2.1 Việc xây dựng lại nền nông nghiệp phải được coi là
một bộ phận căn bản của sự nghiệp phát triển nông thôn, hay là xây dựng nông thôn mới, theo cách thường gọi.
Phát triển nông thôn mới lại là nội dung cơ bản của cả quá trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam một cách toàn diện và bền vững, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Như vậy, xây dựng lại nền nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn mới là một quá trình dài, cần đầu tư lớn về “chất xám” và tiền vốn, không thể nóng vội, chạy theo thành tích để đạt các danh hiệu thi đua như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.
2.2 Thực chất của việc xây dựng nông thôn mới là một quá trình phát triển bền vững và toàn diện cả kinh tế, xã hội và môi trường để nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Do vậy, nội dung phát triển nông thôn mới bao gồm bốn quá trình:
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, vừa giảm bớt sức lao động trong nông nghiệp, vừa gia tăng khả năng thu hút, sử dụng sức lao động dôi dư từ nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
- Đô thị hóa nông thôn, tạo ra những đô thị nhỏ văn minh, bố trí rộng khắp ở các vùng nông nghiệp sinh thái, vừa để tạo ra các cơ sở kinh tế, phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, thu hút sử dụng sức lao động nông nghiệp dôi dư nhờ công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất, vừa du nhập lối sống văn minh đô thị vào nông thôn. Nhờ đó, người ta có thể hạn chế tối đa quá trình tự phát tạo ra các siêu đô thị cực lớn với đầy rẫy
những vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, khó khắc phục như hiện nay.
- Kiểm soát dân số cả về số lượng lẫn chất lượng, cũng như quá trình di dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước và mỗi vùng.
- Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn trong sản xuất và đời sống.
2.3 Xây dựng lại ngành nông nghiệp.
2.3.1 Chiến lược và quy hoạch phát triển
- Phải xây dựng lại chiến lược sản phẩm trên phạm vi quốc gia, từng vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, căn cứ vào dự báo thị trường trong và ngoài nước, dựa vào lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia, của mỗi vùng, không theo đơn vị hành chính tỉnh (thành phố), huyện, xã.
- Trên cơ sở đó, xây dựng lại quy hoạch và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, từ thủy lợi, giao thông, bến cảng, kho bãi, các cơ sở logistic (hậu cần)... trên phạm vi cả nước và mỗi vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, để phục vụ việc thực hiện chiến lược sản phẩm nói trên (không quy hoạch phát triển theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã như hiện nay)
- Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển các khu đô thị nhỏ ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái để tạo ra các cơ sở dịch vụ đầu vào - đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.
- Thiết lập chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát
triển sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng, đô thị nông thôn theo quy hoạch vùng.
2.3.2 Xây dựng nền nông nghiệp thể chế
Áp dụng phổ biến mô hình quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, từ trang trại đến bàn ăn hay xuất khẩu đến mạn tàu, tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng (Contract farming) ở mỗi vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng đầu vào - đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và các trang trại sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn cùng với các hợp tác xã đích thực của họ là những chủ thể quan trọng nhất của chuỗi giá trị ngành hàng và mối liên kết sản xuất nông sản. Doanh nghiệp phải là “nhạc trưởng”
hay “hạt nhân” trong việc tổ chức lại sản xuất theo hợp đồng, quản lý chuỗi giá trị ngành hàng và cùng với các trang trại và các hợp tác xã của họ thiết lập cơ chế phân chia trách nhiệm và lợi ích hợp lý giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị ngành hàng. Đó chính là cơ sở kinh tế tạo ra tính bền vững của mối liên kết này.
Trang trại là một tổ chức kinh doanh nông sản tự chủ, thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, trong nền kinh tế thị trường. Do đó, luật pháp phải thừa nhận trang trại cũng tồn tại theo các hình thức tổ chức kinh doanh theo luật doanh nghiệp. Nhưng do sản xuất nông nghiệp mang tính sinh học, loại hình trang trại tồn tại phổ biến - lực lượng sản xuất nông sản hàng hóa chủ yếu, ngay cả ở những nước phát triển nhất - là
trang trại gia đình (kinh tế nông hộ - Farm household) và trang trại cá nhân (sole farm) không có cấp quản lý trung gian (doanh nghiệp tư nhân theo cách gọi của Luật doanh nghiệp Việt Nam). Quy mô kinh doanh của các trang trại này ngày càng mở rộng nhờ cơ giới hóa, hiện đại hóa, tin học hóa, chứ không phải nhờ gia tăng sức lao động trong mỗi trang trại đến mức phải thiết lập cấp quản lý trung gian như các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.
Hợp tác xã đích thực theo Luật hợp tác xã năm 2012 chỉ được hình thành và phát triển bền vững, đạt hiệu quả cao, khi các thành viên chủ yếu của nó là các chủ trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo GAP. Trong chuỗi giá trị ngành hàng, hợp tác xã vừa là chủ thể tham gia hợp tác với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào - đầu ra cho nông nghiệp nghiệp, vừa là đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp ấy. Trong giai đoạn phát triển cao, nhiều hợp tác xã sẽ trở thành “nhạc trưởng”
hay “hạt nhân” của chuỗi giá trị ngành hàng, cạnh tranh với các doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp nhà nước, đang được gọi với các tên khác nhau, cần được đổi mới theo hướng sau:
- Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước này thành các công ty cổ phần, chuyên thực hiện dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của các hộ công nhân nhận khoán và các trang trại khác trên địa bàn, thực hiện ngay việc quản lý theo chuỗi giá trị ngành
hàng, áp dụng công nghệ cao, thực hiện GAP trên diện tích đất nông, lâm, nghiệp và chuồng trại, ao nuôi của mình. Tuyệt đối không chia nhỏ diện tích đất nông nghiệp, ao nuôi của các doanh nghiệp này để biến công nhân nông nghiệp thành nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
- Các hộ công nhân nhận khoán của các doanh nghiệp này trở thành chủ thể của các trang trại dự phần (affiliated farm) hay công ty dự phần (affiliated company) trong nông nghiệp, chuyên thực hiện các khâu nông nghiệp mang tính sinh học, theo GAP, dưới sự chỉ đạo của doanh nghiệp, đồng thời có thể là cổ đông của công ty cổ phần nói trên.
Như vậy, về mặt pháp lý, doanh nghiệp là một pháp nhân kinh doanh trong nền kinh tế thị trường thực hiện quản lý toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng diễn ra trên diện tích đất nông nghiệp, ao nuôi, được Nhà nước giao quyền sử dụng. Nhưng trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng trại, ao nuôi được giao khoán cho hộ công nhân, doanh nghiệp có vai trò cung ứng dịch vụ đầu vào - đầu ra, buộc họ thực hiện sản xuất theo GAP; còn hộ công nhân nhận khoán có toàn quyền chủ động, kể cả đầu tư thêm vật tư và lao động ngoài mức nhận khoán, để thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học trong khuôn khổ hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Do đó, họ trở thành chủ thể dự phần trong các khâu sản xuất này của chuỗi giá trị ngành hàng. Quan hệ giữa các hộ nhận khoán - chủ trang trại dự phần,với doanh nghiệp là quan hệ thị trường, bình đẳng trong giao dịch mua bán dịch vụ đầu vào - đầu ra. Mô
hình này đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả cao, qua các điển hình như Nông trường Sông Hậu trước đây và Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hiện nay.
Nhà nước phải xóa bỏ các tổ chức kinh doanh nói chung và kinh doanh nông nghiệp nói riêng không theo Luật doanh nghiệp hiện hành, như:
- Tổng công ty và các công ty thành viên của nó hiện đều được coi là doanh nghiệp, nên đã tạo ra cơ cấu doanh nghiệp cấp trên, doanh nghiệp cấp dưới theo kiểu hành chính, làm triệt tiêu tính tự chủ kinh doanh vốn có khách quan của doanh nghiệp. Ví dụ như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) bao gồm hàng chục công ty thành viên, trong khi chỉ có tổ chức nào có đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh mới được thừa nhận là doanh nghiệp trên thực tế. Vì thế, nếu các công ty thành viên có quyền tự chủ kinh doanh thì tổng công ty không thể cũng có quyền tự chủ kinh doanh và ngược lại. Tình trạng không rõ ràng về quyền tự chủ kinh doanh giữa tổng công ty và các công ty thành viên đã làm mất tính năng động trong kinh doanh của chúng. Mặt khác, cần xóa bỏ các hình thức tổ chức có những tên gọi bất bình thường như “công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - Tổng công ty X” (ví dụ: Công ty cổ phần - Tổng công ty xây dựng Thủy lợi 4).
- Tập đoàn là một thực thể kinh tế không có tư cách pháp nhân, nhưng hiện nay lại tồn tại với tư cách là một tổ chức có tư cách pháp nhân cấp trên của các doanh
nghiệp thành viên. Do đó, cần xóa bỏ các tổ chức có tên gọi bất bình thường, như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên - tập đoàn Y (ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên - Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam).
- Công ty mẹ - công ty con là một cơ cấu được hình thành theo quan hệ sở hữu vốn, không theo cơ cấu hành chính cấp trên - cấp dưới. Công ty mẹ phải là công ty tài chính hay ngân hàng thương mại, đầu tư vốn của mình để tạo ra các doanh nghiệp con với các hình thức khác nhau, theo Luật doanh nghiệp. Nếu ngược lại như tình trạng hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa vật phẩm và hàng hóa dịch vụ lại lập ra các công ty tài chính hay ngân hàng thương mại với tư cách là công ty con, để huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế, rồi cho công ty mẹ vay lại. Điều đó đã tạo ra khả năng tài chính để các doanh nghiệp này (công ty mẹ) đầu tư ngoài ngành, không thuộc lợi thế của mình, nên đã gây ra khối nợ xấu khổng lồ và bong bóng bất động sản cực lớn trong nền kinh tế quốc dân.
- Xóa bỏ các loại hiệp hội doanh nghiệp đang tồn tại như là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý Nhà nước, ví dụ như Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA.
- Chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển của Nhà nước chỉ theo ngành hàng và vùng sinh thái, tuyệt đối không theo chủ thể kinh doanh. Các tổ chức kinh doanh dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, hợp tác xã và trang trại, đều được bình đẳng trong kinh doanh,
cùng hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nếu kinh doanh cùng ngành hàng trong cùng một vùng nông nghiệp sinh thái. Phải kiên quyết xóa bỏ sự độc quyền kinh doanh và các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Để tạo khung pháp lý bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo chiến lược và quy hoạch phát triển của Nhà nước, cần có những chính sách như sau:
- Xây dựng khung pháp lý để thị trường mua bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, tạo ra những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, theo GAP, áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tin học hoá, làm giảm sức lao động trong nông nghiệp, chứ không phải chỉ làm giảm số công đầu tư cho sản xuất, tính trên một đơn vị đất nông nghiệp hay đầu gia súc, gia cầm, tạo ra nông sản có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nhà nước cần đầu tư đào tạo miễn phí để tạo ra một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
- Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về tài chính (đầu tư, tín dụng, thuế...) đối với các doanh nghiệp, các trang trại và hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP ở các vùng nông nghiệp sinh thái, theo chiến lược và quy hoạch phát triển của Nhà nước.
- Nhà nước cần gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ để có nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không phải chỉ tạo ra những khu nông nghiệp công nghệ cao như hiện nay, gia tăng hàm lượng chất xám trong giá trị sản phẩm của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Các khái niệm và căn cứ khoa học nêu trên phải là cơ sở đề ra các giải pháp xây dựng lại nền nông nghiệp ngay trong năm 2014 và trong suốt quá trình phát triển của nó, thì mới có thể đạt được hiệu quả mong muốn về kinh tế, xã hội cũng như môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Tháng 1-2014
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO ĐỂ XÂY DỰNG LẠI
NỀN NÔNG NGHIỆP NƯỚC TA HIỆN NAY
Hiện nay, nền nông nghiệp nước ta không chỉ lạc hậu về trình độ phát triển, xét về tất cả các mặt, mà điều nguy hiểm hơn cả sự lạc hậu là nó đang đầu độc toàn dân một cách hợp pháp bằng nông phẩm không an toàn. Cần nhấn mạnh là tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (đồ ăn và uống) là điều tối thiểu và cần thiết trước tiên phải đạt được ở tất cả nền nông nghiệp. Chúng ta thường nói đến sản xuất nông phẩm an toàn bằng việc tạo ra các cơ sở, vùng nông nghiệp áp dụng GAP, HACCP, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng. Số lượng nông sản an toàn là không đáng kể so với sản lượng nông phẩm được người dân tiêu dùng hằng ngày. Người nông dân thường cho rằng chi phí sản xuất nông phẩm theo GAP cao, nhưng giá bán không cao hơn bao nhiêu, thậm chí bằng với giá nông sản được sản xuất “theo truyền thống”, tức là nông sản không an toàn. Người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là nông sản an toàn, đâu là nông sản không an toàn. Cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng cũng không thể kiểm
soát được quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kết quả là, hiện nay, nền nông nghiệp đang tạo ra nông phẩm không an toàn bằng việc lạm dụng chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh,... Cả xã hội bất lực, đành chấp nhận tình trạng này như là một điều hiển nhiên, được gọi là nền nông nghiệp “truyền thống”. Thật là oan uổng. Nền nông nghiệp truyền thống đúng nghĩa đã tồn tại hàng ngàn năm nay, là nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nông sản vừa sạch vừa ngon (tuy ít về số lượng) hơn là nền nông nghiệp an toàn mà ta đang phấn đấu thực hiện. Nếu nghĩ sâu hơn một chút, người ta thấy rằng sự buông xuôi của xã hội, của người dân, của cơ quan Nhà nước,... trước thực trạng này chính là đang vô tình thừa nhận tính hợp pháp của một nền nông nghiệp vốn bất hợp pháp. Không một quốc gia nào chấp nhận một nền nông nghiệp cung cấp nông sản không an toàn cho người dân. Pháp luật chỉ có thể chế tài và loại bỏ một loại nông sản cụ thể không an toàn đang được bày bán trên thị trường trong những trường hợp hiển nhiên và cá biệt, khi cơ quan chức năng phát hiện nó chứa chất độc hại, như melamine trong sữa, dư lượng thuốc kháng sinh trong thủy sản, dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật trong rau - quả, chất kích thích nảy mầm trong giá đỗ, hàm lượng hàn the quá nhiều trong giò, chả...
Mặt khác, nông phẩm xuất khẩu sang các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... lại được kiểm soát chặt
chẽ, không những loại bỏ những lô hàng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn mà cả những lô hàng không đáp ứng tiêu chuẩn cao theo luật pháp của các quốc gia này.
Vì vậy, trên thực tế, chúng ta đang thừa nhận tính hợp pháp của việc sản xuất, mua, bán, tiêu thụ nông sản không an toàn trên thị trường nội địa. Giải pháp khắc phục tình trạng này của nền nông nghiệp chính là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng. Nói cách khác, giải pháp ứng dụng công nghệ cao không phải chỉ để tạo ra các khu nông nghiệp công nghệ cao, mà là để tạo ra nền nông nghiệp công nghệ cao.
Việc tạo lập nền nông nghiệp công nghệ cao chính là nội dung xây dựng lại nền nông nghiệp nước ta hiện nay, hay nói theo ngôn ngữ chính thống, là “tái cấu trúc nền nông nghiệp”. Mà tái cấu trúc nền nông nghiệp lại là nội dung cơ bản, quan trọng trước tiên của việc xây dựng nông thôn mới, hay là phát triển nông thôn bền vững. Do vậy, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay phải bao gồm chương trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, chứ không phải chỉ là các dự án xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao. Nội dung của chương trình quốc gia xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao rất rộng, là một hệ thống tổng thể trên tầm vĩ mô và vi mô, bao gồm các giải pháp kỹ thuật, kinh tế, quản lý, xã hội, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực... được thực hiện ở tất cả các khâu, các chủ thể trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, từ trang trại đến bàn ăn, ở các