XÃ VÀ LIÊN KẾT SẢN XUẤT
II. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ TRONG NÔNG NGHIỆP
1. Hình thành một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn và đội ngũ quản lý hợp tác xã chuyên nghiệp, thực hiện GAP, hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao. Họ chính là các chủ trang trại gia đình hay trang trại cá nhân không có cấp quản trị trung gian (một cấp quản lý) và các nhà quản lý hợp tác xã đủ năng lực cao cả về kinh tế - xã hội và môi trường.
Để có được đội ngũ ngày, Chính phủ cần ban hành và thực thi chính sách đầu tư ngân sách cho việc đào tạo đội ngũ "thanh nông tri điền", những nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lý trang trại sản xuất hàng hóa và có khả năng thành lập, quản lý hợp tác xã của họ, dần thay thế nông dân "cha truyền con nối", thay thế những
"lão nông tri điền", đồng thời đào tạo đội ngũ những nhà quản trị hợp tác xã chuyên nghiệp cả về kinh tế, tài chính, thương mại và kỹ thuật sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Toàn bộ hệ thống các trường, khoa nông nghiệp, từ đại học
đến trung học chuyên nghiệp, sẽ được Chính phủ thuê bằng hình thức đấu thầu để đào tạo nông dân, nhà quản trị hợp tác xã trẻ, chuyên nghiệp theo kế hoạch phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, áp dụng GAP, hội nhập với thế giới và theo kế hoạch cân đối ngân sách 5 năm trên mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (không theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã như hiện nay).
2. Hình thành và phát triển thị trường mua - bán, cho thuê đất nông nghiệp. Nhà nước ban hành khung pháp lý bảo đảm cho hoạt động của thị trường mua - bán và cho thuê quyền sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, diễn ra lành mạnh, thuận lợi, minh bạch. Cần xóa bỏ định chế "thu hồi" quyền sử dụng đất có bồi hoàn theo khung và mức giá do Nhà nước quy định. Thay vào đó là thực thi định chế mua - bán và cho thuê quyền sử dụng đất theo quan hệ cung - cầu của thị trường, giữa các chủ thể dân sự (kể cả tổ chức Nhà nước). Nhờ đó, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất diễn ra thuận lợi để hình thành các trang trại sản xuất hàng hóa lớn, các "nông dân lớn" có đam mê và năng lực làm giàu từ kinh doanh nông nghiệp ở các vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.
Điều đó tạo ra "CẦU" trên thị trường mua - bán, thuê quyền sử dụng đất.
3. Nhà nước đầu tư và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu đô thị phân tán ở các tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Khu đô thị nông thôn phải bao gồm hai bộ phận: tiểu khu công nghiệp - dịch vụ
để tạo việc làm, tiểu khu dân sinh để tạo lập cuộc sống văn minh.
Tiểu khu công nghiệp - dịch vụ trong khu đô thị nông thôn ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái trước hết phải đáp ứng nhu cầu đầu vào - đầu ra của sản xuất nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn trong mỗi khâu của chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tạo việc làm để thu hút, sử dụng sức lao động nông nghiệp dôi dư. Tiểu khu dân sinh trong khu đô thị phải có đủ năng lực tạo lập cuộc sống thường ngày cho người dân, bằng các tiện ích công cộng văn minh như: nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học các cấp, bệnh xá, nhà văn hóa - thể thao, chợ, hệ thống thông tin - liên lạc, giao thông nội khu có kết nối với bên ngoài...
Nhờ đó, người nông dân khi rời bỏ nông nghiệp, trở thành thị dân ở khu đô thị văn minh được “an cư lạc nghiệp”. Khi đó và chỉ khi đó, họ mới thực sự “ly nông”, bán hay cho thuê lâu dài quyền sử dụng đất ở quê nhà cho những nông dân lớn. Điều đó sẽ tạo ra “CUNG” trên thị trường mua - bán, cho thuê quyền sử dụng đất.
Còn nếu người nông dân ra làm công nhân ở khu công nghiệp vẫn phải gửi con về quê cho ông bà nuôi dạy, thì lúc đó, họ sẽ không thể bán hay cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
4. Nhà nước xác định chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại nông sản hàng hóa chủ lực theo vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái.
5. Nhà nước xây dựng quy hoạch và đầu tư thực hiện chiến lược quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo vùng nông nghiệp sinh thái, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển các loại nông sản hàng hóa chủ lực của mỗi vùng.
Cần lưu ý: không xây dựng chiến lược sản phẩm và quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo đơn vị hành chính tỉnh, huyện, xã như hiện nay. Bấy lâu nay, tư duy quản lý kinh tế theo cấp hành chính đã tạo ra mâu thuẫn nội tại, khiến cho nhiều tỉnh tự giác hoặc được trung ương chỉ đạo xây dựng và thực hiện cơ chế liên kết vùng, theo quy trình ngược.
6. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư áp dụng công nghệ cao trong chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất theo hợp đồng, liên kết với nông dân (chủ trang trại gia đình) sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị trong mỗi ngành hàng nông sản, trên từng vùng nông nghiệp sinh thái. Ví dụ, chính sách tài trợ kinh phí khuyến nông, tài trợ một phần lãi suất tín dụng để đầu tư áp dụng công nghệ cao, lấy chứng chỉ thực hiện Global GAP hay Viet GAP, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 - 4 năm đầu, v.v..
Đồng thời, cần xóa bỏ các chính sách gây bất công hay tạo tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, làm méo mó thị trường, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, như: chính sách tài trợ lãi suất tín dụng để doanh nghiệp mua tạm trữ nông sản, tài
trợ kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp thủy nông, trợ giá giống lai hay giống biến đổi gene cho các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu giống cây trồng, vật nuôi, ưu đãi doanh nghiệp nhà nước về đất đai, vốn... Những chính sách này chỉ tạo ra quan hệ xin - cho, mảnh đất phát sinh tham nhũng.
7. Liên minh hợp tác xã làm đúng chức năng của một tổ chức phi chính phủ, do các hợp tác xã tự nguyện thành lập và quản lý, có thể nhận tài trợ của Nhà nước để có thêm kinh phí hoạt động. Liên minh hợp tác xã không phải là cấp trên của hợp tác xã, càng không thể hoạt động như "cánh tay nối dài" của bộ máy Nhà nước như hiện nay. Liên minh hợp tác xã phải là tổ chức đại diện lợi ích của các hợp tác xã thành viên, bảo vệ quyền lợi của họ theo pháp luật, là cầu nối giữa hợp tác xã và các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật của Nhà nước.
8. Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã phải gắn với kế hoạch tài khóa, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng với Bộ Tài chính chủ trì xây dựng; các Bộ, ngành chỉ có trách nhiệm hướng dẫn thực thi chính sách, kế hoạch theo đặc trưng kinh tế - kỹ thuật của mỗi ngành, và phát hiện những khiếm khuyết, kiến nghị sửa đổi chính sách, kế hoạch phát triển hợp tác xã hiện hành.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, hợp tác xã nói chung và hợp tác xã trong nông nghiệp nói riêng, mới phát triển lành mạnh. Chỉ khi nào nông dân coi hợp tác xã là của mình, đủ năng lực tự quản, tự chịu trách nhiệm về sự thành bại của hợp tác xã, còn Nhà nước thực sự coi hợp tác
xã là của nông dân, chỉ làm đúng vai trò kiến tạo sự phát triển, thì hợp tác xã đích thực mới ra đời và hoạt động đạt hiệu quả như mong muốn, Luật hợp tác xã năm 2012 mới phát huy tác dụng tích cực; hợp tác xã mới trở thành một trong những nhân tố mới quan trọng của việc xây dựng lại nền nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại cả trong sản xuất và quản trị.
Tháng 11-2014.
XU THẾ HỢP TÁC
TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Sự hợp tác giữa các chủ thể cùng tham gia vào bất kỳ một chuỗi sản xuất - tiêu thụ của một loại sản phẩm nào đó là tất yếu khách quan để mang lại hiệu quả cao cho mỗi chủ thể. Sản xuất nông nghiệp trải rộng trong không gian và trải dài trong thời gian, nhiều, ít tùy thuộc vào từng loại ngành hàng (cây, con). Đối tượng sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp là cây, con, những cơ thể sống. Do đó, chất lượng và năng suất, giá trị gia tăng của sản xuất nông sản lại càng phụ thuộc vào chất lượng của sự hợp tác giữa các chủ thể tham gia vào chuỗi ngành hàng, từ cung ứng nguồn lực đầu vào (giống, phân, nước, tiền vốn...), tổ chức sản xuất nông phẩm trên đồng ruộng, vườn cây, chuồng trại, ao hồ nuôi trồng thủy sản, đến mua, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông phẩm.
Hiện nay, quy mô sản xuất của mỗi nông hộ, loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp, còn nhỏ với 8 - 10 công đất trồng trọt, vài trăm con gia cầm hay vài chục con heo, bò vài con, 1 - 2ha hầm nuôi cá,... Vì thế, số lượng nông sản hàng hóa của mỗi đơn vị sản xuất nông
nghiệp (nông hộ) không nhiều, dễ dàng tiêu thụ ở chợ quê.
Trong điều kiện đó, các nông hộ cần và có khả năng liên kết để thực hiện cung ứng nguồn lực đầu vào, dưới các hình thức như tổ đường nước, tổ hay câu lạc bộ khuyến nông và gần đây là tổ thu hoạch lúa bằng máy liên hợp gặt đập. Việc tiêu thụ nông sản do các thương lái mua gom tại ruộng, tại nhà hay ở chợ quê, bằng hợp đồng miệng - một hình thức liên kết dựa trên chữ “tín” và thông lệ truyền thống, phi chính thức.
Nhưng phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn và hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thì sản xuất nông nghiệp nước ta buộc phải thỏa mãn các nhu cầu cao và khắt khe của thị trường: (i) sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh; (ii) bảo đảm khối lượng lớn nông sản cung ứng theo lịch trình thời gian nghiêm ngặt, phù hợp với nhu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; (iii) tổ chức kênh phân phối hợp lý, tiết kiệm và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, của khách hàng.
Điều này tạo thành chuỗi ngành hàng “từ trang trại (nông hộ) đến bàn ăn” hay “từ cái cày đến cái đĩa”. Trong đó, nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện và phân chia giá trị gia tăng được tạo ra trong mỗi chuỗi ngành hàng, như các nhà cung ứng nguồn lực đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, phân, nước, tiền vốn...), nhà nông làm ra nông phẩm trên đồng ruộng, chuồng trại, ao nuôi, đến thương lái thu gom nông sản với tư cách là nguyên liệu
đầu vào của công nghiệp chế biến, nhà chế biến, bảo quản (sơ chế và chế biến sâu), nhà buôn bán sỉ, bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Các chủ thể này phải liên kết với nhau vì lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của các chủ thể khác trong chuỗi ngành hàng. Để đáp ứng được ba yêu cầu nêu trên, nhà nông phải thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP (Viet GAP hoặc Global GAP), nhà chế biến và nhà buôn (doanh nghiệp) phải thực hiện quy trình HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu hay là hệ thống kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm). Về phía nhà nông, để đáp ứng ba yêu cầu nêu trên, giải pháp có thể là:
- Quy mô canh tác hay chăn nuôi của mỗi nông hộ gia tăng, nhờ tích tụ và tập trung tư bản và ruộng đất, nhờ cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá.
- Các nông hộ nhỏ liên kết trong các hợp tác xã để tổ chức lại nên sản xuất theo phương châm “liền đồng, khác chủ, cùng trà giống”. Trong điều kiện này, nhà nông và hợp tác xã của họ mới có thể áp dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất và thực hiện GAP để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo ra khối lượng nông sản lớn, cung ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà chế biến - bảo quản nông sản.
Khi quy mô sản xuất của mỗi nông hộ (tức trang trại gia đình) và các loại trang trại khác gia tăng thì nhu cầu hợp tác, liên kết trong khâu tiêu thụ nông sản trở nên bức bách. Khi đó, hợp tác xã của các chủ trang trại mới có thể ra đời và chủ yếu để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông
phẩm. Lúc đó, hợp tác xã là một chủ thể quan trọng trong chuỗi ngành hàng, “từ trang trại đến bàn ăn”, các hợp tác xã này kinh doanh với quy mô lớn do tiêu thụ một khối lượng nông sản lớn của mỗi trang trại - xã viên, nên mới có thể thuê những nhà chuyên môn có trình độ cao về quản lý và kỹ thuật, trả lương cao theo mặt bằng của thị trường sức lao động. Vì thế, kinh doanh của hợp tác xã và của mỗi trang trại - xã viên mới đạt hiệu quả cao. Lúc đó và chỉ lúc đó, hợp tác xã đích thực mới ra đời và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng của nền kinh tế nói chung và của nền nông nghiệp nói riêng. Từ đó, một xu hướng liên kết khác xuất hiện. Đó là sự hình thành và phát triển mối liên kết giữa các trang trại lớn và hợp tác xã với các doanh nghiệp chế biến - bảo quản nông sản. Và cùng với quá trình này, vai trò của những thương lái thu gom sẽ giảm dần và họ có thể sẽ hòa nhập vào trong các hợp tác xã của các chủ trang trại hay trở thành đại lý mua gom của các doanh nghiệp chế biến - bảo quản nông sản.
Trong mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến - bảo quản với các hợp tác xã và chủ trang trại, doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng”, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của nông dân theo GAP và thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, giải quyết tốt ba vấn đề mà nhà nông không tự làm được là: (i) thương hiệu và thị trường; (ii) áp dụng công nghệ mới và (iii) vốn kinh doanh.
Các doanh nghiệp chế biến - bảo quản nông sản không chỉ bảo đảm việc tiêu thụ nông sản cho nông dân hay hợp tác xã, mà còn hướng dẫn nông dân thực hiện GAP, thông
qua việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ khuyến nông (trực tiếp cho các trang trại hay thông qua hợp tác xã). Nhờ đó, các doanh nghiệp này mới có nông sản nguyên liệu để chế biến, vừa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện HACCP, vừa đáp ứng đủ khối lượng và thời gian cung ứng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường (thông qua xuất khẩu hay các siêu thị trong nước).
Lúc này, sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp không thể bằng hợp đồng miệng, mà phải bằng hợp đồng kinh tế với những chế tài cụ thể, buộc nhà nông và nhà doanh nghiệp giữ chữ “tín” trên cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Nhưng để giải quyết tốt ba vấn đề trên, nhà doanh nghiệp còn phải liên kết, hợp tác với nhà khoa học để giải quyết các vấn đề công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và cả trong chế biến - bảo quản nông sản, liên kết với các tổ chức tín dụng để giải quyết vấn đề vốn cho nông dân và cho chính mình.
Nhờ đó, thương hiệu nông sản gắn với từng doanh nghiệp mới được xác lập trên thị trường trong và ngoài nước, làm gia tăng giá trị của hàng nông sản.
Ngoài việc tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản còn phải chủ động bàn bạc với các chủ thể khác, trước hết là với nông dân, hợp tác xã, để phân chia lợi ích một cách hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể cùng tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng.
Sự liên kết của các chủ thể này phải đặt dưới sự