II. PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
4. Những sự thay đổi cần thiết
Cần thay đổi tư duy và cách thức xây dựng nông thôn mới như thế nào?
- Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới, suy cho cùng, là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần dựa trên sự thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của họ trong sản xuất, đời sống và trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
- Nội dung phát triển nông thôn bao gồm bốn quá trình:
+ Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
+ Quá trình dân số học, đặc biệt là quá trình di dân, giảm dân số nông nghiệp.
+ Quá trình đô thị hóa và văn minh hóa nông thôn.
+ Quá trình bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Như vậy, về bản chất, sự nghiệp phát triển nông thôn ở nước ta hiện nay chính là nội dung căn bản của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Cho nên, việc phát triển nông thôn không chỉ diễn ra trên địa bàn làng xã mà tất yếu phải diễn ra trên không gian lãnh thổ quốc gia, không thể chỉ là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp mà là tất cả các ngành kinh tế quốc dân, trước hết là các ngành công nghiệp và dịch vụ trực tiếp phục vụ nông nghiệp ở cả đầu vào và đầu ra, không chỉ là tổ chức lại đời sống xã hội ở làng xã mà còn phải ở trên phạm vi quốc gia, ở từng vùng lãnh thổ, ở từng đơn vị tổ chức hành chính, theo hướng văn minh, hiện đại và giữ gìn truyền thống văn hóa lịch sử tốt đẹp của dân tộc. Đô thị hóa là để tạo ra các đô thị nhỏ ở vùng nông thôn, vừa làm vệ tinh cho các đô thị lớn, vừa là chỗ dựa để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thu hút, sử dụng sức lao động dư thừa trong nông nghiệp.
4.2 Đối với nông nghiệp - Chiến lược sản phẩm
Nhà nước cần xây dựng lại chiến lược sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi quốc gia, vùng và tiểu vùng sinh thái. Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp, trước hết là cấp quản lý ngành ở trung ương, phải xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng trên phạm vi quốc gia, vùng và tiểu vùng để thực hiện chiến lược sản phẩm đó. Sau đó, mỗi xã trong mỗi tiểu vùng nông nghiệp sinh thái mới có thể xây dựng quy hoạch phát triển của mình.
- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Đối với các ngành hàng nông sản có khối lượng hàng hóa lớn, như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, tôm, cá tra, heo, gà, sữa bò,... nhất thiết phải được tổ chức sản xuất theo hợp đồng (contract farming) “liền đồng, cùng trà giống, khác chủ” và quản lý theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn (hay mạn tàu xuất khẩu - FOB).
Trong đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông phẩm phải là nhạc trưởng trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, là người tổ chức lại nền nông nghiệp nhỏ lẻ của nông dân, bằng cách (trực tiếp hay liên kết với các doanh nghiệp khác) cung ứng giống xác nhận, dịch vụ khuyến nông theo GAP (Global GAP hay Viet GAP), vật tư nông nghiệp cho nông dân, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản hiện đại, áp dụng công nghệ cao, tổ chức kênh phân phối tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, tạo dựng thương hiệu cho
mỗi loại nông sản; giá cả thu mua nông sản trong hợp đồng sản xuất - tiêu thụ thể hiện sự phân chia hợp lý lợi ích và rủi ro giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp (không phải là thời giá theo cơ chế “nước lên thuyền lên”). Đối với loại nông sản quan trọng mà Nhà nước coi là ngành kinh doanh có điều kiện, thì chỉ có doanh nghiệp nào thực hiện được nội dung liên kết nói trên mới được tham gia thị trường. Ngoài ra, Nhà nước không được quy định giới hạn số doanh nghiệp tham gia kinh doanh mặt hàng nông sản đó. Nông dân tham gia vào mối liên kết này phải là nông dân sản xuất hàng hóa lớn, có thể từng nông hộ, từng trang trại trực tiếp liên kết với doanh nghiệp, hay tốt hơn là thông qua các tổ chức hợp tác hoặc hợp tác xã của mình.
Không thể có cánh đồng đồng liên kết sản xuất lớn (vùng sản xuất nông phẩm hàng hóa tập trung, quy mô lớn) của những nông hộ nhỏ với 5 - 7 công đất. Có chăng, với những nông hộ nhỏ, chỉ có thể là “cánh đồng mẫu” nhỏ để làm cảnh. Nông dân khi tham gia liên kết với doanh nghiệp vẫn có toàn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm lời - lỗ trong các khâu sản xuất mang tính sinh học trên đồng ruộng, vườn cây, ao nuôi, chuồng trại, đồi rừng của mình dưới hình thức chủ yếu là trang trại gia đình hay trang trại cá nhân không có cấp quản lý trung gian. Tổ hợp tác và hợp tác xã đích thực trong nông nghiệp chỉ có thể hình thành và hoạt động có hiệu quả khi thành viên của nó chủ yếu là những nông dân sản xuất hàng hóa lớn dưới hình thức trang trại gia đình hay trang trại tư nhân, không có cấp quản lý trung gian.
Các ngân hàng thương mại hoàn toàn có thể dựa vào hợp đồng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông để cho vay với tư cách là nhà đầu tư, một chủ thể tích cực, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, chứ không phải với tư cách là “nhà cầm đồ” như bấy lâu nay.
4.3 Chính sách quản lý vĩ mô
- Xây dựng khung pháp lý cho việc hình thành và hoạt động lành mạnh của thị trường mua - bán và cho thuê quyền sử dụng đất (bỏ chính sách thu hồi, đền bù giá trị quyền sử dụng đất của người dân). Nhờ đó, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ diễn ra lành mạnh để tạo ra các trang trại sản xuất hàng hóa lớn; doanh nghiệp và các khu dân cư phi nông nghiệp được xây dựng trên những vùng đất có địa tô chênh lệch thấp, giá mua rẻ, góp phần thúc đẩy phát triển các khu đô thị ở nông thôn (trong trường hợp vì mục tiêu an ninh quốc gia, Nhà nước phải trưng mua đất với giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường).
- Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà máy, kho chứa áp dụng công nghệ cao trong chế biến và bảo quản nông sản, tổ chức lại nền nông nghiệp theo hợp đồng và quản lý chuỗi giá trị ngành hàng nông sản như nêu ở trên, bằng cách: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hay miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3 - 5 năm đầu tùy loại công nghệ được áp dụng trong chế biến và bảo quản nông sản; tài trợ lãi suất tín dụng dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, kho bảo quản nông sản áp dụng công nghệ cao;
tài trợ kinh phí khuyến nông cho doanh nghiệp (xóa bỏ chính sách tài trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp mua tạm trữ nông sản).
- Nhà nước đào tạo miễn phí nghề nông cho con em nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, những “thanh nông tri điền” để quản lý các trang trại sản xuất hàng hóa theo GAP và các hợp tác xã của họ.
- Nhà nước tài trợ lãi vay ngân hàng cho các trang trại đầu tư thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao; tài trợ kinh phí chứng nhận GAP cho các hợp tác xã và trang trại trong ba năm đầu.
- Nhà nước tài trợ kinh phí giáo dục làm thay đổi nhận thức và hành vi ứng xử của dân cư nông thôn trong sản xuất, đời sống và bảo vệ môi trường.
4.4 Đối với nền kinh tế nói chung
- Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch xây dựng các khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ - dân cư phi nông nghiệp, tạo thành các khu đô thị nhỏ ngay trong lòng mỗi vùng, tiểu vùng nông nghiệp sinh thái để: (i) phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; (ii) sử dụng sức lao động nông nghiệp dôi dư do tích tụ, tập trung ruộng đất và cơ giới hóa; (iii) thực hiện đô thị hóa nông thôn.
Kiên quyết không để diễn ra quá trình di dân tự phát từ nông thôn ra các đô thị lớn như hiện nay.
- Nhà nước cùng các doanh nghiệp phi nông nghiệp thực hiện chính sách đào tạo nghề phi nông nghiệp miễn phí cho nông dân đã rời bỏ đồng ruộng, chuồng trại.
- Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế và tài trợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu đô thị mới trong nông thôn, cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, đặc biệt ưu đãi khi doanh nghiệp sử dụng sức lao động tại chỗ theo phương châm “ly nông, bất ly hương”.
Các giải pháp nêu trên phải được thực hiện đồng bộ dưới sự điều hành thống nhất của Chính phủ và chính quyền các cấp để phát triển nông thôn bền vững, đạt các mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa của cư dân nông thôn. Đó chính là mô hình phát triển theo lý thuyết “Kinh tế nhất nguyên”.
Tháng 9-2013
LÀM THẾ NÀO ĐỂ NÔNG DÂN CÓ THỂ TRỞ THÀNH CHỦ THỂ ĐÍCH THỰC
CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN HIỆN NAY?
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, nền nông nghiệp nước ta còn chiếm 18% GDP hằng năm của cả nền kinh tế, nhưng phải sử dụng 59,8% lực lượng lao động xã hội để nuôi sống khoảng 68% dân cư của cả nước. Mấy con số này đã khái quát tình trạng hiện nay là: nông dân còn cực khổ, nông thôn còn rất nghèo, nông nghiệp còn rất lạc hậu. Vậy làm thế nào để nông dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của họ, xóa bỏ dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa nông thôn và đô thị?