III. Những chặng đường phát triển
2. Chặng đường đổi mới đầu tiên với tư duy “tự
Nông nghiệp, nông thôn nước ta thực sự đổi mới về chất trong thể chế quản lý, kể từ tháng 4-1988 với Nghị quyết
10 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý nông nghiệp”, trong đó, điều quan trọng nhất là thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, và với Nghị quyết Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, với việc Nhà nước ban hành chính sách tự do hóa thương mại, xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, dần dần xóa bỏ độc quyền ngoại thương của nhà nước, bước đầu tiếp nhận đầu tư nước ngoài,... Tuy vậy, chặng đường đầu đổi mới chỉ là sự “cởi trói” cho nông dân, nông nghiệp để nó có thể phát huy cao độ tiềm năng vốn có, bấy lâu nay bị kìm kẹp trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, mà thực chất là thể chế kinh tế nhà nước hóa cao độ và quan liêu. Trong hoàn cảnh đó, cái cũ và cái mới đan xen nhau, không chỉ diễn ra trong xã hội, mà còn trong Trường Quản lý Nông nghiệp Trung ương II. Biểu hiện rõ rệt nhất của sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới là :
- Trường có nhiệm vụ giảng dạy những môn kinh tế - chính trị, triết học Mác - Lênin hay không? Lớp Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước khóa 1, năm 1990 - 1991 đã học 150 tiết môn kinh tế chính trị và triết học Mác - Lênin và kéo dài trong 2 năm. Trong khi đó, học viên là những nhà quản lý đương chức, không có điều kiện học dài ngày và rất cần những kiến thức, kỹ năng thực hành để quản lý có hiệu quả doanh nghiệp trong cơ chế thị trường. Mặt khác, phần lớn học viên đã và sẽ được học kinh tế chính trị, triết học Mác - Lênin ở trường Đảng.
- Gần 10 giáo viên trẻ tốt nghiệp từ các Trường Đại học Kinh tế và Đại học Nông nghiệp, sau khi đã trải qua 4
- 5 năm nắm bắt thực tế quản lý ở các nông trường quốc doanh, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, bị giảm biên chế với lý do: giảng dạy cho học viên của Trường Quản lý, giáo viên phải là (hoặc có khả năng trở thành) đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những năm này, ở Trường Quản lý Nông nghiệp Trung ương II đã diễn ra tình trạng
“kẻ đầu bạc” ký quyết định cho “người đầu đen” về hưu non. Lực lượng giáo viên thiếu cả về số lượng và chất lượng. Việc cử đi đào tạo ở nước ngoài hầu như không thể có. Trong khi đó, thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp mới bị xóa bỏ trên Nghị quyết của Đảng, nhưng đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của công chức, các cán bộ quản lý kinh doanh ở doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã và trong cả người dân suốt mấy chục năm qua. Sự nghiệp đổi mới còn đang trong giai đoạn đổi mới tư duy. Thể chế kinh tế thị trường bước đầu hình thành, như Nghị quyết 217 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về mở rộng chứ chưa phải tôn trọng quyền tự chủ của đơn vị kinh tế cơ sở (được hiểu là doanh nghiệp nhà nước), việc khoán sản phẩm cho người lao động không chỉ áp dụng trong hợp tác xã, mà đang mở rộng cho các nông trường quốc doanh, đặc biệt là các nông trường quốc doanh trồng cà phê, dâu tằm tơ. Nông trường quốc doanh Sông Hậu đang nổi lên như một mẫu hình quản lý mới trong nông nghiệp. Trong khi đó, hợp tác xã nông nghiệp vẫn được quản lý theo mô hình cũ, mặc dù hộ xã viên đã trở thành đơn vị kinh tế tự chủ.
Tóm lại là, cơ chế quản lý kinh tế cũ mới bị thay thế trên nghị quyết nhiều hơn là trên thực tế. Cơ chế quản lý
kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước mới manh nha hình thành trên một vài văn bản pháp lý và ở một số đơn vị điển hình tiên tiến.
Trong hoàn cảnh đó, Nhà trường vẫn kiên trì đưa giáo viên thâm nhập thực tế để xây dựng đội ngũ, viết bài giảng phục vụ cho việc mở lớp. Mặt khác, Nhà trường vẫn kiên trì xây dựng mạng lưới giáo viên thỉnh giảng. Các GS. Trần Đình Bút, Trần Trung Hậu được mời giảng các chuyên đề ở tầm vĩ mô, đổi mới tư duy, từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, quá độ sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường. Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm) Nguyễn Khắc Chấn được mời giảng về đổi mới quản lý nông trường quốc doanh. Phó Trưởng ban Chính sách và Quản lý nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm Nguyễn Phượng Vỹ được mời giảng về đổi mới quản lý hợp tác xã, nông trường quốc doanh và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. TS. Bùi Ngọc Oánh, Tổ trưởng Bộ môn tâm lý xã hội, Trường Đại học Sư phạm được mời giảng về tâm lý học quản lý; ông Bùi Huy Luyến, chuyên gia ngân hàng được mời giảng chuyên đề về chính sách đầu tư - tín dụng cho hợp tác xã nông nghiệp và nông trường quốc doanh;
Chuyên viên Nguyễn Văn Cung ở vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm) được mời giảng về xây dựng phương án khoán sản phẩm và tổ chức lao động trong nông trường quốc doanh; GS. Dương Hồng Hiên được mời giảng về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp....
Nhưng về cơ bản, những nội dung về quản lý hợp tác xã, nông trường quốc doanh đều do giáo viên trẻ của Trường đảm nhận, sau khi nghiên cứu thực tế, viết bài giảng và được hội đồng khoa học góp ý... Giảng về lập kế hoạch sản xuất - tài chính trong nông trường quốc doanh, hợp tác xã có giáo viên Nguyễn Thắng, Trần Anh Tuyên;
giảng về tổ chức sản xuất ngành trồng trọt, chăn nuôi có Trương Hùng Nam, Nguyễn Văn Bảy,....
Gần như toàn bộ chương trình kế toán hợp tác xã và nông trường quốc doanh do giáo viên của trường đảm nhiệm. Phải kể đến công lao của Cử nhân Phạm Văn Nhược năm 1986 được Bộ điều động từ Vụ Kế toán - Tài chính về làm Trưởng Khoa Nghiệp vụ quản lý và PTS.
Trương Xuân Ngô, Phó Hiệu trưởng nhà trường và một số giáo viên trẻ như Bùi Văn Ten, Nguyễn Ngọc Điệp, Nguyễn Thị Xuân Lan (giáo viên Nguyễn Thị Xuân Lan nay là tiến sĩ, Trưởng Khoa Tài chính - Kế toán của Trường).
Trong giai đoạn này, Bộ Nông nghiệp, Bộ Lương thực và Bộ Công nghiệp thực phẩm sáp nhập thành Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm. Do đó, Trường Quản lý Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm cũng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Quản lý Nông nghiệp Trung ương II và Trường Quản lý Kinh tế lương thực (1987). Trường Quản lý Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã thành lập ba khoa: Khoa Cơ sở, Khoa Tổ chức quản lý, Khoa Nghiệp vụ quản lý và tổ bộ môn kỹ thuật. Tuy tên gọi các khoa chưa chuẩn, nhưng do Bộ xác lập nên Trường phải cụ thể hóa nhiệm vụ cho trưởng
khoa, bộ môn và giáo viên để có thể xây dựng chương trình giảng dạy và giảng dạy trên cả lĩnh vực quản lý hành chính - kinh tế của Nhà nước, và trên lĩnh vực quản lý kinh doanh trong các nông trường quốc doanh và hợp tác xã, các doanh nghiệp chế biến, buôn bán nông sản.
Năm 1990, ông Lưu Hữu Túy được bầu làm Bí thư Đảng ủy khối của Bộ Nông nghiệp ở phía Nam. Ông Nguyễn Văn Hóa, cựu Hiệu trưởng Trường Quản lý Kinh tế lương thực và đang là Phó Hiệu trưởng Trường Quản lý Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm được Bộ đề bạt lên làm Hiệu trưởng, thay ông Lưu Hữu Túy. Thực hiện ý đồ của người tiền nhiệm, ông Nguyễn Văn Hóa quyết định mở lớp “Giám đốc doanh nghiệp nhà nước” đầu tiên. Đối tượng học viên là các chánh, phó giám đốc; trưởng, phó phòng; các chuyên viên quản lý thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo của các doanh nghiệp nhà nước trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, buôn bán nông sản. Khóa đầu tiên, học viên đến từ Tổng Công ty 15 (Binh đoàn 15), Bộ Quốc phòng; các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam,... đóng trên địa bàn Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Chương trình học tập bao gồm ba phần chính: Kinh tế chính trị học Mác - Lênin; đổi mới tư duy kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường; quản lý nhà nước (đối với nền kinh tế thị trường và doanh nghiệp bằng luật pháp) và quản trị doanh nghiệp. Phần quản trị doanh nghiệp lại được chia thành các chuyên đề: các loại hình doanh nghiệp trong
nền kinh tế thị trường, xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing, kế hoạch sản xuất - kỹ thuật và tài chính, tổ chức các ngành sản xuất và đơn vị sản xuất trong doanh nghiệp, kinh doanh xuất khẩu nông sản, quản lý tài chính, dự án đầu tư, quản trị nhân sự, kế toán doanh nghiệp dành cho giám đốc, tổ chức thông tin và kiểm tra đánh giá hoạt động kinh doanh, một số tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi...
Vì nội dung khá rộng nên thời gian khóa học kéo dài hai năm. Giáo viên của Trường đã đảm trách 70% chương trình. Cuối khóa, mỗi học viên bắt buộc phải viết và bảo vệ chuyên đề trước Hội đồng chấm thi của trường. Viết và bảo vệ chuyên đề để rèn luyện kỹ năng vận dụng tổng hợp các kiến thức đã học và kinh nghiệm bản thân vào việc phát hiện và giải quyết một vấn đề quản lý cụ thể ở doanh nghiệp mà học viên đang công tác, rèn luyện kỹ năng trình bày, thuyết phục người nghe về nội dung luận giải của mỗi học viên.
Ông Nguyễn Văn Hóa theo dõi sát các bài giảng của giáo viên bằng cách kết nối micro ở giảng đường với phòng làm việc của Hiệu trưởng. Ông rất lo sợ xảy ra sai sót trong giảng dạy của giáo viên trẻ, nhất là sai sót về “quan điểm” trong thời kỳ khó phân định “đúng, sai”. Khi bảo vệ chuyên đề tốt nghiệp, đích thân Hiệu trưởng cũng tham dự hội đồng chấm thi để có thể đánh giá chính xác hơn kết quả của khóa học quan trọng này. Ông đã cho một học viên điểm 10 bảo vệ chuyên đề tốt nghiệp (Anh Thìn - Giám đốc Nông trường Cù Bị thuộc Công ty Cao su Đồng
Nai), mặc dù học viên này chỉ được điểm 7 cho bản viết chuyên đề. Điều này chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc và chặt chẽ của Hiệu trưởng nhà trường và các giáo viên đối với khóa đào tạo giám đốc. Ông Hóa rất lo có thể có khiếm khuyết trong giảng dạy, hoặc giảng kém thuyết phục. Ấy vậy mà cũng có giáo viên kỳ cựu đã phê phán PTS. Vũ Trọng Khải là duy tâm khi giảng trên lớp rằng một trong những đặc điểm của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường là rủi ro (risk) vì họ cho rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa được kế hoạch hóa nên không thể có rủi ro!
Năm 1991, PTS. Vũ Trọng Khải chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố: Xây dựng hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu này cho thấy cần phải xây dựng ngay hệ thống khuyến nông như là một “công cụ mềm”, không có tính cưỡng chế của Nhà nước, để đào tạo “nông dân đương chức”. Do vậy, ông Nguyễn Văn Hóa, không chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ, đã ra quyết định thành lập Khoa Khuyến nông và Phát triển nông thôn và giao cho PTS. Vũ Trọng Khải làm Trưởng khoa. Điều đó chứng tỏ sự nhạy cảm và quyết đoán của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hóa. Đây là tổ chức đào tạo cán bộ khuyến nông đầu tiên trong cả nước. Khoa đã liên tục mở các lớp về “phương pháp, kỹ năng khuyến nông”, “lập kế hoạch khuyến nông”, “phương pháp phát triển cộng đồng”, “phương pháp truyền thông giao tiếp trong khuyến nông”, “phương pháp xây dựng đề án phát triển nông thôn có sự tham gia của người dân”. Trường đã lập tủ sách
khuyến nông, trong 3 - 4 năm đã dịch, biên tập được một số đầu sách: Kinh tế hộ gia đình nông dân, Nông trại gia đình ở Đài Loan, Khuyến nông, Tài liệu tập huấn luật hợp tác xã và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành trong nông nghiệp.
Nhà trường không xin và cũng không thể xin được kinh phí từ ngân sách nhà nước cho việc dịch, biên tập và xuất bản các cuốn sách này. “Lấy sách nuôi sách” là cách tạo kinh phí cho tủ sách khuyến nông.
Kết quả là từ đầu năm 1992 đến 1995, nhà trường đã mở được 9 lớp khuyến nông. Ngoài giáo viên ở Trường, các giáo viên thỉnh giảng đều là các chuyên gia đầu ngành, như GS. Vũ Cao Thái, Mai Văn Quyền, Phạm Văn Biên, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Thạc sĩ phát triển cộng đồng Nguyễn Thị Oanh...
Để bảo đảm chất lượng giảng dạy, giáo viên của Trường tiếp tục đi nghiên cứu thực tế, thực hiện các đề tài khoa học cấp trường, cấp thành phố, cấp Bộ, hay làm tư vấn cho doanh nghiệp. PTS. Vũ Trọng Khải chủ trì nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ: Hoàn thiện và thử nghiệm một số hình thức tổ chức quản lý kinh doanh mới ở doanh nghiệp nông nghiệp - Công ty Cao su Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (1994 - đạt loại khá); hai đề tài cấp thành phố: Bài học kinh nghiệm cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh (1989 - loại khá), Xây dựng thí điểm mô hình quản lý kinh doanh tổng hợp ở Hợp tác xã Xuân Lộc, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh
(1988 - loại khá); Giảng viên Nguyễn Thắng chủ trì xây dựng đề án: Thí điểm bán vườn cây cao su cho công nhân ở Công ty Cao su Lộc Ninh (1995). Nội dung bài giảng thực sự là kết quả của việc nghiên cứu khoa học và thực tế quản lý ở các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Mặt khác, Nhà trường còn cử giáo viên tham dự các chuyên đề khoa học để nâng cao trình độ lý luận về kinh tế thị trường, phát triển nông thôn bền vững... Giảng viên Ngô Anh Thư tuy mới tốt nghiệp đại học được Nhà trường thu nhận chưa đầy 2 năm nhưng vẫn được cử đi học thạc sĩ phát triển nông thôn ở Thái Lan. Tất nhiên điều đó không phải được diễn ra suôn sẽ. Không dễ gì những người lãnh đạo bảo thủ lại có thể chấp nhận cử một giáo viên chưa hết tập sự đi học thạc sĩ ở nước ngoài.
Năm 1989, Luật đầu tư nước ngoài được ban hành.
Nhà trường thấy rõ nhu cầu học tiếng Anh, nhưng kinh phí ở đâu? Đề tài khoa học cấp Bộ: Xã hội hóa xã hội chủ nghĩa nền nông nghiệp tiểu nông ở Nam Bộ được cấp kinh phí 1.000đ. Chủ nhiệm đề tài - PTS. Vũ Trọng Khải đã dành toàn bộ số tiền này để mở lớp tiếng Anh đầu tiên cho giáo viên trong 10 tháng. Sau khóa học này, giáo viên học tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ đều được nhà trường thanh toán học phí. Do vậy, đến nay hầu hết giáo viên của trường đều có thể sử dụng tiếng Anh phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Về nhân sự, năm 1992, Bộ đề bạt PTS. Vũ Trọng Khải làm Phó Hiệu trưởng, phụ trách đào tạo và nghiên cứu
khoa học. Cuối năm 1992, ông Nguyễn Văn Hóa nghỉ hưu.
Bộ đề bạt PTS. Phó Hiệu trưởng Trương Xuân Ngô làm Quyền Hiệu trưởng và Hiệu trưởng từ năm 1993 đến tháng 6-1997.