Phần 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Nghiên cứu khả năng giâm cành của một số dòng chè đột biến chọn lọc
Một giống muốn đưa ra sản xuất ngoài khả năng sinh trưởng tốt, năng suất cao chất lượng tốt thì khả năng nhân giống cũng rất quan trọng chính vì vậy khi khảo nghiệm các dòng chè cần nghiên cứu khả năng nhân giống của các dòng chè đó.
Nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành là một tiến bộ kỹ thuật sử dụngcả 3 bộ phận: lá, một đoạn cành đính trực tiếp với lá và một mầm nách được sinh ra từ lá và cành tương ứng. Từ vết cắt hom chè sau khi giâm cành xuống đất, nó sẽ hình thành màng mộc thiêm để chống sự xâm nhập của vi sinh vật, dần dần tạo thành mô sẹo và từ đó mọc ra những chiếc rễ đầu tiên. Mầm nách của hom chè cũng được phát triển từng bước cùng với sự phát triển của bộ rễ. Sự hình thành mầm và rễ của hom giâm có liên hệ mật thiết với nhau. Rễ được hình thành từ đó hút nước và chất dinh dưỡng cũng cấp cho bộ phận trên mặt đất mầm nách hình thành nên những lá mới từ đó có khả năng quang hợp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Đánh giá tỷ lệ sống khi giâm cành các dòng chè đột biến trong giai đoạn vườn ươm cho kết quả như sau:
Từ bảng số liệu cho thấy: Tỷ lệ sống khi giâm hom các dòng chè nghiên cứu giảm dần từ khi giâm hom cho tới khi xuất vườn. Sau 1 thángcác hom chè vẫn đảm bảo tỷ lệ sống như ban đầu, tất cả các dòng đều đạt 100%. Sau giâm hom 2 tháng bắt đầu có sự rụng lá trên hom giâm, tỷ lệ sống giảm dần. Lúc này trên dòng ĐB K6 có tỷ lệ sống cao nhất 98,76%, dòng ĐB K1 thấp nhất chỉ còn 93,33% hom sống. Sau 3 tháng giâm hom các dòng tiếp tục có sự giảm dần về tỷ lệ sống, tỷ lệ sống lúc này giao động từ 91,76-94,73%, cao nhất trên dòng ĐB K6 và thấp nhất trên dòng ĐB K1. Nhìn chung trong 3 tháng đầu tỷ lệ sống
không có sự chênh lệch nhiều giữa các dòng. Theo dõi hom chè sau giâm 6 tháng tỷ lệ sống cũng không chênh lệch nhiều. Trước khi xuất vườn tỷ lệ sống của các dòng chè biến động từ 80,75-87,55%. Cao nhất trên dòng ĐB K6 tiếp theo là dòng ĐB K2, ĐB K25. Dòng chè ĐB K1 và ĐB K23 có tỷ lệ sống thấp nhất.
Như vậy các dòng chè nghiên cứu đều có khả năng nhân giống bằng kỹ thuật giâm cành tốt, tỷ lệ sống của hom giâm sau 9 tháng đều cao hơn hoặc tương đương giống đối chứng, một số ít dòng có tỷ lệ sống thấp hơn đối chứng nhưng không đáng kể.
Bảng 4.19. Tỷ lệ sống của các dòng chè nghiên cứu khi nhân giống bằng kỹ thuật giâm hom
Tên dòng Tỷ lệ sống (%)
Sau 1 tháng Sau 2 tháng Sau 3 tháng Sau 6 tháng Sau 9 tháng
ĐB K1 100 93,33 91,76 87,50 80,75
ĐB K2 100 97,50 94,64 89,73 86,80
ĐB K5 100 96,65 92,55 88,75 87,55
ĐB K6 100 98,76 94,73 89,25 84,93
ĐB K11 100 97,33 92,95 87,50 84,93
ĐB K12 100 99,15 93,15 89,85 85,25
ĐB K23 100 95,52 91,75 88,27 81,73
ĐB K25 100 96,26 93,52 89,20 86,55
KT (đ/c) 100 95,34 93,65 87,25 83,32
Khả năng sinh trưởng của cây chè con trong vườn ươm lúc xuất vườn có ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây chè khi trồng ngoài đồi. Cây chè con khi giâm được 8-9 tháng tuổi có thể đem trồng.
Qua quan sát theo dõi đánh giá hình hình sinh trưởng của cây chè con trước khi xuất vườn chúng tôi nhận thấy các dòng chè khác nhau có khả năng sinh trưởng khác nhau.
Về chỉ tiêu chiều cao cây chúng tôi nhận thấy dòng chè ĐB K25 có chiều cao cây 27,28cm và dòng ĐB K5 đạt 26,79cm là hai dòng chè có chiều cao cây con xuất vườn lớn nhất và sai khác có ý nghĩa so với giống đối chứng Kim Tuyên. Thấp hơn là hai dòng chè ĐB K6, ĐB K11 có chiều cao cây ở mức trung bình. Các dòng chè còn lại (ĐB K2, ĐB K12, ĐB K1 và ĐB K23) có chiều cao cây thấp và sai khác không có ý nghĩa so với đối chứng ở mức độ tin cậy 95%, trong đó thấp nhất là dòng ĐB K23 chỉ đạt 22,65cm.
Bảng 4.20. Đánh giá sinh trưởng cây con xuất vườn của các dòng chè nghiên cứu (sau giâm 9 tháng)
Tên dòng Cao cây (cm)
ĐK gốc (cm)
Số lá (lá)
Tỷ lệ sống (%)
Tỷ lệ xuất vườn (%)
ĐB K1 22,75c 0,22d 9,15cd 80,75 75,09
ĐB K2 23,96bc 0,23cd 11,25a 86,80 78,85
ĐB K5 26,79a 0,24bc 10,58ab 87,55 82,58
ĐB K6 25,48ab 0,25ab 9,73bcd 84,93 80,67
ĐB K11 24,86abc 0,22d 9,83bcd 84,93 79,40
ĐB K12 23,76bc 0,22d 9,36bcd 85,25 82,23
ĐB K23 22,65c 0,23cd 8,59d 81,73 76,87
ĐB K25 27,28a 0,26a 10,21abc 86,55 80,05
KT (đ/c) 23,83bc 0,22d 8,54d 83,32 78,56
CV% 6,40 4,4 8,2
LSD0.05 2,72 0,018 1,38
Về chỉ tiêu đường kính gốc: các dòng chè nghiên cứu có đường kính dao động từ 0,22-0,26cm. Dòng chè ĐB K25 có đường kính cao nhất, tiếp đến là hai dòng chè ĐB K6 và ĐB K5 có đường kính lần lượt là 0,24 và 0,25cm. Các dòng chè còn lại có đường kính gốc nhỏ và sai khác không có ý nghĩa so với giống đối chứng Kim Tuyên.
Cây chè con khi có từ 6- 8 lá có thể đem trồng ngoài đồi. Khi theo dõi số lá chúng tôi thấy rằng tất cả các dòng chè khảo nghiệm đều đủ tiêu chuẩn về số lá để đem trồng. Số lá cây con càng lớn càng thuận lợi cho quá trình quang hợp tạo ra các hợp chất hữu cơ cung cấp cho sự phát triển của cây sau này. Cây con các dòng chè nghiên cứu có số lá dao động từ 8,54-11,25 lá, trong đó cao nhất là số lá trên dòng ĐB K12, tiếp đến là dòng ĐB K5 và ĐB K25,đây là ba dòng chè có số lá lớn và sai khác có ý nghĩa so với giống đối chứng. Các dòng chè còn lại có số lá thấp hơn và sai khác không có ý nghĩa so với giống đối chứng. Các kết luận cho ở độ tin cậy 95%.
Tỷ lệ sống trong giai đoạn vườn ươm là chỉ tiêu rất quan trọng. Nó quyết định khả năng nhân giống bằng kỹ thuật giâm cành của một dòng chè mới nào đó có thành công hay không, từ đó có thể đưa ra căn cứ để có các biện pháp kỹ thuật tác động khi cần nhân giống với số lượng lớn khi trồng mở rộng trong sản xuất. Qua theo dõi chúng tôi rút ra nhận xét: các dòng chè nghiên cứu đều có thể nhân giống bằng giâm cành tốt, tỷ lệ sống trên tất cả các dòng khảo nghiệm đều đạt trên 80%.
Tuy các dòng chè khảo nghiệm có tỷ lệ sống cao song tỷ lệ xuất vườn cũng là chỉ tiêu rất quan trọng đánh giá mức độ đồng đều cây con của các dòng chè nghiên cứu. Các dòng chè ĐB K25, ĐB K5, ĐB K6 có tỷ lệ xuất vườn trên 80% cao nhất trên dòng ĐB K5 đạt 82,58%, các dòng chè còn lại thấp hơn 80%, trong đó thấp nhất là dòng ĐB K1 chỉ đạt 75,09%.