Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.4. Thể chế về nhân viên công tác xã hội
1.4.1. Quan điểm, chính sách của Đảng về nhân viên công tác xã hội
Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định: “Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ASXH, giảm tỉ lệ hộ nghèo; cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 cũng nhấn mạnh: “Nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp; nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện được hưởng trợ giúp xã hội. Tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội. Củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển mô hình chăm sóc người có HCĐB tại cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào triển khai các mô hình chăm sóc người cao tuổi, trẻ em mồ côi, người khuyết tật, nhất là mô hình nhà dưỡng lão”[13]. Thể chế quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tại Điều 34, Điều 59 khẳng định
"Công dân có quyền được bảo đảm ASXH; Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống ASXH, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác"[28].
Thực tế, muốn bảo đảm ASXH, thực hiện được bình đẳng về cơ hội thụ hưởng phúc lợi xã hội, chúng ta phải giải quyết tốt những vấn đề của xã hội hiện nay như: bảo vệ, chăm sóc trẻ em có HCĐB; chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc người khuyết tật; phòng, chống tệ nạn xã hội; chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe tâm thần, giáo dục học đường, hỗ trợ tâm lý xã hội, pháp luật cho những người có nhu cầu ... Theo thống kê, hiện nay số người có vấn đề xã hội trên cả nước lớn, chiếm trên 20% tổng dân số, trong đó có khoảng 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có HCĐB, 9,6% hộ nghèo, 6,57% hộ cận nghèo, hơn 200.000 người nhiễm HIV được phát hiện, gần 180.000 người nghiện ma tuý, hơn 15.000 người bán dâm; 22% gia đình có bạo lực và 21,1%
phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc, giáo dục con cái, căng thẳng vì nghèo khổ, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang, tệ cờ bạc, trộm cắp, tội phạm...) [3]. Tất cả các vấn đề trên đều rất cần sự can thiệp của CTXH và chỉ có thể giải quyết tốt được khi CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp và có một đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Nhu cầu cần có một đội ngũ cán bộ CTXH chuyên nghiệp và CTXH phải trở thành một nghề đang là một nhu cầu cấp bách hiện nay của nước ta.
1.4.2. Cơ sở pháp lý về nhân viên công tác xã hội
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, đã có một số văn bản pháp lý về nhân viên CTXH được ban hành như: Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 quy định chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 8/11/2010 quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; Thông tư số 07/2013/TT- BLĐTBXH ngày 24/5/2013 hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã;
Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó, lần đầu tiên quy định về chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức CTXH; Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/8/2015 của Bộ LĐTBXH và Bộ Nội vụ Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH (Thay cho Thông tư 08 và Thông tư 34 trước đó).
Theo quy định của các văn bản này, đội ngũ làm nghề CTXH được công nhận bao gồm: CTXH viên chính, CTXH viên, CTXH viên cao đẳng, nhân viên CTXH, CTXH viên sơ cấp. Đội ngũ này được xếp vào hệ thống viên chức (gọi chung là viên chức chuyên ngành CTXH), được quy định cụ thể về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp - Trong đó, CTXH viên chính (hạng II, Mã số:
V.09.04.01), CTXH viên (hạng III, Mã số: V.09.04.02) và Nhân viên CTXH (hạng IV, Mã số: V.09.04.03). Các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với từng chức danh được quy định khá cụ thể và chi tiết[2].
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể hệ thống văn bản pháp lý về nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh và hệ thống hóa, chưa tương xứng để phát triển một nghề chuyên nghiệp, chưa có văn bản pháp lý ở tầm cao như luật, pháp lệnh, thậm chí nghị định. Nhân viên CTXH chưa được quy định vị trí việc làm trong những ngành nghề cần thiết phải có người làm CTXH như y tế, giáo dục, tư pháp, công an, các đoàn thể, các tổ chức xã hội… Việc áp dụng mã số, chức danh, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CTXH còn nhiều bất cập.
Vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật, luật liên quan như Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật trẻ em.... Chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, nhân viên CTXH làm việc trong các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được ban hành; sự phối hợp liên ngành còn hạn chế vì chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng; chưa có cơ sở pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm CTXH cấp tỉnh và các văn phòng CTXH.