các dòng chè nghiên cứu có màu sắc búp rất phong phú từ xanh nhạt; xanh; xanh vàng; xanh, non phớt tím; xanh vàng phớt tím và xanh đậm phớt tím. Trong đó: dòng ĐB K12 và Kim Tuyên có màu xanh non phớt tím, dòng ĐB K23 có màu xanh vàng phớt tím; búp màu xanh vàng là những dòng chè ĐB K1, ĐB K1 và ĐB K11 có khả năng cho chất lượng tốt.
Bên cạnh màu sắc búp thì lông tuyết cũng là một trong những tính trạng có liên quan tới chất lượng. Theo Nguyễn Thị Ngọc Bình (2002) cho rằng: cùng với sự phát triển và già đi của lá, lông tuyết bị rụng đi, để lại những vết nhỏ lõm sâu xuống một chút. Ngay dưới những lông tuyết có một vài tế bào nhỏ chứa dịch, nó tiết ra dầu giữ cho cây đỡ bốc hơi. Ở các lá non những tế bào chứa dịch có màu trắng sau đó sẫm dần và cuối cùng nó chuyển thành màu đen. Cũng có thể những dịch này chính là tinh dầu tạo hương vị đặc biệt cho một số giống. Mật độ lông tuyết nhiều hay ít phụ thuộc vào giống, thứ chè. Kết quả theo dõi cho thấy các dòng chè nghiên cứu đều có mức độ lông tuyết nhiều và trung bình. Các dòng chè ĐB K1, ĐB K11, ĐB K12 và giống Kim Tuyên có lông tuyết nhiều, các dòng chè còn lại có số lượng lông tuyết trung bình.
Quan sát búp chè cho thấy: các dòng chè khác nhau cũng có độ dài lông tuyết khác nhau. Độ dài lông tuyết của các dòng, giống chè nghiên cứu được chia làm 3 loại: ngắn, trung bình và dài. Các dòng ĐB K6, ĐB K23 và ĐB K25 có lông tuyết ngắn. Các dòng ĐB K1, ĐB K11 và Kim Tuyên có độ dài lông tuyết thuộc loại trung bình. Ba dòng ĐB K2, ĐB K5 và ĐB K12 có lông tuyết dài.
Những giống chè càng nhiều lông tuyết và lông tuyết càng dài thì khi chế biến chè thành phẩm có ngoại hình càng đẹp.