Xét trên khía cạnh tài chính

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY: NHỮNG TRĂN TRỞ VÀ SUY NGẪM (Trang 129 - 132)

XÃ VÀ LIÊN KẾT SẢN XUẤT

II. DOANH NGHIỆP LÀ MỘT HỆ THỐNG KINH TẾ

3. Xét trên khía cạnh tài chính

Đối với doanh nghiệp tư nhân nói chung, dù tồn tại dưới hình thức nào, doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn hay doanh nghiệp trách nhiệm vô hạn, lợi nhuận sau thuế thuộc quyền sở hữu và định đoạt của chủ sở hữu (hay các chủ sở hữu). Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam bấy lâu nay, lợi nhuận sau thuế do ai định đoạt? Lợi nhuận sau thuế đương nhiên là do chủ

sở hữu là Nhà nước định đoạt, nhưng chế độ tài chính hiện hành lại “giao quyền tự chủ” cho doanh nghiệp mà cụ thể là người đứng đầu doanh nghiệp như Chủ tịch hội đồng quản trị và hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty hay Tổng giám đốc (giám đốc). Vì lẽ đó, các doanh nghiệp nhà nước có lợi nhuận cao, mà phần lớn nhờ những ưu đãi về chính sách tín dụng, thuế, đất đai, hay vị trí độc quyền kinh doanh, do lợi thế kinh doanh của các ngành khai thác bán tài nguyên như dầu khí, hay do thị trường như trồng cao su, chứ không phải do năng lực quản lý cao mang lại, đã “phát huy tính năng động, tự chủ” bằng cách sử dụng lợi nhuận sau thuế đem đi đầu tư dần trải sang cả những lĩnh vực “sở đoản”, nhiều rủi ro, như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản như ta đã thấy. Cũng trong khuôn khổ đó, PetroVietnam và Vinaline sẽ sử dụng lợi nhuận và có khi cả vốn của mình để nuôi “mấy đứa con ốm yếu” vừa tiếp nhận từ Vinashin.

Do vậy, nguồn thu của ngân sách nhà nước bị thiếu hụt, trong khi nợ công ngày càng tăng cao. Cuối cùng, nguồn thu ngân sách nhà nước chỉ còn trông chờ chủ yếu từ thuế thu nhập của doanh nghiệp dân doanh, thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân, tức là thu từ người dân (doanh nghiệp dân doanh cũng là của dân). Ấy vậy mà ngân sách nhà nước lại phải cung ứng cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ như Vinashin dưới nhiều hình thức, cấp vốn, bảo lãnh tín dụng, cho vay bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ...

Tất cả những khiếm khuyết của doanh nghiệp nhà nước, mà Vinashin chỉ là một ví dụ điển hình, khiến người ta phải xem xét lại “vai trò chủ đạo” của doanh nghiệp nhà nước. Xét về lâu dài và toàn cục, không một nước nào có doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả hơn doanh nghiệp dân doanh. Doanh nghiệp nhà nước chỉ hoạt động tạm thời ở một không gian nhất định, trong một lĩnh vực nào đó mà tư nhân chưa đầu tư vì hiệu quả kinh doanh thấp, với quy mô hợp lý vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Khi điều kiện chín muồi, tư nhân sẵn sàng đầu tư vào những lĩnh vực và vùng lãnh thổ này thì Nhà nước phải rút vốn đầu tư của mình ra để chuyển sang các lĩnh vực và vùng lãnh thổ cần thiết khác để phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, bằng các hình thức tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tháng 7-2010

TÍCH TỤ, TẬP TRUNG RUỘNG ĐẤT, TRANG TRẠI VÀ NÔNG DÂN

Nông thôn, nông nghiệp đang cần có một chính sách vĩ mô vừa mang tính đột phá kiểu “cởi trói” như Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (tháng 4-1988), thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ sản xuất, vừa mang tính “thúc đẩy”

mạnh mẽ, tạo ra bước phát triển mới về chất, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Theo tôi, đó là chính sách tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” (contract farming) và chính sách giáo dục - đào tạo, khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân trẻ có học thức - những “thanh nông tri điền”. Nông nghiệp ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhưng hiện nay, trong giới học thuật cũng như trong giới hoạt động thực tiễn, còn có những nhận thức khác nhau, nên chưa có sự đổi mới chính sách vĩ mô một cách triệt để, nhanh chóng.

Có quan điểm cho rằng, tích tụ, tập trung ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh - lĩnh canh, địa chủ - tá điền. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng tích tụ, tập trung ruộng đất là tất yếu khách quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy, bản chất của tích tụ, tập trung ruộng đất là gì? Vai trò của nó trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp như thế nào? Những lo sợ về sự phát sinh tiêu cực do tích tụ, tập trung ruộng đất gây ra có thật hay không?

Có quan điểm cho rằng, tuy là kết quả của tích tụ, tập trung ruộng đất, nhưng trang trại chỉ là hình thức phát triển cao hơn của kinh tế nông hộ, nên không sợ phát sinh các tiêu cực như nêu ở trên. Do đó trang trại như là một

“mô hình” mới trong nông nghiệp cần được Nhà nước ưu đãi, khuyến khích. Vì thế, các cơ quan công quyền đặt ra tiêu chí trang trại để xác định một hộ nông dân có phải là trang trại hay không. Ví dụ, một hộ canh tác từ 3ha cây trồng hằng năm hay đạt doanh số 100 triệu đồng/năm trở lên được gọi là trang trại, nhưng đối với trồng hồ tiêu thì chỉ cần 0,5 ha/hộ, còn trồng cây công nghiệp lâu năm thì phải có từ 30 ha/hộ trở lên mới được gọi là trang trại.

Lôgích tư duy kiểu định lượng rồi mới định tính như thế đã biến hàng ngàn trang trại thực chất là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông nghiệp thành kinh tế nông hộ, không bị Luật doanh nghiệp chi phối, không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng lẽ ra phải định tính,

“nó là cái gì” rồi mới định lượng “nó to hay nhỏ”.

Người ta còn đưa ra khái niệm nông dân không đất để chỉ những người làm thuê trong nông nghiệp cho các chủ trang trại và không coi họ là công nhân nông nghiệp.

Còn những người làm thuê trong các nông, lâm trường quốc doanh lại được coi là công nhân nông nghiệp! Có người còn đưa ra khái niệm “gia trại” như là hình thức quá độ từ kinh tế hộ sang trang trại. Kiểu tư duy này không dựa trên bản chất kinh tế - xã hội của các sự vật và hiện tượng khách quan trong các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động nông nghiệp nói riêng, mà hoàn toàn cảm tính, võ đoán.

Vậy, tích tụ, tập trung ruộng đất là gì? Trang trại là gì? Nông trường, lâm trường là gì? Nông trang là gì?

Chúng khác nhau thế nào? Nông dân, họ là ai? Họ là chủ trang trại, là các thành viên của nông hộ, là “tá điền” hay là người làm thuê trong nông nghiệp? Nông dân chỉ có thể là những người trực canh? Cần giải đáp có căn cứ khoa học các câu hỏi này để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách vĩ mô của Nhà nước.

1. Tích tụ, tập trung tư bản là sự gia tăng quy mô vốn kinh doanh trong một đơn vị kinh doanh (doanh nghiệp) để có thể đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý, để tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô, nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trên thương trường, nhờ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là một dạng tích tụ, tập trung tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp, vì ruộng

đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp. Nhưng do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học, nên tích tụ, tập trung ruộng đất nói riêng và tích tụ, tập trung tư bản nói chung trong nông nghiệp khác hẳn với tích tụ tư bản trong công nghiệp. Quá trình tích tụ, tập trung tư bản trong công nghiệp hình thành các doanh nghiệp cực lớn, các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, đa sở hữu, đa ngành nghề, với cơ cấu công ty mẹ với nhiều công ty con, công ty cháu... vươn rộng hoạt động trên phạm vi toàn cầu, tận dụng triệt để lợi thế kinh tế theo quy mô, để tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Còn trong nông nghiệp thì không hoàn toàn như vậy. Lợi thế kinh tế theo quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp là có giới hạn, do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học quy định.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VIỆT NAM HIỆN NAY: NHỮNG TRĂN TRỞ VÀ SUY NGẪM (Trang 129 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(212 trang)