II. PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
3. Nhà nước kiến tạo sự phát triển nông thôn
• Luật pháp và chính sách của Nhà nước tác động và phân biệt đối xử (khuyến khích hay hạn chế kinh doanh) theo các đối tượng là ngành hàng và vùng nông nghiệp sinh thái, tuyệt đối không theo đối tượng là chủ thể kinh doanh.
• Luật pháp và chính sách bảo đảm bình đẳng cạnh tranh trong kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh, chế tài nghiêm khắc các chủ thể kinh doanh gian lận như làm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm ô nhiễm môi trường, trốn thuế, bội tín trong thực thi hợp đồng kinh tế...
• Luật pháp và chính sách bảo đảm việc phân phối nguồn lực đầu vào của sản xuất theo cơ chế thị trường.
Các nguồn lực như đất đai, tiền vốn, sức lao động, vật tư nguyên, nhiên vật liệu, trang thiết bị, máy móc... được
“chảy” vào các tổ chức có khả năng sử dụng chúng đạt hiệu quả cao nhất; đồng thời, luật pháp, chính sách cũng bảo đảm việc tiêu thụ nông sản, với giá cả hợp lý, có lợi nhất cho cả người bán và người mua, xóa bỏ triệt để cơ chế xin - cho trong phân phối nguồn lực và tiêu thụ hàng hóa.
3.2 Quản lý vĩ mô của Nhà nước
• Xác định các loại nông sản hàng hóa chủ lực của quốc gia và của mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (không theo đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố, huyện, xã) để có chính sách tác động đúng hướng, làm cho cả doanh nghiệp và trang trại cùng đầu tư theo chiều sâu.
• Xây dựng khung pháp lý cho thị trường mua - bán, cho thuê quyền sử dụng ruộng đất, ao nuôi, chuồng trại...
diễn ra thuận lợi, công khai, minh bạch để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, được cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao theo GAP. Không thể thực hiện việc “dồn điền đổi thửa” theo kiểu “đất đổi đất” như hiện
nay, mà phải áp dụng việc mua bán, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, thuận mua, vừa bán.
• Xây dựng các khu đô thị nhỏ ở các vùng nông nghiệp sinh thái, bao gồm khu công nghiệp - dịch vụ và khu dân sinh. Điều đó tạo lập được kế sinh nhai ổn định, lâu dài, “an cư lạc nghiệp” cho những người nông dân kém khả năng sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất của những nông dân giỏi nghề nông, đồng thời, hạn chế tối đa việc di dân tự phát từ nông thôn vào các khu công nghiệp ở các thành phố lớn như hiện nay.
Trong thời gian qua, chúng ta chỉ đầu tư xây dựng khu công nghiệp, ở các thành phố lớn, không có khu dân sinh theo kiểu đô thị văn minh với các tiện ích công cộng, như nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, chợ, cửa hàng, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường...
Do vậy, việc di dân tự phát từ nông thôn đã tạo ra các siêu đô thị với đầy rẫy những vấn đề nan giải về kinh tế, xã hội và môi trường. Luật pháp và chính sách mới chú trọng bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mà chưa bảo vệ đúng mức lợi ích chính đáng của người làm thuê trong các khu công nghiệp. Do vậy, người nông dân ra thành phố làm công nhân với tâm lý tạm bợ vì thu nhập rất bấp bênh, đời sống vật chất, tinh thần nghèo nàn, môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Họ trở thành công dân hạng hai, sống trong các nhà ổ chuột, không được hưởng các dịch vụ công, như giáo dục, y tế... Khi sinh con, họ lại phải gửi chúng về quê, nhờ ông bà nuôi dạy hộ. Hơn nữa, khi bước vào tuổi trên dưới 40, không còn trẻ để chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng
lại đã già so với áp lực công việc ở các khu công nghiệp, họ sẽ bị giới chủ sa thải để tuyển lớp công nhân mới trẻ hơn.
Khi đó, vấn đề nan giải về kinh tế, xã hội là hết sức lớn, hầu như không có giải pháp khắc phục. Mặt khác, nhiều khi họ còn bị giới chủ và quản lý đối xử tệ bạc, coi thường nhân phẩm. Uất ức dồn nén lâu ngày, chỉ cần có sự kiện làm “giọt nước tràn ly”, họ có thể trở nên hung bạo, như đã xảy ra trong thời gian qua. Họ luôn ở tư thế, nếu có biến động, gặp khó khăn, lại trở về nông thôn, chia lại công việc vốn đã quá ít với người nông dân. Điều đó đã cản trở quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất.
Các khu đô thị nhỏ, bố trí phân tán ở các vùng nông nghiệp sinh thái không chỉ tạo việc làm, thu hút sức lao động dôi dư trong nông nghiệp mà còn đóng vai trò cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu dịch vụ đầu vào - đầu ra của sản xuất nông nghiệp.
• Cần xóa bỏ các chính sách bao cấp theo cơ chế xin - cho. Ví dụ: chính sách miễn thủy lợi phí đã buộc các trang trại, hợp tác xã phải xin cung cấp dịch vụ tưới - tiêu nước từ các công ty thủy nông; còn công ty thủy nông phải xin cơ quan quản lý tài chính của Nhà nước cấp bù kinh phí hoat động. Điều đó làm nảy sinh tiêu cực và giảm chất lượng dịch vụ tưới - tiêu nước. Cuối cùng là nông dân và nông nghiệp chịu thiệt thòi. Chính sách tài trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp mua tạm trữ lúa gạo cũng vậy, gây lãng phí tiền thuế của dân mà nông dân trồng lúa không được hưởng lợi. Chỉ có doanh nghiệp kinh doanh mua - bán lúa gạo được hưởng lợi từ chính sách này. Mặt khác, cũng cần xóa bỏ sự độc quyền kinh doanh của một số doanh nghiệp và xóa bỏ
các hiệp hội có vai trò “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý Nhà nước đang tồn tại ở một số ngành hàng nông sản.
• Trong khuôn khổ “hộp xanh” (green box) của WTO, Nhà nước cần tài trợ kinh phí cho các hoạt động như: (i) đào tạo thanh niên nông dân thành nhà nông chuyên nghiệp, đủ khả năng quản lý trang trại và hợp tác xã của mình theo cơ chế kinh tế thị trường; (ii) tài trợ kinh phí khuyến nông, lãi suất tín dụng, miễn hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản áp dụng công nghệ cao, đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực, ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn theo quy hoạch của Nhà nước; (iii) tài trợ kinh phí cấp giấy chứng nhận sản xuất theo GAP, nhất là Global GAP cho các hợp tác xã và trang trại trong 2 - 3 năm đầu; (iv) tài trợ kinh phí cho các hợp tác xã quy mô lớn thuê giám đốc và các nhà quản lý, kỹ thuật chuyên nghiệp có trình độ cao trong 2 - 3 năm đầu; (v) đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học công nghệ và quản lý giúp cho việc giải quyết các vấn đề nảy sinh trong các khâu hoạt động của chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực ở các vùng nông nghiệp sinh thái do nhà nước quy hoạch.
Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên chính là tạo điều kiện cho người nông dân trở thành chủ thể đích thực của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, bền vững, hay là xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo cơ chế kinh tế thị trường.
Tháng 5-2014