Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tâm lý học thích ứng của giáo viên tiểu học tỉnh sơn la với đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực (Trang 60 - 63)

CHƯƠNG 1. LÍ LUẬN TÂM LÍ HỌC VỀ THÍCH ỨNG CỦA GIÁO VIÊN TIỂU HỌC VỚI ĐÁNH GIÁ HỌC SINH THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC

1.3. Đánh giá theo tiếp cận năng lực

1.3.4. Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực

Đánh giá HS tiểu học theo tiếp cận năng lực được hiểu là đánh giá các năng lực cần đạt của HS tiểu học trong các giai đoạn của quá trình giáo dục tiểu học. Ở đây có cả đánh giá trong quá trình dạy học, đánh giá tổng kết sau một giai đoạn giáo dục. Nếu chương trình giáo dục được phát triển theo định hướng năng lực thì cần đánh giá những năng lực nào và đánh giá như thế nào sẽ được quy định trong chương trình và chuẩn theo các lĩnh vực học tập và các hoạt động giáo dục.

Để đánh giá năng lực có thể sử dụng nhiều hình thức khác nhau như quan sát HS trong các tình huống khác nhau, đánh giá qua các bài kiểm tra miệng hoặc viết, thực nghiệm; đánh giá HS thực hiện học tập theo dự án, đánh giá HS qua tham gia các hoạt động ngoài nhà trường; nghiên cứu trường hợp v.v… Trong mỗi hình thức đánh giá đều cần có các phương pháp và kĩ thuật đánh giá riêng biệt, chẳng hạn đối

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

với đánh giá bằng quan sát thì GV cần phải có phương pháp và kĩ thuật quan sát (mục đích quan sát, quan sát cái gì, khi nào, từ kết quả quan sát rút ra nhận định như thế nào). Đối với các bài kiểm tra, để đánh giá năng lực hàn lâm thì cần xây dựng các bài tập theo nhiều loại khác nhau, ví dụ để kiểm tra năng lực tư duy toán học thì cần có các bài tập phải suy luận dựa trên các lí thuyết toán đã học và khuyến khích nhiều cách giải khác nhau (không phải ra đề theo kiểu dạng đề HS chỉ làm một cách máy móc), còn để đánh giá năng lực cảm thụ nghệ thuật thì thì có thể ra đề theo kiểu HS suy nghĩ, cảm nhận thế nào về bức tranh đã xem hay bản nhạc đã nghe, cuốn sách đã đọc v.v… Cần lưu ý năng lực mà HS cần đạt không chỉ là năng lực áp dụng những điều đã học vào thực tiễn vì ngoài năng lực kiểu đó ra HS cần có và phát triển các năng lực khác như năng lực hàn lâm (ví dụ năng lực tư duy phê phán là thuộc dạng này), năng lực sang tạo (năng lực phát triển) nữa.

Đối với một cá nhân để có năng lực gì thì cần phải trải qua quá trình học tập rèn luyện cùng với những phẩm chất riêng biệt của cá nhân (tâm lí, tình cảm, giá trị) mới có thể đạt được. Đó là một quá trình lâu dài, có nhiều thử thách và ít nhiều phụ thuộc vào tư chất cá nhân (với mỗi cá nhân các mức độ năng lực không giống nhau và không cùng trình độ). Mục tiêu đạt được các năng lực ở HS tiểu học tuy trên lí thuyết là đúng nhưng trên thực tế thì quá trình giáo dục tiểu học chỉ có thể tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành các năng lực mà thôi.

Đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực ở trường tiểu học được là một quá trình bao gồm các thành tố như sau:

* Mục tiêu đánh giá học sinh: Mục tiêu đánh giá học sinh theo định hướng năng lực ở trường tiểu học là:

- Giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

- Giúp học sinh có khả năng tự đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp, hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ.

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

- Giúp cán bộ quản lí giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo dục [3].

Như vậy, đánh giá học sinh tiểu học không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng và định hướng, điều chỉnh hoạt động của trò mà còn đồng thời tạo điều kiện nhận định ra thực trạng và điều chỉnh hoạt động dạy của thầy.

* Nội dung đánh giá học sinh: Nội dung đánh giá học sinh theo định hướng năng lực ở trường tiểu học được thể hiện cũng trên ba mặt đánh giá đó là:

- Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh như: Tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh như: Chăm học, chăm làm; tự tin, tự chịu trách nhiệm; trung thực, kỉ luật; đoàn kết, yêu thương [3].

* Phương pháp đánh giá học sinh: Phương pháp đánh giá học sinh theo định hướng năng lực ở trường tiểu học được sử dụng với nhiều phương pháp phải kể tới như:

- Phương pháp dùng lời: Phương pháp dùng lời là cách thức GV đưa ra cho học sinh lần lượt một số câu hỏi và học sinh trả lời trực tiếp với GV.

- Phương pháp dùng giấy bút (kiểm tra viết): Phương pháp dùng giấy bút là cách thức học sinh làm những bài kiểm tra viết trong những khoảng thời gian khác nhau tùy theo yêu cầu của môn học.

- Phương pháp kiểm tra thực hành: Phương pháp kiểm tra thực hành là cách thức học sinh làm những bài kiểm tra có tính chất thực hành như: đo đạc, làm thí nghiệm, chế tạo các mô hình …ở trên lớp, trong phòng thí nghiệm, xưởng trường trường và ngoài thiên nhiên [3].

* Hình thức đánh giá học sinh: Có nhiều hình thức đánh giá học sinh theo định hướng năng lực ở trường tiểu học cụ thể là:

- Đánh giá kết quả và đánh giá quá trình: Đánh giá kết quả thường được sử dụng khi kết thúc một chủ đề học tập hoặc cuối một học kỳ, một năm, một cấp học.

Đánh giá quá trình được sử dụng trong suốt thời gian học của môn học.

Luận án tiến sĩ Tâm lý học

- Đánh giá theo chuẩn và đánh giá theo tiêu chí: Đánh giá theo tiêu chí, người học được đánh giá dựa trên các tiêu chí đã định rõ về thành tích, thay vì được xếp hạng trên cơ sở kết quả thu được. Đánh giá theo chuẩn là hình thức đánh đưa ra những nhận xét về mức độ cao thấp trong năng lực của cá nhân so với những người khác cùng làm bài thi.

- Tự suy ngẫm và tự đánh giá: Tự suy ngẫm và tự đánh giá là việc học sinh tự đưa ra các quyết định đánh giá về công việc và sự tiến bộ của bản thân. Tự đánh giá rất hữu ích trong việc giúp học sinh nhận thức sâu sắc về bản thân, nhận ra được điểm mạnh và điểm yếu của mình [50].

Như vậy, Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực là quá trình thu thập các thông tin, đối chiếu các thông tin với chuẩn năng lực, đưa ra nhận định và giải pháp về kết quả học tập, hình thành các phẩm chất, năng lực ở học sinh nhằm mục đích giúp học sinh vận dụng những tri thức, kĩ năng đã học vào việc giải quyết các nhiệm vụ cụ thể trong thực tiễn.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ tâm lý học thích ứng của giáo viên tiểu học tỉnh sơn la với đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(243 trang)