PHẦN 2. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.2. Tình hình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam
2.2.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, ấm và là một trong những nơi phân bố tự nhiên của Thảo quả. Từ lâu đời, nhân dân ta đã biết tìm kiếm và khai thác Thảo quả để làm thức ăn, thuốc chữa bệnh và coi Thảo quả là cây
“truyền thống” theo tài liệu của Pháp, thì công trình đầu tiên đề cập đến Thảo quả là công trình nghiên cứu về thực vật Đông Dương của Lecomte et al gồm 7 tập với tên cuốn sách “Thực vật chí đại cương Đông Dương”. Tác giả đó thống kê được toàn Đông Dương có hơn 7000 loài thực vật, trong đó 1350 loài cây thuốc nằm trong 160 họ thực vật mà Thảo quả là một trong những loài cây có giá trị cao.
Năm 1999 [8], khi nghiên cứu những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả Đỗ Tất Lợi đã cho rằng Thảo quả là loài cây thuốc được trồng ở nước ta vào khoảng năm 1890. Trong hạt Thảo quả có khoảng 1 – 1,5% tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm, ngọt, vị nóng cay dễ chịu có tác dụng chữa các bệnh đường ruột.
Đây là một công trình nghiên cứu khẳng định công dụng của cây Thảo quả ở nước ta. Tuy nội dung nghiên cứu về cây Thảo quả của công trình còn ít, nhưng nó đã phần nào mở ra một triển vọng trong việc sản xuất và sử dụng Thảo quả trong y học ở nước ta. Vào những năm 1960 đến những năm 1980, một số nhà khoa học khi nghiên cứu về cây thuốc ở nước ta có đề cập tới Thảo quả. Do Thảo quả là cây “truyền thống”, có đặc thù riêng khác với một số loài lâm sản ngoài gỗ là có phạm vi phân bố hẹp, chúng được trồng chủ yếu dưới tán rừng các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang nên các nhà khoa học ít quan tâm. Các công trình nghiên cứu liên quan còn tản mạn. Năm 1982 [4], Đoàn Thị Nhu công bố kết quả nghiên cứu của mình về “Bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc thiên nhiên và phát triển trồng cây thuốc trên đất rừng ở Việt Nam”. Trong đó tác giả kết luận: Thảo quả là cây dược liệu quý và thích nghi tốt ở điều kiện dưới tán rừng, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về kĩ thuật gây trồng Thảo quả dưới tán rừng. Năm 1994, nhận thức được tiềm năng nâng cao đời sống kinh tế xã hội của người dân vùng núi từ nghề rừng tỉnh Lào Cai đã xác định Thảo quả là loài cây giá trị cao cần được phát triển. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu lâm đặc sản tiến hành tổng kết các kinh nghiệm gây trồng, thu hái và chế biến bảo quả Thảo quả trong nhân dân. Sau gần 2 năm điều tra thu thập, tổng hợp kết hợp với một số kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, bản hướng dẫn kĩ thuật tạm thời gây trồng Thảo quả ra đời. Nội dung bản hướng dẫn là: xác định tên khoa học loài Thảo quả phân bố trong địa phương, mô tả một đặc điểm sinh vật học, sinh thái học cơ bản, kĩ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và thu hái. Đây là bản hướng dẫn kĩ thuật về gây trồng và thu hái Thảo quả nước ta.
Do chủ yếu là tổng kết kinh nghiệm trong nhân dân và kế thừa một số kết quả
nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho nên các biện pháp kĩ thuật như chọn vùng trồng, điều kiện lập địa trồng, nhân giống, chọn giống, trồng,... còn chưa cụ thể, vẫn mang tính chất định tính. Các căn cứ để xác định điều kiện lập địa trồng thích hợp, thời vụ trồng, mật độ trồng,… để nâng cao năng suất và tính ổn định của mô hình trồng Thảo quả còn nhiều thiếu sót nên hiệu quả của mô hình thử nghiệm còn thấp và chưa đảm bảo tính bền vững. Vì vậy, thực chất bản hướng dẫn kĩ thuật này chỉ là tạm thời cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện.
Trong công trình đó “Đa dạng sinh học có mạch vùng núi cao Sapa”, các tác giả Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Thời (1998) [13] đã phân loại lâm sản ngoài gỗ theo hệ thống sinh thái và thống kê được tập đoàn đông đảo thực vật có giá trị làm thuốc ở địa phương. Các tác giả đưa ra một số loài cây làm thuốc có thế mạnh của khu vực không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập như củ Hoàng liên, Thảo quả, Cỏ xước,… trong đó cần đặc biệt chú trọng phát triển cây Thảo quả. Bên cạnh một số nghiên cứu về hình thái hoặc sinh thái, để phát triền tiền năng công dụng của Thảo quả trong lĩnh vực y dược, một số công trình nghiên cứu về thành phần hóa học như: công trình về thành phần hóa học của Thảo quả, công trình đã đưa ra một cách khái quát về vai trò của Thảo quả đối với người dân cũng như địa phương, tình hình gây trồng, sản xuất, tiềm năng thị trường và hiệu quả của Thảo quả tại một số địa phương ở nước ta. Công trình này đã vẽ nên một bức tranh khái quát về hiện trạng và xu hướng phát triển cây Thảo quả ở nước ta. Đồng thời cho thấy tiềm năng về Thảo quả ở nước ta rất lớn nhưng trong quá trình phát triển và mở rộng gây trồng Thảo quả cho năng xuất cao còn gặp một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là về lĩnh vực kĩ thuật như khi phát triển mở rộng cần phải trả lời một số câu hỏi: Thảo quả
được trồng ở đâu và như thế nào cho năng suất chất lượng cao và khônh ảnh hưởng đến bảo tồn rừng.
Năm 2000, để đáp ứng yêu cầu kĩ thuật gây trồng cây đặc sản dưới tán rừng của người dân, Cục Khuyến Nông và Khuyến Lâm biên soạn tài liệu
“Trồng cây nông nghiệp, dược liệu và đặc sản dưới tán rừng”. Nội dung tài liệu đã nêu giá trị kinh tế, đặc điểm hình thái, sinh thái, phân bố và kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến Thảo quả dưới tán rừng.
Trong những năm gần đây cũng xuất hiện một số tài liệu có trình bày những thông tin về Thảo quả như “Một số đặc điểm cơ bản của hệ thực vật Việt Nam (1999) [3] của tác giả Lê Trần Chấn; Năm 1990 [7], khi nghiên cứu về giá trị của lâm sản ngoài gỗ đối với người dân ở Sapa, Nguyễn Tập đã kết luận: nhờ trồng Thảo quả mà hầu hết các gia đình ở thôn Seo Mi Tỷ xã Tản Van, Sapa, Lào Cai đã trở nên giàu có. Trước đây, nếu trồng lúa nương mỗi gia đình chỉ thu khoảng 1 tấn lúa/năm, giá trị khoảng 2 triệu đồng. Nay chuyển sang trồng Thảo quả, mỗi gia đình hằng năm thu bình quân 2-3 tạ quả, tương đương với giá trị 20-40 triệu đồng gấp 10 – 20 lần giá trị của trồng lúa trước đây.
Nhìn chung những nghiên cứu về Thảo quả đã cho thấy đây là loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cần được phát triển như một yếu tố góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ rừng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về Thảo quả chủ yếu thông qua điều tra nhanh và mang tính chất của những tổng kết kinh nghiệm là chính.
Những đặc điểm hình thái, sinh thái, phân bố,… chủ yếu phát hiện ở mức định tính. Vì vậy, các hướng dẫn kĩ thuật thường có tính chất gợi ý, không cụ thể, chưa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất hiện nay.