CHƯƠNG 1. LÍ LUẬN TÂM LÍ HỌC VỀ THÍCH ỨNG CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC VỚI ĐÁNH GIÁ HỌC SINH THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC
1.2. Lí luận về thích ứng
1.2.3. Các mặt biểu hiện của thích ứng
Thích ứng được hình thành và biểu hiện trong hoạt động và giao tiếp.
* Thích ứng biểu hiện qua mặt nhận thức:
Với đời sống tâm lí nói chung, và với quá trình thích ứng nói riêng thì nhận thức luôn được coi là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất. Trong cuộc sống, tiến hành các hoạt động khác nhau, con người luôn phải nhận thức thế giới xung quanh và nhận thức cả bản thân. Trong “Bút kí triết học”, Lê nin viết: “Nhận thức là sự phản ánh thế giới tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn toàn; quá trình này là cả một chuỗi những sự trừu tượng, những sự cấu thành, những sự hình thành ra các khái niệm, quy luật... và các khái niệm, quy luật này... (tư duy, khoa học, “ý niệm logic”) cũng bao quát một cách tương đối, gần đúng những quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển”.
Theo đó, nhận thức luôn là yếu tố đầu tiên, là cơ sở để định hướng thái độ, hành vi của cá nhân. Nhờ nhận thức, con người làm chủ được thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ chính mình. Trong đó, các biểu hiện về mặt nhận thức trong thích ứng tâm lí đó chính là: các khái niệm, thông tin, tri thức về đối tượng được nhận thức. Những tri thức ấy có thể được con người biết được qua quá trình nhận thức cảm tính hay lí tính.
Nếu như con người càng có nhiều thông tin, tri thức về đối tượng thì con người càng dễ dàng thích ứng hơn trong sự biến đổi của hoàn cảnh mới, điều kiện làm việc mới. Bởi lẽ, khi ấy con người luôn phải trả lời được các câu hỏi: môi trường có gì thay đổi? Vì sao có sự thay đổi ấy? Sự thay đổi ấy có phù hợp hay không phù hợp? Mình phải thay đổi như thế nào cho phù hợp? Thay đổi cái gì? (nhận thức? thái độ? hành vi?). Thay đổi bằng cách nào? Thay đổi ở đâu?... Nếu trả lời được những câu hỏi ấy tức là cá nhân đã nhận thức được cần phải thích ứng. Điều này, rõ ràng là có mức độ biểu hiện khác nhau ở những cá nhân khác nhau và các lứa tuổi khác nhau. Do trình độ nhận thức của con người là khác nhau. Thậm chí, mặt nhận thức trong cùng một con người cũng có thể có những sự khác nhau trong quá trình tương tác qua lại giữa chủ thể và môi trường sống. Mặt nhận thức trong thích ứng là yếu tố đầu tiên, tiên quyết chỉ đạo toàn bộ quá trình thích ứng của con người. Nếu không có nhận thức đúng, con người khó có thể thích ứng được.
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
Như vậy, có thể hiểu thích ứng biểu hiện qua mặt nhận thức có nghĩa là chủ thể thay đổi nhận thức trong việc hiểu về yêu cầu mới của môi trường; về những khó khăn của môi trường, điều kiện mới;về cách thức hành động nhằm đáp ứng yêu cầu của môi trường.
* Thích ứng biểu hiện qua mặt thái độ:
Các nhà tâm lí học phương Tây cho rằng: thái độ là một thiên hướng trí thông minh cụ thể về một kinh nghiệm sắp trải qua, nhờ đó kinh nghiệm đó được thay đổi, hoặc là một điều kiện sẵn sàng cho một hoạt động nhất định. G.W.Allport cho rằng: “Thái độ nghĩa là một trạng thái tâm lí – thần kinh của sự sẵn sàng cho hoạt động trí óc và cơ thể”.
I.Sarnoff định nghĩa: “Một thái độ của cá nhân đối với một lớp đối tượng được xác định bởi vai trò riêng biệt của các đối tượng trong việc tăng cường các phản ứng làm giảm sự căng thẳng của các động cơ riêng biệt và giải quyết các xung đột riêng biệt trong các động cơ”. Còn Lomov trong cuốn “Những vấn đề lí luận và phương pháp luận nghiên cứu tâm lí” thì cho rằng: “Thái độ bao hàm cả việc đánh giá, biểu hiện hứng thú cá nhân; sự thay đổi vị trí khách quan của cá nhân trong xã hội đòi hỏi có sự đổi mới thái độ chủ quan của nó. Nếu điều đó không xảy ra thì có thể nảy sinh trở ngại trong việc làm chủ các chức năng xã hội, xảy ra các xung đột với những người xung quanh hay “xung đột nội tâm”.”
Rubinstein thì cho rằng thái độ chủ quan của cá nhân thể hiện đầy đủ trong các cử chỉ hay còn gọi là các đơn vị hành vi. Theo ông, cử chỉ theo nghĩa thực của từ này không phải là bất kỳ hành động nào của con người mà chỉ là thể hiện thái độ có ý nghĩa chủ đạo của con người với những người khác, với xã hội, với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Cử chỉ cũng có thể là hành động thể hiện thái độ chủ quan của cá nhân, cũng có thể không phải là hành động mà là sự từ chối tham gia vào các quá trình xã hội nào đó.
Thái độ của cá nhân là nền tảng cho hành vi của họ và dựa trên cơ sở nhận thức tốt. Mặt thái độ tạo ra động cơ tích cực cho cá nhân trong quá trình thích ứng. Mặt thái độ thể hiện xúc cảm tích cực của cá nhân trong quá trình thích ứng. Nếu cá nhân thích ứng tốt có nghĩa là cá nhân ấy có khát vọng, sự quyết tâm, tự giác, năng động cao trong
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
quá trình tham gia hoạt động. Nhưng đôi khi, có trường hợp ban đầu cá nhân chưa có thái độ tích cực tiếp nhận sự thay đổi, sau do tác động của hoàn cảnh, của môi trường sống họ có thể thay đổi thái độ, tích cực hơn trong quá trình thích ứng.
Mặt thái độ trong thích ứng bao gồm: thái độ với các yêu cầu mới; thái độ với việc cần thay đổi; thái độ sẵn sàng hay không sẵn sàng thay đổi.
Như vậy, thích ứng biểu hiện qua mặt thái độ có nghĩa là chủ thể thay đổi thái độ, chủ động, tích cực hơn với các yêu cầu mới của môi trường; với những khó khăn mới nảy sinh; tự tin khi thực hiện hành động.
* Thích ứng biểu hiện qua mặt kĩ năng:
Kĩ năng được hiểu là khả năng thực hiện đúng các thao tác, hành động dựa vào kiến thức đã biết và đạt được kết quả mong đợi. Kĩ năng được hình thành qua quá trình giáo dục hay nhờ việc bắt chước máy móc từ những người xung quanh.
Dưới góc độ tâm lí học hoạt động, kĩ năng được xem là hình thái bên ngoài của hoạt động, trong đó có sự điều khiển của ý thức. Trong cuộc sống, để thích ứng với sự thay đổi của điều kiện mới, con người phải thay đổi kĩ năng cho phù hợp. Kĩ năng được hình thành trên cơ sở tri thức, nhận thức về đối tượng. Được biểu hiện ra bên ngoài bằng các thao tác. Theo chúng tôi, khi đánh giá sự thích ứng của con người, cần xem mặt hành vi là quan trọng nhất trong ba mặt nhận thức, thái độ, kĩ năng. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, con người có nhận thức nhưng chưa chắc đã có kĩ năng phù hợp do thói quen truyền thống. Chính vì thế, để khẳng định một người có sự thích ứng hay không, quan trọng là dựa trên kĩ năng của người đó có thay đổi không, có phù hợp không. Từ đó mới có thể thích ứng, hòa nhập với cuộc sống mới, nhiều biến đổi hơn so với cái cũ. Rõ ràng, kĩ năng trong thích ứng là mặt bên ngoài của hành động, được thể hiện bằng các thao tác của hành động. Kĩ năng là biểu hiện rõ nét, và là thành phần sinh động nhất trong cấu trúc của sự thích ứng.
Do đó, thích ứng biểu hiện qua mặt kĩ năng tức là chủ thể thay đổi kĩ năng bằng cách chủ động, tích cực thực hiện hành động đáp ứng các yêu cầu mới; vượt qua khó khăn; thực hiện hiệu quả hoạt động.
Tóm lại, ba mặt nhận thức, thái độ, kĩ năng trong thích ứng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chúng không thể tách rời nhau trong quá trình con người thích
Luận án tiến sĩ Tâm lý học
ứng. Điều này được thể hiện rõ ở kết quả hoạt động của cá nhân và nhóm. Kết quả tốt có nghĩa là sự thích ứng tốt và ngược lại. Sự thống nhất giữa ba mặt nhận thức – thái độ - kĩ năng chính là cầu nối để thực hiện hoạt động có kết quả trong quá trình thích ứng của con người.