Chặng đường đầu trong những năm tiền đổi

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY: NHỮNG TRĂN TRỞ VÀ SUY NGẪM (Trang 175 - 178)

III. Những chặng đường phát triển

1. Chặng đường đầu trong những năm tiền đổi

Đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ khả năng giải đáp các câu hỏi trên là yếu tố quyết định. Nhưng số giáo viên có kinh nghiệm lại quá ít, kiến thức lạc hậu do được đào tạo trong cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung, quan liêu. Phần lớn giáo viên mới được tuyển chọn từ sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Nông nghiệp 4 trong các năm 1983, 1984, 1985. Ngay trong đội ngũ cán bộ chủ

chốt của Trường, hai quan điểm cấp tiến và bảo thủ trong chuyên môn và trong đào tạo sử dụng giáo viên cũng còn đang đấu tranh với nhau. Ông Lưu Hữu Túy đã có chủ trương sáng suốt để giải quyết vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên theo hai hướng:

- Tạo ra mạng lưới giáo viên thỉnh giảng. Họ là những nhà giáo chuyên nghiệp có trình độ cao và uy tín trong xã hội, như GS. Trần Đình Bút,... là những nhà quản lý, các chuyên gia giỏi ở các cơ quan quản lý nhà nước, những người đang tham gia hoạch định chính sách đổi mới quản lý của Nhà nước, các nhà quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã... đương chức, có kinh nghiệm và đại diện cho xu hướng đổi mới thể chế kinh tế. Ấy vậy mà trong một lớp bồi dưỡng quản lý doanh nghiệp Nhà nước, học viên là những cán bộ quân đội chuyển sang làm kinh tế, đã chất vấn ông Túy rằng: “GS. Trần Đình Bút có phải là đảng viên không, mà lại giảng như vậy!

- Theo kinh nghiệm bản thân của PTS. Vũ Trọng Khải, việc đào tạo đội ngũ giáo viên cơ hữu của Nhà trường được thực hiện bằng cách buộc giáo viên phải tham gia các hoạt động thực tiễn của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu hoạch định chính sách và được bồi dưỡng theo các chuyên đề ngay trong các lớp học của Trường, cùng thảo luận với học viên.

Ngay từ những năm 80 của thế kỷ XX, giáo viên của Trường đã trực tiếp tham gia chỉ đạo xây dựng và quản lý tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp ở huyện

Củ Chi, huyện Hóc Môn (Thành phố Hồ Chí Minh), đi nghiên cứu thực tế ở các nông trường quốc doanh ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, nhất là ở các điển hình đổi mới quản lý như Nông trường quốc doanh Sông Hậu (Cần Thơ).

Đó là những bước đầu của chặng đường phát triển của Nhà trường.

Nhiệm vụ được giao rất rộng và phức tạp, mà năng lực lại hạn chế, Nhà trường phải “liệu cơm gắp mắm”, tập trung nghiên cứu nội dung quản lý tập đoàn sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh để đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ quản lý cơ sở (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, nông trường quốc doanh). Giáo viên của Trường đến các cơ sở tham gia chỉ đạo đổi mới quản lý, đối chiếu giữa nghị quyết và chính sách Nhà nước với thực tiễn để phát hiện những vấn đề nảy sinh, lý giải nguyên nhân của chúng và đề xuất giải pháp. Đó chính là hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng nhằm giải đáp cho những vấn đề thực tiễn quản lý đang đặt ra. Lấy kết quả nghiên cứu làm nội dung giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng về quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, nông trường quốc doanh. Vì thế nghiên cứu khoa học ứng dụng trong quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, nông trường quốc doanh đã tạo được sức sống và bước đầu xác lập uy tín của trường quản lý.

Trong thời gian từ 1983 - 1988, PTS. Vũ Trọng Khải đã chủ trì thực hiện hai đề tài khoa học cấp thành phố là:

Xây dựng mô hình kinh doanh tổng hợp ở Hợp tác xã Xuân Lộc, xã Thạnh Lộc, huyện Hóc Môn, Thành

phố Hồ Chí Minh Bài học kinh nghiệm của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền nông nghiệp ở nông thôn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện đề tài khoa học cấp Bộ: Xã hội hóa xã hội chủ nghĩa nền sản xuất tiểu nông ở các tỉnh Nam Bộ. Kết quả nghiệm thu ba đề tài trên đều đạt loại khá và được Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh in thành sách và đăng trên tạp chí khoa học Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Kết quả nghiên cứu cho thấy: việc điều chỉnh ruộng đất đã xóa bỏ tầng lớp trung nông, lực lượng sản xuất hàng hóa nông sản chủ yếu ở Nam Bộ, việc chia ruộng đất cho những người ở nông thôn không biết làm nghề nông đã không những làm giảm hiệu quả sản xuất mà còn xóa bỏ sự phân công lao động vừa mới hình thành ở nông thôn, quay trở về nền kinh tế thuần nông. Những người buôn bán nhỏ và kể cả những người lao động làm thuê trong nông nghiệp cũng không muốn nhận ruộng đất vốn lâu nay thuộc quyền sở hữu của trung nông. Hơn nữa, ngay sau khi điều chỉnh ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, việc thành lập các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trên cơ sở tập thể hóa ruộng đất, rồi lại giao khoán đất cho xã viên, tập đoàn viên sản xuất theo mức bình quân nhân khẩu, đã một lần nữa thực hiện việc chia đều ruộng đất, làm giảm lực lượng sản xuất, trái với nguyện vọng của nông dân. Đó chính là nguyên nhân gây ra tranh chấp ruộng đất rất nghiêm trọng, gay gắt ở Nam Bộ

trong những năm cuối thế kỷ XX. Mô hình hợp tác xã Xuân Lộc được xây dựng không trên cơ sở tập thể hóa ruộng đất. Hợp tác xã Xuân Lộc chỉ kinh doanh dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã viên và mở mang ngành nghề phi nông nghiệp. Các hợp tác xã ở Nam Bộ thực hiện

“khoán nguyên canh” mà thực chất là “ruộng ai người nấy làm”. Do vậy, ở các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất này, tình trạng tranh chấp ruộng đất đã không xảy ra.

Ngoài các đề tài khoa học cấp Bộ và thành phố, Nhà trường còn xác lập các đề tài khoa học cấp trường. Cử nhân Phạm Văn Nhược chủ trì thực hiện đề tài Hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán ở Hợp tác xã Đức Long, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và đề tài Hoàn thiện chế độ hạch toán kế toán ở Nông trường quốc doanh Co Hin Đa thuộc Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ. Những kết quả nghiên cứu này không những làm sống động nội dung giảng dạy mà còn góp phần không nhỏ trong việc đổi mới chính sách nông nghiệp của Nhà nước.

Ngoài việc thực hiện các đề tài khoa học, giáo viên của Trường thường xuyên đến cơ sở, thâm nhập thực tiễn quản lý ở các hợp tác xã, nông trường quốc doanh để xây dựng nội dung bài giảng. Do vậy, nội dung giảng dạy của Trường đã đáp ứng yêu cầu thiết thực của người học. Giáo viên có cơ sở thực tế để áp dụng phương pháp giảng dạy theo tình huống thực tế. Vì vậy, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Nhà trường đã tìm được con đường thích hợp để đào tạo đội ngũ giáo viên, xây

dựng bài giảng, trả lời được câu hỏi: ai dạy, dạy cái gì, dạy thế nào. Con đường ấy chính là chu trình nhất thể hóa “Thực tiễn quản lý - Nghiên cứu khoa học ứng dụng - Đào tạo, tư vấn”.

Tuy năm 1985, chúng ta vẫn tuyên bố hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo nông nghiệp ở miền Nam với sự ra đời của hàng ngàn hợp tác xã, tập đoàn sản xuất. Nhưng thực chất, tình hình không phải như vậy. Những mầm mống đổi mới đã nảy sinh. Việc chấp nhận áp dụng Chỉ thị khoán 100 vào các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất ở Nam Bộ với hình thức “khoán nguyên canh” đã tạo ra nhân tố tiền đổi mới, góp phần cùng với thực tiễn ở miền Bắc, dẫn đến sự đổi mới về chất trong chính sách nông nghiệp, thể hiện trong Nghị quyết 10 tháng 4-1988 của Bộ Chính trị, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị sản xuất nông nghiệp tự chủ. Điều đó đã xóa bỏ cơ sở kinh tế của sự tồn tại của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất dựa trên cơ sở tập thể hóa ruộng đất, thừa nhận mô hình hợp tác xã Xuân Lộc (Hóc Môn), chỉ làm dịch vụ cho kinh tế hộ xã viên, không tập thể hóa ruộng đất. Tuy nhiên hậu quả của việc “cào bằng” ruộng đất ở Nam Bộ là rất nghiêm trọng. Điều đó không chỉ làm giảm sút nghiêm trọng năng lực sản xuất nông sản hàng hóa mà còn gây xung đột xã hội ở nông thôn, thể hiện qua các vụ tranh chấp ruộng đất, khiến chính quyền phải xử lý trầy trật trong nhiều năm liền, đến nay vẫn chưa “tiệt nọc”.

Để thực hiện nhiệm vụ, Bộ quyết định cho Nhà trường thành lập bốn khoa:

Khoa Kinh tế chung (còn gọi là Khoa Cơ sở).

Khoa Tổ chức quản lý xí nghiệp (hợp tác xã và nông trường quốc doanh).

Khoa Nghiệp vụ quản lý (Kế toán - Lao động - Tiền lương).

Khoa Kỹ thuật nông nghiệp và văn hóa.

Nhưng trên thực tế, Khoa Kỹ thuật nông nghiệp và văn hóa chỉ là một bộ môn và ngày càng thu hẹp hoạt động.

Khoa Kinh tế chung chuyên giảng dạy kinh tế chính trị và triết học mácxít - lêninnít cũng không còn lý do phát triển vì học viên đã được học những môn này ở trường Đảng các cấp.

Khoa Nghiệp vụ quản lý không phản ánh được đúng nội dung giảng dạy. Trường quản lý phải đặt trọng tâm vào việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nhiều hơn là nâng cao nhận thức.

Song song với việc dạy và học, cơ sở vật chất của Nhà trường cũng được Bộ đầu tư. Hội trường và nhà lớp học 2 tầng được xây dựng (1984), nhà làm việc và lớp học 3 tầng bước đầu được xây móng và tầng trệt (1986), cư xá học viên 4 tầng được xây dựng móng và 2 tầng (1985), khu nhà khách 1 tầng được xây dựng năm 1987, nhà ăn 2 tầng phục vụ 200 học viên cũng được xây dựng trong giai đoạn này (1988).

Vì vậy, từ 1985 - 1988 Nhà trường đã mở được 61 lớp với 5.462 học viên, nhưng nội dung giảng dạy trong giai đoạn này gần như chỉ trong phạm vi quản lý hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY: NHỮNG TRĂN TRỞ VÀ SUY NGẪM (Trang 175 - 178)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)